Bạo lực học đường - Cái khó của giáo viên trong xử lý triệt để

Thanh Trần
19/11/2022

Trường học là một tổ chức giáo dục. Nhiệm vụ đặc trưng của nhà trường là tổ chức hoạt động dạy học nhằm hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, ở các trường học, vấn nạn bạo lực học đường vẫn còn tồn tại. Thậm chí, thời gian gần đây, sau đại dịch covid 19, khi học sinh trở lại trường, hiện tượng này lại trở nên “nhức nhối”. Nếu không giải quyết một cách triệt để hiện tượng này sẽ để lại những hậu quả không nhỏ cho ngành Giáo dục, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của học sinh về mặt lâu dài. Nhưng để giải quyết được vấn nạn này một cách triệt để thì không phải dễ dàng và càng không thể một sớm, một chiều. Hiện tượng bạo lực học đường đã và đang là thách thức không nhỏ cho giáo viên, những người luôn giữ vai trò “cầm cân nảy mực” trong việc giải quyết các vụ bạo lực học đường. Trước trách thức đó, chúng ta, những người làm trong ngành giáo dục cần nghiêm túc nhìn sâu vào bản chất của hiện tượng để tìm ra giải pháp xử lý tốt nhất.

Bạo lực học đường- hiện tượng đến nay vẫn còn “nhức nhối” 
Bạo lực học đường được hiểu là dùng những lời nói, hành vi trái với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật để thể hiện thái độ tiêu cực của bản thân hoặc giải quyết mâu thuẫn với người khác (học sinh) nhằm gây tổn thương cả về tinh thần lẫn thể xác ở trong phạm vi trường học. Có thể nói, bạo lực học đường dù dừng lại ở lời nói hay hành vi tiêu cực cũng đều tiềm ẩn nhiều hiểm họa cho học sinh, cho gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội.
Thế mà, bạo lực học đường hiện nay đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê gần đây nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở Việt Nam, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD & ĐT), cứ khoảng trên 5.200 học sinh (thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ 09 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau… Những con số trên cho thấy, hiện tượng bạo lực học đường đang ở mức báo động. Hiện tượng này đã trở thành nỗi lo lắng cho toàn xã hội nói chung và nhà trường, gia đình nói riêng. Bởi hậu quả của nạn bạo lực ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Càng lo lắng hơn, khi hình thức bạo lực của học sinh ngày càng đa dạng, khó kiểm soát cho giáo viên và phụ huynh. Có thể thấy, trên mạng xã hội, các hình ảnh, video được đăng tải, các bài báo đưa tin về hiện tượng này nhan nhãn. Mức độ nhẹ thì ở hình thức tát, đấm, … mang tính đe dọa, dằn mặt, cảnh cáo. Nặng thì chặt, chém, lôi bè kéo cánh đánh “hội đồng”; hành động xử với nhau kiểu giang hồ sống theo “luật rừng”. Giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh cũng phải há hốc miệng, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước những hành vi bạo ngược của một bộ phận học sinh ngày nay. Nhiều tình huống, nhiều câu chuyện tạo cho giáo viên rất nhiều áp lực, nhất là giáo viên chủ nhiệm nhiều lúc rất khó để có thể cắt nghĩa, lí giải được hành vi của các em mà tìm ra biện pháp xử lý cho triệt để. Vì sự việc nhiều khi chưa đến mức phải giải quyết bằng những nắm đấm hay lôi bè, kéo cánh để công kích bạn mình như vậy.
