Đồng chí Lê Hồng Sơn - Người cộng sản trung kiên, bất khuất từ ngày đầu dựng Đảng

Trương Quế Phương
9/8/2022

Những năm đầu của thế kỷ 20, theo tiếng gọi cứu nước trong phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, hàng trăm thanh niên Nghệ-Tĩnh đã vượt biển, băng rừng đi xuất dương tìm đường cứu nước. Lê Hồng Sơn may mắn được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo, trở thành “Cộng sản Đoàn” lớp đầu tiên. Đồng chí đã có công lớn trong cuộc vận động để hợp nhất các tổ chức tiền thân của Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập (3-2-1930), Lê Hồng Sơn trở thành người lãnh đạo cao cấp của Đảng ở ngoài nước. Nhân dịp Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng và quê hương Nghệ An”, xin giới thiệu đôi nét về những hoạt động và tấm gương chiến đấu, hi sinh của đồng chí Lê Hồng Sơn trên quê hương Nghệ An Xô viết.


Lê Hồng Sơn tên thật là Lê Văn Phơn (tức Phan), sinh ngày 29 - 6 -1899 tại làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu (nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn). Thân phụ là ông Lê Văn Hành, bạn học với Phan Bội Châu, đậu tú tài Hán học, nhưng không ra làm quan, mở trường dạy học để vận động phong trào Đông Du. Ông là hậu duệ đời thứ 10 của vị thủy tổ họ Mạc (Phó Quốc Vương Mạc Đăng Lượng, được thờ phụng tại đền Tán Sơn)(1). Thân mẫu là bà Đinh Thị Chút (tức Huyến, Huyết), người phụ nữ đảm đang tháo vát, thương chồng con và giàu lòng nhân ái với mọi người. Ông bà có 6 người con (ba trai, ba gái), Lê Văn Phơn là con thứ ba (nhưng là con trai trưởng) nhanh nhẹn, thông minh, học giỏi nên mọi người rất tự hào và hy vọng…

 Sau phong trào Văn Thân, Cần Vương chống Pháp của các sĩ phu bị thất bại, ông Hành thường kể chuyện đánh Tây và đọc cho Phơn nghe Hịch bình Tây của Hội Văn thân Nghệ - Tĩnh. Lê Văn Phơn cứ nhẩm theo lời cha đọc cho đến thuộc lòng rồi những lúc đi lên đền Tán Sơn anh đọc lại cho các bạn cùng nghe. Lê Văn Phơn nhớ và tâm đắc nhất là đoạn: “… Xin đánh đuổi Tây cho hết để giữ lấy cái văn hiến của ta đã hơn ngàn năm nay”. Ông Hành rất mừng khi thấy con trai luôn lắng nghe các chuyện đánh bọn giặc phương Bắc của Vua Mai Thúc Loan, lập căn cứ ở Núi Đụn Nam Đàn, khi lên ngôi xưng là Mai Hắc Đế. Thông qua những mẩu chuyện đánh Tây trong các phong trào Văn Thân, Cần vương, ông Hành đã truyền cho Phơn tinh thần yêu nước, hiếu học và truyền thống đánh giặc ngoại xâm của nhân dân Nghệ - Tĩnh. Mọi người đều mong Phơn nuôi chí làm trai, lớn lên đi theo cụ Phan Bội Châu để góp phần cứu nước, cứu nhà. Được cha và những người bạn học cùng cha thỉnh thoảng đến nhà đàm đạo và khích lệ, Lê Văn Phơn nghe chuyện người lớn rồi lại rủ các bạn lên đền Tán Sơn trò chuyện, đọc thơ, bình văn của cụ Phan và luận bàn thời cuộc. Biết Phơn có tinh thần yêu nước, ghét Tây, ông Ngô Quảng, (bạn học với ông Hành quê Nghi Lộc)(2) và bà Trần Thị Trâm, mẹ Hồ Học Lãm (làng Quỳnh Đôi)(3) đã kết nối liên lạc giữa Lê Văn Phơn, Hồ Bá Cự và những thanh niên ở các huyện có nguyện vọng đi xuất dương. Năm 1919, Phơn bí mật rời khỏi nhà đi tìm bạn bè cùng chí hướng. Để che mắt bọn mật thám, anh dặn mẹ và ông chú nếu ai hỏi thì nói tên anh là Phiên, vào Quảng Bình xin ông chú giúp đỡ để đi học. Lê Văn Phơn có vào tỉnh Quảng Bình gặp người nhà có người cháu tên là Phiên vào trường học, còn Phơn lại quay ra Nghệ An gặp Hồ Bá Cự đang ở phủ Anh Sơn, chuẩn bị cho chuyến đi xuất dương sắp tới.

