Thám hiểm Nghệ An năm 1896 – 1897 (Kỳ 4)

Pierre Francois Sauvaire De Barthélemy
27/12/2022

Chúng tôi mất hơn 2 giờ rưỡi để vượt qua một thác nước cao 20 mét và sau 2 đến 3 lần di chuyển, cuối cùng chúng tôi đến được Ta Đo(15), chính nơi đây là điểm khởi đầu con đường đến Xiêng Khoảng. Viên Đội (garde principal) báo cho chúng tôi biết trước rằng có một đồn lính thuộc Trấn Ninh được tách ra ở đây.


Ngày 14 tháng 2
Trở lại Tam Chuông, thượng nguồn sông Cả, người Mường
Chiếc Samaran đến đây không còn hữu dụng nữa, theo lệnh của chúng tôi, nó được trả về cho Tòa Công sứ. Chúng tôi dùng một đoàn thuyền tam bản để đến Tam Chuông, để tổ chức một chuyến thám hiểm đến Cửa Rào, một phái viên đã báo trước việc này cho tên Đội, trưởng đồn mà chúng tôi sắp đến.
Chúng tôi thấy lực lượng của đoàn hộ tống tăng lên do sợ, người ta kể cho chúng tôi nghe về cuộc nổi dậy của tên Khat(1) mà băng nhóm của hắn khá đông, thường chẹt của cải những vùng lân cận.
Tên Đội đến để đưa thêm một chiếc thuyền Kay, chúng tôi đứng đầu 16 tên lính, đây là một lực lượng hùng hậu của vùng. Vì thế chúng tôi phải trưng dụng 16 chiếc thuyền tam bản nhẹ và phân phát chúng cho đoàn hộ tống. 
Thượng nguồn sông Cả thực sự mang dáng vẻ rất tráng lệ và ấn tượng. Gần Tam Chuông, có một Hạ Long trên cạn, những ngọn núi đá mũi nhọn dựng thẳng đứng trên một nền đất cực kỳ bằng phẳng, nổi lên theo một cách không thể ngờ được, giống như hình hài chiếc đũa của một bà tiên. Vùng đồng bằng gây tò mò này trải dài hút mắt, để rồi sau đó co cụm lại giữa những cánh rừng và những ngọn núi. Ở đó, bắt đầu dòng chảy mạnh của con sông Cả, rồi con sông sẽ bị kẹp giữa hai bờ dốc đứng, gầm thét trên những phiến đá và được bao phủ bởi dải thực vật dầy và từ dải thực vật này, trồi lên những đỉnh núi và tạo thành mái vòm trên lòng sông(2). 


Dù giao thông khó khăn nhưng dòng sông không phải ít người qua lại, trong khi đi trên dòng sông thì chúng tôi bắt gặp những bản làng được dựng lên trên những bè tre. Những bè tre yếu ớt này sẽ đưa hầu hết những gia đình ở đây đi làm lúa tận trong núi. Khi tìm được một vùng đất ưng ý, người ta sẽ neo đậu ở một nơi nào đó trên bờ của con sông và định cư. Như vậy, lâu dần, dòng chảy của con sông sẽ mang lại mùa màng và sự giàu có của rừng đến tận Vinh hoặc trong một vài ngôi làng ven sông, mà với họ, những cuộc viễn du trong núi là nguồn thu nhập chính. Chẳng được bao lâu thì của cải này bị tiêu tan bởi người Trung Quốc và bọn gian thương. Người dân lao động nơi đây lại phải bắt đầu một quá trình tích lũy của cải và còn dâng tặng cho hai kẻ tạp ăn gặm nhắm những thành quả lao động chân chính của họ. 
Chính ở Leik- Djiao(3) chúng tôi mới bắt đầu gặp những bản làng của người Mường. 
Từ “Mường” hoặc “người Mọi - người miền núi” là để chỉ tất cả các chủng tộc sống ở trên núi An Nam. Những chủng tộc sống trên núi ở khu vực sông Cả là chủng tộc lai giữa người Lào và người An Nam, do một trong nhiều trường hợp hôn phối giữa người da vàng với người A- ri- an tạo nên. Sự đa dạng về cá thể dẫn đến người Mường to cao và khỏe khoắn hơn người Kinh, thân thể vạm vỡ giống như người A- ri- an, nhưng mắt xếch và khuôn mặt vuông cạnh hơn người da vàng. Mặc dù người Mường gần giống với người Kinh, nhưng chúng tôi nhận thấy tính cách của họ hoàn toàn khác nhau. Người Mường trông có vẻ thô kệch, phong tục tập quán còn mọi rợ nhưng rất thuần khiết, có tính độc lập cao, ít chủ động và rất ít vụ lợi, tiền không cám dỗ được họ. 
