Phát huy dân chủ để làm giàu nguồn Vốn xã hội
Phan Đình Diệu
4/8/2022
Sau gần hai chục năm thực hiện công cuộc “đổi mới”, mà chủ yếu là đổi mới về kinh tế, đất nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng toàn diện và triền miên của những thập niên trước đó, nền kinh tế thị trường về cơ bản đã được thiết lập và liên tục có tốc độ tăng trưởng bền vững, tạo cơ sở cho việc đi vào một giai đoạn mới của sự phát triển.
Mặc dầu đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng cho đến nay, về cơ bản, nước ta vẫn còn là một nước kém phát triển, con đường tiến lên trước mắt còn dài, và trong giai đoạn vài ba thập niên tới, chúng ta đã tự đặt cho mình nhiệm vụ phấn đấu là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với từng bước phát triển kinh tế tri thức, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế,… sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại[1]. Thực hiện một nhiệm vụ phát triển kinh tế với mục tiêu như vừa được trích dẫn đó trong một khoảng thời gian không dài lắm quả là một tham vọng lớn, đòi hỏi một sự phấn đấu hết sức to lớn của cả dân tộc. Mục tiêu và nhiệm vụ đã được xác định rõ ràng, nhưng sẽ được thực hiện với vốn liếng nào đây? Tất nhiên ta phải huy động và phát huy tối đa mọi nguồn vốn đã có, hiện có và sẽ có trong đất nước ta, nhưng cụ thể đó là những nguồn vốn nào? Bài toán quan trọng này chắc là khó có thể có lời giải ngay một lúc, ta hy vọng là lời giải cho bài toán quan trọng đó sẽ được tìm kiếm và bổ sung dần trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Nền kinh tế nước ta, so với nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới thì còn là kém phát triển, nhưng trong môi trường của “toàn cầu hoá” hiện nay, sự phát triển của nó cũng cần được xem xét trong bối cảnh chung của sự phát triển của toàn thể nền kinh tế toàn cầu đó. Chúng ta biết rằng từ các thập niên cuối của thế kỷ 20 đến nay, nền kinh tế thế giới đã liên tục có nhiều biến chuyển to lớn, mà đặc điểm chủ yếu là sự chuyển biến từ thời đại của kinh tế công nghiệp truyền thống sang thời đại của kinh tế thông tin, kinh tế tri thức trong phạm vi toàn cầu. Trong thời đại mới này, nguồn lực để phát triển kinh tế cũng có nhiều biến chuyển, nếu như trước đây nguồn vốn chủ yếu được tính đến gần như duy nhất là vốn vật chất, bao gồm tất cả các tài sản hữu hình như đất đai, tài nguyên, nhà cửa, công xưởng, máy móc, thiết bị, v.v…, những tài sản có thể chuyển đổi thành tiền, cho nên đôi khi còn được gọi là vốn tài chính của nền kinh tế, thì đối với nền kinh tế mới, người ta thấy cần thiết phải tính đến và bổ sung hai nguồn vốn khác nữa là vốn con người và vốn xã hội. Vốn con người ở mỗi cá nhân là bao gồm tất cả các kiến thức, kinh nghiệm tích luỹ được cũng như mọi tiềm năng trí tuệ của cá nhân đó, giúp cho các hoạt động kinh tế của cá nhân đạt được kết quả. Vốn con người là tài sản cá nhân của từng con người, nên thuộc sở hữu cá nhân của con người đó. Khác với vốn con người thuộc quyền sở hữu của riêng từng cá nhân, vốn xã hội[2] bao gồm toàn bộ nguồn lực (hiện hữu hoặc tiềm ẩn) xuất phát từ mạng lưới xã hội liên kết con người với nhau, nẩy sinh trong các mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp, giữa những cá nhân thông qua các mối liên hệ đã được thể chế hoá hoặc chưa được thể chế hóa như các mối quan hệ bạn bè, quen biết, cùng quê quán, đồng học đồng môn, cùng tôn giáo, tín ngưỡng, cùng một sở thích văn hóa, có sự chia sẻ, thông cảm tin cậy lẫn nhau,v.v… Như vậy, vốn xã hội không thuộc sỡ hữu cá nhân, mà thuộc sở hữu công, một tài sản của xã hội nói chung. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể khai thác một số vốn xã hội, khôn khéo sử dụng nó để đem lại những lợi ích kinh tế cho riêng mình. Cho đến nay, chưa có một định nghĩa hoàn thiện nào được mọi người thừa nhận chung cho khái niệm vốn xã hội, lại càng chưa có một cách thức nào đo lường, đong đếm một cách định lượng nguồn vốn đó để có thể đưa “đại lượng” vốn xã hội vào các mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhưng phần lớn các nhà nghiên cứu kinh tế, xã hội đều thừa nhận vai trò ngày càng tăng của khái niệm đó trong các khoa học kinh tế, chính trị, xã hội và trong thực tiễn kinh doanh[3].
