Đồng chí Lê Hồng Phong - Người con ưu tú của quê hương Nghệ An

Nguyễn Quốc Hồng
7/9/2022

Nghệ An là vùng đất có nền văn hóa lâu đời, xuất hiện vào hàng sớm nhất của lịch sử dân tộc. Các di chỉ khảo cổ: Hang Thẩm Ồm (Quỳ Châu), Làng Vạc (Nghĩa Đàn), Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu), Hang Chùa (Tân Kỳ),… cùng với kho tàng truyền thuyết dân gian phong phú, đa dạng đã chứng minh Nghệ An là một trong những cái nôi văn minh tiền sử.



Đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902- 1942) 

Trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nằm trong mạch nguồn của truyền thống yêu nước, Nghệ An là vùng đất đã sinh ra, nuôi dưỡng nhiều anh hùng hào kiệt: Mai Thúc Loan, Nguyễn Xí, Phan Bội Châu… Đặc biệt với khí thiêng sông núi cùng truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời đã kết tinh trong một con người vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. 
Năm 1418, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa Lam Sơn (Thanh Hóa) đã lấy Nghệ An làm đất đứng chân, được nhân dân Nghệ An nhiệt liệt ủng hộ, giúp đỡ để Lê Lợi làm nên những chiến công lừng lẫy trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc đánh quân Thanh đã dừng chân tại Nghệ An tuyển thêm hàng vạn binh lính tinh nhuệ bổ sung lực lượng đại phá quân Thanh năm 1789. Từ khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta (1858), Nghệ An đã có nhiều sĩ phu, văn thân đứng lên đánh giặc như: Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã, Trần Tấn, Đặng Như Mai,… 
Cùng với truyền thống yêu nước, Nghệ An còn là nơi sinh ra, nuôi dưỡng nhiều nhà khoa bảng, nhiều hiền tài của đất nước như: Trạng nguyên Bạch Liêu, Trạng nguyên Hồ Tông Thốc,… Danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương, nhà sử học Phan Sĩ Dương, nhà cách tân Nguyễn Trường Tộ,… và những nhà giáo lừng danh như: Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Thúc Tự, Vương Thúc Quý cùng đông đảo tầng lớp trí thức bình dân đi khắp mọi miền đất nước để dạy học.
Trong công trình Lịch triều hiến chương loại chí - Phan Huy Chú đã viết: “Nghệ An núi cao, sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả Nam Châu. Người thì thuận hòa mà chăm học, sản vật thì nhiều thức quý của lạ, những vị thần ở núi, ở biển phần nhiều có tiếng linh thiêng… được khí tốt của sông núi nên sinh ra nhiều bậc danh hiền… Thực là nơi hiểm yếu như thành đồng, ao nóng của nước và là then chốt của các triều đại”(1).


Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại huyện Hưng Nguyên

Sinh ra, lớn lên trên vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của quê hương Nghệ An, trong cái nôi ấy đã nuôi dưỡng ý chí nghị lực cho Lê Hồng Phong sớm giác ngộ cách mạng và phát huy truyền thống yêu nước của thế hệ cha anh trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân. 
Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại làng Thông Lãng, Hưng Nguyên nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho.
Thân sinh Lê Huy Doãn là ông Lê Huy Quán, hậu duệ đời thứ 12 của đại tộc họ Lê ở Nghệ An. Ông là người có học nhưng không đậu đạt trên con đường khoa cử nên về làm gia sư ở quê nhà. Mẹ của Lê Huy Doãn là bà Phạm Thị Thứ (thường gọi là bà Sáu), con gái cụ Tú Phạm Côn, quê ở Tổng Hoa Nam - Nam Đàn. Bà Sáu là người có tiếng trong vùng về sự thông minh, nết na và giữ gìn khuôn phép, gia giáo. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng Lê Huy Doãn vẫn được bố mẹ tạo điều kiện cho ăn học.
Lúc đầu, Lê Huy Doãn học chữ Hán, sau đó học tiếp chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Trong thời gian học ở trường, Lê Huy Doãn thể hiện bản tính thông minh, học giỏi, chăm chỉ và hòa đồng với bạn bè, được mọi người quý mến. Sau khi học xong bậc sơ học, người cha yêu quý là trụ cột gia đình qua đời, từ đó anh không còn điều kiện để tiếp tục theo học nên phải xuống thành phố xin làm thuê để giúp đỡ gia đình và mong muốn học thêm tiếng Pháp. 
Năm 1920, Lê Huy Doãn từ Thông Lãng ra thị xã Vinh - Bến Thủy tìm việc làm. Anh xin làm thư ký cho hiệu buôn Thuận Ký. Ban ngày, anh làm việc tại cửa hàng, tối đến anh đi học thêm tiếng Pháp. Trong thời gian làm việc ở Vinh, Lê Huy Doãn gặp Phạm Thành Khôi là người cùng huyện Hưng Nguyên vừa tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng đang làm việc tại nhà máy Diêm Bến Thủy. Sau thời gian gặp gỡ, Phạm Thành Khôi rất quý mến Lê Huy Doãn, một thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn và rất có ý chí. Để gặp gỡ thường xuyên cùng nhau trao đổi, bàn bạc về con đường sắp tới nhằm thực hiện hoài bão của người thanh niên yêu nước, Phạm Thành Khôi xin cho Lê Huy Doãn vào làm thợ máy ở nhà máy Diêm Bến Thủy.
Làm việc tại nhà máy Diêm, Lê Huy Doãn đã chứng kiến bọn chủ bóc lột thậm tệ sức lao động của công nhân, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Không chịu nổi cảnh bóc lột và đối xử tàn nhẫn của giới chủ, công nhân đã nhiều lần đứng lên phản đối. Chứng kiến những nghịch cảnh xảy ra đã thôi thúc Phạm Thành Khôi và Lê Huy Doãn tham gia với công nhân đấu tranh. Hai anh tích cực vận động, tuyên truyền cho công nhân các hình thức đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho mình như thành lập các tổ chức tương tế, ái hữu đưa yêu sách phản đối trừng phạt và đòi quyền lợi cho công nhân. Những việc làm của Lê Huy Doãn và Phạm Thành Khôi được công nhân trong nhà máy nhiệt tình hưởng ứng, nhưng không thể che mắt bọn mật thám, đốc công. Do vậy, bọn chúng đã tố giác với bọn chủ, ngay sau đó chúng đã ra lệnh đuổi việc Lê Huy Doãn và Phạm Thành Khôi ra khỏi nhà máy.
 Làm việc tại nhà máy Diêm Bến Thủy tuy thời gian chỉ có 8 tháng nhưng đã giúp cho Lê Huy Doãn nhận thức ra nhiều điều mới mẻ và những kinh nghiệm quý báu trong bước đầu hoạt động cách mạng. Lê Huy Doãn nhận thấy đấu tranh bằng con đường đưa yêu sách cho giới chủ để đòi quyền lợi, đình công, bãi công không thể mang lại kết quả mà phải tìm ra hình thức đấu tranh mới để giải phóng công nhân thoát khỏi cảnh bị đàn áp, bóc lột, giúp đất nước thoát khỏi sự cai trị của đế quốc, phong kiến. 
Đầu năm 1924, hưởng ứng phong trào xuất dương học tập cứu nước của các bậc cách mạng tiền bối, Lê Huy Doãn cùng Phạm Thành Khôi(2) và 15 thành viên khác tìm đường sang Xiêm rồi sau đó sang Quảng Châu (Trung Quốc) với quyết tâm “Nếu không làm rạng rỡ non sông đất Việt thì không trở về”(3). 
Đến Xiêm, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái và đoàn xuất dương được đưa về Trại Cày, một cơ sở của cụ Đặng Thúc Hứa. Đây vừa là cơ sở cách mạng, vừa là nơi sản xuất, học tập cho những thanh niên xuất dương.
Qua thời gian lao động, học tập, mùa hè năm 1924 cụ Đặng Thúc Hứa chọn Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái và sáu người khác sang Quảng Châu hoạt động. Tại Quảng Châu, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái được giới thiệu kết nạp vào tổ chức Tâm Tâm Xã.
Ngày 19/06/1924, Lê Hồng Phong và Lê Hồng Sơn được Tâm Tâm Xã giao nhiệm vụ yểm trợ cho Phạm Hồng Thái ám sát Toàn quyền Đông Dương Méc Lanh. Kế hoạch không thành, Phạm Hồng Thái bị cảnh sát truy đuổi ráo riết đã nhảy xuống sông Châu Giang hy sinh oanh liệt.
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu tiếp xúc với nhóm Tâm Tâm Xã. Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng, Lê Hồng Phong là một trong những người được chọn vào tổ chức, được huấn luyện, đào tạo và trở thành một trong những học trò xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc; đồng thời là một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin.
