Hoạt động của đồng chí Võ Nguyên Giáp ở Trung Quốc và ý nghĩa đối với cách mạng Việt Nam

Lê Đức Hoàng
9/9/2022

Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một năm rưỡi hoạt động ở Trung Quốc. Ở bài viết này, góp phần làm sáng rõ bối cảnh, thời gian, địa danh, lịch trình, nội dung và đóng góp, ý nghĩa của những hoạt động đó đối với cách mạng Việt Nam.


1. Bối cảnh, thời gian, địa danh, lịch trình hoạt động
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới II bùng nổ đã tác động lớn đến tình hình cách mạng Đông Dương. Tình hình mới đặt ra yêu cầu phải sớm chắp nối được liên lạc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tập hợp các đồng chí đang hoạt động ở phía Nam Trung Quốc để thống nhất chủ trương, hành động vào mục tiêu giải phóng dân tộc. Đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Phạm Văn Đồng được giao nhiệm vụ cao cả đó(1). 
Trước khi lên đường, trong cuộc gặp Bí thư xứ ủy Bắc kỳ, đồng chí Võ Nguyên Giáp được truyền đạt chủ trương “chúng ta phải chuẩn bị phát động chiến tranh du kích, vì phát xít Nhật sắp chiếm đóng hẳn Đông Dương, rất có khả năng quân Đồng minh sẽ đổ bộ vào” và căn dặn khi sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tìm hiểu thêm hoạt động của “Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”(2). 
Với sự sắp xếp của tổ chức, đến ngày 6/5/1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp tới được Côn Minh, chính thức mở đầu thời gian một năm rưỡi hoạt động ở Trung Quốc. Trong khoảng thời gian đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp di chuyển qua nhiều địa danh: 1) Thành phố Côn Minh (昆明) của tỉnh Vân Nam (云南); 2) Thành phố Quế Dương (桂阳)(3) của tỉnh Quý Châu (贵州); 3) Thành phố Quế Lâm (桂林) và huyện Tĩnh Tây (靖西) của tỉnh Quảng Tây (广西).
Lịch trình hoạt động của đồng chí như sau: đầu tiên tới Côn Minh, gần một tháng sau thì có cuộc gặp Nguyễn Ái Quốc (tháng 6/1940) tại Thúy Hồ (翠湖)(4). Đầu tháng 6/1940, được Bác Hồ cử đi học Trường Quân chính Diên An (Trường Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc). Tuy nhiên, trong hành trình để đến Diên An (延安, thuộc tỉnh Thiểm Tây), Võ Nguyên Giáp phải lưu lại ở Quế Dương khoảng vài tuần để chờ phương tiện đưa đi Diên An. Nhưng sau đó, vì hủy kế hoạch đi Diên An nên Võ Nguyên Giáp chuyển tới Quế Lâm hoạt động từ cuối tháng 6/1940 đến tháng 11/1940 thì chuyển đến Tĩnh Tây(5). Sau ngày Bác Hồ về nước (28/1/1941), Võ Nguyên Giáp cùng một số đồng chí ở lại Tĩnh Tây, kết hợp nhiều lần qua lại Pác Bó (Cao Bằng, Việt Nam) cho đến cuối tháng 11/1941 thì chuyển hẳn về nước hoạt động theo đề nghị của Người(6). 


Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Võ Nguyên Giáp (bên phải), Phạm Văn Đồng, Trường Chinh

2. Nội dung hoạt động chủ yếu 
Trong thời gian ở Trung Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp tiến hành những hoạt động chủ yếu sau đây:
Một là, xâm nhập thực tiễn nắm bắt tình hình, tham gia hoạt động báo chí, tuyên truyền, vận động cách mạng, vạch trần tội ác của giặc. 
Sở dĩ lúc bấy giờ các đồng chí cách mạng Việt Nam tập trung về hoạt động ở Côn Minh vì nơi đây là thủ phủ của tỉnh Vân Nam; đồng thời là hậu phương kháng chiến chống Nhật ở phía Tây Nam Trung Quốc trong bối cảnh Quốc - Cộng hợp tác, có không khí kháng Nhật khá sôi nổi. Nhân dân nhiều nơi từ Quảng Châu, Thượng Hải, Nam Kinh, Bắc Kinh... kéo về đây sinh sống, làm ăn rất sôi động. Kiều bào Việt Nam ở Côn Minh cũng khá đông, tập trung ở phố Kim Bích, chủ yếu làm kim hoàn, dịch vụ ăn uống và may mặc. Tại đây, các đồng chí ta nhận được giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc về trụ sở, sách báo, đầu mối giao thông liên lạc… và được kiều bào yêu nước che chở, tạo điều kiện thuận lợi, gây dựng nhiều cơ sở hoạt động bí mật. Điển hình như hiệu cắt tóc của Hoàng Quang Bình tại Chỉ Thôn (một ga thuộc tuyến đường sắt của Công ty Việt Điền, xã Xì Xuyên, huyện Mông Tự, tỉnh Vân Nam) là điểm hoạt động cách mạng bí mật của ta; nhà ông Tống Minh Phương giành riêng gác 2 cho Bác Hồ ở hoạt động(7). 