Lo lắng và khó kiểm soát hơn cho giáo viên và phụ huynh, khi mâu thuẫn của học sinh không chỉ xảy ra trên lớp học, mà còn xảy ra trên thế giới ảo. Thời gian vừa qua, nạn bạo lực của học sinh bắt nguồn từ thế giới ảo, với các hình thức như kêu gọi bạn bè cô lập, bêu rếu bạn mình với những lời lẽ thiếu văn hóa trên mạng xã hội, bất kể ở chế độ công của facebook, zalo hay trong các nhóm công khai, nhóm riêng tư, ... Nguồn cơn trên mạng xã hội của học sinh sẽ tích lũy lại và học sinh sẽ dùng bạo lực để giải quyết. Những mâu thuẫn, xích mích với nhau trong thời gian học trực tuyến do dịch bệnh covid 19 diễn ra, khi đi học trực tiếp trở lại thì tổ chức đánh nhau. Cụ thể như ngày 19/4/2002, thông tin về một nữ học sinh lớp 10A8 ở trường THPT Cao Bá Quát, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu bạn mình. Lý do là bởi bức xúc với điểm thi đua do bạn nam tổ trưởng ghi chép trước đó. Hành động bạo lực đó được diễn ra trong lớp học và ngay trước mặt giáo viên môn Toán cũng là giáo viên chủ nhiệm của lớp. Clip của sự việc đã được quay lại và tung lên mạng xã hội. Sự việc đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Hay gần đây nhất, sự việc bạo lực học đường ở Trường quốc tế American Academy, thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) “nổi sóng” trên mạng xã hội. Hiện tượng một nhóm học sinh đánh nhau trong khuôn viên của nhà trường. Sự việc đã gây bức xúc cho phụ huynh vì cách giải quyết có phần chậm trễ, chưa triệt để từ phía nhà trường, phụ huynh vội vàng đã lên mạng xã hội kêu cứu, tạo hiệu ứng xấu về phía nhà trường. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở GD&ĐT TPHCM đã yêu cầu Trường quốc tế American Academy cần có trách nhiệm giải quyết sự việc liên quan đến vụ bạo lực học đường đang gây xôn xao. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý vụ việc kịp thời, đúng quy định, đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. Với hai sự việc trên, có thể thấy dù là học trực tiếp hay trực tuyến thì nạn bạo lực học đường vẫn được tiếp diễn và thật sự hiện tượng này chưa bao giờ dừng lại. Nhìn thẳng vào các sự việc trên đây, chúng ta sẽ thấy được mầm mống của vấn đề đã được hình thành trước đó, cụ thể là trong thời gian học trực tuyến. Khi mâu thuẫn, xích mích chưa được giải quyết thì khi học trực tiếp trở lại là cơ hội cho các em dùng bạo lực để giải quyết với nhau. Và phải nói rằng, nhà trường, giáo viên rất khó khăn để thường xuyên theo dõi, kiểm soát được sự việc này và càng không dễ để xử lý triệt để, dù tính chất sự việc nhiều khi không quá phức tạp. Về phía phụ huynh, tâm lý “Máu chảy, ruột mềm”, vì thế đã lên tiếng để bảo vệ con lúc cần thiết là không sai. Tuy nhiên, tâm lý nóng vội sẽ dẫn đến thiếu suy nghĩ thấu đáo cho vấn đề. Vì suy cho cùng, mọi việc đã diễn ra, quan trọng là gia đình cần phối hợp với nhà trường để giáo dục, uốn nắn học sinh giúp học sinh nhận thức ra cái sai, từ đó biết được cách thức giải quyết tình huống một cách tích cực nhất mới là giải pháp ưu việt. Một khi thông tin đã được lan truyền trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội sẽ gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực tới những em liên quan, cũng như không liên quan trực tiếp. Sự việc sẽ phức tạp hơn khi chính phụ huynh đã để cộng đồng mạng vào cuộc hay buộc các tổ chức quản lý giáo dục phải chỉ đạo. Câu chuyện bạo lực học đường sẽ không còn là câu chuyện của gia đình, của nhà trường, mà là của của toàn xã hội. Đây là vấn đề đòi hỏi những người làm công tác giáo dục cần phải nghiêm túc bàn bạc để giải quyết hiện tượng vốn rất cũ nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại ở các trường học.
Từ thực trạng của hiện tượng trên sẽ đưa tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trước nhất, hậu quả để lại cho đối tượng tham gia bạo lực, đó là cả hai đều bị ảnh hưởng, nặng thì bị kỉ luật, ở lại lớp hoặc bị đuổi, nhẹ thì bị cảnh cáo toàn trường…Những đối tượng này ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý trong một thời gian dài, vì khiếp sợ, vì xấu hổ…Không những thế, còn ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập của các em. Xa hơn, sự việc có thể tác động đến sự hình thành, phát triển về phẩm chất của học sinh theo hai chiều hướng: tích cực hoặc tiêu cực. Có thể nói, bạo lực học đường sẽ để lại hệ lụy lâu dài, nếu nhà trường và gia đình không tiếp tục giám sát, không quan tâm đến các em. 
