Một số định hướng và giải pháp thu hút FDI vào Hoàng Mai – Quỳnh Lưu trong bối cảnh mới
Lê Xuân Sang; Trần Thị Việt Hà
27/12/2022
Bài viết này đánh giá, làm rõ các nguyên nhân, nhân tố thúc đẩy FDI vào một quốc gia nói chung và Nghệ An/Hoàng Mai, Quỳnh Lưu nói riêng thông qua các chỉ số định lượng có thể so sánh được của Nghệ An so với 3 tỉnh Bắc Trung bộ còn lại là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình; đồng thời, so sánh các nhân tố định tính (thuận lợi, bất lợi) giữa Khu kinh tế/các khu công nghiệp Hoàng Mai, Quỳnh Lưu so với Khu Kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa, và ở chừng mực ít hơn so với Khu Kinh tế Đông Nam 1, 3 ở Nghệ An. Trên cơ sở đó, cùng với đánh giá cơ hội, thách thức trong thu hút FDI vào Nghệ An nói chung và Hoàng Mai, Quỳnh Lưu nói riêng, để đề xuất các định hướng, giải pháp thúc đẩy FDI vào địa bàn trong bối cảnh phát triển mới của địa phương và cả nước.
1. Khái lược thực trạng thu hút FDI của Nghệ An, Hoàng Mai
Trong giai đoạn 2016 - 2021 toàn tỉnh Nghệ An thu hút được 733 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 110,211 ngàn tỷ đồng (Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, 2022). Hình 1.a cho thấy, từ năm 2019 đến tháng 9/2022, Nghệ An đã có sự tăng trưởng khá rõ nét, vững bền trong kết quả thu hút FDI (đăng ký); tính cả năm 2018, khi Thanh Hóa vẫn thu hút nhiều hơn nhiều FDI, so với 3 tỉnh còn lại, thì tổng kết quả thu hút vốn FDI (đăng ký) trong gần 5 năm của Nghệ An vẫn lớn nhất, đạt hơn 1,4 tỷ USD (Hình 1). Đáng lưu ý kết quả đạt được không nhờ vào những dự án FDI cực lớn (trên 1 tỷ USD), như Thanh Hóa và Hà Tĩnh đã đạt được(1), thể hiện tính đa dạng, đa lĩnh vực các FDI có quy mô ở Nghệ An. Nhờ kết quả này, Nghệ An đã trở thành tỉnh thu hút FDI đứng thứ 10 Việt Nam tính trong 9 tháng 2022. Tuy nhiên, vị thế này có thể xô đổ nếu có các dự án đầu tư lớn có thể có trong những tháng cuối năm 2022 và trong những năm tới đây ở các tỉnh khác. Phần kế tiếp đánh giá khái lược nguyên nhân của những kết quả mà Nghệ An đạt được trong những năm gần đây.
Nhìn chung, các dự án FDI chủ yếu trong những ngành sử dụng nhân công giá rẻ, gia công, lắp ráp (các lĩnh vực điện tử,..), xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ,… Kết quả đạt được trong thu hút FDI trong những năm gần đây có thể nhìn nhận từ các nhân tố có thể định lượng được và không định lượng/ so sánh được. Đối với các nhân tố không định lượng được, 4 tỉnh này có vị trí địa kinh tế xấp xỉ nhau, song mức độ thuận lợi giảm dần từ Thanh Hóa tới Quảng Bình do Thanh Hóa gần nhất với cực tăng trưởng lớn là Hà Nội và các vùng/ cực tăng trưởng phía Bắc; hơn nữa, Thanh Hóa cũng gần nhất tới theo đường biển tới các nước đầu tư chủ yếu ở Việt Nam cũng như các tỉnh này (Trung Quốc và các nước Bắc Á khác, Đài Loan). Chất lượng hạ tầng cảng biển Thanh Hóa cũng có phần nhỉnh hơn so với Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình. Các tỉnh này từng bước “thụ hưởng” hiệu ứng “Hết nạc vạc đến xương” trong thu hút FDI.