Đặc biệt hơn, ở Côn Minh có Chi bộ Vân Quý và có trụ sở Ban Chỉ huy ở ngoài(8) (dịch theo tiếng Trung là Hải ngoại chỉ huy ban) của Đảng ta do đồng chí Phùng Chí Kiên - Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách. Trước đó, cơ quan Ban Chỉ huy ở ngoài đóng tại số 71 phố Đại Nam ở Hồng Công, nhưng vẫn giữ mối liên lạc thường xuyên với Chi bộ Vân Quý ở Côn Minh và có quan hệ tốt với các Đảng Cộng sản vùng Viễn Đông, nhất là Ban phương Nam thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đầu năm 1939, sau khi cơ quan Ban Chỉ huy ở ngoài bị cảnh sát Hồng Công lục soát, Phùng Chí Kiên đến Côn Minh, bắt liên lạc với Chi bộ Vân Quý, lập ra Hải ngoại chỉ huy ban. Từ đây, Hải ngoại chỉ huy ban và Chi bộ Vân Quý trở thành cơ sở để Nguyễn Ái Quốc bắt liên lạc và chuẩn bị các điều kiện trở về nước hoạt động(9).
Hơn ai hết, với nhãn quan chính trị, quân sự sắc bén, lại khá dày kinh nghiệm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận thức được “Ban Chỉ huy ở ngoài là đại diện cho Đảng trong quan hệ và liên lạc với Quốc tế Cộng sản, chỉ đạo đường lối chung của Trung ương Đảng, cử đại diện tham gia công tác và kiểm tra toàn bộ công tác của các cấp ủy trong Xứ. Trường hợp Ban Chấp hành Trung ương bị vỡ, Ban Chỉ huy ở ngoài có thể thay thế Trung ương lãnh đạo các tổ chức Đảng trong nước duy trì các hoạt động. Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy ở ngoài lúc này là xuất bản Tạp chí Bônsêvích - cơ quan lý luận của Đảng, tổ chức các khóa học cho đảng viên”(10). Do đó, đồng chí Giáp tích cực tham gia nhiều hoạt động, nhất là về báo chí, vận động, tuyên truyền và định hướng đấu tranh cách mạng cho quần chúng, bày tỏ sự ủng hộ nhân dân Trung Quốc đánh Nhật. 
Khi Ban Chỉ đạo ở ngoài của Đảng ta tại Côn Minh xuất bản Báo Đồng Thanh, in bằng kính như kiểu in đá, do Phùng Chí Kiên và Vũ Anh phụ trách chính. Tờ báo đó sau đổi tên thành Đ.T, hàm chứa nghĩa rộng hơn: có thể hiểu là Đồng Tâm, Đánh Tây, Đấu Tranh và thậm chí là Đảng ta(11). Võ Nguyên Giáp là một người tích cực tham gia góp sức. Bên cạnh đó, đồng chí tham gia các cuộc rải truyền đơn từ Hồ Khẩu đến Côn Minh. Từ giữa tháng 5-1940, nhiều truyền đơn được chuyển đến các nhà ga, rồi từ đó chuyển đến các địa điểm nhỏ hơn. Nội dung truyền đơn tập trung vạch mặt thực dân Pháp cấu kết với phát xít Nhật, vận động đoàn kết ủng hộ Trung Quốc kháng chiến chống Nhật.
Sau khi Hội Giải phóng ra đời tại Tĩnh Tây(12), các hoạt động hợp pháp của ta được tăng cường. Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí khác tiến hành xuất bản Báo Giải phóng, phát hành tại một số địa phương ở miền Nam Trung Quốc và còn gửi về nước(13). Thông qua báo Giải phóng và hoạt động của Hội Giải phóng, bộ mặt thật của những người giả danh cách mạng bị vạch trần. Bên cạnh đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng với Bác Hồ tích cực viết bài cho tờ Cứu vong nhật báo ở Trung Quốc(14) tố cáo tội ác thực dân Pháp - phát xít Nhật, ca ngợi tình đoàn kết hữu nghị Việt - Trung trong cuộc đấu tranh chống phát xít, tạo nên diễn đàn ủng hộ cách mạng Việt Nam, phản đối Pháp, Nhật xâm lược. 