Sau khi dự các lớp huấn luyện, Lê Hồng Phong được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học trường sĩ quan quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc), sau khi tốt nghiệp đồng chí vào học trường hàng không Quảng Châu. Tháng 2 năm 1926, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 10 năm 1926, đồng chí Lê Hồng Phong được cử sang Liên Xô theo học trường lý luận quân sự không quân ở Lêningrát. Tháng 12 năm 1927, sau khi tốt nghiệp trường lý luận quân sự, đồng chí Lê Hồng Phong tiếp tục theo học tại trường đào tạo phi công quân sự tại Bôritxgơlépxcơ. Chưa học xong khóa đào tạo phi công, tháng 10 năm 1928, Lê Hồng Phong được gọi về học tại trường Đại học Phương Đông. Sau 3 năm (1928 - 1931), Lê Hồng Phong hoàn thành chương trình học tập và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô và được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh.
Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931 đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp và tay sai dìm trong biển máu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các xứ ủy và cơ sở Đảng trong toàn quốc hầu hết bị phá vỡ. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng bị sát hại, bị bắt, tù đày, trong bối cảnh đó, tháng 5 năm 1931, đồng chí Lê Hồng Phong được Quốc tế Cộng sản phân công trở về nước hoạt động với nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức khôi phục các cơ sở Đảng sau cao trào cách mạng 1930 - 1931. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Hồng Phong và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, chỉ trong thời gian ngắn phong trào cách mạng từng bước được phục hồi, các xứ ủy lần lượt được tổ chức lại: Xứ ủy Nam kỳ đầu năm 1933; xứ ủy lâm thời Bắc kỳ thành lập năm 1934, sau đó xứ ủy Trung kỳ và một số tỉnh ủy, thành ủy được khôi phục trở lại. Các tổ chức Đảng, phong trào đấu tranh được khôi phục có công lao to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong trong quá trình chỉ đạo từ giữa năm 1931 đến năm 1934, đây là thời kỳ vô cùng khó khăn của cách mạng Việt Nam.
Tháng 3 năm 1934, đồng chí Lê Hồng Phong đến Ma Cao (Trung Quốc) chỉ đạo thành lập Ban chỉ huy ở nước ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi thành lập, đồng chí Lê Hồng Phong được cử làm Bí thư Ban chỉ huy ở nước ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1935, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng đi Liên Xô dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội, đồng chí đã trình bày bản tham luận quan trọng về phong trào cách mạng Đông Dương, tại Đại hội đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.
Kết thúc Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong trở về Thượng Hải (Trung Quốc), cũng trong thời gian này, Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu vắng mặt làm Tổng Bí thư.
Tháng 11 năm 1937, trước yêu cầu của phong trào cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về Sài Gòn hoạt động, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng. Lúc này trên cương vị ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong cùng với Ban Chấp hành Trung ương quyết định chuyển Mặt trận nhân dân phản đế thành Mặt trận dân chủ để tập hợp mọi lực lượng tham gia đấu tranh đòi tự do ngôn luận, dân chủ, dân sinh chống phát xít.
Ngày 22 tháng 6 năm 1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt tại Sài Gòn, bị thực dân Pháp kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc. Sau khi hết hạn tù giam, kẻ địch buộc Lê Hồng Phong về quê để giám sát, theo dõi.  Tháng 1 năm 1940 lo sợ Lê Hồng Phong trốn thoát, thực dân Pháp tiếp tục bắt đồng chí lần thứ hai đưa vào giam tại Khám Lớn - Sài Gòn. 
Biết đồng chí là lãnh đạo cao cấp của Đảng, ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, thực dân Pháp buộc đồng chí liên quan đến cuộc khởi nghĩa lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Nam kỳ với tội “Chịu trách nhiệm tinh thần” kết án đồng chí Lê Hồng Phong 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc, đày ra Côn Đảo. 
Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lê Hồng Phong đã sống và chiến đấu một cách kiên cường, bất khuất với khí tiết của người cộng sản chân chính. Trước sự hiên ngang, bất khuất của đồng chí, thực dân Pháp ở Nam kỳ đã chỉ thị cho bọn chúa đảo bằng mọi cách hãm hại đồng chí. Từ đó bọn cai ngục đã áp dụng một chế độ lao tù hà khắc nhất đối với đồng chí Lê Hồng Phong. Hàng ngày, chúng đánh đập đồng chí hết sức dã man, đánh bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, có những lần đồng chí đang bưng cơm ăn chúng đến đánh làm bát cơm của đồng chí chan đầy máu. Chịu đựng đủ loại nhục hình man rợ nhất của bọn cai ngục, song đồng chí không mảy may nao núng, giảm sút ý chí chiến đấu.
Những trận đòn tàn ác, dã man của kẻ thù đã làm cho đồng chí Lê Hồng Phong dần kiệt sức. Ngày 6 tháng 9 năm 1942, đồng chí đã hy sinh tại khu cấm cố biệt lập Banh II Côn Đảo. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí Lê Hồng Phong gửi lời chào đến các bạn tù và “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”, đó là lời chào của người cộng sản bất tử Lê Hồng Phong với đồng chí, anh em trước khi ra đi. Hình ảnh, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi khắc ghi trong tim của các thế hệ người Việt Nam.