Sau đó, hậu quả mà gia đình phải gánh chịu đó là bị sự chỉ trích, lên án của mọi người, khi có con đánh bạn hay xúc phạm bạn mình, thậm chí có thể bị ảnh hưởng đến tinh thần, thiệt hại về vật chất, nghiêm trọng hơn, con mình bị huỷ hoại cả tương lai, trở thành một người tàn tật hoặc mất luôn mạng sống. 
 Sau nữa, giáo viên nhẹ thì kỉ luật, khiển trách, cắt thành tích thi đua; nặng thì bị đuổi việc, ảnh hưởng tới cuộc sống hôn nhân, kinh tế của gia đình. Bản thân giáo viên hoặc rút kinh nghiệm mà co rúm lại kiểu tự vệ cho lành hoặc là nhiệt tình kiểu nửa vời, tránh hiểm họa về sau. Chính điều này sẽ tạo ra sự thiệt thòi cho học sinh, khi tuổi của các em cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ để các em hình thành, phát triển và hoàn thiện những phẩm chất tốt đẹp nhất.
Và hậu quả cho nhà trường, cho xã hội từ nạn bạo lực học đường là điều không thể né tránh. Đơn cử, trường Quốc tế ở thành phố Hồ Chí Minh, sau khi phụ huynh chia sẻ lên mạng xã hội sự việc con họ bị bạo lực sẽ nhận được từ cộng đồng mạng sự đánh giá là trường kém chất lượng giáo dục. Liệu mấy ai tiếp tục đủ can đảm để gửi con vào đó học? Thế là danh dự, uy tín, chất lượng giáo dục của trường bị giảm sút, thậm chí ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển lâu dài về sau. Xây dựng nên danh hiệu thì rất khó nhưng sa sút thì lại không mấy chốc. Dư luận xã hội đã lan tràn trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội thì tâm lý của các bậc phụ huynh lại lo lắng, bất an cho chính con em mình…
Giải quyết nạn bạo lực học đường từ gốc rễ của vấn đề là điều không dễ dàng
Từ thực trạng, hậu quả ở trên, chúng ta có thể thấy, nạn bạo lực học đường để lại rất nhiều hệ lụy, song, muốn giáo viên xử lý triệt để là không dễ. Thực tế sau mỗi câu chuyện về bạo lực học đường đã có nhiều biện pháp được thực thi, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Nhưng đến nay hiện tượng bạo lực học đường vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân sâu xa nhất của bạo lực học đường gây khó khăn cho giáo viên trong việc xử lý triệt để, trước tiên, phải bắt nguồn từ môi trường giáo dục của gia đình học sinh. Trong nếp nghĩ của đại đa số người Việt, trong đó có những người làm cha, làm mẹ- những bậc phụ huynh thường có tư tưởng là giáo dục con thì phải “Thương cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi.” đã để lại hệ lụy không nhỏ về sau cho những đứa trẻ và nhà trường, xã hội. Vì thế, như một hiệu ứng tự động, cứ lập gia đình, sinh con ra, cha mẹ sẽ nhồi nhét vào đầu con cái tư tưởng này. Nhét tư tưởng vào đầu người khác là việc khó khăn nhất, thế mà, cha mẹ đã làm ngay từ nhỏ thì thầy cô nào dễ dàng gì để giáo dục lại? 
Tất nhiên, không phải gia đình người Việt nào cũng có nếp nghĩ như trên. Thực tế vẫn có nhiều gia đình lại có biểu hiện thương và ghét đều “cho ngọt, cho bùi”. Thế nên, con trở thành những đứa trẻ hống hách, xem thường mọi người, bất chấp công lý mà thẳng tay dùng bạo lực nếu cần, thậm chí không cần đến lí do. Và dù đúng hay sai họ cũng o bế, bao biện cho con, không cần sự hợp tác với giáo viên để giáo dục con. Cuộc sống hiện đại làm cho con người, trong đó có nhiều phụ huynh có lối sống vội vàng, cách xử lý thông tin và đưa ra quyết định nào cũng rất mau lẹ, mà nhiều khi không cần nhìn xa, nghĩ thấu. Đó là con mình sau này sẽ là ai, và thành người như thế nào? Cứ thế, dần dần trường học xuất hiện những “cậu ấm, cô chiêu”, “con vàng, con ngọc”, mà thầy cô phải kiêng dè, né xa. 