Sau khi Nguyễn Ái Quốc về Pắc Bó - Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp ở lại Tĩnh Tây có qua lại Pắc Bó, được Người tin tưởng phân công viết bài cho Báo Việt Nam Độc lập, đóng góp đáng kể vào các chuyên mục công tác tự vệ, công tác phụ nữ, tội ác giặc Nhật - Pháp của Báo này. Trong đó, đáng chú ý có bài “Chị em phụ nữ phải đoàn kết lại!” được viết theo sự phân công của Bác Hồ đảm bảo yêu cầu “đúng một trăm chữ, viết hơn thì không có chỗ đăng đâu”(15). Sau đó, đồng chí có nhiều bài viết phục vụ chủ trương của Đảng ta phát động phong trào ủng hộ Liên Xô, tuyên truyền, ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của Hồng quân Liên Xô. 
Hai là, tham gia một số tổ chức, kết nối các mối quan hệ, tăng sự hiểu biết, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam
Trong thời gian ở Biện sự xứ của Bát lộ quân Quý Dương chờ xe đi Diên An học tập, Võ Nguyên Giáp tranh thủ trau dồi kiến thức quân sự, tìm hiểu một số tác phẩm của Mao Trạch Đông, như Cuộc chiến đấu trên dãy núi Tĩnh Cương (1928), Chiến tranh du kích (1937), Những vấn đề chiến lược trong chiến tranh chống Nhật (1938)... Qua đó, đồng chí hiểu hơn về chủ trương của Mao Trạch Đông và quân đội cách mạng Trung Quốc, liên hệ với thực tiễn cách mạng Việt Nam. 
Thời gian hoạt động ở Trung Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp gặp ông Hồ Học Lãm(16), được giới thiệu với Lý Tế Thâm (Chủ nhiệm Tây Nam hành dinh của Tưởng Giới Thạch); rồi thông qua Lý Tế Thâm mà quan hệ với Quốc dân Đảng, tận dụng những điều có lợi cho ta, thậm chí là “lợi dụng nó để có thể mượn xe cộ đi về biên giới cho dễ dàng”(17). Từ tháng 10/1940 khi Bác Hồ thành lập Biện sự xứ hải ngoại (Văn phòng làm việc) của Hội Việt Nam độc lập Đồng minh(18) tại Quế Lâm, do đồng chí Phạm Văn Đồng (bí danh Lâm Bá Kiệt) làm Phó chủ nhiệm, mời ông Hồ Học Lãm làm Chủ nhiệm văn phòng, thực chất là để tận dụng giao tiếp với Lý Tế Thâm(19). Đồng chí Võ Nguyên Giáp tích cực tham gia vào các tổ chức, có nhiều hoạt động, mở rộng các mối quan hệ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đồng chí ta hoạt động trên đất Trung Quốc lúc bấy giờ và phục vụ lâu dài cho cách mạng Việt Nam. Ngày 8/12/1940 tại Quế Lâm, Bác Hồ thành lập “Hội công tác văn hoá Việt - Trung” tạo diễn đàn cho các đồng chí cách mạng ta, trong đó có Võ Nguyên Giáp đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng, tận dụng quan hệ Trung - Việt và một số vấn đề quốc tế; kêu gọi lực lượng tiến bộ quốc tế và Trung Quốc ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam(20). 
Sau khi thành lập Hội Việt Nam dân tộc giải phóng ủy viên(21)tại Tĩnh Tây, Trương Bội Công(22) cử Nguyễn Hải Thần(23) (thành viên ban lãnh đạo Hội) đến Quế Lâm hoạt động tiếp trợ. Ngay lúc đó, Võ Nguyên Giáp tìm cách thương thuyết với Trương Bội Công để mình “hộ tống” Nguyễn Hải Thần đến Quế Lâm. Thực chất là tranh thủ thời gian đi đường mà vận động Nguyễn Hải Thần tham gia Hội Việt Nam độc lập đồng minh. Đó là việc làm khôn khéo tạo tiền đề thuận lợi hợp nhất Hội Việt Nam độc lập đồng minh với Hội Việt Nam dân tộc giải phóng ủy viên để thành lập Hội Việt Nam dân tộc giải phóng đồng minh (gọi tắt là Hội Giải phóng) vào tháng 4/1941 tại Tĩnh Tây(24) nhằm hạn chế sự phá hoại của bọn giả danh cách mạng trong Hội Việt Nam dân tộc giải phóng ủy viên. 