Với 40 tuổi đời, 20 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng một chiến sĩ cộng sản kiên cường của phong trào quốc tế cộng sản. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng chí là hiện thân của ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của người cộng sản chân chính. 
Lê Hồng Phong - Người con ưu tú của quê hương Nghệ An, là niềm tự hào, là động lực để Đảng bộ và nhân dân Nghệ An phấn đấu, vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nghệ An là một trong những tỉnh nằm trong vùng tự do, là hậu phương của cuộc kháng chiến. Nhân dân tỉnh nhà đã vượt lên mọi khó khăn gian khổ, xây dựng và bảo vệ vững chắc căn cứ, hậu phương chiến lược. Đã cung cấp cho cuộc kháng chiến hàng chục vạn thanh niên vào bộ đội, hàng triệu lượt dân công hỏa tuyến, đóng góp xứng đáng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với vị trí chiến lược Nghệ An trở thành tiền tuyến của miền Bắc, hậu phương trực tiếp của miền Nam và chiến trường Lào, Nghệ An đã phải chịu đựng 30.216 đợt đánh phá của máy bay Mỹ và 1.462 lần của tàu chiến Mỹ, trong đó chúng đánh vào các mục tiêu giao thông 18.215 lần. Trong cuộc chiến tranh ác liệt với không quân và hải quân Mỹ, Nghệ An đã đóng góp 160.313 thanh niên vào quân đội; 11.585 người vào thanh niên xung phong và 24.450 người vào dân công hỏa tuyến. Nhân dân Nghệ An đã đóng góp 38.367.834 ngày công phục vụ chiến đấu và đảm bảo giao thông vận tải trên địa bàn thông suốt(4). Quân và dân Nghệ An đã phối hợp với các đơn vị bộ đội hỏa lực bắn rơi 553 máy bay của Mỹ trên địa bàn Nghệ An(5), đóng góp xứng đáng vào chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 1975. 
Sau 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, Đảng bộ Nghệ An liên tục, bền bỉ đổi mới, sáng tạo thực hiện các chương trình, đề án, đổi mới từng bước mô hình tăng trưởng, tạo được nhiều thành tựu trong kinh tế, xã hội làm thay đổi bộ mặt của tỉnh.
Từ một tỉnh chủ yếu là nông nghiệp, Nghệ An đã xây dựng 11 khu công nghiệp với diện tích trên 5.000 ha, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp vào sản xuất, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, đóng góp quan trọng trong thu ngân sách hàng năm và là động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Dịch vụ phát triển nhanh đồng đều, đa dạng, rộng khắp trên các lĩnh vực. 
Phát triển giao thông đường bộ, đường ven biển, đường hàng không đang được tiếp tục đẩy mạnh, từng bước hoàn chỉnh các tuyến, trục để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và giao lưu trong tiến trình hội nhập với các tỉnh trong nước và khu vực. Các vùng trọng điểm kinh tế - xã hội đã được xây dựng và phát huy hiệu quả. 
Trên lĩnh vực nông nghiệp: Phong trào xây dựng nông thôn mới đang lan tỏa mạnh mẽ, Nghệ An đã có 300 trong tổng số 411 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, có 7 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, một số huyện đang trong lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại kết quả tích cực. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) chuyển biến mạnh mẽ, đã có 253 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, đời sống người nông dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn thay đổi mạnh mẽ. 
Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 đạt 73,34%, lĩnh vực văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông tiếp tục phát triển, từng bước hài hòa với phát triển kinh tế. 
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh (6 tháng 9 năm 1902 - 6 tháng 9 năm 2022) và 80 năm ngày hy sinh của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (06/09/1942 - 06/09/2022), Đảng bộ và nhân dân Nghệ An tự hào về người con của quê hương, Người chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, sẽ quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và cách mạng. Rất mong đồng bào, đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Khắc ghi lời dạy của Bác, tự hào về Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh.

Chú thích
(1). Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí - NXB KHXH, HN 1992 - Tập 1, trang 63.
(2). Thời điểm này, Lê Huy Doãn đổi tên mới là Lê Hồng Phong, Phạm Thanh Khôi đổi thành Phạm Hồng Thái.
(3). Lê Hồng Phong - Người Cộng sản kiên cường - NXB Chính trị Quốc gia - HN 2002, Tr.14.
(4), (5). Thường vụ Tỉnh ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, Tr.348, 351.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thanh Tâm - Đồng chí Lê Hồng Phong 1902 - 1942 - NXB Sự thật - HN 1989.
2. Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước - Lê Hồng Phong tiểu sử - NXB Chính trị Quốc gia - HN 2007.
3. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ An: Nghệ An những người con tiêu biểu (1930 - 1973) - Tập I - NXB Nghệ An - 2019.
4. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí - NXB Khoa học Xã hội - HN 1992.
5. Lê Hồng Phong - Người cộng sản kiên cường. NXB Chính trị Quốc gia - HN 2002.
6. Thường vụ tỉnh ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước: 1954 - 1975.

CÙNG CHUYÊN MỤC

Non nước xứ Nghệ

Con người xứ Nghệ

Thương hiệu xứ Nghệ