Chuyện khai thác gỗ lim ở Nghệ An dưới triều Nguyễn

Thơm Quang
8/6/2022

Gỗ lim là loại gỗ quý hiếm ở Việt Nam. Gỗ lim mọc nhiều nơi trong cả nước, nhưng gỗ lim ở Nghệ An là tốt nhất. Do đặc tính cứng, chắc nên gỗ lim không bị biến dạng và cong vênh theo thời tiết. Ngoài ra, gỗ lim còn không bị mối mọt tấn công, có khả năng chịu lực nén, vân gỗ dạng xoắn khá đẹp nên dưới triều Nguyễn, gỗ lim ở Nghệ An được sử dụng vào việc dựng hoàng cung, lăng tẩm, đền đài... Qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn cho thấy các vua ưa chuộng gỗ lim Nghệ An như thế nào?



Mộc bản Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 20, mặt khắc 22 ghi chép về việc vua Gia Long sai tỉnh Nghệ An tìm gỗ lim để xây dựng miếu điện-

Nguồn: Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV

Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 14, gỗ lim ở Nghệ An được ghi lại rằng: “Gỗ lim: sản ở các phủ huyện Quỳ Châu, Tương Dương và Hương Sơn, có nghiệp hộ cứ 80 người làm một hộ, mỗi năm nộp 23 cây gỗ lim, 10 người làm một hộ, mỗi năm nộp 10 cây gỗ lim; lại có gỗ sến, gỗ táu là hạng tốt thứ nhì, lại có gỗ vàng tâm, cây nào sắc vàng óng ánh là hạng tốt, gỗ giổi cũng tốt”.

Ngay từ thời Gia Long, việc dâng gỗ lim Nghệ An đã được thực hiện. Đó là vào tháng 8, năm Nhâm Tuất (1802), khi chuẩn bị xây dựng Thái miếu, vua Gia Long đã hạ lệnh cho dân biệt nạp gỗ lim Nghệ An tìm trước ván gỗ lim. Một năm sau, tức năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long hạ sai tỉnh Nghệ An chở gỗ lim vào cung. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 20, mặt khắc 22 ghi: “Vua sắp xây dựng miếu điện. Sai các địa phương đều chở vật liệu đá gỗ sản ở địa phương đến nộp (Nghệ An thì gỗ lim, Gia Định thì ván gỗ, Thanh Hoa thì đá lát, Quảng Ngãi thì mật bọt, Quảng Nam thì gạch ngói, Bắc Thành thì son, sơn và vàng quỳ)”.

Mộc bản Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 71, mặt khắc 30 ghi về những hình phạt bán gỗ lim trong dân gian của vua Minh Mạng (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV)

Vì gỗ lim mọc trong rừng sâu, việc khai thác và vận chuyển rất khó nhọc nên vua Gia Long đã có những chính sách về thuế biệt nạp cho người dân Nghệ An lấy gỗ lim: “Đổi định lại lệ thuế biệt nạp gỗ lim ở Nghệ An. Theo chế độ cũ thì có 24 xã thôn biệt nạp gỗ lim, mỗi năm thu hoành gỗ lim mỗi người một phiến dài 30 thước, đến nay dân cho thuế ấy là nặng xin bớt. Bèn sắc đổi nộp bằng gỗ lim, còn thuế gỗ ván từ trước còn thiếu cũng miễn. Lệ định lấy 20 người làm một nậu, mỗi năm nộp gỗ lim 23 cây, trong ấy trường 30 thước 2 cây, trường 25 thước và 20 thước mỗi thứ 4 cây, trường 15 thước 6 cây, trường 7 thước 5 cây, trường 5 thước 2 cây. Không đủ 20 người thì lấy 10 người làm một nậu, mỗi năm nộp 10 cây gỗ lim, trong ấy trường 30 thước 1 cây, trường 25 thước và 15 thước mỗi thứ 2 cây, trường 20 thước 4 cây, trường 5 thước 1 cây. Còn 9 người trở xuống thì cứ 2 người mỗi năm nộp 5 cây gỗ lim, đều dài hơn 7 thước, 1 người thì mỗi năm nộp 2 cây gỗ lim, đều dài 7 thước”.

