Hội thảo khoa học “Di tích khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Quỳ Hợp thực trạng, bảo tồn và phát huy”
Hoàng Anh
20/9/2022
Ngày 17/9, tại UBND huyện Quỳ Hợp diễn ra Hội thảo khoa học “Di tích khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Quỳ Hợp thực trạng, bảo tồn và phát huy”.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.

Toàn cảnh hội thảo
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Qùy Hợp là vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước rất đáng tự hào. Ngày nay, Qùy Hợp còn lưu giữ nhiều di tích, dấu tích các cuộc khởi nghĩa chống lại những cuộc xâm lăng của kẻ thù, giải phóng đất nước. Một trong những cuộc khởi nghĩa đó là khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập cho dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo diễn ra trong qua 3 giai đoạn: Những năm đầu hoạt động ở vùng núi Thanh Hóa (1418 - 1423); nghĩa quân tiến vào giải phóng Nghệ An, mở rộng vùng giải phóng xuống Tân Bình - Thuận Hóa (1424-1425); tấn công ra Bắc, giải phóng hoàn toàn đất nước (1426-1427).
Sau khi đặt chân đến miền núi Nghệ An, nghĩa quân Lam Sơn dừng chân chọn Bãi Tập thuộc địa bàn các xã Đồng Hợp và Tam Hợp huyện Qùy Hợp ngày nay để xây dựng hậu cứ, tuyển thêm quân sĩ, rèn đúc vũ khí, huấn luyện binh lính, tích trữ lương thực chuẩn bị mọi mặt cho mặt trận đánh chiếm thành Trà Lân (thuộc huyện Con Cuông ngày nay). Trong thời gian dừng chân tại Qùy Hợp, nhân dân các dân tộc đã mang lương thực thực phẩm ủng hộ nghĩa quân Lam Sơn. Đặc biệt, hàng ngàn trai tráng ở Qùy Hợp và các huyện lân cận đã kéo đến xin gia nhập nghĩa quân. Bãi Tập trở thành hậu cứ, bàn đạp cho nghĩa quân Lam Sơn tiến công thành Trà Lân…

Ông Nguyễn Quốc Hồng - Chủ tịch Hội KH Lịch sử Nghệ An phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo với mục đích xác định một số di tích, dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khởi nghĩa Lam Sơn ở Qùy Hợp. Theo kiểm kê, trên địa bàn miền núi Nghệ An có trên 20 di tích, thì huyện Quỳ Hợp có tới 10 di tích, địa điểm liên quan. Điều đó chứng tỏ rằng vùng đất Quỳ Hợp đã từng là căn cứ vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc tổ chức lực lượng để tiến về giải phóng thành Nghệ An lúc bấy giờ, và tạo tiền đề cho việc đánh đuổi hoàn toàn quân minh ra khỏi biên giới Đại Việt lập nên triều đại Lê sơ.

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện Sử học phát biểu tại hội thảo
Hội thảo đã nhận được trên 20 bài viết tập trung vào 2 nội dung chính: những di tích, dấu tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Quỳ Hợp; Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích khởi nghĩa Lam Sơn ở Quỳ Hợp. Tại hội thảo các đại biểu đã được nghe trực tiếp 6 tham luận, hàng chục ý kiến phát biểu liên quan đến Dấu ấn Khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Qùy Hợp; Hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn trên vùng đất huyện Qùy Hợp; Giải pháp bảo tồn và phát huy hệ thống di sản văn hóa liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; Hệ thống di sản văn hóa về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn....
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Hội thảo Nghiên cứu thân thế, sự nghiệp, danh y Hoàng Nguyên Cát và các bài thuốc từ bộ sách “Qùy viên gia học” đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Sáng ngày 22/3/2023, Hội Đông y tỉnh Nghệ An, tổ chức hội thảo khoa học đánh giá kết quả của đề tài: Nghiên cứu thân thế, sự nghiệp, danh y Hoàng Nguyên...