Trưởng bản không có nhiều quyền lực trước người dân, nhưng trong giới hạn gia đình, người cha hay người lớn tuổi lại rất được tôn trọng. Đối với người Mường, việc xỉ nhục phụ nữ hay trẻ em trong cộng đồng của họ là một hành vi rất khinh suất. Nó khiến cho bậc làm cha làm mẹ căm phẫn và dẫn đến những hành động trả thù, thường là dẫn đến chết chóc. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến đa số viên chức của chúng ta trên vùng núi phía Bắc phải trả giá bằng cả tính mạng. Nói tóm lại, người Mường có tất cả những khuyết điểm của người dân tộc, nhưng cộng đồng người không văn minh này có lòng tự tôn, có bản năng tôn giáo và tuyệt đối giữ lời.
Trang phục của người Mường, đối với đàn ông thì họ có trang phục giống  người Kinh, đối với phụ nữ thì họ mặc váy giống phụ nữ Lào. Cũng giống như phụ nữ Lào, phụ nữ Mường hầu như ngày nào cũng ngồi dệt vải trên ban công nhà, đó là kiểu nhà sàn thông thường ở trên núi, sàn nhà được chống đỡ bởi cột tre, cách mặt đất từ 2 đến 3 mét. Chài lưới, săn bắn, thi thoảng buôn bán nhỏ lẻ với người Kinh và trồng lúa trên núi là nghề nghiệp đơn thuần và là kế sinh nhai của người Mường. Người Mường có một cuộc sống tương đối thoải mái so với nhu cầu ít ỏi của họ. Họ có được cuộc sống như vậy là nhờ vào sự phong phú của rừng và họ khai hoang bằng những cách thức thô sơ và đốt rừng. Hiện tại, thật sự rất khó để tuyển dụng người Mường vào làm một công việc nghiêm túc. Trưng dụng và sử dụng các biện pháp chuyên quyền khác là cách duy nhất để ép buộc họ lao động. Nhưng mà người Âu không thể đạt được mục đích vì khoảng cách giữa các đồn của chúng ta dẫn đến việc thiếu kiểm soát và chúng ta thấy toàn bộ những bản làng ẩn sâu trong núi. Hầu hết ở trong các bản người Mường này, chúng tôi nhận thấy một sự ngờ vực lớn, lộ ra sự sợ hãi hiện ra và thiếu niềm tin đối với lời nói của chúng ta, điều này không tôn vinh những người tiền nhiệm của chúng ta. 
Tính cách này rõ ràng được hình thành do những mối quan hệ đầu tiên của người Mường với người Âu, những nhà nhân đạo thiển cận vĩ đại của chúng ta nhanh chóng buộc tội những nhà thám hiểm tiên phong là dã man tàn bạo nhất, tuy nhiên đó là hệ quả của sự kém hiểu biết mà những nhà nhân đạo hiểu về những người tiên phong.
 Người Kinh có thói quen ăn cắp và đánh lừa người Mường càng ngày càng nhiều, nhưng họ lại sợ người da trắng. Nếu như nhà thám hiểm giám sát chặt chẽ đoàn hộ tống của mình thì những cố gắng nỗ lực để tiếp cận gần hơn với người Mường sẽ hoàn toàn vô ích. Nhà thám hiểm sẽ thấy họ cảnh giác, mờ ám, sẵn sàng nổi dậy.
Từ khi được giao cho việc nghiên cứu tính cách của tất cả các dân tộc miền núi ở An Nam, đối với chúng tôi, người Mường hiện ra như thế.
Về mặt tinh thần, người Mường hơi khác với người Mọi ở phía Nam. Chúng tôi nhận được thiện chí của họ với điều kiện chúng tôi phải sử dụng một cách thận trọng những người phiên dịch chán ngắt nhưng rất cần thiết khi chúng tôi ở bên cạnh người Mường.