Hình 1a: Kết quả thu hút FDI của Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Quảng Bình
Nguồn: Tổng hợp từ các nguồn Sách trắng Việt Nam 2018-2021
Xét theo các nhân tố có thể định lượng được, chất lượng thể chế hỗ trợ kinh doanh - cạnh tranh của Nghệ An có phần quan trong nhờ những nỗ lực lớn nhất của Nghệ An trong cải cách thể chế, chính sách hỗ trợ kinh doanh, thu hút đầu tư của tỉnh này (xem Hình 2), giúp chỉ số PCI và thứ hạng cạnh tranh của tỉnh tốt nhất trong giai đoạn quan sát 2018 - 2021.
Hình 2: Chỉ số Cạnh tranh các tỉnh BTB 2008-9/2022
Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo PCI Việt Nam 2018-2021
Nghệ An đã chủ động, quyết liệt, tập trung cao độ trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, nỗ lực xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách về bảng giá đất, tăng khả năng tiếp cận đất đai, cơ chế chính sách về hỗ trợ đầu tư, góp phần tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn cho các Nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến tìm hiểu và đầu tư tại Nghệ An; nỗ lực sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để phù hợp, bám sát thực tiễn và đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư trong từng giai đoạn, đặc biệt là cơ chế ổn định giá đất cho toàn bộ thời gian hoạt động của dự án, cơ chế huy động vốn ứng trước của nhà đầu tư để xây dựng hạ tầng, cơ chế hỗ trợ đầu tư các dự án trọng điểm (hạ tầng KCN, hạ tầng cảng biển) và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Nghệ An tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ (5 sẵn sàng). Thứ nhất là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; thứ hai là sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; thứ ba là sẵn sàng về nguồn nhân lực; thứ tư là sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; thứ năm là sẵn sàng hỗ trợ.
Tuy nhiên, cần lưu ý là, kết quả cải cách hành chính công trong phục vụ người dân của Nghệ An không phải là tốt nhất; tuy đạt điểm tương đối cao, song vẫn thấp hơn 3 tỉnh còn lại (tuy không nhiều) trong giai đoạn 2018 - 2021 (Hình 3).
Hình 3: Chỉ số PAPI các tỉnh
Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo PAPI Việt Nam 2018-2021
Chất lượng hạ tầng về công nghệ thông tin, truyền thông (ICT), trong đó có nhân lực của Nghệ An, cũng thường cao nhất trong giai đoạn nói trên, giúp giữ vững thứ hạng chỉ số ICT của tỉnh trong nhiều năm, ngoại trừ 2020 (Hình 4). Đây là nhân tố góp phần Nghệ An thu hút tương đối cao, vững bền trong thời gian gần đây.
Hình 4: Xếp hạng chỉ số ICT các tỉnh BTB
Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo ICT INDEX Việt Nam 2018-2021
Đáng lưu ý là thu nhập bình quân đầu người của Nghệ An thấp nhất trong 4 tỉnh BTB trong nhiều năm, ngoại trừ 2021 (Hình 5). Nếu so với các địa phương khu vực I (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), thì mức chênh lệch hàng tháng lương tối thiểu của Nghệ An (vùng 4) thấp hơn 1,3 triệu đồng/công nhân hay gần 15,7 triệu/công nhân/năm; riêng Hoàng Mai vùng 3 thì mức chênh lệch thấp hơn một chút. Có thể nói, đây là nhân tố hấp dẫn FDI có động lực nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua sử dụng lao động giá rẻ như Nghệ An.
Hình 5: Thu nhập bình quân/tháng của 4 tỉnh BTB
Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2018-2021
Đối với hiệu ứng kết tụ, Nghệ An thu hút FDI tốt hơn có phần do doanh nghiệp tỉnh này làm ăn hiệu quả hơn (được thể hiện trạng Hệ số Lợi nhuận/Tài sản và Lợi nhuận/Vốn tự có, xem các Hình 6.a, 6.b). Đây là yếu tố tổng hòa, tạo thêm hiệu ứng biểu diễn để các DN FDI lựa chọn Nghệ An làm địa điểm đầu tư.