Đến triều Minh Mạng, gỗ lim được vua ban cho tên gọi khác bằng chữ Hán là “thiết mộc”. Ngoài việc tha thuế thân cho dân biệt nạp gỗ lim ở Nghệ An, vị vua thứ 2 triều Nguyễn còn ban tiền gạo cho họ vào năm Đinh Hợi (1827), Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 49, mặt khắc 7, 8 chép: “Ban tiền gạo cho các hộ thiết mộc (gỗ lim) ở Nghệ An. Dụ rằng: “Hộ làm gỗ ở Nghệ An, trước nhân địa phương không được yên, lại thêm đói khát, đến nỗi ngạch thuế bỏ thiếu ngày càng nhiều, đã chuẩn cho thuế chính cung năm nay theo chỉ dụ năm thứ 7 mà tính trừ đi, số thiếu tự các năm trước cho giảm đi một nửa. Nay thuế chính cung dần dần nộp đủ ngạch, nên gia ơn cho 500 quan tiền 500 phương gạo để dân được nhờ cậy, số thiếu trước lại cho hoãn đến sang năm”.

Bên cạnh đó, vị vua thứ 2 triều Nguyễn cũng nới lỏng cho người dân Nghệ An hơn về quy thức gỗ lim nộp về Kinh so với triều Gia Long: “Vua thấy những hộ biệt nạp gỗ lim ở Nghệ An xiêu tán mới về, dụ cho trấn thần, gỗ thuế họ nộp, không đúng cách thức hay có tỳ vết cũng đều cho thu, ai thiếu thì cho hoãn”. Năm Ất Mùi (1835), vua xuống dụ bảo bộ Công: “Gỗ lim Nghệ An tốt hơn cả các hạt khác. Từ trước đến nay, các hộ làm gỗ tìm đẵn hạng tốt thì sung vào chính cung, hạt có tật, có vết và cành ngọn thẳng, nhà nước cũng mua cả. Đến như những cây cong queo, có thể làm được tay co, cũng là vật liệu cần dùng cho thuyền. Nay nhân giá gạo hơi cao, nên dụ cho lấy hết đem nộp, chiếu giá trả bằng thóc; có ai xin chiết trừ vào thuế cũng được, cần khiến cho dân được nhờ ơn huệ, thực sự của dùng trong nước được dồi dào, mà gỗ dài hay ngắn đều dùng được cả. Thế là làm 1 việc mà được 3 điều lợi”.

Ngoài ra, năm Quý Tỵ (1833), vua Minh Mạng cũng định rõ thể lệ về giá cả và cách thức mua gỗ lim đối với người dân Nghệ An: “Giá trước, gỗ lim Nghệ, hạng tốt dài 17 thước, ngang 8 tấc, giá tiền 13 quan, 3 tiền 8 đồng; hạng xấu 7 quan 8 tiền 52 đồng. Hạng tốt dài 15 thước, ngang 1 thước, giá 15 quan; hạng xấu 5 quan”.

Vì gỗ lim là thứ gỗ quý hiếm, nên để tránh thất thoát ra bên ngoài, năm Tân Mão (1831), vị vua thứ 2 triều Nguyễn đã định ra những điều cấm không được mua bán gỗ lim trong dân gian. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 71, mặt khắc 30 ghi: “Định điều cấm dân gian mua bán gỗ lim. Phàm gỗ lim không cứ lớn nhỏ, dài ngắn, cành hay là ngọn đều cấm không được mua bán riêng, nếu ai trái phạm thì tính tang theo luật nặng mà trị tội. Tang từ 1 lạng trở xuống, người bán và người mua không cứ mà mới phạm hay tái phạm, đều phạt 100 trượng; từ 1 lạng đến 6 lạng, đều phạt 100 trượng và đóng gông 1 tháng, đến 10 lạng đều phạt 100 trượng và đồ 3 năm; 10 lạng trở lên, phát vãng sung quân ở biên giới xa. Gỗ tang đều thu sung công. Những kẻ phạm bị sung quân và đồ, lại bị tịch biên gia sản, một nửa thưởng cho người cáo giác, một nửa sung công, những kẻ phạm bị đánh trượng và gông thì được miễn. Lân bàng và Lý trưởng tri tình mà không trình báo thì phạt 100 trượng, tri tình mà chia tang với nhau thì cũng tội như kẻ phạm. Những tuần ty có trách nhiệm mà không xét hỏi ra hay quan địa phương không xét biết thì đều giao bộ phân biệt nghiêm nghị. Đến như những gỗ dân gian chứa từ trước mà chưa dùng đến cho đem nộp vào quan chiếu giá trả tiền, nếu cố tình giấu giếm thì cũng tội như người mua vụng. Còn những nhà đình đền chùa đã dựng từ khi chưa có lệ cấm thì những chức dịch bậy bạ không được sách nhiễu, nếu kẻ nào dám mượn cớ sinh sự thì chiếu luật lừa dối doạ nạt mà trị tội”.