 Tôi chỉ có thể thiết lập được mối quan hệ thật sự với người Mường ở sâu bên trong rừng núi, họ là những người rất sợ người Kinh và sợ đối mặt với những người có vũ khí. Nhưng sau đó, được đoàn hộ tống và người phiên dịch biết cách cư xử, phiên dịch một cách trung thực, họ tỏ vẻ phục tùng, dường như lòng hiếu khách của họ đã thể hiện rõ, chúng tôi cảm nhận được sự an toàn hơn khi ở đây so với những nơi mà người Kinh hoặc người Âu thâm nhập vào. 
Về tôn giáo, người Mường chỉ tin vào thần linh, họ công khai việc thờ cúng tổ tiên của mình một cách sâu sắc, chúng tôi không biết người Mường quá coi trọng phong tục của họ.
Hai bên bờ sông Cả và Nậm Mộ, những túp lều dựng lên trên một không gian chật hẹp. Trong mỗi túp lều ấy đều có một không gian nhỏ được ngăn bởi một vách ngăn(4) độ chừng 40 cm, là nơi để tro cốt và lưu giữ những ký ức về ông bà tổ tiên mà đôi khi không còn dấu tích, tuy nhiên góc này luôn được tồn tại và tôn trọng. Phải tránh ngồi vào góc này, không đi qua và cũng không được đặt bất cứ một đồ vật gì ở đây. 
Một ngày nọ, do vô tình, cũng có thể do những lời dặn dò nghiêm khắc của tôi, hoặc do cố ý, những chàng trai người Kinh đã đặt cái rương ở chỗ này. Chủ nhà đến gặp tôi để chào hỏi, quỳ lạy nhiều cái, tiến lại gần nơi tôn nghiêm, anh ta muốn làm cho chúng tôi hiểu rằng chúng tôi thiếu sự tôn trọng ở những nơi thiêng liêng, đối với anh ta đó là một điều rất quan trọng. Tôi thận trọng đến nhấc cái rương ra khỏi nơi tôn nghiêm và người đàn ông tội nghiệp kia, sau một đêm thức trắng để cầu nguyện, ngày hôm sau phải cúng hai con gà cho những vong linh. Những bản Mường quan trọng mà tôi đã gặp ở sông Cả đó là các bản Ben Thuong(5) và Kênh Tráp(6). 
Tại Kênh Tráp, có một nhà truyền giáo. Về mặt tôn giáo, nếu như ông ta chỉ cải đạo được một số ít người Mường, là bởi vì, cũng giống như tất cả người Âu, ông ta bị người Kinh vây quanh, điều tất yếu tồi tệ này gây bất lợi cho việc thâm nhập nhanh chóng vào quần chúng cư dân miền núi. 
Sự truyền giáo bằng tâm hồn phong phú hơn bằng văn hóa. Một số người Mường ở bản Kênh Tráp dường như ít hồ hởi với công việc. Mặc dù vậy, cha xứ lại cho rằng khí hậu ở đây thật sự trong lành và vùng đất này rất tuyệt vời để trồng trọt. Những cây táo được gửi từ Pháp về đã có mặt tại đây, dự tính nó sẽ đơm hoa kết trái vào vụ thu hoạch. Chúng tôi hy vọng rằng sứ mệnh này có thể phát triển nhờ vào sứ mệnh truyền giáo, chúng tôi đến vùng đất này là để làm cho người Mường hiểu được lợi ích của việc lao động. Nhưng than ôi, thực tế cho thấy rằng những người này quan tâm đến việc mua thuốc phiện và rượu hơn là chờ đợi thành quả lao động. Đây cũng là một tiến trình nhân đạo mà các nhà cầm quyền của chúng ta đã dành cho những người lệ nông. Theo quan điểm thực dân, còn gì đáng khinh và kém hiệu quả hơn việc tiêu diệt các chủng tộc Mường bởi kẻ đạo đức giả nhưng lại lấy cớ là tôn trọng nhân quyền? Đối với những người không chịu làm việc, tốt nhất là không nên trưng dụng họ, ngay cả những người cứng đầu nhất, không nên dùng biện pháp mạnh để buộc họ phải chấp nhận tục lệ của chúng ta mà nên lấy cớ nhân đạo để thúc đẩy họ lao động. Chúng ta phải biết tìm cách để dân chúng biết suy nghĩ, chủ nhân của đất nước phải biết chuẩn bị cho tương lai và chúng ta cũng đừng sợ hãi, ít nhất là trong quá trình thực dân, sự rườm rà và những câu nói có tác động của một số nhà tư tưởng ở chính quốc.