 Sau Tết Nguyên đán năm Canh Thân (1920), trước lúc đoàn rời quê hương lên đường, để giữ bí mật cho gia đình và bản thân, ông Ngô Quảng đã đổi tên cho mọi người. Lê Văn Phơn đổi thành Lê Hồng Sơn, Hồ Bá Cự đổi thành Hồ Tùng Mậu… Trong đoàn có Đặng Xuân Thanh là cháu ruột cụ Đặng Thúc Hứa và chị Nhiêu có chồng là Lê Văn Tân, đang hoạt động ở Trại Cày (Xiêm) của cụ Đặng Thúc Hứa. Tiễn đoàn lên đường đi xuất dương có ông Ngô Quảng, bà Trần Thị Trâm, ông Lê Văn Châu (bác họ Lê Hồng Sơn) và hai anh em Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài (tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn). Họ đã chuẩn bị những thứ cần thiết cho đoàn khi đi đường và một số tiền lớn quyên góp từ nhân dân để gửi sang Xiêm cho cụ Đặng Thúc Hứa. Đoàn của Lê Hồng Sơn xuất phát từ nhà bà Hòe, làng Thông Lạng, phủ Hưng Nguyên, họ đi theo hướng mặt trời lặn. Sau nhiều ngày băng rừng, lội suối, vượt dãy Trường Sơn, sang đất Triệu voi, qua sông Mê Công, đoàn đến trạm liên lạc của ông Võ Trọng Đài(4), ông dẫn đoàn Lê Hồng Sơn đến Trại cày gặp cụ Đặng Thúc Hứa. Kể từ đây, suốt thời gian hoạt động bí mật ở nước ngoài, Lê Hồng Sơn đã sử dụng các bí danh: Lê Tán Anh, Lê Hưng Quốc, Võ Hồng Anh, Võ Nguyên Trinh, Đỗ Trí Phương, Đậu, Đỗ, Độ, Tinh An, Nam Kinh, Lê Thiếu Tố, Hồ Thiệu Đông, Vân Nam, Hương Cảng, Lê Bạt Quần và Chu Bội Trinh (Tùy theo từng địa điểm ở các nước Xiêm, Nhật Bản và các tỉnh của Trung Quốc).