Hội Giải phóng thông qua cương lĩnh có nội dung không những làm vừa lòng Quốc dân Đảng Trung Hoa mà còn tạo thêm thế hợp pháp cho các đồng chí ta. Cương lĩnh viết: “Đoàn kết với mọi người đối xử bình đẳng với chúng tôi, đặc biệt là đoàn kết với nhân dân Trung Hoa nhằm đánh bại đế quốc Pháp và phát xít Nhật, hoàn thành sự nghiệp giành độc lập, tự do và bảo toàn lãnh thổ cho nước Việt Nam. Thành lập nước cộng hòa Việt Nam của dân, do dân, vì dân theo đúng tinh thần của chủ nghĩa Tam dân, giúp Trung Hoa thực hiện đường lối kháng chiến và tái thiết nước nhà trên cơ sở nguyên tắc tương trợ Việt - Trung”(25). 
Hồ Học Lãm, Phan Bội Công, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng… được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Hội và các ban trực thuộc như Ban Chính vụ, Ban Quân sự... Nhờ vậy, đồng chí Võ Nguyên Giáp lấy danh nghĩa là người trong tổ chức Việt Nam giải phóng đồng minh để giao thiệp với một số nhân vật của Việt Nam quốc dân Đảng, đặc biệt là với Lý Tế Thâm để tìm hiểu rõ thêm mục đích “Hoa quân nhập Việt”, từ đó có tham mưu kịp thời cho Bác Hồ ra chủ trương phù hợp, có lợi cho cách mạng Việt Nam(26).
Ba là, tiếp xúc và trở thành trợ lý đắc lực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quóc, tham gia biên soạn tài liệu, tổ chức huấn luyện cán bộ
Cuộc tiếp xúc giữa Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Ái Quốc tại Thúy Hồ đầu tháng 6/1940 là cuộc gặp lịch sử giữa hai con người vĩ đại, hai tài năng xuất chúng của cách mạng Việt Nam, nên ngay từ đầu đã có sự đồng cảm, gần gũi, chân tình, gắn bó. Từ thời khắc đó, Nguyễn Ái Quốc là người thầy có ảnh hưởng to lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp; còn Võ Nguyên Giáp may mắn được làm việc bên cạnh, có điều kiện học tập, trau dồi, trưởng thành và được Người tin tưởng, trao nhiều trọng trách về quân sự, chính trị, ngoại giao... 
Trong cuộc gặp hôm đó, Nguyễn Ái Quốc hỏi Võ Nguyên Giáp về tình hình cách mạng trong nước, Mặt trận dân chủ; khẳng định việc đồng chí Giáp sang đây hoạt động là đáp ứng yêu cầu cách mạng đang cần; nói về cuộc chiến tranh chống Nhật của Trung Quốc, thái độ hai mặt của Tưởng Giới Thạch trong việc hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc chống Nhật; về mưu đồ “Hoa quân nhập Việt” của bọn Tưởng và toan tính của bọn Việt Nam Quốc dân Đảng(27) bám gót quân đội Tưởng để trở về Việt Nam. Còn Võ Nguyên Giáp cũng tranh thủ hỏi về vấn đề Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông - nhiệm vụ mà đồng chí Hoàng Văn Thụ căn dặn trước lúc sang đây; được Người cho biết: “vẫn rất cần nhưng về điều kiện tổ chức thì hiện nay chưa chín nên không đặt ra”(28).
Thời gian sau đó, để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho phong trào cách mạng trong nước, Nguyễn Ái Quốc giới thiệu các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và Cao Hồng Lãnh đi học Trường Quân chính Diên An; đồng thời nhấn mạnh: phải tranh thủ học tập về quân sự. Tiếp đó, Nguyễn Ái Quốc đánh máy một tờ giấy ký tên Hồ Quang, giới thiệu Võ Nguyên Giáp, lấy bí danh Dương Hoài Nam và Phạm Văn Đồng, lấy bí danh Lâm Bá Kiệt với Biện sự xứ của Bát lộ quân Quế Dương và Ban Giám hiệu ở Diên An. Chuyến đi do các đồng chí Trung Quốc tổ chức, nhờ một chiếc xe chở thuốc từ Côn Minh đi Quế Dương. Xe của Trung Hoa Quốc dân Đảng nhưng lái xe lại là một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đi mất ba ngày thì đến Quý Dương, nhưng sau đó hủy cuộc đi Diên An vì tình hình cách mạng thay đổi.
