Một nhà nghiên cứu phê bình văn học xuất sắc

Nguyễn Tâm Cẩn- Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam
3/8/2022

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Thái Doãn Hiểu (1943 - 2016) quê ở làng Quán Nội, xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An. Cha ông là cụ Thái Doãn Tiên, một nhà giáo, nhà Nho, bác sĩ Đông y đã từng tham gia hoạt động cách mạng thời kỳ 1930 - 1931 và là bạn tù với các ông Hồ Tùng Mậu, Tôn Quang Phiệt… mẹ ông là bà Hoàng Thị Tải người xã Liên Sơn, huyện Đô Lương.

 Ông Thái Doãn Hiểu nguyên là giáo viên cấp 2 thuộc huyện Anh Sơn những năm trước chiến tranh phá hoại. Năm 1965 ông cùng 80 đồng nghiệp được ty Giáo dục Nghệ An điều động chuyển đi làm giáo viên chuyên trách tại các đơn vị thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước Nghệ An và được phân về đại đội 325, đội 65.

 Thời gian này máy bay địch tập trung đánh phá các cầu cống và các tuyến đường khu Bốn cũ rất ác liệt hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miến Nam nên nhiệm vụ của người chiến sĩ TNXP được chỉ thị số 71/TTG - CN ngày 21/6/1965 của Thủ tướng chính phủ quy định là: sản xuất, học tập và chiến đầu. Do đó ông vừa làm nhiệm vụ người thầy vừa thực hiện hai nhiệm vụ còn lại. Nghĩa là tổ chức các lớp học, bồi dưỡng giáo viên kiêm nhiễm và trực tiếp giảng dạy văn hóa cho các đội viên TNXP mà chủ yếu là vào buổi trưa và các ngày chủ nhật. Ngoài thời gian lên lớp các thầy giáo TNXP cũng tham gia đi làm như một đội viên nghĩa là san lấp hố bom, bám sát mặt đường đảm bảo mạch máu giao thông và sẵn sàng cầm súng khi có máy bay oanh tạc ném bom xuống hiện trường hoặc khu vực đóng quân của đơn vị. Sự hy sinh vất vả của một giáo viên TNXP đã rèn luyện ông cứng cáp hơn trong cuộc sống.

 Năm 1969 hoàn thành nghĩa vụ, ông được cử đi học tại khoa Văn trường đại học Sư phạm Vinh . Với kết quả tốt nghiệp xuất sắc (đỗ thủ khoa hạng ưu khóa X khoa Văn), năm 1973 ông được phân về công tác tại trường Sư phạm 10+3 Hải Phòng ở huyên Kiến An, về sau do sơ tán đến trường cấp 3 Vĩnh Bảo rồi xin ở lại đó . Và năm 1976 nhân việc điều chuyển giáo viên tăng cường cho giáo dục miền Nam , vợ chồng ông đã làm đơn và được chuyển vào giảng dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm thành phố (TP) Hồ Chí Minh (là tiền thân của trường Đại học Sài Gòn sau này). Ông Hiểu dạy ở khoa Văn và bà Hoàng Thị Liên vợ ông (cũng là một đội viên TNXP đã tốt nghiệp cấp 3 làm nhiệm vụ giáo viên kiêm nhiễm) được phân về dạy ở khoa Tiểu học.

 Điều đầu tiên đáng ghi nhận ở ông Hiểu là người say mê đọc sách báo và đã đầu tư rất nhiều tiền để mua sách, gần như những đồng lương còn lại ngoài tiền ăn ông đều dành cho công việc này. Tôi còn nhớ những năm cùng ông dạy cấp 2 ở huyện Anh Sơn, lúc hè đi “tập huấn “ gặp nhau ông khoe là: Học sinh Dừa- Lạng khôn lắm (tức các xã Hùng Sơn, Hội Sơn, Đức Sơn), biết thầy quý sách cuối năm học chúng nó góp tiền lại gửi mua trọn bộ: Chiến tranh và hòa bình 4 tập tặng thầy. Sau này vào TP Hồ Chí Minh số sách của ông đã có hàng ngàn cuốn và ba gian nhà thì ông giành hẳn một gian giữa rộng trên 20 mét vuông làm kho sách. Sách được xếp thành hai lớp, đi vòng ngoài hay đi vòng trong đều có thể tìm được những cuốn sách khác nhau. Năm 1999 tôi đã có dịp “tham quan“ kho sách của ông và quả thật là ba trường Trung học phổ thông mà tôi đã có dịp công tác lúc đó cũng không có trường nào có được một tủ sách như vậy.