Sau mấy tháng rèn luyện và học tập tại Trại Cày, cụ Đặng Thúc Hứa đã gửi Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu và Đặng Xuân Thanh sang Trung Quốc để gặp cụ Phan Bội Châu và Hồ Học Lãm. Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Đặng Xuân Thanh đã gia nhập tổ chức Việt Nam Quang phục Hội. Năm 1922, trong tổ chức của hội có kẻ không chịu được gian khổ nên đã sa ngã, bị bọn mật thám mua chuộc, cài bẫy trà trộn để phá hoại tổ chức. Cụ Phan Bội Châu đã nhận ra kẻ đó và đã cử Lê Hồng Sơn sang Nhật Bản, bàn bạc thật kỹ với Kỳ ngoại hầu Cường và Nguyễn Thức Canh (con trai đầu của cụ Nguyễn Thức Tự). Được cụ Phan Bội Châu tin tưởng giao nhiệm vụ, Lê Hồng Sơn sang Nhật Bản gặp Kỳ ngoại hầu Cường Để, bàn kế hoạch trừ khử Phan Bá Ngọc là kẻ hèn nhát phản bội, đang ẩn náu trong Hội. Ngọc là một tên gian xảo, rất nguy hiểm cho hoạt động của tổ chức Hội nên cần phải xử. Tại Nhật Bản, sau khi được Cường Để giao nhiệm vụ và đưa cho Lê Hồng Sơn một khẩu súng lục, 100 đồng bạc làm lộ phí đi đường. Nhận lệnh của Cường Để, Lê Hồng Sơn khẩn trương trở lại Hàng Châu, nơi Phan Bá Ngọc và các thanh niên Việt Nam Quang phục Hội đang ở. Kỳ ngoại hầu Cường Để đã dặn dò Lê Hồng Sơn phải bình tĩnh, cẩn thận. Ông đã động viên, khích lệ tinh thần yêu nước và lòng can đảm để giúp Lê Hồng Sơn tự tin, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến Hàng Châu, vào đêm 11-2-1922 (Tết Nguyên tiêu), Lê Hồng Sơn, Ngô Chính Học, Đặng Xuân Thanh, Hoàng Khắc Trung và Phan Bá Ngọc rủ nhau đi dạo chơi Hồ Tây. Khi Phan Bá Ngọc đốt pháo, nhanh như chớp, Lê Hồng Sơn bắn liền 5 phát vào người Y. Tiếng pháo nổ râm ran cùng một lúc với đạn của khẩu súng lục do Lê Hồng Sơn bắn vào người Ngọc. Lê Hồng Sơn đã xử Phan Bá Ngọc bất ngờ, nhanh gọn, xong, anh liền tìm nơi ẩn nấp. Sáng hôm sau, Lê Hồng Sơn lên tàu đi Thượng Hải, ở lại 1 tuần rồi mới xuống tàu thủy đi sang Nhật Bản gặp Cường Để báo cáo và trả lại khẩu súng lục. Khi nghe Lê Hồng Sơn kể lại vụ ám sát tên Phan Bá Ngọc và rút lui an toàn, Cường Để đã khen Lê Hồng Sơn can đảm và càng tin tưởng anh.

Tháng 7-1922, Cường Để lại giao nhiệm vụ cho Lê Hồng Sơn về nước để tuyên truyền vận động, đưa thanh niên xuất dương và nhận kinh phí của đồng bào trong nước quyên góp. Trong chuyến về nước lần thứ nhất này, khi trở lại Trung Quốc, Lê Hồng Sơn đã tìm được thêm một con đường xuất dương mới, độ dài đi gần và an toàn hơn (đi từ Móng Cái, đến Pakhei, sang Hồng Kông rồi đi đến Quảng Châu). Trở lại Quảng Châu Trung Quốc, mặc dù rất cố gắng, nhưng Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu cùng một số thành viên tích cực trong tổ chức Việt Nam Quang phục Hội cảm thấy hoạt động của Hội Việt Nam Quang phục đã đi đến bế tắc. Để tìm ra lối thoát, các hội viên: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Đặng Xuân Hồng, Nguyễn Giản Khanh, quyết định lập ra một tổ chức cách mạng mới: đó là Tâm Tâm Xã (Còn gọi là Tân Việt Thanh niên Đoàn). Mục đích và khẩu hiệu hoạt động của Tâm Tâm Xã là: “Khôi phục quyền làm người của người Việt Nam” với ý thức chủ nghĩa dân tộc. Tâm Tâm Xã đóng trụ sở ở Quảng Châu, Trung Quốc. Tôn chỉ hoạt động của Tâm Tâm Xã là: “Liên hiệp những người có tri thức trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới, đảng phái, miễn là có quyết tâm hi sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam”.