Hình 6.a: Hệ số ROA Nghệ An và các tỉnh BTB
(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2018 - 2021)
Hình 6.b: Hệ số ROE của các tỉnh BTB
(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2018 - 2021)
Tóm lại, việc Nghệ An có giá trị FDI đăng ký nhiều hơn và vững bền hơn so với 3 tỉnh BTB còn lại có phần quan trọng là nhờ nhiều nhân tố “truyền thống”, trong đó các nhân tố đo lường và so sánh được bao gồm: thể chế kinh doanh, đầu tư thuận lợi hơn (chỉ số PCI), hệ thống hạ tầng công nghệ (ICT) tốt hơn, chi phí lao động rẻ hơn và các doanh nghiệp hoạt động ở đó kinh doanh có lãi hơn. Điều đáng lưu ý là các dự án FDI lớn ở Nghi Sơn (Nhà máy Lọc, hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa) và Formosa (Hà Tĩnh) là những con đại bàng lớn song không có ý nghĩa lớn trong thu hút, lôi kéo vốn FDI vào 2 khu kinh tế ở 2 tỉnh này, ít nhất là trong giai đoạn nghiên cứu.
Tuy nhiên, kết quả cải cách hành chính công của Nghệ An không nổi trội. Bên cạnh đó, chất lượng hạ tầng, nhất là hạ tầng cảng biển Nghệ An yếu kém hơn là những nhân tố cản trở việc thu hút FDI, sẽ được phân tích sâu trong so sánh FDI vào các khu công nghiệp Hoàng Mai (Khu Kinh tế Đông Nam 2), Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) và ở cấp độ ít hơn (Khu Kinh tế Đông Nam 1, 3).
2. Những thuận lợi, bất lợi trong thu hút FDI vào Hoàng Mai, Quỳnh Lưu
Các khu công nghiệp Hoàng Mai, Quỳnh Lưu (Khu kinh tế Đông Nam KV 2) đi vào hoạt động tương đối muộn so với các khu công nghiệp ở Nghệ An và Thanh Hóa. Quy chế khu kinh tế (KKT) đã được trao cho một số khu công nghiệp (KCN) ở Hoàng Mai, Quỳnh Lưu. Gần đây, một số dự án FDI tương đối lớn của Tập đoàn Quốc tế Ju Teng (sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô), Công ty TNHH Guey Meei (vật liệu ngành sơn) và Công ty TNHH Prime Smart (chuyên ngành vật liệu bán dẫn) đã bắt đầu hoạt động tại KCN Hoàng Mai,….
Tuy nhiên, cho đến nay, số dự án FDI thu hút được vào Hoàng Mai vẫn còn tương đối ít, nhất là trong so sánh với Khu Kinh tế Đông Nam 1, 3 và Khu Kinh tế Nghi Sơn (xem chi tiết dưới đây). Riêng KCN Hoàng Mai 1 có tỷ lệ lấp đầy chỉ 10%(2).
Trong thời gian tới, việc thu hút vốn đầu tư, nhất là FDI vào các khu công nghiệp/Khu Kinh tế trên địa bàn Hoàng Mai, Quỳnh Lưu có những thuận lợi, bất lợi, cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới như sau:
Thuận lợi
Một là, do đi vào hoạt động muộn hơn, Ban Quản lý KCN, KKT cũng như các doanh nghiệp phát triển KCN trên địa bàn có thể học hỏi được các kinh nghiệm thành công, thất bại từ xây dựng, vận hành, thu hút và quản lý khu công nghiệp cũng như các doanh nghiệp thu hút được, nhất là trong việc hoạch định, thực hiện các mục tiêu đặt ra đối với địa phương, doanh nghiệp. Ngoài ra, như kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra một số doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Nghệ An tiết lộ, địa bàn đầu tư mới như Hoàng Mai, Quỳnh Lưu cũng có thể thu hút FDI nhờ ít cạnh tranh trên địa bàn.
