Nghệ An Những nỗ lực ứng phó với biển đổi khí hậu

Phạm Thị Trà My
12/11/2022

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra nhanh, trực tiếp tác động mạnh đến an ninh lương thực toàn cầu do nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, tần suất các hiện tượng cực đoan, đồng thời làm gia tăng sức ép lên hệ thống đất đai, qua đó bùng phát nguy cơ cao về hoang mạc hoá, suy thoái đất. Những đợt sóng nhiệt, tăng cường mưa bão, hạn hán, ngập lụt diễn ra ở phạm vi rộng hơn, đặc biệt là ở các thành phố ven biển, gây thiệt hại nặng nề đến cuộc sống con người và tiếp tục hủy hoại các hệ sinh thái.

 Nước biển dâng sẽ gây ra các đợt tị nạn quy mô lớn do BĐKH. Báo cáo Hiện trạng khí hậu mới nhất do Hiệp hội Khí tượng Hoa kỳ vừa công bố nêu rõ: kể từ năm 1980, mỗi thập kỷ sau lại nóng hơn thập kỷ trước, trong đó thập kỷ 2010 - 2019 đã nóng hơn thập kỷ 2000 - 2009 khoảng 0,20C. Trong thời gian tới, BĐKH sẽ tiếp tục diễn biến khó lường và những tác động bất lợi sẽ ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo mới được công bố của Viện Toàn cầu Mckinsey, do tác động của BĐKH, các nước Đông Nam Á sẽ tổn thất khoảng 8% - 13% GDP mỗi năm cho đến năm 2050.








Mức độ biến đổi của nhiệt độ trung bình năm (Độ C) theo kịch bản RCP 4.5

Trong thời gian qua, diễn biến của khí hậu Việt Nam cũng có những nét tương đồng với tình hình chung trên thế giới. Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng năm 2016 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, vào cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 1,9 - 40C, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng 5 - 20%, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 53 - 75 cm [13]. Trung bình mỗi năm, BĐKH có khả năng sẽ làm cho thiên tai trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế, xã hội hoặc xoá đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển. Những vùng, khu vực được dự tính chịu tác động lớn nhất của các hiện tượng khí hậu cực đoan là dải ven biển Trung bộ, vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, vùng đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (năm 2016), trong vòng 50 năm tới, với xác xuất 40%, Việt Nam có thể phải chịu thiệt hại vượt quá 141,2 nghìn tỷ đồng (6,7 tỷ USD) do lũ lụt, bão hoặc động đất.


Mức độ biến đổi của nhiệt độ trung bình năm (độ C) theo kịch bản RCP 8.5

Tỉnh Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung bộ, là một trong những địa phương nằm trong vùng đặc thù chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và nước biển dâng. Biểu hiện của BĐKH trong tỉnh như: đất đai bị bạc màu; đa dạng sinh học giảm mạnh; diện tích đất bị xâm nhập mặn, đất bị khô hạn, nhiễm phèn ngày càng tăng; nhiệt độ không khí tăng cao và hạn hán bất thường, lũ lụt không theo quy luật; nhiều dịch bệnh mới hình thành… đã đe dọa đến các hoạt động kinh tế - xã hội trong tỉnh cũng như sự phát triển bền vững của tỉnh.

