Thám hiểm Nghệ An năm 1897 (Kỳ 2)
Pierre Francois Sauvaire De Barthélemy
7/10/2022
Ngày mồng 2 tết, người ta đi thăm và chúc tết bà con. Trong những ngày tết, người nào cũng chi tiêu nhiều hơn và phóng khoáng hơn.
Ngày 01 tháng 2
Tết của người An Nam tại Vinh
Tết là lễ hội đặc trưng của người có đạo và không có đạo. Tiếng pháo nổ, tiếng hò reo sung sướng của dân chúng đã làm chúng tôi tỉnh giấc ngay từ lúc khởi đầu của ngày mới, một ngày trọng đại. Ngược lại, vào buổi chiều, một bầu không khí yên tĩnh bao trùm lên Vinh, do phong tục nơi đây, nhà nào cũng phải làm mâm cơm dâng lên bàn thờ tổ tiên. Những thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, đàn ông và phụ nữ đều quỳ lạy trước bàn thờ của gia đình để gửi lời thành kính của mình đến những người đã khuất. Người ta đốt giấy tiền, vàng bạc và nhang thơm, không một ai ra khỏi nhà vào ngày mồng 1 tết.
Ngày mồng 2 tết, người ta đi thăm và chúc tết bà con. Trong những ngày tết, người nào cũng chi tiêu nhiều hơn và phóng khoáng hơn.
Vì vậy mà các cửa hàng và nhà buôn luôn chật kín. Vào những ngày tết, tiệc tùng đôi khi diễn ra kéo dài, vượt quá giới hạn, khả năng của những người dân. Ai có hầu bao tốt hơn thì sẽ lâu rỗng túi hơn. Vì tính tiết kiệm rất xa lạ đối với người Việt, nên vào một số thời điểm nhất định trong năm, họ đã chi những khoản chi lớn nhất. Do vậy đó là nguồn của cải dồi dào cho những người Hoa, những người hồ lì trong sòng bạc và những nhà tài chính sâu bọ ở đất nước của những cái đầu điên rồ này.
Trong những ngày tết, chúng tôi đi xem nhiều sòng bạc. Một tên người Hoa cao to phát bài trong khi đó một tên khác gầy hơn, nhưng trông khỏe mạnh làm nhiệm vụ canh gác. Họ lập sòng trên một chiếc chiếu, chủ sòng bài là người bản xứ, đặt một nắm đồng xu vào trong cái bát. Trên chiếc chiếu rách, người ta có thể đánh cược “chẵn” “lẻ”, số nào cũng được. Tên người Hoa lật cái bát ra rồi đọc to kết quả trong cái bát, người thắng cuộc được lấy tiền về. Số tiền thắng cuộc khá nhiều và khá giống với các sòng bạc ở Pháp.
Ngày mồng ba tết, chúng tôi tham dự một cuộc diễu hành thật lý thú: Đó là cuộc diễu hành của các quan cấp cao đi lễ chùa và đi chúc tết Tổng đốc.
Ngày 04 tháng 1
Tiếp đón tại dinh Tổng đốc
Ngày hôm đó, chúng tôi nhận được thông báo Tổng đốc mời chúng tôi đến thăm dinh của ông vào buổi tối, chúng tôi biết trước sẽ được xem một phần của những vở kịch do ông sáng tác.
Cũng như bao người khác, viên quan cấp cao An Nam, Tổng đốc có tham vọng với nghệ thuật, ông ta rất say mê sân khấu.
Tổng đốc tâm sự với chúng tôi rằng gánh hát của ông chưa bao giờ rời xa ông; thậm chí họ còn cùng nhau đi lưu diễn dài ngày. Vào lúc 5 giờ, người ta thông báo cho chúng tôi biết rằng có một đoàn hộ tống được quan chức cử đến để đưa chúng tôi vào dinh Tổng đốc. Và cũng trong lúc này, Tổng đốc không làm phiền chúng tôi nữa, thiệp mời thông báo thời gian gặp mặt tại dinh Tổng đốc lúc 9 giờ.
Nhiều khách mời là quan chức cấp cao, nhiều đoàn hộ tống được cử đến dinh Tổng đốc trước, đó là nghi lễ của người An Nam. Tại nhà của một số quan chức cấp cao ở triều đình Huế, người ta chứng kiến đoàn hộ tống phải đợi từ 10 đến 11 giờ đồng hồ, thậm chí cả 24 giờ.