Thực tế dạy học cho thấy, do tính chất công việc hoặc nhiều lí do khác, không ít gia đình gần như phó mặc học sinh cho nhà trường. Với suy nghĩ, phụ huynh đã nộp tiền học đầy đủ thì nhà trường phải có trách nhiệm quản lý, giáo dục con em mình. Phụ huynh vì thế ít quan tâm, kiểm soát con để phát hiện ra những điều bất ổn, từ đó, kịp thời uốn nắn, định hướng cho con chọn đúng bạn mà chơi hay giúp cho con thoát khỏi những nguy hiểm đang rình rập (bị bạn đang đe dọa tính mạng, mỉa mai ngoại hình, tìm cách cô lập với các mối quan hệ khác hay ngược lại con mình đang ủ suy nghĩ, lên kế hoạch để giải quyết một sự việc nào đó…). Từ đó, cha mẹ giúp các em tháo gỡ những khúc mắc, bẻ lái những suy nghĩ thiếu đúng đắn, ngăn ngừa được hành vi sai trái của con, tránh xa những cảm bẫy của cuộc sống… Học sinh thời nay bơ vơ, cô đơn khi đứng trước nạn bạo lực học đường. Lo sợ bủa vây, các em không biết chia sẻ cùng ai, vì cha mẹ không gần gũi, quan tâm. Khó khăn này nhà trường, thầy cô phải gánh, biết thế nhưng cũng không thể kiểm soát hết, không thể theo dõi các em mọi lúc, mọi nơi. Khó hơn, khi học sinh mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau và có những tính cách, tâm lý không giống nhau. Nhiều khi giáo viên cần đến sự phối hợp từ phụ huynh để giáo dục các em thì nhận được những lời vừa vô tình, vô tâm: tôi bận quá, nhờ cô… Nhiều lúc chính giáo viên cũng thấy bơ vơ, cô đơn không khác gì học sinh. 
Gia đình là chốn nương thân an toàn nhất cho học sinh, nhưng không phải gia đình nào cũng làm được điều này. Thực tế cuộc sống của nhiều gia đình học sinh còn nghèo khó, những bậc làm cha, làm mẹ vì cuộc sống mà cũng chịu áp lực từ nhiều phía, mâu thuẫn, xung đột cũng theo đó xuất hiện ngày càng nhiều. Cho nên nạn bạo lực đã xảy ra và tiếp diễn thường xuyên trong gia đình. Việc phải chứng kiến nạn bạo lực gia đình hình thành trong suy nghĩ của học sinh sẽ là: muốn giải quyết mâu thuẫn thì phải dùng đến bạo lực. Như vậy, chính cha mẹ là người chưa có kĩ năng kiểm soát cảm xúc và giải quyết các tình huống có trong thực tiễn cuộc sống thì lấy đâu cách thức để giáo dục con biết để làm được như thế. Đặc biệt, học sinh là những thanh niên đang độ tuổi học ăn, học nói, học để sinh sống, học để làm việc…, khả năng quan sát để học theo, làm theo rất nhanh, nhưng cha mẹ lại là gương xấu thì làm sao học sinh học được điều tốt. Hơn nữa, hiện nay, do chế độ dinh dưỡng được cải thiện nên học sinh đa phần dậy thì rất sớm, do đó, tâm lý các em đang trong gia đoạn chưa phát triển ổn định, nhận thức chưa cao, chỉ làm theo điều mình cho là đúng, mình thấy, mình học được, mà chưa phân định rõ đúng sai, phải trái hay lường trước hậu quả của hành động. Bởi thế, cách thức giải quyết mâu thuẫn, xích mích bằng bạo lực của phụ huynh trong gia đình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân cách của học sinh. Điều này cũng gây khó khăn rất lớn cho giáo viên trong việc xử lý triệt để nạn bạo lực học đường. 