Hai là, cũng nhờ mới hoạt động nên các khu công nghiệp trên địa bàn Hoàng Mai có tỷ lệ lấp đầy tương đối thấp. Ví dụ, tỷ lệ lấp đầy của KCN Hoàng Mai 1 hiện chỉ khoảng 10%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lấp đầy của Khu Kinh tế Nghi Sơn (70%), một số tỉnh miền Bắc (trên 80%) và miền Nam (trên 90%), với mức giá thuê cũng rẻ hơn nhiều(3). Tuy nhiên, mức giá thuê của KCN Hoàng Mai (38 - 50 USD/M2/thời gian hoạt động?) rẻ hơn KKT Nghi Sơn? một chút song thời hạn hoạt động của 2 KKT 2 tỉnh này dài hơn (70 năm so với 50 năm) cũng là lợi thế lớn so với Nghệ An. Ngoài ra, đối với các dự án chế biến lâm sản, mức giá thuê hạ tầng cơ sở của Nghệ An/Hoàng Mai thậm chí vẫn đắt hơn phần lớn KCN ở Tây Nguyên (22 USD/m2/thời hạn sử dụng).
Bất lợi
KKT Hoàng Mai có nhiều bất lợi thế, nhất là so với với KKT Nghi Sơn trong cuộc đua thu hút đầu tư nhất là FDI. Trước hết, về mặt địa kinh tế, khu kinh tế này nằm xa hơn cực tăng trưởng gần trong nước là Hà Nội và các cực tăng trưởng miền Bắc và quốc tế là Trung Quốc và các nước Bắc Á (các chủ đầu tư chủ yếu hiện tại và tương lai). Các KKT 1 và KKT 3 (VSIP) gần cực tăng trưởng trong tỉnh và đô thị (Vinh); hơn nữa, VSIP Vinh có thế mạnh khác là quản trị tốt, nhất là trong thu hút, xúc tiến đầu tư nước ngoài đã được chứng minh. Hai là về mặt đặc điểm kỹ thuật của hạ tầng, KKT Nghi Sơn rộng lớn hơn nhiều, có tính tập trung, kết tụ cao về diện tích các phân khu, với các tiện ích về dịch vụ xuất nhập khẩu, du lịch, đô thị, giải trí-sức khỏe,… (xem Hình 7, Hình 8) nhiều dịch vụ kỹ thuật KCN cũng quy mô lớn hơn và giá rẻ hơn (ví dụ, giá nước sạch), thời gian thuê dài hơn. Bên cạnh đó, việc đông đảo doanh nghiệp FDI lớn (600 DN) đang hoạt động và quan tâm đầu tư tại đây(4). Những điều kiện này tạo ra Hiệu ứng kết tụ lớn hơn nhiều so Hoàng Mai, Quỳnh Lưu; và cả KKT Đông Nam 1 và 3 (vốn bị “xé lẻ”, chia cắt về mặt không gian). Ngoài ra chính sách thuế của KKT Nghi Sơn cũng đa dạng, hấp dẫn hơn, nhất là thuế thu nhập cá nhân và chuyển lỗ. Những điều này giúp KKT Nghi Sơn hấp dẫn hơn so với Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, nhất là khi các khu chức năng đi vào hoạt động đầy đủ.