Vào lúc 9 giờ, chúng tôi đã trông thấy những vị khách ăn mặc chỉnh tề. Họ dường như không hề bực dọc khi phải mất nhiều thời gian để thực hiện những nghi thức đón tiếp chúng tôi.
Nghi lễ xã giao diễn ra linh đình, Tổng đốc muốn làm một điều gì đó tốt hơn.
Độ chừng 30 người mặc áo đỏ, quần dài trắng đứng đợi chúng tôi, một số người cầm bó đuốc trên tay, một số người cầm lọng hai tầng, một số người còn lại thì đeo gươm trên vai cho thấy uy quyền của quan chức.
Cuối cùng, có một người đàn ông đi qua trước mặt chúng tôi, tay cầm một cái trống bằng gỗ gõ từng nhịp đều đặn, ông ta báo hiệu chúng tôi đã đến và dẹp đường cho chúng tôi.
Đoàn hộ tống chia tay chúng tôi ngay tại cổng dinh Tổng đốc. Nhiều quan chức của tỉnh và các vùng lân cận đã đứng đó đợi chúng tôi đến để giới thiệu chúng tôi với cấp trên của họ.
Ngay lập tức, có một người ăn mặc chỉnh tề đến dẫn chúng tôi đi đến một địa điểm nằm trong khu vực của dinh Tổng đốc, ở đó chúng tôi tham dự vào một màn bắn pháo hoa(1).
Người An Nam chỉ biết đến súng ống và họ thường là những nghệ nhân bắn pháo hoa tài ba. Nhưng than ôi, lúc này trời đang mưa phùn(2), độ ẩm cao đã ảnh hưởng đến nhiều màn biểu diễn đẹp.
Nhưng điều làm chúng tôi quan tâm đó là các vở kịch. Công sứ bố trí cho chúng tôi 2 phiên dịch thành thạo, nhờ họ mà chúng tôi ít ra cũng hiểu được nội dung ý nghĩa của các vở kịch đưa ra biểu diễn.
Sân khấu diễn kịch là một chiếc chiếu, và ở cùng một tầng với chúng tôi, có một vách ngăn để ngăn hậu trường với khán giả và người ta đã đục vách ngăn làm 2 lối ra vào. Kẹo bánh và rượu sâm panh được bày ra bàn, đó là chỗ dành cho khách mời của vị Tổng đốc.
Chúng tôi vừa xem kịch vừa ăn mứt gai dầu, mứt hạt sen, mứt hạnh nhân trộn với nhựa cá, cùng với một vài món chiên và trái hồng khô(3), dùng chung với rượu Champagne.
Vở diễn đầu tiên là một vở hài kịch, qua vở diễn đó, người ta chế diễu một bộ phận của xã hội An Nam lúc bấy giờ. Chúng tôi nhận thấy trong vở kịch đó có hàm ý giáo dục, nhưng đó là một chủ đề không còn mới đối với chúng tôi.
Vở kịch 1:
Cảnh 1: Một viên quan lớn xuất hiện trong bộ trang phục lộng lẫy, có 2 lá cờ gắng trên vai cho biết người này là một nhân vật của triều đình Huế, ông là Đô ngự sử. Bây giờ ông ta đang đi săn bắn (những tên xạ thủ đi cùng với Đô ngự sử cho thấy ông ta đang đi săn bắn, đồng thời có ba chậu cây được đặt trên ghế tượng trưng cảnh rừng nguyên sinh(4)). Ông quan đang đọc một bài thơ hay, bài thơ nói rằng đứng giữa xứ sở đẹp đẽ này thì ông ta tạm từ bỏ công việc để vào rừng hít thở không khí trong lành.
Cảnh 2: Một người đàn ông mặc bộ đồ con cọp và cầm đầu cọp trên tay. Người đàn ông này kể rằng anh ta muốn chữa lành bệnh cho mẹ của mình, theo lời thầy bói phán thì anh ta có thể chữa khỏi bệnh cho mẹ của mình bằng một phương thuốc duy nhất đó là uống sữa của một con cọp cái. Vì vậy anh ta đành hóa trang thành con cọp để chui vào hang cọp, mặc dù anh ta biết rằng việc làm này nguy hiểm đến tính mạng của mình.