Giữa Kênh Tráp và Cửa Rào có một số bản làng nằm rải rác do một nhóm các hộ gia đình tạo nên, mối quan hệ giữa các gia đình này rất thân thiết với nhau.
Ông M.B, được bố trí làm trưởng đồn ở Cửa Rào. Từ Kênh Tráp đến Cửa Rào đi bộ mất hết một ngày. Cửa Rào là trạm cao nhất trong vùng, là nơi đặt cột mốc con đường đi Xieng - Khoang. Mục đích của trạm là thiết lập dần dần những con đường giao thông từ cao nguyên tuyệt đẹp Trấn Ninh và biển. Chúng tôi đã gặp nhiều trở ngại khi đến đây nên chúng tôi nhận định rằng đây là một nhiệm vụ rất khó khăn do địa hình và điều hướng. Vì vậy chúng tôi chỉ đi phần đường đã biết và có tính thương mại trên tuyến đường của chúng tôi.
Đồng hương của chúng tôi rất vui mừng đón tiếp chúng tôi vì đã nhiều tháng nay họ không thấy một người Âu nào. Chúng tôi gặp phải nhiều khó khăn trở ngại trên đời nên đã dùng hết những gì mà chúng tôi mang theo, của cải của người đồng hương có được phải nói là khiêm tốn, vậy mà chúng tôi còn dẫn theo cả một đoàn người. Và một ngày, anh ta nói: “Các ông có thể phải ở trên đường lâu hơn, thế mà các ông không nghĩ rằng cần phải tích trữ đồ dự phòng?”. Tôi trả lời : “Tôi quen sống với người bản xứ”. Và chúng tôi giới thiệu với anh ta những gì mà chúng tôi có: Súng trường, đạn và rằng Lào có nhiều thú săn. Và chúng tôi phải đợi cả hai ngày để ông B gom đủ số thuyền độc mộc để chúng tôi đi Nậm Mộ.


Trong thời gian lưu trú ở đây, chúng tôi thấy có một bức thư được viết trên lá chuối, cuộn tròn trong thân tre gửi đến cho chủ nhà của chúng tôi. Đó là bức thư thông báo thủ lĩnh của cuộc nổi dậy, tên Khats đã đầu hàng, người mà Công sứ lo sợ sẽ tấn công chúng tôi. Tò mò vì muốn biết bản chất của sự cướp bóc xảy ra trong vùng, chúng tôi hỏi ông B, ông ta đã thừa nhận với chúng tôi loại đàn áp mà ông ta đã làm. Tôi có thể báo cáo sau về tính đúng đắn tuyệt đối của lời khẳng định này. 
Người Khats (hay còn gọi là người Mường), làng nào cũng có, nhưng họ ít có quan hệ với nhau. Không có nhiều nhu cầu, họ sống dựa vào buôn bán nhỏ lẻ, làm nông nghiệp thô sơ và săn bắn. Khi một bản bị mất mùa, cần thiết thì bản này qua bản bên để xin viện trợ, nếu bản bên từ chối, thì tuyên chiến xảy ra và có hai giải pháp: hoặc là bản giàu có phải nhường lại một ít thóc lúa hoặc bản nghèo bị đập bỏ và bị đuổi ra khỏi vùng. Về mặt kinh tế của tỉnh, Công sứ tìm cách ngăn chặn tình trạng tồi tệ này. Bất chấp mệnh lệnh của chính quyền và do nhu cầu thúc đẩy, các cuộc nổi dậy tấn công bản bên vẫn diễn ra, không thể chống cự được với lính của chúng ta, những người Mường này phải phục tùng. 
Thật không may, việc buôn bán không đủ để cho người Mường tồn tại, vì vậy mà họ phải đi cướp bóc xa, nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền để sống. Những cuộc trấn áp người Mường của chúng ta cũng ít được nghiên cứu kỹ lưỡng, để hiểu rõ về họ thì điều cần thiết là phải biết về địa vị xã hội của họ. Đối với dân chúng còn nằm dưới chế độ phong kiến thì nên trao quyền lực cho người đứng đầu để họ tập trung một số bản làng lại và chúng ta cần tạo ra các lãnh chúa vĩ đại để đi đến giai đoạn phát triển này, xưa kia các lãnh chúa đã đưa ra những tôn chỉ về một dân tộc được thành lập. Chỉ sau đó, nhà cầm quyền của chúng ta siết chặt những người không đầu hàng và để họ sống cố định trên đất liền, chúng ta có thể đi đến một thời kỳ khai hoang. Câu chuyện ở đây cho chúng ta hiểu rằng từ dân tộc này đến dân tộc khác, hệ thống không thay đổi(7).