Sau thời gian ở Quế Lâm, cuối năm 1940, Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác trở về Tĩnh Tây. Đồng chí Giáp được Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ cùng với Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên... khẩn trương lập kế hoạch, biên soạn chương trình, bài giảng, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ. Đầu tháng 01/1941, lớp huấn luyện cán bộ được tổ chức tại đồn Niệm Quang (thôn Linh Quang, hương Cát Bàn, huyện Tịnh Tây) gồm 43 đồng chí (trong đó có 3 giáo viên) mà Bác gọi đây là “43 con chim đại bàng”(29) chuẩn bị tung cánh bay về Việt Nam làm cách mạng. Các bài giảng cho lớp huấn luyện, sau này được Tổng bộ Việt Minh bổ sung xuất bản thành sách Con đường giải phóng, dùng làm tài liệu huấn luyện cán bộ của Mặt trận Việt Minh, trang bị kiến thức cơ bản về một số vấn đề cách mạng Việt Nam.
Bốn là, cầu nối hoạt động trong nước với ngoài nước, củng cố cơ sở cách mạng Việt Nam ở hải ngoại, duy trì các mối liên hệ cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ cách mạng
Sau khi hoãn chuyến đi Diên An, Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí cách mạng về đến Quế Lâm vào cuối tháng 6/1940, nhưng đến đầu tháng 10/1940, Nguyễn Ái Quốc mới về đến đây. Tại đây, các đồng chí liên lạc với Biện sự xứ của Bát lộ quân Quế Lâm, nhờ họ tạo điều kiện giúp đỡ, đặc biệt là tổ chức các buổi nói chuyện với các nhà báo để tranh thủ giới thiệu về cách mạng Việt Nam. Nhờ vậy, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng nắm được việc Lý Tế Thâm tiết lộ thông tin quân Tưởng theo lệnh của Đồng minh sắp vào Đông Dương (Hoa quân nhập Việt), kịp thời báo cáo với Nguyễn Ái Quốc, được Người khẳng định ngay: Chỉ có hồng quân Liên Xô và hồng quân Trung Quốc mới là những quân đội anh em. Dù quân Tưởng có vào Việt Nam để đánh Nhật, nhưng chúng cũng chỉ là quân đồng minh tạm thời. Về bản chất, chúng vẫn là kẻ thù, thà chúng không vào Việt Nam lại càng tốt cho ta hơn. Bởi lẽ “trong cuộc hợp tác Quốc - Cộng, bên ngoài nó ra vẻ kháng Nhật, nhưng bên trong thì tìm cách diệt cộng”(30). Từ đó, các đồng chí của ta có thêm nhận thức, hành động thích hợp để cảnh giác, kịp thời đối phó với âm mưu của quân Tưởng.
Khi ở Quế Lâm xảy ra “sự biến Giang Nam”, quân đội Trung Hoa dân quốc thay đổi thái độ, tiến hành khủng bố, tịch thu sách báo, cấm sinh hoạt thư điếm, có những hành động tấn công cộng sản. Hơn nữa, nhận thấy nếu để các đồng chí ta hoạt động ở Quế Lâm lâu có thể bị lộ, nên Nguyễn Ái Quốc về Tĩnh Tây để khi cần về nước cho thuận tiện. Trong thời gian ở Quế Lâm, đồng chí Võ Nguyên Giáp có tham gia góp ý kiến về thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh. Về việc đó, sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Trong những ngày ở Quế Lâm, có lần Bác bàn với chúng tôi rằng, trước tình hình mới, vấn đề đoàn kết toàn dân giải phóng dân tộc càng quan trọng. Ta phải nghĩ đến việc thành lập một hình thức mặt trận rộng rãi, có tên gọi cho thích hợp. Việt Nam giải phóng Đồng minh? Việt Nam phản đế Đồng minh? hay là Việt Nam độc lập Đồng minh, có thể gọi tắt là Việt Minh cho nhân dân dễ nhớ. Những ý kiến Bác nói hồi đó, sau này được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 8 của Đảng ở Pác Bó”(31).
Tháng 10/1940, có hơn 40 thanh niên các dân tộc Cao Bằng, chủ yếu là thanh niên yêu nước, vì bị đế quốc Pháp khủng bố mạnh nên đã vượt biên giới sang Quảng Tây và đã liên hệ với Trương Bội Công. Trương Bội Công định lôi kéo những thanh niên này vào lực lượng của mình để thực hiện âm mưu “Hoa quân nhập Việt”. Ngay lập tức, Nguyễn Ái Quốc cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lãnh và Vũ Anh đến làm việc với Trương Bội Công để tổ chức các thanh niên vào một mặt trận thống nhất gọi là Mặt trận Giải phóng dân tộc Đồng minh. Người chỉ đạo: “Chúng ta sẽ tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó, đưa anh em trở về củng cố và mở rộng phong trào Cao Bằng và tổ chức đường liên lạc về nước”(32). 
