Thấy gì từ những hy sinh?

TRANG ANH
4/8/2022

Những tuần qua, “HY SINH” là từ khóa được sử dụng nhiều nhất, lan tỏa sâu sắc nhất trên các trang báo, màn ảnh, mạng xã hội và trong lòng mỗi người dân. Những dòng hồi tưởng, tri ân hàng triệu liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng chưa lắng xuống thì trong thái bình và đổi mới, nỗi đau lại trào dâng khi 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh trong cuộc chiến với giặc lửa, để cứu sống các nạn nhân của vụ cháy ở số nhà 231 Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội



3 cán bộ chiến sĩ trước khi thăng quân hàm. (Ảnh: TTXVN)

Chúng ta thấy gì từ những hy sinh?

Các anh hy sinh để lại nỗi đau. Đó là nỗi đau vô cùng lớn đối với gia đình, người thân và đồng đội, khó có thứ ngôn từ nào tả xiết, khó có hạn định thời gian và chính sách nào bù đắp, lấp đầy. Nỗi đau của những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những đứa trẻ mất cha. Nỗi đau đầy hơn khi người thiếu phụ mất đi chỗ dựa duy nhất của đời mình. Nỗi đau còn hiện diện trên mọi trang báo, trong hàng vạn dòng trạng thái của mỗi người dân những ngày qua. Bên tượng đài, những đóa hoa lặng lẽ đặt xuống, cũng bởi những tấm lòng đang trĩu nặng nỗi đau.

Truyền thống cao quý “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Khi mọi người tháo chạy, thì các anh lao vào lửa với trái tim dũng cảm, không nghĩ về hậu quả, dù biết rằng có thể hy sinh. Họ vẫn cứu người và chẳng còn được trở về được nữa. Bởi họ là những tấm gương tiêu biểu nhất trong “những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu anh dũng, không quản hiểm nguy, đặt sự an toàn của nhân dân lên trên hết, trước hết” - như lời Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định khi tới thăm, động viên gia đình các anh chiều 2/8/2022.

Tình cảm và Trách nhiệm. Ngay sau khi nhận được tin báo về tính chất phức tạp của vụ việc, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Công an; đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội; Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội... trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới lực lượng Công an nhân dân và gia đình 3 đồng chí.

Ngày 2/8, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đã ký Quyết định truy thăng cấp bậc hàm trước niên hạn và đề nghị công nhận liệt sĩ; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký quyết định cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" đối với 3 liệt sĩ đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, UBND thành phố, Công an thành phố Hà Nội tổ chức thăm hỏi gia đình, dâng hương tưởng nhớ các anh.

Sự ghi nhận, tri ân đối với chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu của các anh không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Lực lượng Công an nhân dân sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo, thực hiện các chính sách đối với gia đình các đồng chí hy sinh trong khi làm nhiệm vụ”.

Thử thách lớn lao hơn. Cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, bảo vệ sự bình yên, an toàn cho nhân dân luôn là cuộc chiến cam go, nhiều hiểm nguy. Cán bộ chiến sĩ Công an chưa hết bàng hoàng, xót xa đã bộn bề trăn trở về trách nhiệm, danh dự cứu người, bảo vệ nhân dân, về nguyên tắc, phương châm “bảo toàn lực lượng, giữ vững hậu phương” trong chiến đấu. “Trận đánh” chiều 1/8/2022 tiếp tục đặt ra những thử thách mới, đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ luôn giữ vững lập trường tư tưởng, đủ bản lĩnh, quyết tâm và tấm lòng nhân văn để sẵn sàng chiến đấu, không lùi bước trước mọi thử thách, hiểm nguy.

Hậu quả lớn từ những điều đơn giản. “Giặc lửa” khôn lường, hậu quả kinh hoàng nhưng nguyên nhân thường xuất phát từ những điều đơn giản. Theo báo cáo của Bộ Công an trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 884 vụ cháy, trong đó lực lượng Công an trực tiếp tham gia chữa cháy 848 vụ, cứu nạn, cứu hộ 430 vụ, cứu được 288 người, hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người; phát hiện, xử lý trên 3.600 trường hợp vi phạm. Nhiều vụ cháy gây chết nhiều người, nhiều thế hệ trong một gia đình nhưng nguyên nhân chỉ xuất phát từ thói quen, tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ…

Sự sống, danh dự và hạnh phúc. Trước mất mát hy sinh, càng thấy giá trị lớn lao của sự sống, danh dự và hạnh phúc. Sự tận hiến, hy sinh cao quý càng làm rõ hơn sự đớn hèn, đê tiện từ các luận điệu, thủ đoạn bôi nhọ, hạ bệ hình ảnh, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Công an, đánh đồng sai phạm của một vài cá nhân với danh dự, uy tín của toàn lực lượng, thậm chí kích động người dân chống lại, phủ nhận những thành quả, cống hiến của các thế hệ cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân.

Sự hy sinh của Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc là tổn thất lớn đối với gia đình và lực lượng Công an nhân dân. Nhưng “hy sinh vì nhân dân là điều mà cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân không bao giờ quản ngại”. Người đứng đầu lực lượng Công an nhân dân đã xúc động chia sẻ điều thiêng liêng, cao quý đó khi dâng nén tâm hương tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ tận hiến.

Chúng ta có quyền tự hào trước những hy sinh, bởi đó là sự hy sinh vì bình yên, hạnh phúc, đã để lại trong lòng nhân dân sự tin yêu lớn lao.


CÙNG CHUYÊN MỤC