Một số giai thoại về nhà hoạt động Cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu
Nguyễn Tâm Cẩn - Phan Bá Hàm
6/12/2022
Phan Đăng Lưu (1902 - 1941) sinh ra và lớn lên ở thôn Đông xã Tràng Thành nay thuộc xã Hoa Thành, huyện Yên Thành. Ông là con trai cả của cụ Phan Đăng Dư và cụ bà Trần Thị Liễu. Thuở nhỏ, Phan Đăng Lưu nổi tiếng học giỏi thông minh và sớm giác ngộ chủ nghĩa Cộng sản. Qua quá trình hoạt động cách mạng ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: năm 1937 là ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1938 là ủy viên ban Thường vụ, tháng 11/1939 là ủy viên Ban thường vụ phụ trách chỉ đạo Nam kỳ.
Sau khi đồng chí Võ Văn Tần, trung ương ủy viên cuối cùng bị bắt (4/1940), Phan Đăng Lưu tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục tiến lên. Ở hội nghị Trung ương 7 năm 1940 được đề cử làm Tổng Bí thư, nhưng ông không nhận. Ngay sau hội nghị, ông quay trở lại miền Nam để hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, theo quyết định của Trung ương. Do có kẻ chỉ điểm, ông đã bị mật thám Pháp bắt vào đêm 22/11/1940 khi chưa kịp truyền đạt chỉ thị của Trung ương thì cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra ngày 23/11/1940. Sau khi bị Tòa án binh kết án tử hình ngày 26/8/1941, ông bị xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Phần mộ ông được đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện tên của Phan Đăng Lưu được đặt cho nhiều trường học, nhiều đường phố, địa danh ở một số thành phố lớn trong nước. Sau đây là một số giai thoại về ông:
1. Một học trò thông minh say mê học tập
Thuở nhỏ Phan Đăng Lưu học chữ Nho với thầy đồ trong làng, lớn lên học trường Pháp Việt ở Vinh, rồi trường Quốc học Huế, trường Canh nông thực hành Tuyên Quang. Anh biết nhiều chữ Nho, giỏi tiếng Pháp và cả tiếng Anh. Cụ bà Trần Thị Liễu cho biết hồi còn nhỏ anh không mấy khi rời sách vở. Nhiều lần ốm, mẹ bảo dừng học lại để lo chữa bệnh, anh vẫn dấu mẹ “ôm lấy sách” suốt cả ngày. Khi học ở trường Canh nông thực hành Tuyên Quang có người hỏi, anh đã trả lời:
- Nước ta là một nước nông nghiệp, muốn cho giàu có phải học cái hay về nông nghiệp của các nước để cải tạo nghề nông ở ta.
Nhờ say mê học tập và học ở mọi nơi mọi lúc mà vốn hiểu biết của anh có thể nói là uyên thâm, hầu như mọi lĩnh vực tìm hiểu đến anh đã có sự hiểu biết đầy đủ và nhiều khi sâu sắc. Về ngoại ngữ anh là người biết nhiều chữ Hán, giao tiếp thành thạo tiếng Pháp, biết cả tiếng Anh và tiếng dân tộc Ê Đê.
2. Chống bọn Tây đoan bắt rượu lậu
Một sáng đầu thu, cụ Phan Đăng Dư thân sinh Phan Đăng Lưu đang ngồi uống rượu, bỗng có tên Tây đoan và hai tên lính ập vào nhà quát tháo bắt rượu lậu. Ông cụ hoảng sợ, chưa kịp nói một lời thì chúng đã xô đến đánh đập tàn nhẫn. Máu ở chân cụ chảy ra lênh láng. Cụ kêu la dãy dụa.Anh Phan Đăng Lưu nghe tiếng kêu chạy đến . Phẫn uất anh thét vào mặt thằng Tây bằng tiếng Pháp: Các người nói là sang đây để khai hóa mà hành động dã man thế à! Cớ gì các người lại đánh gãy chân một ông già?