Theo R.D.Putnam, một trong những tác giả hàng đầu về vốn xã hội, có những lý do sau đây có thể giải thích ý nghĩa quan trọng của vốn xã hội đối với sự phát triển kinh tế và xã hội:[4] Thứ nhất, vốn xã hội cho phép người dân giải quyết các bài toán tập thể một cách dễ dàng hơn. Con người thường cảm thấy mình mạnh và khỏe hơn khi có sự hợp tác với những người mà mình chia sẻ. Thứ hai, vốn xã hội có tác dụng bôi dầu cho các bánh xe tiến lên của cộng đồng vận hành một cách trơn tru hơn. Ở đâu mà con người tin cậy và tín nhiệm nhau, và những tương tác thân thiện được lặp đi lặp lại, thì công việc kinh doanh hàng ngày và các giao dịch xã hội cũng được thuận tiện hơn. Thứ ba, vốn xã hội giúp con người mở rộng tầm hiểu biết về nhiều con đường có thể có liên kết với số phận của mình, do đó có khả năng giúp cải thiện cuộc sống của mình. Một con người có nhiều mối quan hệ tích cực và tin cậy với nhiều người khác sẽ dễ phát triển và gìn giữ những ấn tượng tốt đẹp về phần còn lại của xã hội, dễ trở thành ôn hòa hơn, ít thô bạo hơn, dễ thông cảm hơn với những bất hạnh của người khác. Thiếu những cơ hội đó, con người dễ bị tổn thương hơn trước những tác động xấu. Tóm lại, các mạng lưới liên kết tạo nên nguồn vốn xã hội có tác dụng truyền đưa các dòng thông tin hữu ích giúp con người nhanh chóng hơn trong việc đạt đến các mục tiêu cuộc sống của mình.
Mạng lưới liên kết tạo nên vốn xã hội trong một quốc gia bao gồm tất cả các tổ chức, các nhóm, hội liên kết các thành viên cá nhân trong những mối liên hệ hết sức đa dạng trong xã hội, từ các câu lạc bộ thể thao, các nhóm bạn văn thơ, các hội đoàn nghệ thuật, các tổ chức nghề nghiệp,… cho đến các tổ chức tôn giáo, chính trị, văn hóa, các thành phần này luôn biến đổi theo thời gian và ở những địa bàn địa lý khác nhau. Theo cách hiểu đó, Putnam cũng đã thử đưa ra một đại lượng chung như là tổng số tính theo các nhóm, hội, trong mỗi nhóm, hội có tính đến số lượng các thành viên, một hệ số liên kết đặc trưng cho “chất lượng liên kết” và một “bán kính tín nhiệm” đặc trưng cho độ rộng hẹp của từng nhóm, hội, hy vọng góp phần vào việc đo lường định lượng các vốn xã hội, nhưng rồi ý đồ nghiên cứu định lượng này về vốn xã hội cũng chưa tiến xa được bao nhiêu. Vì vậy cho đến nay ta đành tạm (?) gác lại ý đồ đó và bằng lòng với một số các khảo sát định tính về vốn xã hội mà thôi. Ta nhận thấy rằng không phải mối liên kết nào trong các tổ chức cũng mang lại giá trị tích cực cho vốn xã hội ngang nhau, có những mối liên kết đóng góp giá trị lớn cho vốn xã hội, nhưng cũng có những mối liên kết mang đến giá trị bé, thậm chí giá trị âm, như mối liên kết của các tổ chức tội phạm, mafia chẳng hạn. Nói chung, xã hội càng phát triển thì càng có môi trường cho vốn xã hội tăng trưởng, nhưng đó cũng không hẳn là qui luật. Chẳng hạn, công nghệ thông tin và truyền thông cùng với Internet càng phát triển, con người càng có điều kiện thu hẹp mọi hoạt động giao dịch, giải trí,… của mình bên chiếc máy vi tính