Tháng 1 năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 150 ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với truyền thống của Khoán 10, Chỉ thị 100, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện Chiến lược mới, mở ra những đột phá đưa nền kinh tế đi lên. Kỳ vọng đầu tiên là thay đổi tư duy và từ thay đổi tư duy sẽ dẫn đến thay đổi hành vi và thay đổi kết quả.
Có thể khẳng định nông nghiệp Việt Nam hiện nay không còn là câu chuyện của riêng bộ, riêng ngành nào mà liên quan đến mọi đối tượng xoay quanh kinh tế nông nghiệp. Khi chúng ta xác định nông nghiệp trở thành lợi thế chính của đất nước thì tầm vóc và đối tượng liên quan không chỉ là người sản xuất, người kinh doanh, người đầu tư, người chế biến, người buôn bán mà còn rất nhiều đối tượng, rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều ngành liên quan khác.
Từ cung cấp vật tư đầu vào, cung cấp máy móc thiết bị, cung cấp vốn, khoa học công nghệ và những người hoạt động trong lĩnh vực đầu ra như vận tải, thương mại, buôn bán lẻ, người tiêu dùng, các nhà khoa học... đến những lĩnh vực, những ngành khác như giao thông, du lịch... Chưa kể khi Việt Nam trở thành nền kinh tế nông nghiệp có tính toàn cầu hóa cao còn có sự liên hệ rộng rãi với cộng đồng quốc tế.
Trong một khía cạnh nào đó hầu hết người dân trên dải đất hình chữ S đều cảm thấy mình có gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chính vì thế khi nói đến thay đổi tư duy. Thay đổi tư duy từ lãnh đạo các cơ quan quản lý, lãnh đạo các địa phương đến doanh nhân, người nông dân… Từ thay đổi tư duy sẽ dẫn đến điều chỉnh thay đổi hành vi, thay đổi cách thức cư xử, thay đổi định hướng hành động của mọi đối tượng dẫn đến thay đổi kết quả, thay đổi nền kinh tế Việt Nam, đó là điều quan trọng nhất.
Chiến lược mới xác định nông nghiệp Việt Nam sẽ là một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. Nông nghiệp Việt Nam sẽ không cạnh tranh bằng số lượng, bằng khai thác tự nhiên nữa mà hướng đến cạnh tranh bằng sản xuất ít, sản xuất tiết kiệm, giảm bớt sức ép môi trường và bảo vệ môi trường, một nền nông nghiệp đem lại hiệu quả cao hơn. Đó thực sự là những vấn đề mang rất nhiều ý nghĩa. Ngày nay, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp bền vững không còn là đặc quyền của nông nghiệp các nước giàu. Nông nghiệp xanh để phát triển và đi vào thị trường tốt. Nông nghiệp xanh để tạo lợi thế đặc biệt. Nông nghiệp xanh để thể hiện trách nhiệm với chính mình, với đất nước và đối với thế hệ con cháu chúng ta sau này. Xanh cả về môi trường và xã hội.
Trong bối cảnh thế giới tìm cách tạo ra sức mạnh của mình bằng khoa học công nghệ, bằng giá trị gia tăng, bằng các chi phí sản xuất rẻ, bằng nâng cao trình độ quản lý thì Việt Nam chúng ta đang lựa chọn con đường, lựa chọn lợi thế rất đặc biệt. Gần đây, lãnh đạo Nhà nước đã đưa ra những cam kết về vấn đề giảm thải carbon, giảm hiệu ứng nhà kính rất mạnh mẽ. Đây là vấn đề mà các nước lớn, các cường quốc hùng mạnh đôi khi còn lẩn tránh, còn cẩn trọng bởi vì nó ảnh hưởng rất ghê gớm đến hệ thống sản xuất, tổ chức sản xuất, công nghệ áp dụng, nhưng chúng ta, một quốc gia mới phát triển, đang trong quá trình chuyển mình lại dám mạnh mẽ đứng lên cam kết thực hiện.
Dĩ nhiên là nhiều thách thức nhưng tư duy đó, hành động đó từ quyết tâm của tất cả mọi người sẽ mở ra những cơ hội lớn. Nếu vượt qua được thì nông sản chúng ta sẽ có những tiêu chuẩn khác, sẽ được bán với giá khác, sẽ được chấp nhận ở những thị trường khác hẳn lâu nay. Nông nghiệp xanh rất có khả năng sẽ mở ra một triển vọng mới, một hướng phát triển thị trường mới, một cách thức sản xuất, tổ chức sản xuất hoàn toàn mới của Việt Nam chúng ta.