Như một đòn bất ngờ, lời nói đanh thép đó làm thằng Tây lúng túng. Nó vội vàng bảo bọn lính thả ông cụ và đi ra khỏi nhà.
3. Phân tích cho em trai ý nghĩa bài quốc ca Pháp
Có lúc cao hứng, Phan Đăng Lưu hát bài quốc ca Pháp. Đoạn thích nhất là điệp khúc mà anh thường hát rất to, lời dịch là:
Cầm súng lên hỡi đồng bào, kết thành đội ngũ!
Tiến lên! Tiến lên !
Sao cho máu giặc hôi tanh thấm sâu xuống luống cày chúng ta.
Anh đã nói với hai em: Bài ca này là của những người cách mạng Pháp, cách đây hàng trăm năm. Bọn giặc Pháp sang cướp nước ta thật không xứng đáng chút nào với tổ tiên của chúng. Chúng ta có thể dùng lời kêu gọi này để thức tỉnh đồng bào đứng lên diệt bọn cướp nước.
4. Phản kháng tên chủ sở Canh nông Pruđê
Năm 1923 sau khi tốt nghiệp hạng ưu ở trường Canh nông , Phan Đăng Lưu được bổ làm Thông phán, ra làm việc ở sở Canh nông Bắc Kỳ . Sau đó được đổi về Nghệ An rồi mấy năm sau lại bị chuyển vào Bình Định. Ngày 7/3/1927 khi làm ở trại tằm Phú Phong tỉnh Bình Định , trong lúc chờ người công nhân cất tấm ván, anh tranh thủ đọc một tờ báo vừa nhận được ở nhà bưu điện. Đúng lúc đó,Pruđê, giám đốc trại bước vào, ông ta mắng chửi và giật tờ báo quăng xuống đất, đuổi Phan ra khỏi phòng. Phan không ra, anh bị Pruđê nắm lấy cánh tay và đẩy ra khỏi cửa. anh đã xách một cái ghế gần đó để tự vệ nhưng do sự ngăn cản của những người có mặt, anh không sử dụng được ghế và bị Pruđê đẩy ra khỏi cửa, trước khi bỏ đi, ông ta hét vào mặt anh:
- Giống bẩn thỉu!
Điều này đã chạm đến tinh thần tự tôn dân tộc sâu sắc của anh. Anh đã phản kháng lại và chửi bằng tiếng Pháp:
- Sao giống bẩn thỉu, đồ ngu dốt !
Việc làm của anh tại Phú Phong tỉnh Bình Định thể hiện mục đích nhằm bảo vệ quyền lợi cho đồng bào và tinh thần tự tôn dân tộc. Tuy nhiên đối với bọn Thực dân, đây là việc làm không thể chấp nhận được. Pruđê cấp tốc gửi báo cáo lên cấp trên. Nhận được báo cáo , Khâm sứ Trung Kỳ đã lập ngay một hội đồng điều tra tại chỗ. Tên Dube giám đốc sở Canh nông Trung Kỳ hỏi Phan Đăng Lưu:
- Tại sao đối với ông chủ của anh, anh có một thái độ khó hiểu?
Phan đã trả lời:
- Do nhiều nguyên nhân phức tạp và sâu xa, mà tôi yêu cầu được trình bày bằng bản viết.
Dube đồng ý, với bản tường trình 4 trang bằng tiếng Pháp, Phan đã thuật lại toàn bộ sự việc và lý do anh phản kháng lại Pruđê với lời lẽ cứng rắn, Anh đã bác bỏ tất cả những lời vu khống và khẳng định trong bản khai của mình gửi chủ tịch Hội đồng điều tra ngày 1/4/1927:
- Hành động của tôi chỉ có một mục đích là bảo vệ quyền lợi cho đồng bào tôi và danh dự bản thân. Vì thế tôi là đối tượng thù ghét của Chủ sở Canh nông.
Việc làm của anh được anh em trong trại đồng tình ủng hộ nên Hội đồng điều tra không đủ căn cứ để xử phạt anh. Nhưng sau sự việc này anh bị chuyển đi nơi khác.
