Cồn Ràn làng Tiên Hoa
Mạnh Cường
14/6/2022
Trên đường từ chợ Đón vào làng Tiên Hoa xã Thanh Xuân huyện Thanh Chương, chắc hẳn ai ai cũng đều thấy một một cồn đất nổi cao làm nền cho một rừng cây rậm rạp tốt tươi nằm giữa cánh đồng rộng rãi, đó chính là Cồn Ràn - một hình ảnh quen thuộc liên quan tới một sự tích, tín ngưỡng đã gắn bó với người dân nơi đây từ nhiều đời nay.
Theo các vị phụ lão thì cách đây từ rất lâu dưới thời phong kiến, người dân làng Tiên Hoa có tuổi thọ không cao, người nào cao nhất cũng chỉ thọ đến 40 tuổi. Chính vì vậy khi người dân trong làng đi ra bên ngoài học tập, làm ăn hay đi lính cho triều đình, cứ đến gần “tứ tuần” đều xin trở về quê hương để chuẩn bị cho việc “hậu sự”. Một lần nọ có một thầy địa lý trên đường tìm về tổng Bích Triều (nay là xã Thanh Xuân) thì gặp một người lính cũng đang trên đường về quê Tiên Hoa. Thầy địa lý hỏi về dân cư và cuộc sống của quê hương, người lính cứ thực tình mà kể. Thầy địa lý vốn là người một người cay tay, lại sẵn tình tò mò, liền xin đi theo để tìm hiểu sự tình.
Sau nhiều ngày đi khắp vùng đất Tiên Hoa, ông nhận thấy vùng đất này có hình dáng tựa một con trâu to nhưng lại chưa có “Ràn” [tiếng địa phương nghĩa là “chuồng”] để trâu nghỉ, nên trâu hay phá, vì vậy người dân tuổi không được cao. Thấy dân làng thật thà, tình nghĩa, thầy địa lý mới bày cách để thay đổi bằng cách đào đất đắp cao tạo thành một cồn nổi ở giữa cánh đồng đầu làng, trên đó trồng các loại cây cao, thì dân làng sẽ tăng thêm tuổi thọ. Quả thực, khi cây cối tốt tươi, thân cao tán lớn thì người dân làng Tiên Hoa không ai còn chết yểu, thậm chí có nhiều người sống thọ tới ngoài cửu tuần. Mọi người đều thầm cảm ơn thầy địa lý nọ và gọi cồn đất ấy là Cồn Ràn. Từ đó, dân làng coi đó như một cứu tinh của mình và không ngừng vun đắp, trồng trọt, bảo vệ để Cồn Ràn xanh tốt cho tới tận ngày nay.
Câu chuyện trên mang đậm màu sắc huyền hoặc, lại xuất hiện dưới thời phong kiến và được che phủ bởi cái bề ngoài là địa lý phong thuỷ. Chính vì vậy nếu nhìn câu chuyện này bằng góc nhìn hiện đại, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy nó chứa đựng nhiều yếu tố mê tín dị đoan, và theo một số người thì những câu chuyện sắc thái như thế này cần phải được loại bỏ. Tuy nhiên, cho tới tận ngày nay, người dân làng Tiên Hoa vẫn ghi nhớ như in sự tích về Cồn Ràn và luôn xem đó là 1 hình ảnh biểu trưng của quê hương với niềm tự hào sâu sắc!
Riêng cá nhân tôi, khi nghe câu chuyện này, tôi không dám bàn về địa lý phong thuỷ cũng như sự hiệu nghiệm của nó đối với đời sống hoạ phúc con người, mà chỉ xét theo tính khoa học của địa lý. Vùng Cồn Ràn nằm phía bắc làng Tiên Hoa, nếu như không có Cồn Ràn, thì đây là 1 cánh đồng rộng lớn, bằng phẳng chạy dài tới núi Đại Huệ và sông Lam, xung quanh vùng còn có các dãy núi khác. Kiểu địa hình này gọi là vùng “Lộng Bắc” – khi tới các mùa nóng, lạnh thì gió núi khắp nơi thổi mạnh cuốn theo các sinh vật có hại cũng như những bệnh viêm nhiễm khác xâm nhập trực tiếp vào làng. Lúc bấy giờ điều kiện y tế chưa phát triển nên bệnh tật dễ ủ mầm và phát triển. Khi đắp cồn đất cao giữa cánh đồng phẳng, trồng các loại cây cao tán rộng thì cồn đất đó trở thành một bức bình phong tự nhiên, không những che chở, chắn gió độc mà còn là một lá phổi xanh toả không khí trong lành cho toàn bộ xóm làng.
Từ đó, tuổi thọ của người dân tăng lên cũng là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, ta thấy rằng việc hư cấu nên hình ảnh thầy địa lý và thuyết phong thuỷ gắn với Cồn Ràn của người dân làng Tiên Hoa xưa cũng chỉ với mục đích để cốt truyện dễ lưu truyền và đi sâu vào dân gian.
Đã có 1 thời do nhận thức cực đoan trên nhiều phương diện về văn hoá, nhiều tập tục cũng như tín ngưỡng bị “đánh đồng” và cho là lạc hậu, là tàn dư của xã hội phong kiến nên cây cối Cồn Ràn bị chặt bỏ, cồn bị san. Nhưng sau này người dân Tiên Hoa lại tiếp tục đắp đất để Cồn Ràn cao hơn, trồng thêm nhiều loại cây để Cồn Ràn xanh tươi hơn nữa. Bao nhiêu thế hệ người con làng Tiên Hoa và xã Thanh Xuân vẫn tự hào về Cồn Ràn và luôn coi đó là biểu tượng thân thương rất đỗi quen thuộc của mình, để tiếp tục bảo vệ, xây dựng Cồn Ràn trở thành 1 vẻ đẹp của làng quê xứ Nghệ.