Ngày 20 tháng 2
Nậm Mộ, ranh giới của tỉnh Nghệ An
Sau 2 ngày ở lại Cửa Rào và sông Cả, chúng tôi rời khỏi nơi này để lên Nậm Mộ, đó một buổi sáng mưa phùn, thời tiết ẩm ướt và lạnh giá, nhiệt độ khoảng 10 độ C. Đến đây đoàn hộ tống không còn hữu dụng nữa vì quân phiến loạn đã đầu hàng, vì thế mà chúng tôi để đoàn hộ tống ở lại.
Để nâng cao tầm quan trọng của chúng tôi, viên Đội (garde principal) giao cho chúng tôi toàn quyền sử dụng một chiếc thuyền kay và 3 tên lính, đoàn chúng tôi có 9 chiếc thuyền độc mộc.
Chúng tôi rời Cửa Rào mà không thể nào không xúc động vì ở đó chúng tôi phải chia tay Pérignon, một người bạn của chúng tôi, anh ta quyết định ở lại với ông M.B để nghiên cứu về vấn đề cấy ghép cây cao su(8). Người ta đã phát hiện sự tồn tại của cây cao su ở trong rừng của con sông Cả, và kể từ đó, loại cây này trở thành đối tượng để khai thác. Một thực dân đã chuyển đến gần Vinh và người này đã có được những cây cao su từ người Mường.
Chúng tôi dùng chiếc khăn mouchoir vẫy chào rất lâu người bạn của mình lần cuối và hy vọng anh ấy sẽ thành công trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau đó, chúng tôi khuất dần trong những khúc uốn quanh co của con sông Nậm Mộ. Trước mặt chúng tôi là một vùng đất thú vị và ít người lui tới.
 Tôi háo hức ghi chú lại địa hình, dòng chảy của con sông càng chính xác càng tốt.
Không có gì tuyệt vời bằng khi chúng tôi đi thuyền trên dòng chảy tràn trề đầy bọt nước. Dòng chảy mạnh, liên tục trên những ghềnh đá, đôi khi cụm lại trong những khe đá chật hẹp có bề rộng độ chừng 20 mét. Việc điều hướng trên sông trở nên phi thường, đó là một cuộc chiến chống lại dòng chảy dữ dội.
Những người chèo thuyền hoàn toàn khỏa thân, cất tiếng kêu man rợ trong dòng nước cao đến thắt lưng, họ leo lên những chiếc thuyền nhỏ mỏng manh yếu ớt, một trong số những chiếc thuyền bị lật, chiếc thuyền con bị vỡ ra nghìn mảnh trên đá. 
Trời mù sương xen lẫn với mưa phùn buồn, những giọt mưa rơi đều đặn buộc chúng tôi phải mặc áo choàng và đắp chăn bông. Chúng tôi phải rời những chiếc thuyền độc mộc và chuyển hành lý của mình không dưới một lần, sau đó những người đàn ông phải kéo những chiếc thuyền con trống rỗng bằng sợi dây nhỏ, nó cũng nặng như sức mạnh dòng chảy của nước. Để biết được chính xác về các dòng chảy ở Nậm Mộ mà tàu thuyền có thể điều hướng được thì cần phải hiểu điều này giống như một người điên rồ nào đó đi thuyền trên dòng chảy của Pyrénés.
Sau bản làng BanKôo(9) là thượng nguồn Nam - Khien(10), phong cảnh trở nên lý tưởng. Đó là một hẻm núi sâu bao quanh là rừng với những dây leo rủ xuống, có những cây mà cành của nó vươn dài đến vực thẳm. 
Ở đây có hàng ngàn chú chim màu sắc sặc sỡ đang nô đùa và chúng đã cất tiếng kêu như để phản đối sự xuất hiện của chúng tôi. Những chú chim nhảy vào các lùm cây nhũ hương hai bên bờ sông làm cho những đóa hoa hồng xinh đẹp rơi xuống dòng nước và bị cuốn đi nhanh chóng. 
Chúng tôi thường bắt gặp những bản làng sinh sống trên bè nằm rải rác ở một vài đoạn của con sông, họ là người Mường hoặc là người An Nam chuẩn bị đi làm rẫy(11). 