Sau khi Nguyễn Ái Quốc về nước, Võ Nguyên Giáp cùng một số đồng chí đã củng cố và phát triển cơ sở hải ngoại cho cách mạng Việt Nam; duy trì mối quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, duy trì cơ quan Biện sự xứ để quan hệ với chính quyền địa phương Quốc dân Đảng; tổ chức mua thuốc men, vũ khí chuyển về nước(33). Mặt khác, còn đóng vai trò làm cầu nối giữa Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng, Việt Nam) với Tĩnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc). Bởi lẽ, cứ khoảng hai tuần lễ, đồng chí lại về Việt Nam báo cáo tình hình, rồi lại sang Trung Quốc. 
Đến tháng 11/1941, Quốc dân Đảng Trung Hoa lộ rõ sự nghi ngờ các đồng chí cộng sản và bắt đầu thay đổi thái độ. Nguyễn Ái Quốc nghe báo cáo tình hình đó đã quyết định đồng chí Võ Nguyên Giáp không sang Tĩnh Tây nữa, rồi báo tin cho Phạm Văn Đồng ở bên đó cũng trở về nước, chỉ để lại một đồng chí duy trì Biện sự xứ và liên hệ với anh em học sinh quân.
3. Đóng góp, ý nghĩa đối với cách mạng Việt Nam
Thời gian ở Trung Quốc, dưới sự dìu dắt và chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp triển khai nhiều hoạt động, đóng góp có ý nghĩa quan trọng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cụ thể:
Một là, cùng với các đồng chí khác, Võ Nguyên Giáp tích cực tuyên truyền, vận động cách mạng trong đa số người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Trung Quốc; giúp họ hiểu biết để thêm tin tưởng, tích cực ủng hộ, đóng góp, tham gia cách mạng Việt Nam. Mặt khác, nó còn góp phần đưa thông tin có lợi cho cách mạng Việt Nam đến với bạn bè quốc tế; tố cáo tội ác thực dân, phát xít; kêu gọi sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. 
Hai là, từ sự tiếp xúc trực tiếp với một số hoạt động của Bát lộ quân Quế Dương và Bát lộ quân Quế Lâm, thông qua hoạt động thực tiễn cũng như tri thức tích lũy từ sách báo, đồng chí Võ Nguyên Giáp từng bước tích luỹ thêm kinh nghiệm kháng chiến chống phát xít Nhật. Trong đó, có kinh nghiệm xây dựng các tổ chức, đoàn thể, mặt trận; xây dựng căn cứ địa cách mạng; phát huy lối đánh du kích; vận động các giai tầng xã hội; về mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn trong chiến tranh cách mạng; về việc tận dụng sức mạnh tổng hợp các lực lượng ủng hộ cách mạng... Các yếu tố ấy càng có giá trị to lớn đối với đồng chí Võ Nguyên Giáp khi đứng đầu quân đội nhân dân Việt Nam; tạo nên sức mạnh tổng hợp góp vào thắng lợi Cách mạng tháng 8/1945.
Ba là, đóng góp có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn này của đồng chí Võ Nguyên Giáp là tham gia tích cực vào công tác huấn luyện cán bộ. Thông qua lớp huấn luyện cán bộ tại Tĩnh Tây, một số cán bộ trưởng thành về nhận thức và phương pháp công tác. Đặc biệt, Võ Nguyên Giáp là người tham gia từ khâu lên chương trình, kế hoạch, biên soạn tài liệu đến tổ chức thực hiện, làm trợ giảng. Do vậy, đồng chí được trang bị, học hỏi nhiều kỹ năng, làm giàu thêm kinh nghiệm công tác quân sự, phục vụ cách mạng Việt Nam.
Bốn là, việc tham gia một số tổ chức, gây dựng mối quan hệ với các đồng chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc và một số nhân vật của Quốc dân Đảng, ở phương diện nào đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của ta trên đất Trung Quốc lúc bấy giờ và giai đoạn sau đó. Việc mở rộng các mối quan hệ với cá nhân và tổ chức lúc bấy giờ không nằm ngoài mục đích tranh thủ ủng hộ của bên ngoài đối với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là từ phía cách mạng Trung Quốc, góp phần ngăn chặn từ xa nguy cơ tấn công của các lực lượng phản cách mạng. Bên cạnh đó, việc phối hợp các lực lượng cách mạng trong nước với ngoài nước và lấy các địa bàn Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây để tuyên truyền cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa góp phần ngăn cản, làm giảm âm mưu của quân Tưởng Giới Thạch trong kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”.