Mức độ biến đổi của lượng mưa (%) theo kịch bản RCP 4.5

Theo đánh giá 10 năm trở lại đây, thực trạng và diễn biến của BĐKH tại Nghệ An ngày càng biểu hiện rõ nét: Theo các kịch bản biến đổi khí hậu RCP2.6, RCP4.5, RCP6.0 và RCP8.5 thì nhiệt độ trung bình năm trên khu vực Nghệ An vào thời kỳ đầu thế kỷ 21 đều có xu hướng tăng trên toàn tỉnh, với mức dao động từ 0,8 - 4,10C [13]. Với xu thế tăng nhiệt độ như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng lương thực, nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao, hủy hoại nhanh chóng các cơ sở hạ tầng, gây hạn hán... sẽ gây áp lực không nhỏ cho tỉnh Nghệ An trong các năm tiếp theo. Số ngày rét đậm ở Nghệ An ở các kịch bản và các thời kỳ đều có xu hướng giảm so với thời kỳ cơ sở. Mức giảm từ - 4,1% (đầu thế kỷ theo kịch bản RCP4.5) đến -29,2% (cuối thế kỷ theo kịch bản RCP8.5) [13]. Trong khi đó số ngày nắng nóng tại Nghệ An theo các kịch bản và các thời kỳ đều tăng lên rõ rệt so với thời kỳ cơ sở, điều này phù hợp với xu thế ấm lên toàn cầu. Mức tăng cụ thể từ 0,8% (đầu thế kỷ theo kịch bản RCP6.0) đến 109,5% (cuối thế kỷ theo kịch bản RCP8.5) [56]. Như vậy, khí hậu của tỉnh Nghệ An ngày càng khắc nghiệt theo những số liệu tính toán trong kịch bản BĐKH và nước biển dâng, đặc biệt tại Nghệ An chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và bão gây trở ngại không nhỏ cho sự phát triển chung, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Nhiệt độ ở tất cả các vùng trên địa bàn tỉnh có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986 - 2005), với mức tăng lớn nhất là khu vực phía Bắc: Theo kịch bản RCP4.5, đến cuối thế kỷ 21, ở phía Bắc nhiệt độ tăng chủ yếu 1,9o - 2,4oC và ở phía Nam 1,7 - 1,9oC. Còn theo kịch bản RCP8.5, nhiệt độ tương ứng tăng 3,3 - 4,0oC ở phía Bắc và từ 3,0 - 3,5oC ở phía Nam. Nhiệt độ thấp nhất trung bình và cao nhất trung bình có xu thế tăng rõ rệt.
Lượng mưa năm có xu thế tăng trên phạm vi toàn tỉnh so với thời kỳ cơ sở ở tất cả các kịch bản: Theo kịch bản RCP4.5, đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm có mức tăng phổ biến 5 - 15%. Theo kịch bản RCP8.5, mức tăng nhiều nhất có thể trên 20% ở hầu hết tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Lượng mưa mùa khô ở một số vùng có xu thế giảm. Lượng mưa một ngày lớn nhất trung bình có xu thế tăng trên toàn tỉnh với mức tăng phổ biến 10 - 70%, so với trung bình thời kỳ cơ sở. Số ngày nắng nóng có xu thế tăng. Hạn hán có thể trở nên khắc nghiệt hơn ở một số vùng do nhiệt độ tăng và khả năng giảm lượng mưa trong mùa khô. Đáng chú ý, theo kịch bản RCP4.5, vùng biển Nghệ An thuộc khu vực Hòn Dáu - Đèo Ngang có mực nước biển dâng thấp nhất là 53 cm (từ 32 cm đến 75 cm). Vì vậy, nếu nước biển dâng 1m thì 1,47% diện tích các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bị ngập.
BĐKH diễn ra có thể dẫn tới những thay đổi đáng kể về phạm vi, tần suất, cường độ của các hiện tượng khí hậu cực đoan. Điều này cũng góp phần gia tăng những thiệt hại do BĐKH gây ra cho tỉnh. Hiện tượng bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài, gây ra tình trạng ngập lụt, sạt lở đất; nhiệt độ cao, nắng nóng gay gắt, ít mưa có thể dẫn tới tình trạng hạn hán, thiếu hụt nước, gia tăng dịch bệnh; nước biển dâng gây ngập lụt, nhiễm mặn nguồn nước, gây ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Những cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Nghệ An cũng có xu thế tăng cường độ và mức độ nguy hiểm theo thời gian. Bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm hơn bình thường và kết thúc muộn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới gây ra gió mạnh, mưa trên địa bàn tỉnh, thiệt hại lớn đến con người và tài sản.