5. Ở trong tù phong thái vẫn ung dung
Tháng 11/1929 Phan Đăng Lưu cùng một số đảng viên đảng Tân Việt bị Tòa án Nam Triều kết án 3 năm tù khổ sai và đày đi Buôn Ma Thuột. Ở đây bọn lính gác ngục đã từ thói quen thành tật, chúng vung roi đánh tù túi bụi bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu. Khi điểm danh, khi ăn cơm khi đi tắm, khi đi làm, khi về trại, roi vọt vung lên bất cứ lúc nào. Ai hơi chậm là bị đánh cho nên anh em tù việc gì cũng phải vội vã khẩn trương. Riêng Phan Đăng Lưu thì không, anh vẫn đủng đỉnh, ăn chậm rãi, đi khoan thai, tắm kỹ càng, khi nào cũng ung dung. Đương nhiên địch không để anh yên, chúng quất túi bụi. Anh em tù thương anh nên bảo:
- Thôi làm nhanh đi để chúng nó khỏi đánh.
Anh trả lời:
- Nhanh chúng cũng đánh, chậm chúng cũng đánh, nểu tỏ ra sợ sệt chúng càng làm già. Việc chúng chúng làm, việc ta ta làm, không việc gì mà vội.
Cuối cùng thấy anh coi thường roi vọt, bọn chúng chùn tay không động đến anh nữa. Về sau thành lệ, cứ mỗi tối điểm danh bọn chúng chỉ gọi:Lưu, nếu nghe anh báo: có là chúng quay ra, yên chí phạm nhân đã đủ mặt trong phòng giam vì người thường vào cuối cùng đã có mặt.
6. Mở trộm tủ của tên chúa ngục
Khi làm ở phòng giấy nhà lao Buôn Ma Thuột, Phan Đăng Lưu rất mưu trí, nhanh nhẹn bàn với Nguyễn Văn Hào, nguyên là công nhân Trường Thi tìm cách lấy trộm mẫu và làm một bản sao chìa khóa để mở tủ của tên chúa ngục. Thừa cơ buổi trưa khi cai ngục về nhà riêng, Phan mở tủ xem các báo cáo, công văn , sổ sách tài liệu mật ... Với việc làm gan dạ nhưng đầy mạo hiểm này, anh đã xem được tài liệu mật của tên chủ ngục, nắm rõ được tình hình chủ trương của chúng và phát hiện ra kẻ phản bội trong số những người tù. Điều này giúp cho các đồng chí của anh có kế hoạch đề phòng được âm mưu của địch, giảm bớt được tổn thất.
7. Lo lắng đến đời sống vật chất và tinh thần tù nhân
Phan Đăng Lưu rất chú ý đến đời sống vật chất và tinh thần cho anh em tù nhân. Mặc dù không hút thuốc nhưng khi làm ở phòng công sứ anh dùng mẹo lấy thuốc của cai ngục về cho bạn tù. Lúc làm vườn cho tên công sứ thì lén hái rau quả về cho người ốm. Khi anh xuống nhà bếp nấu cơm, tình trạng thiếu cơm chấm dứt hẳn. Bởi anh đặt thành lễ: người nấu bếp ăn sau cùng, rủi có thiếu, người nấu chịu. Khi làm ở phòng giấy anh chú ý tìm cách sửa chữa văn bản để tăng số lượng quần áo cấp cho anh em.
Phan Đăng Lưu có tài khôi hài. Anh thường kể chuyện vui chế diễu kẻ địch một cách hóm hỉnh và gần gũi với bạn tù, kể cả tù thường , giáo dục họ ủng hộ cách mạng. Một lần tù thường là dân ăn chơi bị bệnh hoa liễu, mụn nhọt đầy người, nằm rên la suốt buổi. Anh đến thăm an ủi. Người này rất mến anh muốn được tặng một bài thơ tả đúng tình cảnh của mình. Với tài ứng khẩu và sự hóm hỉnh, cùng với anh Xuân – một bạn tù, anh Lưu đọc một câu thơ, rồi anh Xuân đọc tiếp:
Anh Lưu: Một mình mình chịu biết ai chia
Anh Xuân: Hết mọc mụn này đến mụn kia
Cũng bởi nguồn ân và bể ái
Anh Lưu: Khóa hư ai bảo mở hư chìa.