Giữa năm 1923, Cụ Phan Bội Châu lại cử Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu mang chỉ thị và tài liệu của Cụ về Nghệ Tĩnh để tuyên truyền, vận động, quyên góp và đưa thêm thanh niên Nghệ - Tĩnh đi xuất dương. Khi Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu về đến phủ Hưng Nguyên thì được biết ở nhà có một lớp thanh niên là Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng, Lưu Quốc Long, Đặng Thái Thuyến, Võ Quốc Thụ (huyện Can Lộc Hà Tĩnh) do ông Ngô Đức Kế và Nguyễn Đình Lộc quê ở phủ Hưng Nguyên dẫn đường(5) đang chuẩn bị đi xuất dương. Xét thấy công việc trở về với hai nhiệm vụ, nay chỉ cần một người ở lại, còn một người phải đưa lớp xuất dương của Lê Hồng Phong trở lại Quảng Châu, Trung Quốc để bổ sung hoạt động cho Tâm Tâm Xã. Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu bàn bạc và quyết định Lê Hồng Sơn thạo đường thì dẫn đoàn của Lê Hồng Phong sang trước. Hồ Tùng Mậu đã xin được một tấm thẻ căn cước của lý trưởng phủ Hưng Nguyên mang tên là Phan Tái. Hồ Tùng Mậu lên làng Đặng Lâm, phủ Anh Sơn, đến Nhà thờ họ Hoàng Trần, nơi các cụ Hoàng Trần Siêu và Hoàng Trần Đài trước đây đã cưu mang và mở lớp cho Hồ Bá Cự dạy học, che mắt bọn mật thám trước khi đi xuất dương(6). Sau khi Lê Hồng Sơn dẫn đoàn Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái sang Quảng Châu, được bổ sung thêm lực lượng nòng cốt, Tâm Tâm Xã hoạt động có chiều sâu hơn. Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong và các thành viên tích cực của Tâm Tâm Xã tìm cách hoạt động để gây ảnh hưởng và tiếng vang. Đúng lúc đó, Lê Hồng Sơn biết được tin: Toàn quyền Đông Dương Merlin đang có chuyến công du sang Nhật Bản để điều đình về việc trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở hải ngoại. Trên đường trở về, Toàn quyền Đông Dương Merlin sẽ dừng tại tô giới của Pháp ở khách sạn Vichtoria Quảng Châu để dự tiệc chiêu đãi. Biết tin chính xác, Lê Hồng Sơn và các thành viên Tâm Tâm Xã đã khảo sát thực địa, chuẩn bị kế hoạch mưu ám sát toàn quyền Merlin và đồng bọn. Sau khi phân tích tình hình, Phạm Hồng Thái(7) đã xung phong đảm nhận là người trực tiếp thực hiện vụ ám sát, vì anh là người bơi lội giỏi nhất. Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong chuẩn bị thuyền ẩn nấp bên kia sông để chở Phạm Hồng Thái rút lui sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Chiều 19-6-1924, Phạm Hồng Thái cải trang là một nhà báo (phóng viên nhiếp ảnh) trà trộn trong những nhà báo chờ đợi. Anh dấu lựu đạn trong hộp máy ảnh. Bữa tiệc chiêu đãi toàn quyền Merlin vào buổi tối, các nhà báo và phóng viên được vào ghi hình. Máy ảnh của các phóng viên chớp lia lịa vào khu vực bàn ngồi dự tiệc của Merlin. Chớp thời cơ, nhanh như cắt, Phạm Hồng Thái ném ngay quả tạc đạn vào bàn tiệc Merlin đang ngồi. Lựu đạn nổ, nhưng toàn quyền Đông Dương Merlin không chết, chỉ bị thương, vì có bọn tùy tùng làm nhiệm vụ bảo vệ che chắn chết thay. Lợi dụng khi hỗn loạn, Phạm Hồng Thái nhanh chóng rút ra sông Châu Giang. Theo kế hoạch, anh sẽ bơi sang bờ sông bên kia. Nơi đó Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong và anh em đang cắm thuyền chờ đợi. Nhưng thật không may, sông Châu Giang rộng, nước thủy triều lên to, Phạm Hồng Thái bơi ra giữa dòng thì kiệt sức, bị dòng nước cuốn trôi. Phạm Hồng Thái đã hi sinh trên dòng sông Châu Giang khi tuổi đời mới 28 xuân xanh. Đau đớn, ngậm ngùi, thương tiếc người bạn đồng hương cùng chí hướng, rất dũng cảm kiên cường đã hi sinh khi làm nhiệm vụ, Lê Hồng Sơn đã làm bài thơ để khóc Phạm Hồng Thái: “Nước mất nhà tan ngất hận thù,/ Tiên sinh nào tiếc tấm thân ru,/ Ngọn chùy chẳng trúng, tâm bừng cháy,/ Mũi kiếm không nên, chí diệt thù./ Hồn nước tỉnh mau vang tiếng gọi,/ Lệ đau thương khóc chiếc thuyền trơ,/ Lưu cầu nếu chẳng đem ra thử/ Lận đận làm chi chốn hải hồ”.