Cảnh 3: Viên quan xuất hiện trở lại với đoàn tùy tùng và lần này thì ông ta đứng từ trên cao để miêu tả cảnh núi đồi. Bất thình lình có tiếng gọi lớn: “Cọp! Cọp! Cọp!”. Những tên lính bắn cung vây quanh ông quan lớn này. Những người lính tùy tùng cầm cung vây quanh ông quan. Người con hiếu thảo nắm tay mẹ chạy trốn khi thấy bóng dáng của người lính, nhưng con cọp bị vây bởi những người đi săn nên không thể thoát thân được. Một người lính cầm cung và dương lên. Người con hiếu thảo cởi đồ cọp ra và trách viên quan về sự tàn bạo này. Viên quan kết tội người đàn ông này lợi dụng sự hèn nhát của những người nhà quê nên hóa trang thành cọp để đi cướp. Tội ác này cần phải trừng trị nghiêm khắc. Người con khóc lóc và thề rằng anh ta không có bất kỳ một ý đồ gì xấu xa khi cải trang như vậy. Và anh ta kể về cuộc đời của mình. Anh ta đã từng đi học, nhưng anh ta không muốn đi ứng thí nữa vì có nhiều bất công trong trường thi.
Vì lý do đó mà anh bỏ làng quê ra đi cùng với mẹ già, sống trong rừng. Mẹ anh sắp mất vì thế mà anh phải cứu mẹ, mẹ là tài sản duy nhất của anh trên thế gian này. Viên quan muốn anh ta hứa sẽ trở lại trường thi vì anh ta xứng đáng là vị quan tốt. Anh ta hứa thế, nhưng lại từ chối không đi cùng với viên quan và nói sẽ đi thi khi mẹ anh ta khỏi bệnh. Anh ta mặc lại quần áo con cọp và đi ra. Ông quan ngưỡng mộ nghị lực của người đàn ông này và lui vào trong với các thợ săn.
Cảnh 4: Chúng ta đang ở trong nhà của Đô ngự sử. Viên quan mang câu chuyện này kể lại cho con trai ông nghe(5). Con trai ông nghe câu chuyện đó đã nhận ra nhân vật trong câu chuyện là bạn học cùng lớp ngày xưa với mình, anh thanh niên giả cọp là người rất siêng học và học giỏi nhất lớp nhưng vì sự kiêu hãnh nên anh ta không chịu đi thi và giám khảo trường thi không bao giờ cho anh ta đậu.
Cảnh 5: Đây là cảnh hài, nhân vật là con trai của một viên Thái Sư.
Con trai viên Thái Sư mắc chứng nói lắp. Anh ta nói rằng anh ta sẽ thi đỗ mà không gặp phải bất cứ khó khăn nào vì cha anh ta là chánh chủ khảo trường thi (câu thoại dùng những câu từ chơi chữ để khán giả cười, rất khó để dịch).
Cảnh 6: (Trường thi). Anh chàng nói lắp xuất hiện, thi phần viết dưới sự chứng kiến của cha anh ta và các giám khảo. Sau đó anh ta thi phần cưỡi ngựa và bắn cung (con ngựa được tượng trưng bằng miếng vải dài và anh ta múa với miếng vải đó). Kế đến là bắn cung (2 lá cờ bắt chéo nhau tượng trưng cho bia bắn, 2 người cầm cờ phất cờ và hô “trúng đích” nếu bắn trúng). Con trai viên Thái Sư chỉ bắn trúng 1 phát trong 3 lần bắn.
Con trai viên Đô ngự sử thi rất tốt và đậu tất cả các môn, nhưng Thái Sư chơi xấu không công nhận kết quả.
Giám khảo đề nghị 2 người giao đấu với nhau. Anh chàng nói lắp không đồng ý và phàn nàn vì sao anh ta không được hạng nhất. Cuối cùng thì hai người giao đấu và anh chàng nói lắp thua trong sự hài hước.
Trở lại cảnh anh chàng giả làm cọp, anh chàng thi rất tốt, giám chủ khảo phải quyết định ai là người thắng cuộc: anh chàng giả làm cọp hay con trai Đô ngự sử?