Hình 8: Quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa đến năm 2025
Chất lượng dịch vụ cảng biển (hiện tại và tương lai) của Nghi Sơn cũng tiện dụng và chất lượng (có đặc điểm kỹ thuật) cao hơn. Cảng nước sâu Nghi Sơn cung cấp dịch vụ khá đa dạng, khá tổng hợp hơn Đông Hồi (Hoàng Mai/Quỳnh Lưu) (chưa thực sự hoạt động). Ngoài vật liệu dầu khí, hóa dầu, Cảng Nghi Sơn còn cung ứng các dịch vụ chuyên dụng như Cảng Đông Hồi (nguyên vật liệu cho sản xuất xi măng, cho nhà máy nhiệt điện,…). Hiện Thanh Hóa đang áp dụng chính sách giảm giá, phí đối với các dịch vụ cảng biển đối với tàu thuyền ra vào cũng là lợi thế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào KKT Nghi Sơn, Thanh Hóa. Đặc biệt, Cảng nước sâu Nghi Sơn có độ sâu tối đa lên tới 13m (có thể tiếp tàu có tải trọng 70 nghìn Dwt), sâu hơn Cảng chuyên dụng Đông Hồi (độ sâu thiết kế 7,2 m, tối đa tải trọng 25 nghìn Dwt (trong khi chưa thực sự hoạt động).
Đáng lưu ý là giá cả dịch vụ vận tải biển ở Nghệ An đến nay còn rất cao. Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An (2022), chi phí vận tải biển từ Cảng Cửa Lò đắt hơn nhiều so với đi từ Cảng Hải Phòng: Ví dụ, đến Cảng Đà Nẵng (đắt hơn 112 USD với công tơ nơ 20 feet, 86 USD đối với công tơ nơ 40 feet), đi TP. HCM (tương ứng đắt hơn 121 và 89 USD). Đây là một nghịch lý lớn, nhất là khi xét đến khoảng cảnh vận tải từ Cửa Lò đi Đà Nẵng, TP. HCM so với Hải Phòng.
Với bất lợi thế về chi phí như đã nêu, do 2 cảng Đông Hồi và Nghi Sơn này cách nhau không xa (khoảng 4 km) nên Nghệ An/Hoàng Mai có thể sử dụng dịch vụ cảng này với các lợi thế của nó để tiết giảm chi phí vận tải.
3. Một số định hướng, giải pháp thu hút FDI vào Hoàng Mai, Quỳnh Lưu trong bối cảnh mới
3.1. Cơ hội
Với tính cách là “Kẻ đến muộn”, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu có lợi thế về mức giá thuê hạ tầng tương đối thấp là nhân tố quan trọng đối với FDI có ý đồ tận dụng mức chi phí thuê hạ tầng, nhân công giá rẻ để tăng hiệu quả hoạt động.
Với mức độ lấp đầy thấp, quỹ đất tiềm năng cho phát triển KCN còn nhiều và giá đất còn tương đối rẻ tạo dư địa lớn hơn trong phát triển, quy hoạch và hoạch định chính sách gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế vùng, bắt kịp xu thế thời đại, xu thế mới, trong đó có khu công nghiệp kiểu mới (KCN sinh thái, tuần hoàn), các cụm liên kết ngành,… phù hợp.
Các FTA gần đây (CPTPP, EVFTA, RCEP) tạo cơ hội mới, lớn hơn cho Hoàng Mai, Quỳnh Lưu trong thu hút FDI có chất lượng, nhất là EV FTA - được kỳ vọng là có tác động lan tỏa lớn hơn đối với kinh tế - cộng đồng địa phương.
Cuộc chiến Nga - Ucraina thúc đẩy cơ hội đầu tư giữa Nga - Việt Nam vào thị trường của nhau, nhất là Nghệ An - Ulianov (hai thành phố kết nghĩa). Căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan thúc đẩy mạnh hơn các luồng vốn FDI không vào/rời Trung Quốc, tăng đầu tư vào Việt Nam và một vài nước ASEAN khác, đặc biệt kích hoạt mạnh hơn phong trào Nam tiến mới của các nước này - những nhà đầu tư tiềm năng lớn vào vùng lao động, thuê đất công nghiệp giá rẻ, nhất là FDI gia công, lắp ráp điện tử.
3.2. Thách thức
- Trước hết, thách thức từ việc khởi đầu. Hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, cảng biển còn rất bất cập, chưa đồng bộ. Điều này khiến khả năng phát huy lợi thế giá rẻ trở nên khó khăn, nhất là khi cơ hội từ hội nhập có khả năng hiện thực hóa cao hơn ở KKT Nghi Sơn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Sự sơ khởi cũng chưa tạo nên hiệu ứng kết tụ trong đầu tư, lôi cuốn doanh nghiệp đầu tư.