Tiếng bom Sa Điện do Phạm Hồng Thái thực hiện “Như chim én nhỏ báo hiệu mùa Xuân”. Sau này, cảm phục đức hi sinh quả cảm, vì dân, vì nước của liệt sĩ Phạm Hồng Thái, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Sống chết được như anh,/ Thù giặc, thương nước mình./ Sống làm quả bom nổ,/ Chết như dòng nước xanh”.

Sau tiếng bom Sa Điện Quảng Châu Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề nghị với Quốc tế Cộng sản được rời nước Nga sang Trung Quốc hoạt động. Được Quốc tế Cộng sản chấp nhận, cuối tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc từ nước Nga đã về Quảng Châu hoạt động. Được sự giúp đỡ và giới thiệu của cụ Phan Bội Châu và Hồ Học Lãm, Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp và tuyển chọn những thanh niên tích cực trong nhóm Tâm Tâm Xã để thành lập nhóm “Cộng sản Đoàn” gồm 9 người: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh. Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí, đặt trụ sở tại ngôi nhà hai tầng số 132 đường Văn Minh Quảng Châu Trung Quốc (tầng dưới làm nơi buôn bán kinh doanh (mục đích là để che mắt bọn mật thám). Hàng ngày, người ra vào mua bán hàng hóa đan chen với người của tổ chức Hội Thanh niên đến dự lớp huấn luyện, bọn mật thám cũng đến theo dõi. Trụ sở làm việc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và lớp học chính trị ở tầng hai, ngăn cách nhau bởi cầu thang lên xuống (có canh gác nghiêm ngặt). Tầng hai là nơi làm việc, sinh hoạt, hội họp. Phòng phía ngoài rộng hơn, có kê bàn, ghế ngồi cho học viên, trên tường có bảng đen cho giảng viên viết phấn. Giảng viên dạy chính của lớp đào tạo cách mạng là Nguyễn Ái Quốc. Để tuyên truyền cho mục đích và tôn chỉ hoạt động của Hội Thanh niên, ngày 21-6-1925, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ Báo “Thanh niên”. Các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh, Lê Duy Điếm đều là những trợ thủ giúp việc: tổ chức các lớp học, trợ lý giảng dạy, dịch thuật tài liệu từ tiếng Nga, tiếng Anh ra tiếng Việt. Tham gia viết báo, in ấn truyền đơn, tài liệu giảng dạy, thiết lập các đường dây bí mật để vận chuyển “Báo Thanh niên” về trong nước để tuyên truyền. Ngoài ra, theo yêu cầu của Nguyễn Ái Quốc, để đào tạo được nhiều cán bộ đưa về xây dựng cơ sở cách mạng trong nước thì cần có người về nước để đón thêm những thanh niên được tổ chức cử sang tham gia học liên tục các khóa. Có người từ Quảng Châu Trung Quốc về đón, thanh niên trong nước được tổ chức gửi sang học tập ngày càng đông. Nghệ An đã có các đồng chí: Nguyễn Sỹ Sách, Trần Văn Cung, Võ Nguyên Hiến, Lê Nhu, Võ Mai, Trần Phú, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Ngọc Ba…(8). Để mở rộng hợp tác Quốc tế, ngoài việc tuyển chọn và gửi cán bộ Việt Nam đi tham gia các lớp học đào tạo quân sự (Trường Hoàng Phố); Trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô, Người còn giới thiệu Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Trương Vân Lĩnh và một số đồng chí gia nhập: “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông” thuộc Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản. Lê Hồng Sơn được bầu là Ủy viên “Chưởng ấn” (người giữ con dấu của Chi hội Việt Nam). Năm 1926, Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Năm 1927, Tưởng Giới Thạch đã phản bội lại đường lối liên cộng của Tôn Trung Sơn, chúng cho lính lùng sục để bắt những người cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc phải sang Liên Xô, Lê Hồng Sơn và nhiều đồng chí trong Hội Thanh niên cách mạng đã bị bắt. Nhờ cụ Hồ Học Lãm can thiệp nên Lê Hồng Sơn được trả lại tự do. Ra tù, để tiếp tục nối đường dây liên lạc hoạt động của tổ chức cách mạng Việt Nam ở hải ngoại, Lê Hồng Sơn đã dời trụ sở làm việc của Tổng bộ từ Quảng Châu sang Hương Cảng và nối đường dây liên lạc với các tổ chức hoạt động ở trong nước. Để hợp nhất các tổ chức cách mạng trong nước (Đảng Tân Việt và Hội Thanh niên cách mạng đồng chí), đầu năm 1929, Lê Hồng Sơn đã tích cực chuẩn bị cho cuộc hội nghị trù bị để hợp nhất. Tiếc là khi các đoàn đại biểu trong nước sang dự họp đã không thống nhất ý kiến nên hội nghị đã không thành công. Mặc dù kết quả không được như mong đợi, nhưng các đại biểu đều ghi nhận những nỗ lực và thành tích hoạt động của Lê Hồng Sơn và đồng chí đã được bầu làm Ủy viên thường trực của Ban chấp hành Tổng bộ ở ngoài nước. Hội nghị hợp nhất không thành công, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm và các đồng chí mới được ra tù đã thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và cử người sang Xiêm báo cáo với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Nhận được tin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từ Xiêm đi sang bán đảo Cửu Long để triệu tập cuộc hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Để có được sự hợp nhất của các tổ chức Đảng thành một chính Đảng là cả một quá trình vận động về tư tưởng và đấu tranh rất gian nan. Công lao đó trước hết thuộc về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tất cả các đồng chí cách mạng lớp tiền bối, nhưng vai trò và công lao của đồng chí Lê Hồng Sơn đã được ghi nhận và đi vào trang sử vàng đấu tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, một phong trào đấu tranh dâng lên mạnh mẽ trong cả nước mà đỉnh cao nhất là ở hai tỉnh Nghệ - Tĩnh. Để trấn áp phong trào đấu tranh đang dâng lên trong cả nước, thực dân Pháp ra tay khủng bố phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ - Tĩnh trong máu và lửa. Mặt khác, chúng đã cấu kết với Tưởng Giới Thạch để bắt bớ, giam cầm các chiến sĩ cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở Trung Quốc. Đầu năm 1931, vì có kẻ phản bội khai báo, Lê Hồng Sơn đã bị Chính phủ Tưởng Giới Thạch bắt giam vì tội hoạt động Cộng sản. Để cứu Lê Hồng Sơn, cụ Hồ Học Lãm lại tìm cách can thiệp.Vì nể trọng cụ Hồ Học Lãm, Tưởng Giới Thạch đã đồng ý thả tự do cho Lê Hồng Sơn, nhưng lại có yêu cầu là phải trục xuất Lê Hồng Sơn ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Sau khi ra tù, mặc dù bị trục xuất khỏi biên giới Trung Quốc, nhưng là người tháo vát, thuộc địa hình, Lê Hồng Sơn đã qua Miến Điện, từ đó đi sang Xiêm, đến cơ sở Trại Cày của cụ Đặng Thúc Hứa(9) rồi quay lại Thượng Hải, tiếp tục làm nhiệm vụ của Đảng ở ngoài nước.