 Cùng với quá trình dạy học ông Hiểu đã giành phần lớn thời gian cho việc học ngoại ngữ và sưu tầm nghiên cứu biên soạn các bộ sách mà hàng chục năm qua ông đã từng ấp ủ. Điều may mắn đối với ông là gặp được một người vợ có trình độ, tâm đầu ý hợp và chính bà Hoàng Thị Liên vừa là người cùng ông biên soạn, vừa là người phản biện và cũng là người động viên chăm sóc ông những lúc khó khăn mệt nhọc…. Do đó đã có nhiều tác phẩm ghi tên cả hai người. Một điều may mắn nữa là về chuyên môn ở khoa Văn ông Hiểu được phân công nghiên cứu và giảng day Văn học cổ điển Việt Nam nên có nhiều vấn đề phát hiện ra trong lúc tìm tòi nghiên cứu,thông qua tổ chuyên môn, ông đã có dịp đưa vào giáo án đã góp phần làm cho bài giảng hấp dẫn hơn,sinh viên thích thú và nhớ lâu.

 Ông bà là tác giả của 18 công trình khảo cứu văn hóa sáng giá mà trong đó nhiều bộ sách có đến hàng ngàn trang. Đó là chưa kể hàng trăm bài báo mang tính nghiên cứu đăng tải trên các báo, tạp chí địa phương và trung ương. Xin ghi lại đây một vài bộ sách mà các tác giả viết về ông thường nhắc tới:

- Giai thoại kẻ sĩ Việt Nam dày 1102 trang giới thiệu chân dung văn học của 94 kẻ sĩ - nhà văn cổ điển Việt Nam từ thế kỷ thứ 10 đến năm 1930.

- Giai thoại nhà văn Việt Nam dày 934 trang bao gồm chân dung văn học của 67 nhà văn Việt Nam hiện đại sống và viết từ năm 1930 đến nay.

- Giai thoại nhà văn thế giới dày 1073 trang giới thiệu chân dung của 127 nhà văn nước ngoài cổ kim đông tây.

 Bộ sách giai thoại gồm 3 tập này do nhà xuất bản (NXB) Văn hóa dân tộc, NXB Khoa học xã hội và công ty Thiết bị trường học TP Hồ Chí Minh giới thiệu. Công trình đã được các nhà khoa học và bạn đọc đánh giá cao trong hội thảo ngày 28/7/1996 tại TP Hồ Chí Minh và đã được phát trên đài truyền hình VTV3 và HTV7. Giáo sư tiến sĩ (GSTS) Phạm Minh Hạc thứ trưởng bộ Giáo dục lúc đó đã gửi thư chúc mừng trong đó có câu: “Một bộ sách rất quý, rất cần cho giáo giới, các bạn trẻ và các em học sinh, sinh viên”.

 Một bộ sách đồ sộ nữa mà ông bà khởi thảo tại Sài Gòn từ năm 1989 hoàn thành tại Sydney năm 2006 mang tên Thi nhân Việt Nam hiện đại. Đây có thể coi là nối tiếp công việc của Hoài Thanh - Hoài Chân với 153 nhà thơ đã được dựng thành chân dung văn học. Tiêu chí tuyển chọn là những nhà thơ có công làm mới thơ ca, làm giàu đẹp cho ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại, góp cho kho tàng thơ ca dân tộc một tiếng thơ riêng đầy bản sắc, có thành tựu đọng mật ở một lượng bài thơ kiệt tác. Trò chuyện với nhà báo Ngụy Nguyên ở tạp chí Sông Hương ông cũng nói vui là không tin cậy lắm khi tuyển thơ và tác giả theo chức danh …. Tất cả đều căn cứ vào văn bản tác phẩm và linh cảm nghề nghiệp.

 Toàn bộ công trình gần 4000 trang khổ 15,5 x 20,5 cm trong đó 2200 trang tiểu luận và 1800 trang tuyển thơ với thời gian 17 năm lao động cật lực. Mặc dầu một số chương cũng đã được in rải rác trên một vài tạp chí. Nhưng ông cũng quyết định là sẽ đóng gói Thi nhân Viêt Nam hiện đại và cả ổ cứng bỏ vào két sắt giao cho người cháu nội Thái Liêu Nguyên Đán chờ đến năm 2050 mới đưa ra in. Nghĩa là ông muốn gửi một thông điệp cho bạn đọc ở nửa cuối thế kỷ XXI. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết: “Từ lâu em thất vọng với giới lý luận phê bình, nay đọc bác em lấy lại niềm tin. Chỉ riêng bộ Thi nhân Việt Nam hiện đại, bác đã làm công việc của cả viện Văn học. Bác là một nhà khoa học lớn. Em kính trọng bác”.

 Ngoài những bộ sách đó, ông bà đã hoàn thành và cho in nhiều tác phẩm khác, trong đó có những cuốn in xong, độc giả đã gửi thư đến NXB và tác giả yêu cầu tái bản. Sau đây là các sách đã in:

Âm vang của tiềm thức (tự truyện 2 tập)
Giải mã cuộc đời người (tập truyện cực ngắn gồm 214 truyện)
Tâm cảm (tập thơ 200 bài)
Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi (chân dung văn học)
Tuyển tập thơ tình bốn phương (536 trang, NXB Trẻ -1994, tái bản 1995) ,
Tuyển tập một ngàn năm thơ tứ tuyệt Việt Nam (916 trang, NXB Văn hóa dân tộc – 1997),
Những kiệt tác thơ Việt Nam (400 trang),
Tuyển tập truyện cổ Aphanaxiep (NXB Văn hóa dân tộc Hà Nội 1993, tái bản 1994)
Lời vàng (biên khảo gồm 14 518 danh ngôn cổ kim đông tây 767 trang NXB TP Hồ Chí Minh)
Cảo thơm (folklore Việt Nam - NXB TP Hồ Chí Minh),
Bác học giữa đời thường (truyện danh nhân khoa học NXB Đồng Nai -1992)
Những vụ án Văn học ầm ĩ thế gian (biên khảo)
Những chuyện kể từ xứ sở Kangaroo (bút ký 2010)
Những phát hiện độc chiêu về Văn học Việt Nam và thế giới (nghiên cứu văn học 2013)
Hành trình dòng họ Mạc (biên khảo 2 tập, tập 1: 240 trang in 2006, tập 2: 262 trang in 2013)
Minh triết thật giả (645 trang NXB Văn học Hà Nội – 2015).

 Trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu biên soạn ông bà cũng đã phải đi lại nhiều nơi kể cả trong nứơc và nước ngoài. Bên cạnh những tư liệu thu thập được về văn chương ông cũng đã có những phát hiện đáng chú ý liên quan đến một số sự việc hoặc con người ở các lĩnh vực khác. Chẳng hạn:

Phát hiện nơi tử nạn của Thi hào Trung Hoa Vương Bột (650 – 675) đời Đường ở cửa biển Hội Thống (tên cũ của Cửa Hội) sông Lam Nghệ An (1).
Truyện Kiều là tự truyện tâm linh của Nguyễn Du.
Phải chăng Làng Vạc phế đô của nước Âu Lạc (2)
Mạc Định Chi từng làm rể Cao Ly (Triều Tiên).
Phải chăng Chu thần Cao Bá Quát là cha đẻ của Phó vương Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải .

 Trên thực tế chỉ khi vào giảng dạy tại trường Cao đẳng TP Hồ Chí Minh ông Thái Doãn Hiểu mới có điều kiện làm sách. Với thời gian hơn 40 năm vừa làm nhiệm vụ của người thầy nghĩa là hàng ngày vẫn phải soạn bài, lên lớp , sinh hoạt chuyên môn, học ngoại ngữ… vừa đọc sách báo, sưu tầm nghiên cứu và viết sách vừa giao lưu với các nhân vật, cá nhân liên quan, đọc và xử lý hàng vạn bức thư…. thật khó tin là ông Hiểu đã hoàn thành được một khối lượng công việc to lớn như vậy. Nhưng đó là sự thật. Riêng với bộ: Thi nhân Việt Nam hiện đại ông đã phải đọc không dưới một vạn tập thơ, hàng ngàn nhà thơ đã đọc qua và hơn 800 nhà thơ phải theo dõi và cập nhật thường xuyên trên máy tính…để cuối cùng lựa chọn được 153 người. Nhà văn Hữu Thỉnh đã ghi: “Chào anh Thái Doãn Hiểu – người chuyên làm những bộ sách vĩ đại”. Còn nhà nghiên cứa văn học Canađa Nguyễn Đức Tùng đánh giá: “Sức viết của anh ghê quá. Anh viết hay, lỗng lẫy, thâm trầm , chân thành, cảm động gợi nhiều suy nghĩ thú vị”. Và GS TS Hoàng Ngọc Hiến lại viết rằng: “Đọc anh tôi có cảm giác như được đứng bên cạnh một con sư tử. Tôi ngã mũ chào Thái Doãn Hiểu, người em, người bạn văn thân quý của tôi.“ (Trích từ sách: Minh triết thật giả - NXB Văn học Hà Nội 2015).

 Điều đáng tiếc là ông đã bị bệnh hiểm nghèo và ra đi tại TP Hồ Chí Minh khi tài năng đang phát triển và bộ: Tuyển tập Thái Doãn Hiểu gồm 4 phần,12 tâp hàng vạn trang đang in dở. Hy vọng rằng cùng với độ lùi của thời gian, với sự cố gắng của gia đình và người thân cơ quan chức năng sẽ tổ chức được một cuộc hội thảo về ông, một nhà nghiên cứu phê bình văn học xuất sắc đã để lại cho đời những bộ sách đồ sộ và nhiều cuốn sách quý.

Chú thích:

1.Vương Bột và cha ông là Thái thú Châu Diễn Vương Phúc Cơ được thờ ở đền Phúc Vị xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Đền bị phá dỡ từ năm 1958 và bị bom xóa sạch 12/1972.
2. Làng Vạc thuộc xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An

Tài liệu tham khảo:

1.Minh triết thật giả - NXB Văn học Hà Nội 2015.
2.Thái Doãn Hiểu, người trong cõi nhớ NXB Hương Viên Các TP Hồ Chí Minh - 2016

















CÙNG CHUYÊN MỤC

Non nước xứ Nghệ

Con người xứ Nghệ

Thương hiệu xứ Nghệ