Tổng đốc rất thông minh khi ngừng vở kịch tại đây. Hai bài học được rút ra từ vở kịch này: Vinh danh lòng hiếu thảo và châm biếm tình yêu mù quáng của cha dành cho con.
Tổng đốc Vinh khéo léo đưa ra hai hình ảnh trái ngược nhau. Đối với người An Nam họ thừa sức hiểu vở kịch của chúng ta.
Tổng đốc muốn chúng tôi đánh giá tiếp về nghệ thuật sân khấu người An Nam, mời chúng tôi xem tiếp vở bi kịch thứ hai: Một tính cách khác về người anh hùng trong bi hài kịch.
Vở kịch thứ 2:
Cảnh 1: Người cầm đầu một băng thảo khấu ra lệnh cho cấp dưới chuẩn bị chiến đấu. Những người thuộc cấp uống rượu choum - choum(6) để lấy can đảm và chuẩn bị chiến đấu.
(Tác giả giới thiệu nhân vật cầm đầu cuộc giao đấu với bộ trang phục lộng lẫy, đội chiếc mũ có trang trí bằng lông vũ gà Mã Lai(7)).
Cảnh 2: Hai người lính cầm cờ đi qua sân khấu, biểu tượng cho hai bên bắt đầu đánh nhau (Viên quan triều đình Huế mặc đồ đẹp, bình tĩnh và lạnh lùng, người cầm đầu băng thảo khấu thì ngược lại rất hùng hổ, cầm cái rìu, hoàng tử cầm giáo).
Hai người thách thức trước khi đánh nhau.
Lời văn rất bóng bẩy, người dịch không tốt nên không dịch được. Mỗi trận đấu đều thay đổi cách đánh nhau. Cuối cùng người cầm đầu băng thảo khấu thua dưới tay hoàng tử.
Cảnh 3: Một cô gái trẻ (đào chính) vừa suy nghĩ, vừa nói với người bạn tâm giao rằng, cô ta muốn trả thù cho anh trai là người cầm đầu băng thảo khấu.
Cảnh 4: Người thám thính của hoàng tử (diễn viên hài) nhìn từ trên đồi thấy cô gái trở thành thủ lĩnh băng thảo khấu, anh ta phi ngựa về báo với hoàng tử.
Trong lúc đó cô gái trẻ quy tụ binh mã để phục thù.
Cảnh 5: Người thám thính chạy về thông báo với viên quan, ông không tin nhưng vẫn đến xem (người này diễn với điệu bộ hài hước).
Cảnh 6: Quân lính cầm cờ báo hiệu trận đấu bắt đầu. Hoàng tử và cô gái đối đầu nhau, bên cạnh đó người thám thính và người hầu của cô gái đối đáp với nhau bằng những câu hài hước. Viên quan năn nỉ người đẹp đừng để ông ta bắt buộc đánh nhau với cô gái. Cô gái muốn dùng sắc đẹp của mình để chinh phục viên quan nhưng không thành. Hai bên đánh nhau. Cuộc chiến bất phân thắng bại, màn đêm buông xuống, cô gái đề nghị tạm ngưng, viên quan đồng ý. Hai bên rút quân.
Cảnh 7: Buổi tối, người thám thính có cuộc hẹn với người hầu của cô gái. Anh ta đề nghị cô gái ngủ với anh ta trên chiếc chiếu, cô gái từ chối. Anh ta đe dọa và bắn cô hầu bị thương. Cô hầu than thở về vết thương và nói rằng cô ta sẽ chấp nhận tất cả với điều kiện anh ta bò dưới đất và dùng răng cắn mũi tên để rút ra. Anh thám thính đồng ý. Cô gái lợi dụng tình thế đó chém anh ta vì anh đang nằm ở phía dưới.
Vở kịch dừng tại đây vì quá khuya nhưng tôi cũng thấy được rõ trình độ nghệ thuật của những viên quan An Nam. Kịch người An Nam kéo dài và kết thúc trễ, có nhiều tình tiết và là nơi để biểu diễn trang phục.