Tiếp nối và song hành với môi trường giáo dục của gia đình là nhà trường. Nhà trường là cơ sở thứ hai sau gia đình giáo dục cho học sinh hình thành nhân cách. Nhưng chính văn hóa ứng xử, lối giáo dục của gia đình đã hình thành nên thói xấu cho học sinh: giải quyết tất cả mọi mâu thuẫn, mọi bức bách trong người hay với người khác bằng những lời nói thô tục và hành động bạo ngược theo bản năng, theo cách giáo dục của cha mẹ- những người Thầy Cô đầu tiên. Do đó, khó khăn chồng chất khó khăn cho nhà trường, nhất là giáo viên trong việc xử lý triệt để hiện tượng bạo lực học đường. Bởi muốn thay đổi nhận thức cho học sinh phải bắt đầu từ việc giải quyết triệt để từ trong bản chất của môi trường giáo dục ở gia đình.
Phần đông học sinh dù ở độ tuổi nào cũng đều thiếu hụt kĩ năng kiểm soát cảm xúc và hành vi. Trước một tình huống gây cấn trong thực tiễn cuộc sống, các em gần như rất thụ động, thậm chí chỉ biết im lặng chấp nhận không dám lên tiếng hoặc không biết chọn người để chia sẻ, nhờ giúp đỡ…Học sinh “trắng như tờ giấy trắng” khiến cho giáo viên phải mất rất nhiều trí lực, thời gian mới có thể tiếp cận các em để tháo gỡ những sự cố trong tâm lý, trong hành vi.
Nghề giáo trong những năm gần đây đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Giáo viên trở thành “bia đỡ đạn”, luôn phải hứng chịu “đạn dược” của dư luận nếu phạm phải một điều gì đó trong cách giáo dục học sinh. Mạng xã hội lại dậy sóng với nhiều luồng thông tin khác nhau. Bên cạnh những quan điểm của nhiều phụ huynh học sinh thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu và đồng tình với việc sử dụng biện pháp mạnh để giáo dục học sinh hư, thì cũng có không ít phụ huynh học sinh tỏ ra coi thường, mạt sát và lên án, đả kích thầy cô, bất luận đúng sai. Có thể thấy, chưa bao giờ nghề giáo trở thành nghề nguy hiểm như hiện nay. Chưa bao giờ thân phận người giáo viên nhỏ bé, mềm yếu đến thế. Họ mất đi điểm tựa vững chắc từ chính những tổ chức quan trọng. Nghĩ cho cùng, nghề giáo được ví là “cao quý nhất”, thì trước khi “cao quý” nó cũng là nghề bình thường khác; giáo viên cũng là con người bình thường, không phải là một bậc vĩ nhân. Mà con người có lúc này, lúc kia, không thể toàn mĩ trong mọi hoàn cảnh. Sự lơ là vì có phần thiếu trách nhiệm hay lỡ tay đánh học sinh…, giáo viên sẽ không còn cơ hội rút kinh nghiệm cho lần sau. Một thao tác rất nhẹ lên Google đủ thấy được số lượng giáo viên bị đuổi khỏi nghề giáo là không ít. Đó cũng là một trong những lí do, vì sao nhiều giáo viên không dám xử lý đến cùng nạn bạo lực học đường hay không dám nhiệt tình dạy dỗ học sinh hư. Bởi, ai bảo vệ họ, ai bảo vệ gia đình họ…? 
Không phủ nhận sự phát triển về khoa học công nghệ mang lại cho con người Việt Nam một cuộc sống mới, con người mới. Học sinh ngày càng nhanh nhạy với công nghệ thông tin, nhiều luồng văn hóa ngoại nhập vừa đem lại sự hiểu biết, vừa mở mang được kiến thức. Song, đây cũng chính là nơi tiềm ẩn những vấn đề tiêu cực, nan giải. Học sinh khi tiếp cận với mạng Internet, ngoài mục đích để phục vụ cho việc học, thì còn dùng để giải trí. Nhiều học sinh tìm đến các trò chơi giải trí như chơi game, xem phim trên Youtube, Ticktok... Những thước phim bạo lực, những trò chơi bạo lực, những thông tin mang tính bạo lực được đăng tải từng ngày, từng giờ nhưng lại hiếm đi những quan điểm, chính kiến của người đại diện cho một tổ chức giáo dục có thẩm quyền trong việc định hướng cho ngôn luận tới học sinh một cách kịp thời. Hiện trạng này phải chăng là do công tác quản lý của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch ở nước ta về các luồng thông tin, mảng giải trí trên mạng xã hội (Facebook, Zalo) chưa thực sự tốt? Chính mạng xã hội với những trò chơi, những thước phim, các thông tin bạo lực tràn lan đã (trở - bỏ) tác động trực tiếp đến tâm lý, nhân cách của học sinh. Đây vừa là hiểm họa, vừa là lỗ hổng lớn đặt ra nhiều thách thức cho gia đình, nhà trường khi theo dõi để uốn nắn học sinh, nhất là giáo viên khó để kiểm soát, can thiệp, chấn chỉnh kịp thời được những trường hợp học sinh mâu thuẫn, xích mích...