Một nền nông nghiệp xanh, nền nông nghiệp sinh thái trước hết là vì lợi ích của chính dân ta, là trách nhiệm với chính mình. Qua dịch bệnh Covid-19 có thể thấy rõ đất nước, nhân dân luôn sống trong rủi ro của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu…, nếu chúng ta không tự bảo vệ môi trường của mình, không bảo vệ cân bằng sinh thái, không phòng chống được rủi ro thì chúng ta sẽ là người chịu thiệt hại đầu tiên. Giảm bớt nước tưới, không làm suy thoái đất đai, không làm ô nhiễm môi trường, không làm mất cân bằng sinh học, sản xuất của chúng ta sẽ an toàn và sạch sẽ. Đó là ý nghĩa cao hơn cả.
Nông nghiệp Việt Nam trên con đường tiến lên còn phải vượt qua nhiều thách thức, phải đối chọi từ các phía. Tương lai phía trước đang thay đổi với rất nhiều thách thức, đằng sau chúng ta là di sản cũ, những yếu kém cũ vẫn còn ngổn ngang và chậm được xử lý. Tuy nhiên, nếu tháo bỏ được những trói buộc hiện tại, vượt qua sóng gió trước mắt thì lợi thế chính của đất nước là nông nghiệp sẽ có cơ hội để cất cánh bay lên.
Chúng ta phải vượt qua những ràng buộc hiện nay như sản xuất nhỏ lẻ, trình độ kỹ thuật của người nông dân còn lạc hậu, vượt qua những trở ngại về thiếu vốn, cơ sở hạ tầng khó khăn, chi phí vận chuyển cao… Vượt qua cơ chế quản lý khoa học, công nghệ với biết bao vướng víu, phát triển mạnh mẽ kinh tế hợp tác đang còn thiếu cơ chế chính sách đột phá, thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa đủ... Những ràng buộc, rào cản đó đáng lẽ chúng ta phải xử lý từ lâu nhưng thực tế là đến nay vẫn còn đang phải vật lộn với nó.
Nhìn về tương lai xa hơn, phát triển sản xuất nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp là câu chuyện làm thế nào để các ngành công nghiệp, chế biến khác phải cùng phối hợp đồng bộ phục vụ cho nông nghiệp phát triển. Làm thế nào để các ngành dịch vụ không chỉ quan tâm vấn đề ngân hàng, bất động sản, thị trường chứng khoán mà phải giúp ngành nông nghiệp buôn bán tốt hơn, thông tin thị trường tốt hơn, cung cấp vốn đầu tư cho người nông dân tốt hơn.
Thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp và sức mạnh của Việt Nam sẽ thể hiện ra được từ nông nghiệp. Để huy động mọi ngành nghề phối hợp với ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ việc đổi mới tư duy. Xác định giúp nông nghiệp không phải để cho riêng nông nghiệp, giúp nông nghiệp là vì bản thân và vì đất nước. Xác định rằng con đường đi lên của các vùng miền không nhất thiết chỉ có phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo mà cũng phải xuất phát từ lợi thế kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển, kinh tế rừng của từng địa phương.
Tư duy mới đã thể hiện trong nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ năm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khẳng định lợi thế nông nghiệp của đất nước, tạo điều kiện cho chúng ta đổi mới tư duy cởi trói ở những vấn đề rất cụ thể trong sản xuất của ngành nông nghiệp, đồng thời mở ra cánh cửa cho tất cả các ngành khác cùng tham gia, cùng phối hợp.
Trong nền kinh tế Việt Nam hôm nay, người nông dân vẫn ở vị trí trung tâm bởi vì nông dân vẫn là đối tượng đông nhất trong xã hội, cư dân ở nông thôn với khoảng 65 - 70% dân số và số lượng lao động đông nhất trong xã hội hiện nay cũng là lao động nông thôn. 25 năm tới sẽ diễn ra quá trình chuyển gần 25 triệu người đang sống ở nông thôn năm 2020 sang sinh kế và cuộc sống đô thị năm 2045. Mọi khát vọng về kinh tế công nghiệp, dịch vụ, tri thức… tương lai đều phải bắt nguồn từ bước tổ chức huy động tài nguyên để từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng có khả năng tích lũy từ nông nghiệp và lao động hôm nay trước khi tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt và xã hội già đi.