 Sau vụ rải truyền đơn kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1- 5-1932, Lê Hồng Sơn bị Tưởng Giới Thạch bắt tại khách sạn Bình Giang Lữ Quán. Ngày 25-9-1932, Tưởng Giới Thạch đã bàn giao Lê Hồng Sơn cho thực dân Pháp. Ngày 24-10-1932 lính Pháp đã giải Lê Hồng Sơn về giam tại nhà tù Hỏa Lò Hà Nội và đến ngày 9-11 thì chúng cho áp giải về giam tại nhà lao Vinh để xét xử. Sau gần hai tháng giam cầm tại nhà lao Vinh để tra tấn và ép cung, nhưng thực dân Pháp đã không hề khai thác và moi được tin tức gì của tổ chức cách mạng Việt Nam. Trong các buổi hỏi cung, Lê Hồng Sơn bình tĩnh và trả lời rất thông minh. Đồng chí đã khai những hoạt động của bản thân mình đã bị lộ và các đồng chí trong tổ chức Đảng đã hi sinh. Còn đường dây liên lạc của tổ chức cách mạng Việt Nam ở Xiêm, Liên Xô, Trung Quốc, Nhật Bản, những đồng chí cùng hoạt động mà đang sống thì Lê Hồng Sơn đã khai sai sự thực để đánh lạc hướng điều tra của địch. Biết Lê Hồng Sơn là một lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản, được Nguyễn Ái Quốc đào tạo nên khó moi được tin tức. Khi cả đôi bên trong buổi hỏi đã cung mệt mỏi mà không có kết quả, Lê Hồng Sơn bình tĩnh trả lời bọn mật thám Pháp là không hề hối tiếc….

 Ngày 24-12-1932, Tòa án phong kiến Nam triều Nghệ An mở phiên tòa đặc biệt, xử Lê Hồng Sơn với mức án tử hình vì tội đã tham gia 3 vụ giết người và hoạt động cộng sản (bản án số 276). Để tiêu diệt tận gốc những người theo cộng sản và uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân, ngày 20-2-1933 (có tư liệu ghi ngày 15-2-1933) bọn lính đã giải Lê Hồng Sơn về Chợ Tro, để tử hình. Làng Xuân Hồ, nơi Lê Hồng Sơn đã ra đi làm cách mạng ở tuổi 20 và khi trở về mới 34 xuân xanh với cái chết bất tử...

Để tri ân và học tập tinh thần yêu nước và cách mạng của đồng chí Lê Hồng Sơn trong cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc, Tỉnh Đảng bộ Nghệ An đã lấy tên Lê Hồng Sơn đặt cho trường học, phường, xã và tên một đường phố ở thành phố Vinh. Quần thể khu Mộ và nhà lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn sẽ được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Tỉnh ủy Nghệ An đã vinh danh đồng chí Lê Hồng Sơn trong sách: “Nghệ An - Những tấm gương Cộng sản”, tập 1 và “Nghệ An - Những con người tiêu biểu”. Cuộc đời hoạt động cách mạng và cái chết oanh liệt của đồng chí Lê Hồng Sơn như ngọn lửa thiêng, sáng mãi trên quê hương Xô viết, quê hương Bác Hồ.