Cần thiết phải có những biện pháp mang tính chiến lược lâu dài để giải quyết từ gốc rễ đến ngọn vấn đề
Từ những gì chúng tôi đã trình bày ở trên, đủ để thấy giáo viên rất khó để xử lý triệt để nạn bạo lực học đường từ gốc cho đến ngọn. Tuy nhiên, khó xử lý triệt để không có nghĩa không có biện pháp. Song, muốn giải quyết được phải nhìn thẳng vào thực tế và giải quyết bắt đầu từ cái gốc của vấn đề- từ trong cách giáo dục của gia đình, để xóa bỏ tư tưởng và cách hành xử: “Thương cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi.” Thương kiểu roi vọt hay cho ngọt, cho bùi đều không phù hợp với xu thế của thời đại hiện nay. Vì thế, kiểu thương này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sau. Phụ huynh cần xóa bỏ nếp nghĩ và cách thức giáo dục này. Hơn hết nữa, cha mẹ phải là gương tốt cho con học hỏi, cụ thể là cha mẹ phải có cách ứng xử văn minh, lịch sự với nhau ngay cả khi “cơm không lành, canh không ngọt”, ngay cả khi áp lực của “miếng cơm manh áo gì sát đất”. Để làm được điều đó, phụ huynh phải là người có nhận thức cao để tự rèn luyện, kiểm soát được cảm xúc, hành vi của mình thông qua việc giải quyết các tình huống có trong thực tiễn cuộc sống. Trên cơ sở đó, phụ huynh sẽ phân tích cho con thấy và biết cách để kiểm soát cảm xúc, hành vi của mình. Tóm lại, tư tưởng, cách thức giáo dục, môi trường của gia đình là vô cùng quan trọng. Đây chính là bước đệm để các em phát triển năng lực, phẩm chất của mình khi đến với trường học, nhưng lại là yếu tố mà nhiều người, nhiều gia đình xem nhẹ nên hay đổ lỗi cho giáo viên, nhà trường và xã hội.
Hơn nữa, phụ huynh phải cố gắng để đóng nhiều vai, vừa là mẹ, là cha, là anh, chị, là thầy cô và cả bạn bè mới có thể gần gũi được với con, nghe được mong muốn, tiếng lòng của con, đặc biệt là hiểu được tâm trạng của con, biết con gặp phải khó khăn gì. Nhiều khi chỉ một vài câu hỏi đơn giản thể hiện sự quan tâm, mà hiệu quả bất ngờ. Chẳng hạn, với trẻ cấp 1, phụ huynh chỉ cần hỏi 1-2 câu khi con đi học về: Hôm nay, đi học về, con có gì vui không, kể cho mẹ nghe xem nào? sẽ biết được tâm trạng của con ngay. Cùng với câu hỏi là dùng sự quan sát của phụ huynh về quần áo, cặp sách hay biểu hiện nét mặt cử chỉ, điệu bộ để có thể suy đoán và biết được con có ổn không. Riêng với trẻ ở độ tuổi dậy thì sẽ mất thời gian hơn nhiều, phải dẫn dắt, phải bẻ lái liên tục trong câu chuyện, cho con thoải mái bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, chính kiến của bản thân, thậm chí nhiều khi có phần tiêu cực, nhưng thế mới có cơ hội để phụ huynh hiểu biết, chia sẻ, uốn nắn con mình kịp thời. Tâm lý tuổi này các con ít thích tâm sự với phụ huynh, mà thường thích tâm sự với bạn bè của mình hoặc người ngoài hơn. Nhiều lúc cần thiết phụ huynh nên liên lạc với bạn bè của con, với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm để hiểu rõ hơn sự tình.