Trong những tháng Mùa đông, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mang không khí lạnh từ phía Bắc tới, làm nhiệt độ giảm xuống khá nhiều. Những năm gần đây tỉnh Nghệ An có những lúc nhiệt độ giảm xuống 00C, như ở huyện Quỳ Hợp - 0,30C, huyện Quỳ Châu 0,40C,... Năm 2016, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chịu ảnh hưởng của 25 đợt không khí lạnh, trong đó có 4 đợt rét đậm, rét hại, tập trung trong thời kỳ cuối tháng 1 và tháng 2. Đặc biệt đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 23 - 28/01/2016, đã xảy ra một đợt rét kỷ lục băng giá mưa tuyết ở một số huyện miền núi (Kỳ Sơn, Quế Phong,...) gây ra nhiều thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi. Mùa hè nhiệt độ tăng cao, đặc biệt là vào buổi trưa có thể lên đến 42,70C như ở huyện Tương Dương, 41,30C ở huyện Quỳ Hợp. Trong năm 2019 tỉnh xuất hiện 11 đợt nắng nóng, trong đó có 03 đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt, kéo dài và nhiều điểm vượt số liệu lịch sử từ ngày 04/6 đến 30/6/2019 với nhiệt độ không khí tối cao tuyệt đối đợt ở khu vực phổ biến: 39,0 - 42,00C, có nơi cao hơn như: Con Cuông 43,30C và Quỳ Hợp 43,00C, Tương Dương 42.80C. Nắng nóng, hạn hán đã gây thiệt hại về người và sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Mức độ biến đổi của lượng mưa (%) theo kịch bản RCP 8.5
Hiện tượng mưa lớn kéo dài đã gây ra lũ, lụt, lũ ống, lũ quét, xói lở bờ sông, trượt lở đất đá dẫn đến hư hỏng các công trình giao thông, thuỷ lợi, công trình công cộng, thiệt hại về tài sản và con người, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội. Các vùng ven biển, địa hình thấp thường xuyên bị ngập như huyện Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương gây ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và tài sản của người dân.
Khí hậu đã làm cho Nghệ An gặp không ít khó khăn, thách thức đặc biệt là sự gia tăng về mức độ cũng như diễn biến của thiên tai, thời tiết cực đoan. Từ đó kéo theo hàng loạt các hệ lụy, tác động nghiêm trọng tới tất cả ngành/lĩnh vực phát triển cũng như đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Trong điều kiện BĐKH làm thay đổi các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai cả về tần suất và cường độ, tính bất thường đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng chống thiên tai của cả hệ thống chính trị - xã hội. Để tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh và bền vững tại tỉnh Nghệ An, cần thực hiện một số dung sau:
Hoàn thiện hệ thống chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH; Lồng ghép thích ứng với BĐKH vào các chính sách, chiến lược, chương trình, dự án có liên quan, đặc biệt là trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội các ngành và địa phương.
Nâng cao năng lực phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các địa phương, các sở ban ngành trong phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH.
Tăng cường hợp tác, hỗ trợ nghiên cứu, dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thiên tai, thời tiết cực đoan để kịp thời cảnh báo đến người dân. Vì thông tin, dữ liệu KTTV được xác định đúng với tính chất thực tế là nguồn tài nguyên số, một trong những dữ liệu “đầu vào” quan trọng để xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương.
Tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của hệ thống tự nhiên và xã hội trước các tác động tiêu cực của BĐKH; Triển khai các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại gây ra bởi các tác động liên quan đến những thay đổi của khí hậu trong tương lai.
Xây dựng năng lực của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo và các kênh truyền thông hiệu quả để chuyển tải thông tin; Tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực tài chính cho thích ứng với BĐKH; tận dụng các cơ hội do BĐKH mang lại đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, các ngành, lĩnh vực cần chú trọng thực hiện các giải pháp riêng biệt, hiệu quả để có thể chủ động ứng phó với BĐKH. Các giải pháp đơn vị tư vấn đưa ra nhằm đảm bảo khả năng thực hiện và có thể lồng ghép vào chính sách phát triển của từng ngành/lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

CÙNG CHUYÊN MỤC