Ở Ban - Kôo, chúng tôi bắt đầu chứng kiến tình trạng bệnh tật kinh hoàng, đó là căn bệnh bướu cổ.
Căn bệnh này đang hoành hành ở đây giống như ở đất nước chúng ta vậy và có lẽ nó đã bị bóp méo hơn theo một cách nào đó.
Những chiếc thuyền độc mộc của chúng tôi đã đổi hướng khi đi qua một thác nước để tham quan bản làng Ban Kouan(12) kỹ hơn, chúng tôi tìm cách nghiên cứu sâu hơn về đời sống riêng tư của người Mường. Bây giờ là 1 giờ chiều, một vài phụ nữ và tất cả những người đàn ông tráng kiện đang làm rẫy. Công việc của những bà nội trợ cũng là đối tượng để chúng tôi quan sát.
Dưới ban công nhà, một bà lão, một phụ nữ trẻ và một bé gái giã gạo trong chiếc cối được làm từ thân cây, đó cũng là cách mà người Mường tiến hành bóc vỏ lương thực yêu thích nhất của họ.
Xa hơn một chút, một ông lão hút tẩu thuốc dài làm bằng cây mây ngồi canh những người giã gạo. Chúng tôi nói với ông lão về ý định muốn mua một trong những con lợn thả rông trong bản của họ để làm thức ăn cho chúng tôi. Gọi người phiên dịch đến, chúng tôi bắt đầu cuộc thương thảo. Người Mường cúi đầu để thể hiện sự tôn trọng, giữ thái độ trầm tư suy nghĩ. Sau năm phút suy nghĩ, ông ta buồn bã gật đầu giống như thể chúng tôi đề nghị ông một việc khó khả thi.
Chúng tôi nhấn mạnh là: “chúng tôi muốn trả tiền con lợn và đưa số tiền đó cho ông”. Ông cười nhưng dường như ông đứng sững bất động. Ông ấy trả lời: “tôi không thể, không có đâu” như thể là những câu trả lời rập khuôn trên môi. Không đủ kiên nhẫn, vậy là tôi đã tóm lấy một trong những con lợn. Người bản xứ nhìn chúng tôi làm điều đó mà vẫn giữ được thái độ bình tĩnh. Điều gì đã xảy ra trong đầu óc ngu muội này? Tôi không thể diễn tả được điều đó bởi vì nét mặt của ông ta rất dửng dưng với những gì đã xảy ra trước mắt. Tôi cho ông ta tiền và chỉ cho ông con lợn bị trói, ông từ chối nhận tiền, cười và ra hiệu cho những người phụ nữ chạy trốn, họ khiếp sợ thái độ của chúng tôi. Chỉ một mình ông ta ở lại, tôi nói với ông ta là tôi sẽ lấy con lợn và không trả tiền nếu ông ta từ chối nhận tiền. Ông ta trả lời một cách đơn giản “hãy lấy đi”.
Chà, cái ông này đã tặng cho chúng tôi một món quà đó là làm cho chúng tôi tức giận. Những người trong đoàn của chúng tôi đói bụng, chúng tôi chất con lợn lên thuyền.
Trước cảnh tượng này, ông ấy lặng lẽ bỏ đi mà trên khuôn mặt không thể hiện một chút cảm xúc. Sau đó, tôi hiểu ra rằng chúng tôi đã phạm phải một sai lầm, chúng tôi đang ở một nơi mà nơi đó tiền không có giá trị, vì không biết sử dụng nên người đàn ông này không muốn nhận tiền. Nếu như tôi tặng cho ông ta một vài mảnh vải hoặc là một vật trao đổi nào khác thì người Mường đã đồng ý. Ông ta thích nhìn tôi lấy con lợn của ông ta còn hơn là đánh lừa ông ấy. Nếu như chúng tôi chiếm đoạt một cái gì đó có giá trị hơn theo cách nhìn của họ thì chúng tôi có thể bị những người Mường có vũ khí truy đuổi và buộc chúng tôi phải đánh trả để chống lại bản làng, đối với người Âu, đó là cách cư xử chẳng mấy được ưa.