- Thách thức tiếp theo là khả năng huy động tài chính để thực hiện các hạ tầng hiện hữu và các khu công nghiệp mới đồng bộ, không chắp vá,.. đáp ứng yêu cầu mới đa dạng hơn, tinh vi hơn trong bối cảnh phát triển mới. Khả năng thực hiện đền bù đất đai khi giải phóng mặt bằng theo giá thị trường trong thời gian tới có thể là gánh nặng mới cho ngân sách cho giải phóng mặt bằng nếu không có các giải pháp kịp thời hữu hiệu để bù vào quy định mới này.
- Thách thức trong năng lực hoạch định/quy hoạch thu hút đầu tư, phát triển hữu hiệu kinh tế vùng theo hướng lan tỏa lên nền kinh tế địa phương, tận dụng tốt các cơ hội sắp tới và các rủi ro, nguy cơ “làm sai” trong một tổng thể toàn tỉnh, Việt Nam tính đến xu thế khu vực châu Á và các đối tác kinh tế nước ngoài.
- Cuối cùng là thách thức trong thay đổi tư duy xóa bỏ cái cũ, cái lạc hậu, trong hợp tác liên kết phát triển vùng (Nghệ An, Thanh Hóa) một cách nhất quán, tính đến viễn cảnh dài hạn (cùng tiến hay đua tranh xuống đáy).
3.3. Một số định hướng, giải pháp chính sách thu hút FDI vào Hoàng Mai, Quỳnh Lưu trong bối cảnh mới
Một là, công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách thu hút FDI hữu hiệu không thể đạt được nếu không xác định được chính xác các động cơ, nguyên nhân đích thực các doanh nghiệp FDI (theo nước, ngành hàng,..) đầu tư vào Nghệ An, Hoàng Mai, Nghi Sơn. Do vậy, cần nghiên cứu chuyên sâu đồng bộ nguyên nhân hiện hữu, xu hướng và triển vọng các dự án đầu tư theo ngành hàng, khu vực địa lý trong thời gian tới. Lưu ý làm rõ, tách bạch được các nhân tố giúp thu hút được FDI theo loại hình là nhờ chính sách khuyến khích, ưu đãi của địa phương (Nghệ An/Hoàng Mai) hay nhờ các nhân tố phi chính sách… để nâng cao hiệu quả thu hút theo các mục tiêu trước mắt và chiến lược lâu dài.
Hai là, ngoài việc tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đầu tư trong thời gian qua, xác định rõ loại hình FDI ưu tiên thu hút phù hợp với vị trí địa kinh tế, trình độ phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng công nghệ - kỹ thuật của Hoàng Mai, Quỳnh Lưu. Trong trung hạn (khoảng 5 năm), khả năng lớn nhất là thu hút được nhiều hơn FDI khai thác lao động giá rẻ và thuê hạ tầng rẻ (lắp ráp điện tử, thiết bị công nghệ thông tin, điện cơ, gia công dệt may,…); tuy nhiên, về lâu dài, cần quan tâm, chuẩn bị cho quy hoạch các loại cụm liên kết ngành, khu công nghiệp khác như công nghệ sinh thái, tuần hoàn,… Trong đó có thể cân nhắc nghiên cứu chỉnh sửa chức năng Cảng chuyên dụng Đông Hồi do Cảng Nước sâu Nghi Sơn có thể đảm trách vai trò của Đông Hồi, nhất là khi Đông Hồi hơn 11 năm chưa thể hoàn thành; khi có thể hoàn thành (giả sử có đủ vốn, doanh nghiệp đồng lòng), thì dịch vụ từ Nghi Sơn còn có thể rẻ hơn (do đã khấu hao sử dụng nhiều). Xây dựng, ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, ngành đầu tư, mức vốn đầu tư theo thứ tự ưu tiên phù hợp trong từng giai đoạn; chính sách ưu đãi, nhất là trong chế biến lâm sản cần nhìn rộng hơn toàn quốc, nhất là mức ưu đãi đầu tư của các tỉnh miền núi Tây Nguyên.