Đến triều vua Thiệu Trị và vua Tự Đức, gỗ lim Nghệ An cũng được triều đình thu mua với giá cao. Khác với các triều vua trước, dưới triều vua Tự Đức, việc mua bán gỗ lim ngoài dân gian được nới lỏng hơn: “Định lại lệ thuế gỗ (trước ấn định về gỗ lim, dân Kinh buôn cứ 30 cây nộp thuế 1 cây; khách buôn nước ngoài thì 20 cây lấy 1 cây. Còn như các hạng gỗ tạp, dân gian vẫn buôn bán, chưa có định ra thuế lệ, nay chuẩn cho những thuyền nước Thanh đến buôn mua các hạng gỗ tạp chở về Trung Quốc, thì không cứ thước tấc bề dài, bề rộng, cũng chiểu lệ 30 cây lấy thuế 1 cây)”. Tháng 12, năm Bính Tý (1876), vua Tự Đức đã miễn thuế gỗ lim cho các xã dân gặp nghịch cảnh: “Tha miễn thuế cho các dân xã bị đốt giết năm trước (năm thứ 27) ở Nghệ An (Tất cả 27 xã, thôn, phường, trại, giáp, sách, tha cho tiền và thóc cùng thuế gỗ lim, chiết can thành tiền hơn 15.651 quan”.

Dưới triều vua Thành Thái, khi thấy việc gỗ lim bị khai thác quá bừa bãi, năm Mậu Tuất (1898), vua đã ra định điều cấm hạ gỗ ở ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Điều 0857, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ, phụ biên ghi: “Lúc bấy giờ Khâm sứ đại thần Boulloche bàn nói ở lâm phận thượng du nước ta rất nhiều cây gỗ, thật là một nguồn lợi lớn của quốc gia. Nhưng những người vào núi phần nhiều không biết nuối tiếc giữ gìn, cứ đốn những cây còn nhỏ, đến nỗi cây rừng ít đi, giá gỗ tăng vọt, nghĩ nên nghiêm định điều cấm để làm kho gỗ cho dân ta dùng. Trừ gỗ dầu đặc biệt nghiêm cấm không cho đốn hạ, phàm các hạng gỗ lim, gỗ cà ổi, gỗ cối, gỗ dổi, gỗ gụ, gỗ trắc, gỗ tùng cao ngang đầu người cho dù đường kính mặt gỗ không đầy 6 tấc Tây cũng không được đốn hạ, các loại gỗ còn lại đều cho đốn hạ lấy lợi, do quan và Trú sứ ở các tỉnh đồng lòng bàn bạc cho được chuyên lợi. Các nghiệp hộ trong rừng núi được lãnh giấy phép không phải mất tiền nhưng trước tiên phải nạp tiền ký quỹ làm tin, nếu phạm lệ cấm thì tịch thu số tiền ký quỹ ấy vào kho quan, thu hồi giấy phép, những gỗ đốn hạ trái lệ thì phát mãi thu tiền nạp vào công khố, biên vào”.

Trải qua thăng trầm của thời cuộc, ở Nghệ An ngày nay vẫn còn hiện hữu những khu rừng nguyên sinh với nhiều cây lim cổ thụ. Những khu rừng này được xem như tài sản vô giá, báu vật của đất trời vì vậy nên ai cũng cần có ý thức bảo vệ.

Tài liệu tham khảo

1.Hồ sơ H20, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2.Hồ sơ H21, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3.Hồ sơ H22, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
4.Hồ sơ H23, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
5.Hồ sơ H24, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
6.Hồ sơ H25, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
7.Hồ sơ H26, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

CÙNG CHUYÊN MỤC