Khi tôi đưa tiền cho người hộ tống để nhờ anh ta trả công cho mấy người chèo thuyền, tôi thấy rõ là họ rất ngạc nhiên. Bởi chưa bao giờ họ gặp chuyện tương tự, chưa bao giờ công chức đi công tác mà phải trả tiền cho những người hộ tống. Người Mường hiểu rõ chế độ trưng dụng; nhưng trưởng bản chỉ có quyền thật sự đối với cộng đồng người trong bản của họ. Thường thì rất khó để có thể tìm được nhiều người hộ tống cho một chuyến thám hiểm. Người Mường chẳng thể hứa trước bất cứ một điều gì và họ phải nhờ cậy đến họ hàng hoặc những người đồng minh xa xôi chứ không phải cậy đến những người thuộc cấp bởi vì ít nhiều luôn ấp ủ cuộc chiến với những người láng giềng.
Chúng tôi đến bản Muong Sin(13) vào một buổi chiều, nhìn thấy một phần của bản làng này bị đốt cháy và trơ trọi, đó là hậu quả của những bất đồng mà chúng tôi đã được nghe ở Cửa Rào. Chỉ có ba người trong bản, còn những người khác không dám trở về nhà của mình. Có thể bản làng của ngày hôm nay được xây dựng lại ở một vị trí khác: Thần linh hoàn toàn không hài lòng khi nhìn thấy họ lập bản ở đó vì vậy thần linh để cho họ bị tấn công.
Như chúng tôi đã nói, vì cuộc sống của người Mường hầu như là du canh du cư nên chúng ta có thuyết phục họ đi chăng nữa thì sẽ không có được bất cứ thứ gì của họ, thậm chí cũng không mua bán được gì.
Mỗi một bản buộc phải làm một con đường để nhanh chóng nối liền Vinh với Luang - Prabang, bởi vì vùng này đông dân hơn chúng ta nghĩ. Nhưng cần phải bố trí nhiều viên Đội (gardes principaux) trong các bản đông dân, họ là những người được chọn trong số những người hoạt động tích cực nhất và tài giỏi.
Vào chiều ngày 21, chúng tôi đến một bản làng khác, đó là bản Muong Sen(14). Dân chúng bất ngờ chạy trốn, một nửa bản đã bị phá hủy, những túp lều đã bị đốt cháy một phần, nhiều túp lều vẫn còn bày biện các vật dụng thường dùng, nghèo nàn của người Mường. Có lẽ một trong số những người chạy trốn đó chúng tôi đã được gặp ở trên bè. Vào lúc này, việc điều hướng là một trong những việc khó khăn nhất; chúng tôi phải băng qua nhiều thác nước và chắc chắn những tên cu li tội nghiệp phải tốn nhiều công sức để đưa đoàn đi bằng đường bộ giữa núi rừng. Nếu chọn cách đi như vậy thì rất khó cho những tên cu li và những con đường mòn ở trên núi không nhiều. Mặc khác, nếu đi theo dòng chảy của con sông thì sẽ chắc chắn sẽ an toàn hơn về mặt sức khỏe, chính vì lý do này mà viên đội chính thích (garde principal) thích chúng tôi đi đường Nậm Mô hơn.
Người Mường leo lên một trong những thác nước trong vùng một cách khéo léo. Để khơi thông lối đi cho những chiếc thuyền tam bản của họ trên con kênh vòng vèo, họ phải đào một cái rãnh để đưa những chiếc thuyền đi ngược dòng bằng cách kéo dây.
Chúng tôi mất hơn 2 giờ rưỡi để vượt qua một thác nước cao 20 mét và sau 2 đến 3 lần di chuyển, cuối cùng chúng tôi đến được Ta Đo(15), chính nơi đây là điểm khởi đầu con đường đến Xiêng Khoảng. Viên Đội (garde principal) báo cho chúng tôi biết trước rằng có một đồn lính thuộc Trấn Ninh được tách ra ở đây. 
Khi chúng tôi đến ranh giới của tỉnh Nghệ An thì đã 6 giờ tối, vậy là chúng tôi đang ở trong vùng của người Lào. Tên Đội trưởng đồn tiến về phía chúng tôi cùng với 4 người đàn ông, anh ta vác vũ khí cho chúng tôi, chúng tôi đến nhà của trưởng bản(16).
(Còn nữa)
(Phạm Xuân Cần sưu tầm, xác minh và giới thiệu
Phạm Thanh Biên dịch)

Chú thích
1. Khat: có lẽ là người Khơ Mú (BT).
 2. Đoạn này có thể tác giả miêu tả vùng bên sông Cả từ Cây Chanh lên đến thị trấn Con Cuông (BT).