Tất cả những nội dung ấy không chỉ có ý nghĩa tạo thêm hành trang cho sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Giáp mà còn tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm tiền đề quan trọng cho Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi.q 

Chú thích
1. Hồi ký của đồng chí Đào Duy Từ, Lưu phòng tư liệu Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
2. Võ Nguyên Giáp tiểu sử, Nxb CTQG, HN, 2019, tr. 95
3. Nay đổi tên thành Quý Dương (贵阳), còn Quế Dương hiện nay là tên một huyện của tỉnh Hồ Nam.
4. Thúy Hồ một danh thắng, được ví như hòn ngọc của thành phố Côn Minh, có diện tích 21 ha nhưng mặt hồ chiếm hết 15 ha, nằm đối diện trường Đại học Vân Nam. Trước đây, hồ có tên Cửu Long Trì, sau có tên Thái Hải Tử. Thời nhà Minh, quan chức hành chính ở Vân Nam xây dựng các gian đình, trạm, quán nghỉ chân. Đầu thời nhà Thanh, Ngô Tam Quế xưng vương ở Vân Nam đã xây dựng vương phủ ở phía Tây của hồ. Đời Khang Hy cho xây một lầu giữa hồ với tên gọi là Bích Kỳ Đình, rồi đổi tên Hải Tâm Đình. Sau đó, Tổng đốc Nguyễn Văn Trúc cho đắp một con đê dài gọi là đê Nguyễn; chia Thúy Hồ thành 5 khu: Trung tâm đảo là nơi dừng nghỉ và thưởng ngoạn hồ cá theo lối kiến trúc nhà Thanh, phía Đông Nam là Nguyệt Thủy Hiên và đảo cá vàng, phía Đông Bắc có đảo trúc và hồ Cửu Long, phía Nam là đảo Hồ Lô và cầu Cửu Điển, phía Tây là Hải Tâm Đình.
5. 黄铮:《胡志明与广西》,南宁:广西人民出版社,2006年, 第73页。(Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Quảng Tây, Nxb Nhân dân Quảng Tây, 2006, tr.73).
6. Khảo sát tài liệu tiếng Việt và tiếng Trung, chúng tôi mới thấy những địa điểm nêu trên. Ngoài ra, cũng có tài liệu Việt Nam nêu địa điểm Liễu Châu, nhưng chúng tôi chưa tìm đủ căn cứ nên không đưa vào bài viết này. Mong bạn đọc tiếp tục khảo cứu, bổ sung những địa điểm khác.
7. Võ Nguyên Giáp tiểu sử, Nxb CTQG, HN, 2019, tr.97
8. Đầu năm 1932, vì không còn BCH Trung ương nên Quốc tế Cộng sản cử đồng chí Hà Huy Tập mang Nghị quyết của Đông phương bộ Quốc tế Cộng sản về việc thành lập “Ban Chỉ huy ở ngoài Đảng Cộng sản Đông Dương” đến Trung Quốc truyền đạt và cùng đồng chí Lê Hồng Phong xúc tiến thành lập cơ quan này. Tháng 3/1934, tại Ma Cao, các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Dựt họp thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng gồm 3 người do Lê Hồng Phong làm Thư ký, Hà Huy Tập phụ trách công tác tuyên truyền, cổ động, Nguyễn Văn Dựt phụ trách thanh tra. Từ sau Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), BCH Trung ương chính thức được thành lập, thì Ban Chỉ huy ở ngoài không còn tồn tại nữa. Trong thời gian tồn tại, Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng thay đổi trụ sở: Ma Cao, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồng Kông (10/1937) và đến Côn Minh đầu năm 1939 cho đến khi kết thúc vai trò (5/1941). 
9. Nguyễn Văn Nhật: Phùng Chí Kiên và Ban chỉ huy ở ngoài Đảng Cộng sản Đông Dương, Tạp chí Cộng sản online, ngày 21/8/2008.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 4, tr.110.
11. 黄铮:《胡志明与中国》,北京:解放军出版社,1987年,第63页。(Hoàng Tranh, Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr.63).
12. Hội giải phóng là tên gọi tắt của Hội Việt Nam độc lập giải phóng Đồng minh ra đời tháng 4/1941 trên cơ sở hợp nhất Hội Việt Nam độc lập Đồng minh và Hội Việt Nam dân tộc giải phóng, nhằm hạn chế sự phá hoại của bọn giả danh cách mạng. 
13. Thời gian ở Tĩnh Tây, Võ Nguyên Giáp và các đồng chí khác có ra báo và gửi về nước. Trong Hồi ký, Võ Nguyên Giáp kể: “Thời gian qua ở Tĩnh Tây, chúng tôi cũng ra báo. Cũng chỉ là báo in thạch, nhưng giấy sẵn, khuôn khổ tờ báo rộng, bài viết thoải mái chứ không bị hạn chế...”. Đến nay, những tờ báo này vẫn chưa sưu tầm, tìm lại được.