cá nhân, thì càng có nguy cơ giảm bớt các liên kết xã hội, và do đó góp phần làm cho vốn xã hội suy giảm[5]. Trong các mối liên kết trong xã hội, có những liên kết dọc và những liên kết ngang, liên kết dọc thường nẩy sinh trong các quan hệ từ trên xuống dưới, đặc biệt là các quan hệ thứ bậc trong trật tự tổ chức hành chính, các quan hệ giữa nhà nước và công dân. Liên kết ngang thường là liên kết tự nguyện và bình đẳng giữa những cá nhân không có quan hệ tùy thuộc, trên dưới, không bị ràng buộc bởi một thứ thể chế nào cả. Xét theo quan điểm vốn xã hội, thì loại liên kết dọc ít có đóng góp mới, ít tạo thêm giá trị mới cho các hoạt động kinh tế và xã hội, và do đó phần đóng góp vào vốn xã hội không lớn. Loại liên kết thứ hai – liên kết ngang – vốn rất phong phú, đa dạng, đi vào nhiều ngõ ngách tinh tế và bất ngờ của cuộc sống con người và xã hội, cho nên rất có nhiều khả năng đóng góp những ý tưởng, những lý giải phi hình thức, phi chính thống cho việc tìm kiếm những giải pháp thiết thực, có hiệu quả cho những bài toán phức tạp của cuộc sống muôn mặt muôn vẻ khó lường trước được. Loại liên kết ngang này chủ yếu là các liên kết trong các tổ chức của xã hội dân sự[6], một mảng rộng lớn và quan trọng của tổ chức đời sống xã hội, độc lập với và bổ khuyết cho Nhà nước pháp quyền trong một chế độ xã hội dân chủ. Như vậy, nguồn vốn xã hội chỉ có thể được phát triển, phong phú thêm và tăng trưởng nhanh trong điều kiện xã hội dân sự được phát triển, và điều đó lại dẫn đến điều kiện nền dân chủ xã hội được phát huy đầy đủ tác dụng của nó.
Nền kinh tế nói riêng, và đất nước ta nói chung, đang đứng trước những triển vọng và thách thức của một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi chúng ta phải biết huy động và phát huy mọi nguồn lực đã hiện hữu cũng như đang tiềm tàng của đất nước. Về nguồn vốn vật chất, hay vốn tài chính, nhiều ít bao nhiêu, cần và có thể huy động từ đâu, thì chắc ta đã có nhiều kinh nghiệm để khai thác và quản lý; có thể ở đây điều ta cần là phải có các giải pháp phân phối và sử dụng có hiệu quả hơn, tránh được các mất mát do các tệ nạn tham nhũng lãng phí gây nên đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Từ mấy năm nay ta đã nhìn thấy các nhược điểm trong nguồn vốn con người của ta, đã và đang cố tìm nhiều giải pháp để phát triển và nâng cao cả số lượng và chất lượng của nguồn vốn đó. Các giải pháp cải cách giáo dục và đào tạo nói chung, nâng cao chất lượng giáo dục đại học nói riêng, hiện đang được bàn thảo ráo riết, và ta hy vọng là sẽ sớm được thực hiện để góp phần cải thiện nguồn vốn con người của nước ta, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại. Cùng với vốn con người là vốn xã hội. Có thể đây là một nguồn vốn mà lâu nay ta chưa quan tâm đến nhiều, có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác, phát huy, và phải chăng đã đến lúc ta cần “đánh thức” nó dậy để nó cùng góp phần tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế và xã hội nước ta?