Tuy nhiên chúng tôi đánh giá cao trình độ nghệ thuật của một số viên quan An Nam. Những người làm trong chính quyền Pháp có lý khi khuyên những người Châu Âu phải xử sự một cách khéo léo với các viên quan An Nam. Một người như Tổng đốc Vinh đã thấy được sự khác biệt trình độ trí thức và đánh giá cao những người mà ông tiếp đón.
Ở những nước có nền văn minh cao, uy tín rất quan trọng, một số người Pháp chúng ta dường như quên điều này, có một số người lo quyền lợi cá nhân và chứng tỏ mình cao hơn dân An Nam.
Vở kịch thứ 2 rút ra được bài học:
Người An Nam mặc dù đặt các võ quan ở hàng thứ hai, nhưng họ đánh giá cao đạo đức của người lính, điều này chứng tỏ trong những bài ca của vở bi kịch. Còn chúng ta xem nghệ thuật chiến tranh chỉ là tổ chức và kỷ luật. Hiện tượng xã hội này lý tưởng trên lý thuyết, trên thực tế dường như không được như vậy.
Tôi chia sẻ suy nghĩ này với Tổng đốc, ông nghe xong chỉ nhếch miệng cười.
Buổi tối kết thúc thật tuyệt, chúng tôi có chung suy nghĩ rằng tất cả mọi dân tộc có cùng chung đức tính tốt, cùng ngưỡng mộ, cùng yêu thương như nhau. Tôi chắc rằng những người khán giả An Nam cũng rung động trước những nhân vật trong vở kịch giống như những người Pháp xem vở kịch này.
PHẠM XUÂN CẦN *
PHẠM THANH BIÊN**
Chú thích
* Người sưu tầm, xác minh và giới thiệu
** Người dịch.
1. Pháo hoa: là một hình thức giải trí mạnh mẽ thường được sử dụng ở Viễn Đông. Các dân tộc của nền văn minh Trung Quốc biết đến pháo hoa sớm hơn chúng ta.
2. Mưa phùn: là một cơn mưa nhẹ, khá đặc biệt tại các vùng ở miền cực Đông trên vĩ tuyến của Huế, hầu như người ta thường nhắc đến mũi Varella (mũi Đại Lãnh). Cơn mưa này thường xuất hiện và tháng 1,2,3 và kết thúc vào những ngày đầu của tháng 4. Sau đó, An Nam bắt đầu vào mùa khô, đó là tháng 4, 5, rồi những cơn dông xuất hiện bắt đầu từ tháng 5 cho đến thắng 8. Tháng 9, 10 nhiệt độ bất thường. Tại Trung kỳ cũng như Nam kỳ và Lào, các mùa trong năm không rõ rệt. Các quy luật thời tiết kể trên có nhiều thay đổi theo nhiều năm. Thời gian mưa phùn chỉ có thể xem như định kỳ.
3. Quả hồng khô: là một loại quả gần giống với Azeroles, khô, nó rất giống quả sung được bán ở các quầy tạp hóa của chúng ta.
4. Trong sân khấu của người An Nam, tất cả đều có quy ước, điều đó đã gây khó khăn trong việc diễn xuất của những người không biết ngôn ngữ.
5. Vai diễn này do một người phụ nữ đảm nhiệm, đó là một điều hoàn toàn bất thường trên sân khấu ở Viễn Đông. Tổng đốc Vinh muốn làm một cuộc cách mạng trong sân khấu An Nam. Vở hài kịch mà chúng tôi xem là diễn vở theo nghệ thuật của người Pháp, ít xúc động và tác giả muốn chỉ cho đồng bào của mình thấy rằng sự hiện diện của người phụ nữ thật duyên dáng, thật là nghệ sĩ biết bao, tô đẹp cho sân khấu ngay cả trong những thảm kịch đen tối nhất.
6. Chưa rõ là rượu gì (BT).
7. Gà Lôi Mã Lai: được các nhà khoa học biết đến với cái tên “Phasianus Rheinartii”, được tìm thấy hầu như trên toàn lãnh thổ An Nam, ở trên núi. Một số lượng lớn của loài này là ở tỉnh Quảng Nam. Bảo tàng Luân Đôn đã trao tặng tới 20.000 phờ răng cho những ai mang con gà này còn sống về. Nhưng con vật này rất tinh tế vì vậy phải mất nhiều công sức người ta mới có thể bảo tồn được một vài con ở vườn bách thú Sài Gòn.