Những câu thơ của hai anh làm cho người bạn tù cười quên cả đau đớn và bái phục:
- Quở trách như hai anh thì tôi xin vui nhận.
8. Hướng nhà thơ Tố Hữu làm thơ cách mạng
Chúng ta đều biết đến vai trò đào tạo bồi dưỡng của đồng chí Phan Đăng Lưu với nhà thơ Tố Hữu qua câu thơ:
Con lớn lên con tìm cách mang
Anh Lưu anh Điểu dạy con đi
Trong bài “Nhớ lại một thời” nhà thơ Tố Hữu viết: Một hôm anh hỏi tôi:
- Cậu có biết làm thơ không ?
Tôi đáp:
- Niêm luật Đường thi , ca dao lục bát thì tôi nắm được nhưng không biết thơ có hay không.
- Vậy thì tốt rồi –Anh Lưu nói – báo ta (tức báo Dân) hơi khô. Cậu biết làm thơ hãy làm những bài thơ về những người lao động nghèo khổ. Nghèo khổ không phải là số phận mà là do đế quốc phong kiến bóc lột và là do sưu thuế nặng nề. Những cảnh ăn mày, đầy tớ, trẻ mồ côi…có rất nhiều điều cần viết để thức tỉnh nhân dân. Cậu cố gắng viết để đăng được mỗi số một bài hoặc vài số một bài, có thể nhờ đó dân thích đọc báo ta hơn. Nhưng phải chú ý dễ hiểu dễ nhớ và đừng dài dòng…
Tôi nói:
- Nếu viết những cái đó thì tôi viết được.
Như vậy anh Phan Đăng Lưu chính là người thầy đầu tiên hướng tôi vào dòng thơ cách mạng.
Ba điều mà anh Lưu đã nói với tôi: Đời sống của nhân dân – Chớ viết quá khó – Và đừng quá dài. Đó là những điều căn dặn đầu tiên mà một thi sĩ mới nhú mầm nhận được ở anh Phan Đăng Lưu.
Trước đó nhà thơ Tố Hữu có viết: Người giảng dạy chính trị nhiều nhất cho tôi qua sách là anh Phan Đăng Lưu. Lần đầu gặp anh tôi cầm cuốn Tư bản nói với anh:
- Anh ơi, tôi thấy khó hiểu quá.
- Cậu nên tìm cuốn dễ đọc trước – Anh nói.
Rồi anh hướng dẫn cho tôi đọc từ thấp đến cao, từ những quyển sách mỏng loại ABC về chủ nghĩa Mác của nhà xuất bản Xã hội Pháp đến Tuyên ngôn cộng sản và những tác phẩm kinh điển khác.
9. Khai thác triệt để sách báo trong hoạt động
Trong phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương 1936 - 1939 được Đảng phân công phụ trách báo chí, anh và các đồng chí đã vượt qua mọi khó khăn về tài chính, về bài vở, in ấn, phát hành….trong sự theo dõi bắt bớ rất gắt gao của thực dân Pháp và chính phủ Nam Triều. Với nhận thức coi báo chí là hình thức tuyên truyền rất lợi hại, ông đã tìm mọi cách mua lại của Phan Khôi tờ Sông Hương tục bản. Tờ báo ra được 14 số, số đầu tiên ra ngày 15/6/1937 . Các số báo này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc tranh cử vào viện Dân biểu Trung Kỳ năm 1937. Tiếp theo là tờ báo Dân, báo Dân ra được 17 số góp phần làm cho kẻ thù bị thất bại trên mặt trận tư tưởng công luận nên tờ báo bị chúng đưa ra tòa.