Ba là, Thanh Hóa, nhất là Khu kinh tế Nghi Sơn trong ngắn, trung và dài hạn là đối thủ cạnh tranh lớn, trực tiếp với Hoàng Mai, Quỳnh Lưu trong thu hút đầu tư; do vậy cần có chiến thuật và chiến lược phù hợp để vừa cạnh tranh, vừa liên kết để tăng hiệu quả phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tạo sức lan tỏa kinh tế Nghệ An - Thanh Hóa. Tư tưởng, tinh thần liên kết vùng này cần mở rộng trong quy hoạch xây dựng khu công nghệ, cụm liên kết ngành đánh bắt, chế biến hải sản, trong tuyển dụng lao động của 2 tỉnh cũng như trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng liên quan.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng các hoạt động, hình thức xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, đặc biệt là marketing FDI/marketing địa phương (Hoàng Mai, Quỳnh Lưu) đối với các đối tác dự kiến có động lực nhiều nhiều hơn do tác động quân sự, chính trị trong khu vực và châu Âu như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và EU (đón đầu Hiệp định bảo hộ đầu tư VN-EU có hiệu lực). Tiếp tục thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ, đẩy mạnh vận dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xúc tiến đầu tư. Tăng cường hỗ trợ kịp thời giải quyết khó khăn cho các nhà đầu tư hiện hữu; tiếp tục củng cố niềm tin các nhà đầu tư; Đẩy mạnh phân cấp ủy quyền thực hiện các thủ tục đầu tư.
Năm là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện công tác quy hoạch: trong quản lý điều hành số hóa dữ liệu về quy hoạch, tăng phối kết hợp, liên kết giữa Hoàng Mai và Thanh Hóa để công tác quy hoạch giao thông, chức năng khu công nghiệp, cảng biển có hiệu quả cao hơn, tăng tính bổ trợ, tính cộng hưởng của các dự án đầu tư của 2 tỉnh; tăng cường công khai, minh bạch, chi tiết hóa tối đa quy hoạch theo các phương tiện khác nhau một cách tường minh, ổn định cho công chúng.
Sáu là, tiếp tục chỉ đạo triển khai và hỗ trợ giải quyết các vướng mắc khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục giao đất thuê đất áp dụng chính sách về đất đai nguyên liệu sang nhất để triển khai các dự án trọng điểm; Tính đến tác động của luật Đất đai sửa đổi có ảnh hưởng tới chi NSNN cho xây dựng, giải phóng mặt bằng; xử lý, triển khai hữu hiệu hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Đông Hồi; khởi công xây dựng mới một số công trình như cầu vượt đường sắt trên tuyến N2 khu công nghiệp Thọ Lộc với Quỳnh Lưu 1A, đường nối quốc lộ 1A với Khu công nghiệp Hoàng Mai 1.
Bảy là, công tác phát triển nguồn nhân lực, việc làm cho phát triển các khu kinh tế, công nghiệp tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện trong bối cảnh mới. Xây dựng chiến lược, lộ trình, kế hoạch đào tạo, tái đào tạo nhân lực từ cấp tỉnh đến cấp huyện đáp ứng yêu cầu của khu vực này. Xây dựng hệ thống thông tin việc làm, kỹ năng liên quan và nhu cầu sử dụng lao động cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp để có lộ trình đào tạo phù hợp; chú trọng công tác đào tạo cán bộ khoa học quản lý người lao động, cán bộ phiên dịch (nhất là tiếng Trung, Hàn, Nhật),..