14. Cứu vong nhật báo là một tờ báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo thời kỳ kháng chiến chống phát xít Nhật, sáng lập ở Thượng Hải tháng 8/1937, sau dời về Quảng Châu, ra mắt đầu năm 1938. Mùa thu năm 1938 dời về Quế Lâm, ra lại vào ngày 10/1/1939. Ngày 28/2/1941, bị đình chỉ hoạt động. Ở Quế Lâm, Toà soạn báo đặt tại nhà số 12 đường Thái Bình, TP. Quế Lâm.
15. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, Hà Nội, 2012, tr.47.
16. Hồ Học Lãm (còn có tên là Hồ Xuân Lan, 1884-1943), sinh tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học. Hồ Học Lãm là một chí sĩ yêu nước có vai trò lịch sử rất quan trọng trong phong trào cách mạng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
17. Võ Nguyên Giáp: Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cha của QĐND Việt Nam, trong Hồ Chí Minh hồi ký, Nxb Văn hoá dân tộc, 2000, tr.245.
18. Đây là tổ chức chính trị chống đế quốc của người Việt Nam được thành lập từ năm 1936 tại Nam Kinh; năm 1940 khi về hoạt động ở Quế Lâm, Bác Hồ đã khéo léo tận dụng tổ chức này vào mục đích cách mạng của ta.
19. Lý Tế Thâm (1886 - 1959) là một nhà quân sự và chính khách Trung Quốc, từng là Tư lệnh Quân đoàn 4 Trung Hoa dân quốc, Tỉnh trưởng Quảng Đông, Ủy viên Ủy ban Quân sự và Quyền Hiệu trưởng trường quân sự Hoàng Phố. Sau khi chống đối Tưởng Giới Thạch, bị trục xuất khỏi Quốc dân đảng, gia nhập Đảng Cộng sản.
20. 黄铮:《胡志明与中国》,北京:解放军出版社,1987年, 第68页 (Hoàng Tranh, Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr.68)
21. Để chuẩn bị cho kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”, dựa vào sự giúp đỡ của chính quyền Tưởng, một số người Việt Nam trong các tổ chức Phục quốc, Việt quốc lưu vong ở Trung Quốc tuyên bố thành lập tổ chức Việt Nam dân tộc giải phóng ủy viên Hội vào năm 1940 do Trương Bội Công đứng đầu để lôi kéo, lừa bịp người Việt Nam ở Nam Trung Quốc, xin viện trợ của Đồng minh, làm tình báo cho quân đội Tưởng Giới Thạch khi “Hoa quân nhập Việt”.
22. Trương Bội Công (1900-1945) là người Việt Nam trốn sang Trung Quốc sau khi khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 thất bại, gia nhập quân đội Quốc dân Đảng Trung Quốc.
23. Nguyễn Hải Thần (1879-1955) quê Hà Đông, tham gia trong phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, tản cư sang Trung Quốc; sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 về nước tranh ghế trong Chính phủ, được Hồ Chí Minh nhường cho chức Phó Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp Lâm thời nước VNDCCH.
24. 黄国安,萧德浩,杨立冰:近代中越关系史资料选编 -广西人民出版社,1988,下册,第845-846页 (Hoàng Quốc An, Tiêu Đức Hạo, Dương Lập Băng: Tuyển biên tư liệu lịch sử quan hệ Trung - Việt thời cận đại, Nxb Nhân dân Quảng Tây, 1988, quyển hạ, tr.845-846)
25. King C. Chen: Vietnam and China (1938 - 1954), Princeton University, Press Princeton, New York, 1969, p.33.
26. Võ Nguyên Giáp tiểu sử, Nxb CTQG, HN, 2019, tr.182
27. Đây là tổ chức chính trị phản động của Vũ Hồng Khanh, lợi dụng danh nghĩa Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học để đầu cơ cách mạng, làm tay sai cho Tưởng Giới Thạch.
28. Võ Nguyên Giáp tiểu sử, Nxb CTQG, HN, 2019, tr.180.
29. 中共靖西县委党历史办公室:胡志明与靖西 - 广西人民出本社, 2010 年, 第37 页 (Ban nghiên cứu lịch sử Đảng huyện Tĩnh Tây,  Hồ Chí Minh với Tĩnh Tây, Nxb Nhân dân Quảng Tây, năm 2010, tr.37).
30. Võ Nguyên Giáp tiểu sử, Nxb CTQG, HN, 2019, tr. 183
31. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, HN, 1977, tr.37.
32. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.33.
33. 黄铮:《胡志明与中国》, 解放军出版社, 北京, 1987年, 第77页 (Hoàng Tranh, Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr.77).

CÙNG CHUYÊN MỤC

Non nước xứ Nghệ

Con người xứ Nghệ

Thương hiệu xứ Nghệ