Để chuyển hướng đồng chí đã cùng các cộng sự ra tiếp tờ Dân tiến đặt trụ sở ở Sài Gòn. Báo ra được 5 số thì bị đình bản Không chịu bó tay các anh lại ra tờ Dân muốn đặt trụ sở ở đường Galieni ở Sài Gòn nhưng rồi mới chỉ ra được 2 số lại bị đình bản. (số sau ra ngày 25/1/1929).
Theo sách Phan Đăng Lưu – Tiểu sử, tác phẩm của tác giả Nguyễn Thành thì chỉ riêng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương Phan Đăng Lưu đã viết 95 bài báo đăng ở nhiều báo khác nhau. Để có được những thắng lợi trên anh và các đồng chí đã phải đổi bằng tù đày và máu. Những bài báo gửi ra nước ngoài để tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù trong nước đã khiến anh phải chịu thêm 5 năm tù khổ sai nữa.
10. Bài diễn văn kỳ lạ
Ngày 28/9/1938 báo Dân đăng bài diễn văn bế mạc hội nghị thường niên viện Dân biểu Trung Kỳ. Phía sau sự kiện này là câu chuyện về sự thông minh nhanh nhạy của Phan Đăng Lưu . Viện trưởng viện Dân biểu Trung Kỳ là Hoàng Văn Khải, một nhân sĩ dân chủ tham gia đảng Tân Việt , đã từng bị kết án tù, bị đày đi Côn Đảo. Trong cuộc vận động bầu cử viện Dân biểu Trung Kỳ , Xứ ủy Trung Kỳ chủ trượng vận động ông Khải ra ứng cử. Ông trúng cử dân biểu và trúng cử luôn cả chức Viện trưởng. Khi cuộc họp thường niên của viện Dân biểu Trung kỳ (9/1939) sắp bế mạc, thượng thư bộ Lễ : Thái Văn Toản chuẩn bị sẵn một bài diễn văn, được khâm sứ Trung Kỳ Graphơi thông qua cho Hoàng Văn Khải đọc trong buổi bế mạc. Ông Khải đưa bài diễn văn đó cho Phan Đăng Lưu xem trước khi đi dự tiệc . Phan viết luôn một bài diễn văn khác thay cho bài đã được chuẩn bị sẵn rồi đưa lại cho Hoàng Văn Khải. Hôm sau Hoàng Văn Khải đọc bài diễn văn do Phan viết trước sự tức tối và ngỡ ngàng của quan thầy Pháp và bọn tay sai. Khi bị Thái Văn Toản hạch sách, Hoàng Văn Khải trả lời:
- Bài tôi đọc là bài của “dân biểu”, còn bài của cụ là bài của “quan biểu” !
11. Từ chối nhận chức Tổng bí thư trung ương Đảng
Sau hội nghị Trung ương lần thứ 6 tại Bà Điểm Gia Định, Phan Đăng Lưu được phân công phụ trách Xứ ủy Nam Kỳ. Bấy giờ ở Nam Bộ, cán bộ và quần chúng nhân dân sục sôi khi thế chuẩn bị khởi nghĩa. Để tìm cách trì hoãn vì thấy thời cơ khởi nghĩa chưa chín muồi, đồng chí xin được ra Bắc để xin ý kiến của Trung ương. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 ở Đình Bảng Bắc Ninh tháng 11/1940 ông đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cùng Trung ương để ra đường lối chuyển hướng cách mạng Việt Nam. Tại hội nghị đó , khi bàn về công tác tổ chức, đồng chí Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) nêu ý kiến:
- Tình hình công tác tổ chức hiện nay rất cấp bách, cần phải có người đứng đầu Thường vụ trung ương . Các đồng chí Nguyễn Văn Cừ Tổng bí thư và các đồng chí trung ương khác phần lớn đều đã bị địch bắt, tôi đề nghị cử đồng chí Phan Đăng Lưu làm Tổng bí thư.