Tám là, để tránh kiện tụng quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, cần nghiên cứu chuyên sâu các cơ chế, chính sách phù hợp, đủ tinh vi để hạn chế các dự án FDI nguy hại đối với an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia, có thể gây phát thải, ô nhiễm ra môi trường. Chính sách chống chuyển giá cần tiếp tục được hoàn thiện, tính đến đầy đủ các yếu tố chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất, và chính sách và mức thuế ở các nước khu vực và toàn cầu. Tránh nguy cơ gia tăng từ việc các doanh nghiệp FDI khiếu kiện quốc tế đối với địa phương.
Chú thích
1. Đến 8 tháng đầu năm 2022, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI vào Hà Tĩnh đạt 11,7 tỷ USD, Thanh Hóa (14,6 tỷ USD), có đóng góp rất lớn của Dự Án Formosa, Nhà máy Hóa dầu Nghi Sơn.
2. https://kland.vn/industrialpark/compare/khu-cong-nghiep-hoang-mai-nghe-an/vs/khu-kinh-te-nghi-son-thanh-hoa
3. Thị trường đất công nghiệp tại phía Bắc ghi nhận số liệu của 5 tỉnh/ thành phố trọng điểm (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, và Hải Dương) với gần 15.000ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy ở mức từ 80% trong 6 tháng đầu năm 2022. Thị trường TP.HCM ghi nhận mức giá thuê trung bình cao nhất, dao động từ 180 - 300 USD/m2/chu kỳ thuê. Tiếp theo là thị trường Long An với mức giá thuê trung bình trong khoảng 125 - 275 USD/m2/chu kỳ thuê. Mức giá thuê khu công nghiệp trung bình ở Bình Dương là từ 100 - 250 USD/m2/chu kỳ thuê; còn Đồng Nai có mức giá thuê trong khoảng 100 - 200 USD/m2/chu kỳ thuê; tỷ lệ lấp đầy trên 90%.
4. Khu Kinh Tế Nghi Sơn có diện tích 18.612 ha, có 600 DN FDI. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đến nghiên cứu đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Điển hình như: Tập đoàn Exxonmobil (Mỹ) nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp hóa dầu Nghi Sơn; Tập đoàn Foxconn (Đài Loan - Trung Quốc) nghiên cứu đầu tư tổ hợp sản xuất chip điện tử; liên doanh Tập đoàn Hokuetsu (Nhật Bản) và Tập đoàn Lee & Man (Hồng Kông - Trung Quốc) Tổ hợp sản xuất giấy và năng lượng sinh khối, Huyndai Enginering,…
Tài liệu tham khảo
1. Lê Vũ Sao Mai, Nguyễn Thị Tiếng (2022), “Các những nhân tố tác động đến thu hút vốn đầu tư vào Khu Kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An, Bài viết kỷ yếu Hội thảo Những nhân tố ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An, Tỉnh ủy Nghệ An, Học viện Chịnh trị Hồ Chí Minh đồng tổ chức, Vinh, tháng 6, 2022.
2. Lê Tiến Trị (2022), “Thu hút vốn đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp Nghệ An: Thực trạng và giải pháp”, Bài viết kỷ yếu Hội thảo Những nhân tố ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An, Tỉnh ủy Nghệ An, Học viện Chịnh trị Hồ Chí Minh đồng tổ chức, Vinh, tháng 6, 2022.
3. Lê Xuân Sang (2008) (Chủ nhiệm đề tài), Đầu tư ra nước ngoài từ các nước đang phát triển và chuyển đổi: Lý luận, kinh nghiệm quốc tế và gợi suy chính sách cho Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, 2008.
4. Lê Xuân Sang (2018), “Nhìn nhận vai trò của FDI trong nền kinh tế Việt Nam”, Bài trình bày tại Hội thảo “Các thành phần kinh tế Việt Nam”, Viện Kinh tế Việt Nam, Hà Nội, tháng 4/2018.
5. Lê Xuân Sang (2022), “Một số nhân tố tác động lên kết quả thu hút FDI của Nghệ An”, Bài trình bày tại Hội thảo Những nhân tố ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An, Tỉnh ủy Nghệ An, Học viện Chịnh trị Hồ Chí Minh đồng tổ chức, Vinh, tháng 6, 2022.