Nhiều người đã nhắc đến các truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, như yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, thông minh, cần cù trong lao động, có tình thương yêu đối với đồng bào, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, có một nền tảng đạo đức vững chắc, vân vân. Đó là những yếu tố tốt đẹp đã gắn kết dân tộc ta trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, đã bảo đảm cho đất nước ta tồn tại và độc lập qua bao giông bão của lịch sử. Và đó cũng là những yếu tố quan trọng để ngày nay ta có thể nói đến việc xây dựng và phát huy một nguồn “vốn xã hội” nào đó cho sự phát triển đất nước[7]. Đúng, những yếu tố tạo nên sự liên kết đó, những chất liệu kết dính đáng quí đó là những tài sản vô cùng quí giá, những tiềm năng để phát triển một nguồn vốn xã hội, nhưng có lẽ còn là hơi sớm nếu xem chúng là những thành phần của một “vốn xã hội” đích thực. Bởi vì như trình bày ở trên, vốn xã hội được xem là hiện hữu dưới dạng một mạng lưới các tổ chức xã hội dựa trên các quan hệ tin cẩn, các lề thói tác động qua lại,… có thể giúp cải thiện tính hiệu quả của các hoạt động xã hội bằng cách thúc đẩy các hành động hợp tác[8]. Theo cách hiểu đó, trong một công trình nghiên cứu phối hợp gần đây giữa Viện Những vấn đề phát triển Việt nam (VIDS) và các cơ quan quốc tế UNDP, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), thì “xã hội dân sự ở Việt Nam còn chập chững”, tuy “Việt Nam hiện có một số lượng lớn các tổ chức xã hội rất khác nhau về nguồn gốc, cơ cấu tổ chức, cơ sở pháp lý, mục đích hoạt động, cơ chế tài chính, nhưng quan hệ hợp tác và sự kết nối của các tổ chức này vẫn còn yếu” và “môi trường xã hội – chính trị cho sự phát triển của xã hội dân sự vẫn còn chưa thực sự đầy đủ, làm hạn chế tác động nhiều mặt của các tổ chức đó”[9]. Xã hội dân sự vốn là một sản phẩm của các chế độ pháp quyền dân chủ, có một Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng pháp luật, và được bổ sung bởi một xã hội dân sự ngoài Nhà nước để điều hòa các loại quan hệ dân sự nằm ngoài phạm vi điều hành của pháp luật. Nước ta, trải qua nhiều thế kỷ dưới chế độ phong kiến, rồi thuộc địa, sau khi giành được độc lập lại liên tiếp trải qua các cuộc chiến tranh ác liệt, rồi tiếp đó trong mấy thập niên vừa qua lại sống dưới một chế độ “xã hội chủ nghĩa” theo mô hình chuyên chính vô sản dưới quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của một Đảng Cộng sản, nên “chưa có môi trường xã hội – chính trị cho sự phát triển của xã hội dân sự” cũng là điều dễ hiểu. Và xã hội dân sự chưa được phát triển thì nguồn vốn xã hội còn nghèo nàn và chưa có đóng góp gì đáng kể cho sự phát triển kinh tế, thậm chí chưa được tính đến như một nhân tố cho phát triển, là điều tất nhiên.
Ngày nay, sau hai mươi năm thực hiện công cuộc “đổi mới”, đặc biệt là sau Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam, con đường phát triển kinh tế thị trường và hội nhập vào kinh tế toàn cầu hóa đã được khẳng định và trên thực tế đã đi được một chặng đường khá dài, một mục tiêu chung cho sự phát triển đất nước đã được xác định là “xây dựng một xã hội dân giàu nước mạnh, công bằng dân chủ văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp, có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, con người được giải phóng khỏi áp bức bất công, có cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, có Nhà nước pháp quyền dân chủ của dân, do dân, vì dân; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”[10], thì vấn đề xây dựng một Nhà nước pháp quyền dân chủ cùng với việc phát triển một xã hội dân sự phong phú và lành mạnh đã trở thành yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Tôi không dám nghĩ là các nhiệm vụ đó sẽ được thực hiện tức thời và nhanh chóng, nhưng hy vọng là với tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước, ta sẽ tìm được con đường từng bước thực hiện các yêu cầu đó trong đoàn kết và đồng thuận dân tộc. Trong khi nhiệm vụ xây dựng một Nhà nước pháp quyền dân chủ có thể tiến dần từng bước thì có lẽ việc phát triển các tổ chức, cơ cấu của một xã hội dân sự – cũng tức là phát triển một nguồn vốn xã hội cho đất