Để họ thoát được đói nghèo, có việc làm, có sinh kế ổn định, hướng tới có thu nhập cao ít nhất là bằng với người dân ở đô thị… thì không có một Nhà nước nào đủ giàu có để đầu tư, trợ cấp, tạo việc làm cho khối lượng lao động và cư dân đông đảo như vậy. Cũng như không có một hệ thống doanh nghiệp nào đủ mạnh mẽ để đầu tư, tạo việc làm, cung cấp vốn để có sinh kế cho khối lượng đông đảo người dân như vậy. Và không có một viện trợ quốc tế nào có thể đưa ra các dự án, các chương trình phát triển cho một quy mô dân số, một không gian địa lý mênh mông như vậy…
Giải pháp duy nhất là phải trao quyền cho người nông dân. Người nông dân không chỉ là người biết, người bàn, người làm, người kiểm tra hay là người được hưởng lợi nữa mà người nông dân phải là người ra quyết định, người xây dựng kế hoạch, người được trực tiếp tham gia vào đầu tư, tham gia vào quá trình quản lý, trở thành người làm chủ. Phải tạo điều kiện để chính người dân nông thôn đứng lên. Tất nhiên, trước hết người dân cũng phải tích lũy nội lực cho mình, kết nối với các cơ hội, các nguồn tài nguyên, các thị trường trên toàn đất nước để tự phát triển. Để từ nông hộ nhỏ tiến lên thành hộ lớn, chuyển sang phi nông nghiệp, hộ phi nông nghiệp chuyển thành doanh nghiệp nhỏ, chuyển thành doanh nghiệp lớn…
Cách thức hiệu quả nhất để người nông dân đứng vào được vị trí “cầm tay lái, ngồi trên ghế điều hành”, làm chủ thực sự là tạo điều kiện để họ đứng trong đội ngũ kinh tế tập thể, bởi vì các hộ nhỏ sẽ không thể phát triển nếu không nằm trong kinh tế hợp tác, các doanh nghiệp nhỏ không thể phát triển nếu không nằm trong hiệp hội. Khi đó chúng ta sẽ kết nối, tạo điều kiện cho người nông dân có thể tiếp cận được tài nguyên, tạo điều kiện để người nông dân có thị trường lao động, thị trường dịch vụ, thị trường hàng hóa… Trên cơ sở đó, người nông dân sẽ làm chủ quá trình phát triển của chính mình. Tất cả những việc trao quyền, tổ chức, trang bị kiến thức, tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho người nông dân đều phải nhắm vào mục tiêu đặt nông dân vào vị trí “trái tim” của quá trình phát triển.
Trong mấy chục năm sắp tới đây, xã hội nông thôn sẽ thay đổi một cách chưa từng có trong lịch sử. Trước hết là lao động nông thôn. Phần lớn cư dân nông thôn sẽ chuyển thành thị dân, phần lớn lao động nông nghiệp sẽ chuyển thành phi nông nghiệp, lao động nông thôn cũng sẽ già hóa, lao động trong các khu công nghiệp sẽ bị đào thải do quá trình tự động hóa của cuộc cách mạng 4.0...
Thứ hai là tài nguyên và không gian ở nông thôn cũng sẽ có những thay đổi rất to lớn. Phần lớn đất đai nông nghiệp sẽ chuyển từ sản xuất lương thực sang sản xuất cây ăn quả, sản xuất thủy sản, sản xuất lâm nghiệp. Một phần rất lớn cơ sở hạ tầng ở nông thôn sẽ thay đổi từ hệ thống máy móc phục vụ nông nghiệp, hệ thống giao thông phục vụ nông nghiệp.
Tỷ lệ đất dành cho công nghiệp, phi nông nghiệp, đặc biệt là đô thị sẽ tăng lên rất nhiều so với trước đây. Từ đó bộ mặt nông thôn sẽ biến đổi lớn và chiến lược của chúng ta phải làm sao để toàn bộ quá trình thay đổi đó diễn ra đồng bộ và thực sự nằm trong khả năng quản lý cũng như vai trò làm chủ của người nông dân.
Nông thôn có tiếp tục trở thành nền tảng vững bền, là lá phổi và không gian phòng vệ của đất nước như trước nay hay không? Người nông dân có còn là lực lượng tiên phong trong sản xuất, trong chiến đấu, thậm chí là lực lượng động lực chủ yếu của quá trình phát triển trong thời gian tới hay không? Tất cả đều tùy thuộc ở quyết tâm chính trị. Trước hết ở các cấp ủy Đảng và Chính quyền của các cán bộ Đảng viên và toàn dân, trong đó vai trò chủ động nhất vẫn là của cư dân nông thôn. Giá trị cốt lõi chính là yếu tố cộng đồng và chỉ có gìn giữ, phát triển quan hệ cộng đồng ở nông thôn chúng ta mới xây dựng được lực lượng căn bản cũng như tạo nên hệ sinh thái, hướng đến phát triển nông nghiệp một cách toàn diện.