Ý kiến này được đa số đại biểu dự hội nghị tán thành. Riêng đồng chí Phan Đăng Lưu đứng dậy từ tốn nói:
- Tôi xin cảm ơn ý kiến đề xuất của đồng chí Thân (bí danh của đồng chí Trường Chinh) nhưng trong thời điểm hiện nay việc cần gấp là tôi phải vào Sài Gòn để truyền đạt ý kiến của Trung ương hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nên tôi xin không nhân chức vụ Tổng bí thư. Để củng cố bộ máy lãnh đạo của Trung ương, tôi xin đề nghị đồng chí Thân làm quyền Tổng bí thư, còn ai chính thức làm Tổng bí thư thì chờ đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài về cùng Trung ương quyết định. Tôi đề nghị Trung ương chuyển địa bàn hoạt động từ Nam Bộ ra Bắc Bộ để tiện bề tiến hành, lãnh đạo cách mạng .
Ý kiến của ông được hội nghị tán thành. Đêm 21/11/1940, về đến Sài Gòn thì bị địch bắt và sau đó bị xử bắn cùng những yếu nhân trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tuy chưa kịp truyền đạt ý kiến của Trung ương về việc hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nhưng những dự báo của đồng chí về cách mạng Việt Nam và những đề xuất của ông về đường lối cách mạng, về công tác cán bộ, về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau có ý nghĩa lịch sử to lớn.
12. Phan Đăng Lưu trước tòa án Pháp
Ngày 3/3/1941, đế quốc Pháp mở tòa án binh xử một số nhà hoạt động cách mạng trong đó có Phan Đăng Lưu. Trước tòa án , đồng chí hiên ngang kết tội thực dân Pháp, lớn tiếng bảo vệ chính nghĩa và tinh thần anh dũng của nhân dân ta trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Bọn quan tòa run sợ nhiều lần rung chuông cắt không cho đồng chí nói nhưng ông vẫn sang sảng tố cáo tội ác của bè lũ thực dân Pháp, khẳng định sự tất thắng của cách mạng Việt Nam, ca ngợi lòng căm thù giặc và ý chí chống xâm lảng của nhân dân ta. Phan Đăng Lưu ngẩng cao đầu tuyên bố:
- Đế quốc Pháp còn xâm lược còn áp bức bóc lột đất nước chúng tôi thì nhân dân Việt Nam còn nổi dậy đấu tranh cho đến thắng lợi hoàn toàn.
Các vị quan đương chức thời đó như Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm ….sau khi tiếp xúc với Phan Đăng Lưu cũng tỏ lòng cảm phục ông. Theo họ Phan Đăng Lưu là người có học thức, có trình độ , dũng cảm, hoạt bát, thông minh, thật sự vì dân vì nước đáng kính nể. Đặc biệt Hà Đăng (chủ tịch viện Dân biểu Trung Kỳ) có lần nói:
- Chúng tôi có lòng yêu nước như Phan Đăng Lưu và một số anh em cộng sản nhưng thú thật mình không có cái gan như họ.
Cùng với các tác phẩm đã viết và tiểu sử được in ở nhiều sách, các giai thoại đã góp phần làm phong phú thêm cuộc đời của đồng chí Phan Đăng Lưu và giúp người đọc nhớ lâu hơn về ông, một nhà hoạt động tiển bối xuất sắc của cách mạng Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Ninh Viết Giao: Từ điển nhân vật xứ Nghệ, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh - 2008.
2. Vũ Văn Thuấn, Đinh Xuân Lâm, Ngô Vương Anh,Nguyễn Đức Đài… Phan Đăng Lưu tiểu sử - NXB Chính trị Quốc gia - 2015.
3. 280 giai thoại về con người và vùng đất Yên Thành - Nguyễn Tâm Cẩn, Phan Bá Hàm, Nxb Đại học Vinh - 2020.
4. Nhiều tác giả: Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Thành - Nxb Nghệ An - 2017.
5. Ngô Đức Tiến: Địa chí, Văn hóa, Lịch sử xã Hoa Thành - Nxb Nghệ An - 2010.