Chú thích

1). Di tích lịch sử đền Tán Sơn và mộ đồng chí Lê Hồng Sơn ở huyện Nam Đàn đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

2). Ông Thần Sơn Ngô Quảng quê ở xã Thần Lĩnh, là bạn học với Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân, Lê Văn Hành, Trần Văn Năng… đều là học trò của cụ Nguyễn Thức Tự ở huyện Nghi Lộc. Họ là những người tích cực tham gia vận động thanh niên Nghệ - Tĩnh đi xuất dương theo cụ Phan, sang Xiêm, Nhật Bản và Trung Quốc hoạt động.

3). Bà Trần Thị Trâm (còn gọi là bà Lụa) là em dâu cụ Hồ Bá Ôn, vợ của liệt sĩ Hồ Bá Trị, mẹ của Hồ Học Lãm, một phụ nữ yêu nước nổi tiếng, được cụ Phan Bội Châu vinh danh là: “Nữ kiệt đất Hồng Lam”.

4). Nguyễn Thức Canh là con trai cả của nhà giáo Nguyễn Thức Tự, đi xuất dương cùng với Hồ Học Lãm. Ông là anh của các liệt sĩ Nguyễn Thức Đường và Nguyễn Thức Bao. Là cha của nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Thức Mẫn, từng hoạt động với các đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1929 - 1931) và đồng chí Mười Cúc thời chống Mỹ (tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh).

5). Ông Nguyễn Đình Lộc quê ở phủ Hưng Nguyên, thường xuyên đưa thanh niên Nghệ - Tĩnh đi xuất dương theo con đường bí mật và đã hi sinh trên đất Lào. Là cha của các chiến sĩ cộng sản lớp tiền bối: Nguyễn Thị Nhuận và đồng chí Siêu Hải - Bí thư Khu ủy Vinh - Bến Thủy.

6). Tháng 6 - 1924, khi Hồ Tùng Mậu đang làm nhiệm vụ tuyên truyền để đưa lớp thanh niên như Trần Văn Chấn, Nguyễn Văn Luyện, Trương Văn Thanh, Trương Học Ba thì tiếng bom Sa Điện dội về, Hồ Tùng Mậu vội nhận tiền quyên góp rồi trở sang ngay Quảng Châu, Trung Quốc.

7). Phạm Hồng Thái quê ở xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, sát sông Lam, bơi lội rất giỏi. Nhìn địa hình sông Châu Giang, Quảng Châu, Trung Quốc thì sau khi thực hiện nhiệm vụ xong, Phạm Hồng Thái sẽ dễ dàng bơi qua sông Châu Giang, bờ bên kia, đã có Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong và các đồng chí Tâm Tâm Xã cắm thuyền chờ để đưa Phạm Hồng Thái trốn thoát.

8). Trụ sở Hội Thanh niên cách mạng đồng chí ở Quảng Châu, Trung Quốc nay là Di sản Văn hóa đặc biệt phục vụ hàng triệu lượt khách Quốc tế đến tham quan,nghiên cứu. Các đoàn Việt Nam đến rất đông. Hiện vật và đồ dùng sinh hoạt, làm việc của Bác Hồ và Hội Thanh niên cách mạng đồng chí còn được lưu giữ để phục vụ du khách đến tham quan học tập.

9). Trại Cày là nơi Lê Hồng Sơn đến từ năm 1920. Khi Lê Hồng Sơn trở lại thì đồng chí Đặng Thúc Hứa vừa mất, nhưng tổ chức cách mạng ở Trại Cày đã lo chuẩn bị cho Lê Hồng Sơn đầy đủ khi đồng chí trở lại Thượng Hải hoạt động.



[*] Nhà nghiên cứu, TP Vinh

CÙNG CHUYÊN MỤC

Non nước xứ Nghệ

Con người xứ Nghệ

Thương hiệu xứ Nghệ