3. Leik - Djiao: chưa rõ (có thể là một bản nằm lân cận hoặc bên trên Thuỷ điện Khe Bố về phía thượng nguồn).
 4. Đây chắc là gian thờ nhỏ (Chóng Hòng) trong ngôi nhà người Thái (BT).
5.  Ben Thuong: chưa rõ, nhưng có lẽ cũng ở gần bên Canh Tráp (BT).
 6. Kênh Tráp: có lẽ là địa danh Cánh Tráp, xã Tam Thái, Tương Dương, Nghệ An (BT).
7. Nền kinh tế: là hệ quả tự nhiên của sự tin tưởng của mỗi cá nhân vào tổ chức xã hội mà anh ta sống, những dân tộc dã man có những thiếu sót như những dân tộc hoang phí, Luang Prabang là một ví dụ. Sự biến mất của một nền kinh tế của một dân tộc là một trong những dấu hiệu chắc chắn nhất cho thấy sự vô tổ chức của xã hội đó và đó thường là dấu hiệu báo trước sự sụp đổ của nó.
8. Cây cao su: Việc nghiên cứu ươm trồng cây cao su do ông Breugnot khai sinh, chúng tôi có thể xem những thí nghiệm đầu tiên của ông tại Cửa Rào, ông ta đã mở rộng việc nghiên cứu này và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thú vị. Tại Quảng Bình, ông Delabaume chăm sóc cây cao su và thuê người bản xứ lấy mủ, tại Bình Định, gần Lào và ở Phủ Bình Khê, sự có mặt của cây cao su đã được báo cáo. Trong “la Quinzaine Coloniale” ngày 25 tháng 2 năm 1901, có ghi nhận những nổ lực của ông Breugnot và cũng kể lại những bước tiến đã đạt được trong một vài năm. Vườm ươm sản xuất cây giống được chuyển đến Cửa Rào do ông Breugnot chăm sóc, sẽ cho ra kết quả tốt, và chính ông cũng đã thừa nhận rằng ban đầu mình đã thất do những lý do sau: việc cấy ghép dây leo non, đặt trong một ống tre, cây được cấy ghép không có đủ chất dinh dưỡng để phát triển, cây trở thành thực vật và cuối cùng bị chết. Hiện nay, ông ta đang tiến hành việc cấy ghép cây trên đất, được đào xới tốt và cho ra kết quả hoàn hảo, 2.000 gốc tới đây có thể sẵn sàng cho các thực dân.
9. Ban Kôo: “Ban” là muốn nói đến từ làng trong tiếng Lào, từ này cũng được sử dụng trong người Mường. “Nam” có nghĩa là nước trong tiếng Lào. Có thể đây là Bản Piêng Cù, ở xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An - cách Cửa Rào khoảng 25 km về phía thượng nguồn (BT).
 10. Nam - Khien: có thể là Khe Kiền, hợp lưu với Nậm Mộ. Bản Piêng Cù cách điểm hợp lưu này 14 km về phía thượng nguồn nên mới được gọi là “thượng nguồn Nam Khien” chăng? (BT).
11. Rays (từ này chắc tác giả muốn nói đến từ rẫy trong tiếng Việt - BT): Những cánh đồng lúa trên núi, ở Đông Dương, người ta nghe những tiếng Rays, đó là cách trồng lúa mà không cần phải tưới tiêu, người ta hạ những cây to, sau đó đốt rừng, không xới đất, người ta gieo hạt lúa trong đống tro đã nguội. Những cơn mưa dữ dội của vùng núi đã làm cho hạt lúa ăn xuống đất. Sau một thời gian, người ta sẽ thu hoạch. Đôi khi, làng bên cạnh lợi dụng việc thu hoạch muộn, những người để ý tìm thấy chỗ gieo lúa để thu hoạch. Vì vậy, người ta chuyển đến sớm để ổn định trên một vị trí tốt và theo dõi chặt chẽ ngay khi bông lúa chín.
 12. Ban Kouan: chưa rõ.
 13.  Chưa rõ là bản nào.
 14.  Mường Xén.
 15.  Bản Ta Đo, thuộc xã Mường Típ hiện nay (BT).
16.  Nguyên văn “Ly thuong” (Lý trưởng), chúng tôi dịch là “Trưởng bản” cho phù hợp với miền núi (BT).

CÙNG CHUYÊN MỤC

Non nước xứ Nghệ

Con người xứ Nghệ

Thương hiệu xứ Nghệ