Cuộc sống ngày càng phức tạp nên để bảo vệ tốt nhất cho con em mình trước khi đến trường cần cho con tham gia các lớp học võ, để con có khả năng tự bảo vệ bản thân mình khi và bảo vệ mọi người khi cần thiết. Bên cạnh đó, phụ huynh cần bày cho con cách xử lý các tình huống khi bị bắt nạt hoặc bị đánh dù có mâu thuẫn hay không mâu thuẫn. Tốt nhất là biết dung hoà các mối quan hệ xung quanh, kiểm soát tốt lời nói trong giao tiếp, tập trung vào mục tiêu vào việc học của mình; chọn đúng bạn mà chơi cũng rất quan trọng, tránh xa bạn xấu sẽ hạn chế được rủi ro cho bản thân.
Phụ huynh cần bình tĩnh để hỗ trợ cho giáo viên, nhà trường và các cơ quan chức năng khác trong việc giải quyết vấn đề. Không vội vàng, hấp tấp để tung sự việc lên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Vì nếu con họ dù bị đánh hay đánh bạn cũng là điều không hay, việc đăng bài chỉ làm sự việc phức tạp hơn, và khó giải quyết hơn. Cách ứng xử này của phụ huynh làm ảnh hưởng đến tâm lý của con, mang lại điều tiếng tạo áp lực cho gia đình và cả nhà trường, xã hội về mặt lâu dài.
Về phía nhà trường, cần lập nên Ban giám thị theo dõi và chấn chỉnh, xử lý kịp thời những vi phạm của học sinh, trong đó có việc xử lý học sinh đánh nhau. Nếu học sinh vi phạm nghiêm trọng, vượt quá thẩm quyền của Ban nề nếp thì chuyển lên Ban giám hiệu nhà trường để phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh để xử lý. Những trường hợp học sinh vi phạm bị nghỉ học 3-5 ngày, thời gian ở nhà phải có sự theo dõi, giám sát của phụ huynh và khi quay lại trường phải có giấy xin học lại và giấy xác nhận của địa phương nơi cư trú. Trường hợp ở mức độ vi phạm pháp luật, nhà trường sẽ báo công an công an vào cuộc để xử lý. 
 Thầy cô ngoài việc xử lý học sinh theo đúng Luật giáo dục 2019 đã ban hành, cần đặc biệt chú ý đến việc thay đổi nhận thức cho các em, để từ đó, biết lỗi mà sửa lỗi. Quan trọng hơn sau khi xử lý xong trường hợp học sinh vi phạm, là giúp các em làm hòa lại, trở thành bạn bè bình thường. Đây chính là mục đích cao nhất của việc xử lý học sinh vi phạm.
Việc đánh giá hạnh kiểm của các em cần phải đánh giá cả một quá trình, không thể chỉ đánh giá tại một thời điểm, thông qua một lời nói, hành động sai lầm. Bởi ở tuổi trẻ, sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Tất nhiên, việc xử lý vi phạm công, tội phân minh, để còn răn đe và ngăn ngừa học sinh khác. Song, với tinh thần, tạo điều kiện tốt nhất cho các em có cơ hội được thay đổi và cải thiện, sửa đổi mức độ hạnh kiểm của mình. Nghĩa là giáo viên, nhà trường phải có cách xử lý nghiêm khắc, đúng luật nhưng cũng cần lắm tinh thần nhân đạo. 
Đối với giáo viên, trong quá trình dạy học, cần có sự liên hệ, kết nối với các sự việc nóng hổi, mang tính thời sự trong thực tiễn cuộc sống, trong đó có nạn bạo lực học đường, từ đó, phân tích những mặt đúng, sai, tích cực, tiêu cực để học sinh dần nhận thức rõ được vấn đề, biết cách giải quyết những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đây cũng chính là quá trình giúp học sinh dần hình thành được kĩ năng kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình. 
Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm vừa là giáo viên bộ môn vừa là người quản lý lớp phải thực sự quan tâm, sát cánh với các em nhiều nhất, khi quan sát thấy được biểu hiện của học sinh có điều bất thường, phải tìm hiểu đến những người bạn thân, những em thường xuyên gần gũi với học sinh để biết và có động thái ngăn ngừa, can thiệp, dự báo trước hậu quả cho học sinh thấy sợ mà dừng lại. Trường hợp phức tạp cần phải có sự hỗ trợ của Ban giám thị của nhà trường, của phụ huynh và cần thiết hãy báo với lãnh đạo nhà trường để cùng tháo dỡ khó khăn kịp thời và hiệu quả.         
Về phía xã hội, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội… cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm nhằm phối hợp với nhà trường thực hiện công tác giáo dục; góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho người học, đặc biệt hơn là ngăn ngừa được nạn bạo lực học đường. Tiêu biểu như tổ chức Đảng quán triệt đầy đủ nội dung các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của ngành về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và quản lý học sinh đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị; tăng cường giáo dục, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của ngành Giáo dục đối với học sinh. Cùng với đó, tổ chức Đoàn TNCS HCM, Đội Thiếu niên cần giáo dục chính trị, tư tưởng cho Đoàn viên thanh niên nhằm nâng cao nhận thức chính trị, lí tưởng, hoài bão và khát vọng cho Đoàn viên thanh niên trong thời kỳ mới; đồng thời đẩy mạnh công tác ngăn ngừa, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường. 
Thêm nữa, chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ thông tin, thời đại của nhiều nguồn văn hóa ngoại lai được du nhập, hoàn toàn không trong sạch, mà rất nhiều tạp chất. Sự tác động của hoàn cảnh ở bên ngoài rõ ràng rất mạnh. Thiết nghĩ, Bộ Thông tin và Truyền thông cần siết chặt hơn mảng giải trí đối với đối tượng là học sinh. Nên chăng nên phát sóng các thước phim, trò chơi game theo một số giờ giấc nhất định trong ngày để phụ huynh có thể giám sát con mình đang chơi trò gì, tốt hay xấu…?
Luật giáo dục 2019 đã sửa đổi, ban hành những điều liên quan đến quyền lợi của học sinh là đúng đắn. Học sinh là đối tượng cần được nâng đỡ, chở che, nhưng thiết nghĩ chỉ học sinh thôi chưa đủ, bởi giáo viên chúng tôi cũng cần phải có điểm tựa vững chắc từ các cơ quan quản lý, chức năng của Nhà nước để vượt qua làn sóng dư luận, để tận tâm hơn khi đồng lương còm cõi giữa thời “bão giá”. Nên chăng Luật giáo dục cần cho giáo viên thêm chế tài riêng trong việc xử lý đối với học sinh vi phạm, trong đó có học sinh đánh nhau?
Có thể khẳng định, vấn nạn bạo lực học đường chưa bao giờ dừng lại, mà thậm chí ngày càng trở nên phổ biến. Hậu quả của bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng. Đây không còn là nhiệm vụ của gia đình, nhà trường, mà toàn xã hội; cần có sự đồng tâm, hiệp sức của các cơ quan, ban ngành trong xã hội. Giữa thời đại công nghệ 4.0, lằn ranh giới của cái xấu, cái ác quá mong manh, chưa bao giờ con trẻ của chúng ta cần có phụ huynh, thầy cô và những người xung quanh quan tâm, gần gũi để thấu hiểu, tháo gỡ kịp thời những điều bất ổn trong tâm lý, hành vi. Chưa bao giờ người giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm cảm thấy đơn độc trên hành trình quản lý, giáo dục học sinh đến vậy. Chúng tôi cần lắm sự kết hợp nhiệt tâm của phụ huynh học sinh trong việc giáo dục học sinh như cần sự bao dung, thấu cảm với biện pháp chúng tôi tiến hành, với thái độ lắm lúc hời hợt vậy. Giáo dục con người là quý nhất nhưng cũng là khó nhất, vì phải trải qua một quá trình dài lâu thì phẩm chất của học sinh mới được hình thành và dần dần hoàn thiện. Bởi thế, chúng tôi cần có một niềm tin với đầy đủ ý nghĩa nhất từ ngành Giáo dục, của phụ huynh và hơn thế là toàn xã hội. Chỉ khi nào mọi sự được thay đổi tích cực thì vấn nạn bạo lực học đường sẽ không còn là khó để xử lý triệt để.

CÙNG CHUYÊN MỤC