nước – có thể và cần được thực hiện nhanh hơn. Trong xã hội nước ta hiện nay cũng đã có một hệ thống khá đông đảo các hội đoàn quần chúng tập hợp thành “hệ thống chính trị”, trong một tổ chức bao trùm là Mặt trận Tổ quốc, tuy nhiên hệ thống đó chủ yếu là hệ thống ngoại vi có nhiệm vụ tổ chức và tập hợp quần chúng của Đảng cầm quyền, được tổ chức trong một hệ thống các liên kết dọc như ta đã nói đến trong một phần trên. Để phát triển được nhanh chóng các tổ chức thực hiện các liên kết ngang là các tổ chức tạo nên cấu trúc mạng của một xã hội dân sự, của một vốn xã hội cho đất nước, cần phải căn cứ vào Hiến pháp hiện hành, tôn trọng và khuyến khích các quyền tự do hội họp và lập hội của người dân, đặc biệt là các tổ chức hội độc lập với nhà nước, không chịu sự điều hành của nhà nước. Ta cần thừa nhận rằng ngày nay xã hội càng ngày càng phức tạp, không một bộ máy nhà nước nào dù to lớn cồng kềnh đến đâu có thể có đủ khả năng xử lý hết mọi vấn đề quan hệ nẩy sinh từ trong xã hội đó; vì vậy cùng với việc quản lý bằng pháp luật là chức năng của nhà nước, cần phải tôn trọng và phát triển các cơ chế tự quản lý, tự xử lý của xã hội thông qua các mối liên kết đa dạng và biến hóa khôn lường tồn tại bên trong xã hội đó. Các giải pháp tự quản này bên trong mạng lưới các tổ chức xã hội của một xã hội dân sự không nhất thiết phải tuân theo những lề luật được thể chế hóa, mà thường nẩy sinh một cách tức thời và linh hoạt tùy theo niềm tin cậy, sự thân thuộc quen biết, và cả những lề thói qua lại giữa các bên đối tác trong từng tình huống cụ thể. Khoa học về các hệ thống phức tạp cũng cho ta biết là trong quá trình phát triển tiến hóa của các hệ thống phức tạp, các thuộc tính hợp trội (emergent) tạo ra những chất lượng mới của hệ thống thường được sáng tạo nên từ sự tương tác không dự đoán trước được của các mối liên kết ngang giữa các thành phần của hệ thống. Hợp trội cũng là một đặc điểm quan trọng trong sự tiến hóa của các hệ thống kinh tế xã hội hiện nay, thể hiện ở khả năng xuất hiện ngày càng nhiều các tình huống hiệp tác để đi đến các giải pháp thắng/thắng bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt vốn có của kinh tế thị trường.
Xây dựng vốn xã hội là một vấn đề còn mới đối với chúng ta, ngay cả vấn đề về những lợi ích tiềm năng mà vốn xã hội có thể mang lại cho sự phát triển kinh tế xã hội, ta cũng còn cần nghiên cứu tìm hiểu thêm nhiều. Tuy nhiên, việc khai thác mọi tiềm năng truyền thống về con người và xã hội, về đạo đức, văn hóa của dân tộc để bồi đắp dần một nguồn vốn xã hội là hết sức cần thiết. Và, cùng với tiến trình dân chủ hóa đất nước, cần tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển một xã hội dân sự thực sự, cũng là cho việc làm giàu thêm vốn xã hội của đất nước, chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong hiện tại và tương lai.
Chú thích
[1] Trích Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội, tháng 4 năm 2006.
[2] Theo Trần Hữu Dũng, trích dẫn nhà kinh tế học Bourdieu, trong bài Vốn xã hội và kinh tế, Tạp chí Thời Đại, số 8, năm 2003, trang 82-102.
[3] Xem R.S.Burt, The network structure of social capital, trong Research in Organizational Behavior, vol.22, ed. by
R.I.Sutton and B.M.Staw. Greenwich, CT: JAI Press, 2000.
[4] Robert Putnam. Bowling alone: The collapse and revival of American community. New York: Simon and Schuster, 2000, 288-290.
[5] Xem Putnam trong trích dẫn nói trên.
[6] Thuật ngữ “civil society” có thể được dịch sang tiếng Việt là “xã hội công dân” hoặc “xã hội dân sự”, trong bài này theo thói quen tác giả xin được dùng thuật ngữ “xã hội dân sự”. Về vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo bài Thế nào là “xã hội công dân”? của tác giả Quý Đỗ trên Tia Sáng, số 9,5/5/2006, trg 14-16.
[7] Xem bài Lời giải cho bài toán phát huy vốn xã hội của Phan Chánh Dưỡng, Tia Sáng, số 10, 20/5/2006, trg 14-16.
[8] Xem thêm bài The network structure of social capital của Ronald Burt, đã dẫn ở trên.
[9] Trích dẫn theo bài Xã hội dân sự ở Việt nam còn chập chững, BBC tiếng Việt, ngày 15/5/2006.
[10] Trích Báo cáo chính trị tại Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội, tháng 4 năm 2006.