Đồng chí Bí thư Trần Phú với Bến Thủy, thành Vinh

Nguyễn Khắc Thuần
7/6/2022

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904. Quê ông làng Đông Thái, xã An Đông, tổng Việt Yên nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.


Tuổi thơ Trần Phú đi qua trong bao gian truân, vất vả. Lên 6 tuổi, thân phụ ông là Giải nguyên Trần Văn Phổ (Tri huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) vì không chịu được sự nhục mạ của Công sứ Pháp và bất lực trước sự khốn cùng của dân chúng đã thắt cổ tự tử trong công đường. Lên 8 tuổi, thân mẫu ông là bà Hoàng Thị Cát đột ngột qua đời vì buồn phiền và túng quẫn. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Trần Phú phải ra Quảng Trị sống cùng chị gái, chịu cảnh thất học. Năm 10 tuổi, ông may mắn được dì ruột là Cung nương Hoàng Thị Khương đón về Huế giao cho con trai mình là Thái thường Tự khanh Phạm Hoàng San (làm việc tại Toà khâm Huế) nuôi dưỡng, cho đi học.

Một cơ duyên đã đến cùng Trần Phú, vào học ở trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và trường Quốc học Huế, ông được giáo sư Lê Văn Mến (một giáo sư nổi tiếng tài ba, đức độ, quê Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An) và nhà giáo Võ Liêm Sơn (quê Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) vì quý trọng sự thông minh nổi trội, khiêm nhường của ông nên đã xem ông như con đẻ, chăm sóc ông từng đường đi, nước bước. Nhờ thế Trần Phú đã giành thủ khoa Thành Chung ở trường Quốc học Huế năm 1922 khi vừa bước sang tuổi 19.

Ngày ra trường, giáo sư Lê Văn Mến khuyên ông:

- Với tấm bằng Thành Chung loại ưu, con có thể lập thân chốn quan trường nhưng thời buổi nhiễu nhương này làm thanh quan, liêm quan đâu dễ! Tốt nhất con nên theo nghề dạy học, nghề ấy tuy nghèo nhưng tâm an vì luôn làm điều thiện. Dạy cho thanh thiếu niên nên người là bồi dân trí, dưỡng dân sinh, ích quốc, lợi dân lâu dài.

Nhà giáo Võ Liêm Sơn thì ân cần:

- Nếu theo nghề dạy học thì con nên về Vinh. Đó là quê hương con, quê ta tuy nghèo nhưng đó là vùng đất khí tượng tươi sáng, phong tục trọng hậu, nhà nhà hiếu học, con trẻ thông minh, thời nào cũng có người đậu đạt, thành danh, giúp dân giúp nước. Môi trường dạy và học không đâu bằng xứ Nghệ!

Nghe theo lời chỉ bảo của những người thầy, người cha đỡ đầu đã giúp mình khôn lớn, Trần Phú về Vinh xin vào dạy ở Trường Pháp - Việt Cao Xuân Dục. Đây là một trường công lập của chính quyền bảo hộ nhưng cơ sở vật chất nhà trường, học phí của học sinh do Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục tài trợ.

Vinh những năm hai mươi của thế kỷ 19 đã khá đông đúc, đô hội. Nhiều nhà máy đã mọc lên, phố phường buôn bán tấp nập nhưng đời sống thợ thuyền, tiểu thương và nông dân hết sức lầm than bởi chế độ sưu cao, thuế nặng của thực dân Pháp sau thế chiến thứ II. Lần đầu tiên về sống trên quê hương, Trần Phú cảm nhận được sự đằm thắm tình người, nhưng từ trong tâm thức ông đã dự cảm được một điều gì đang bức bối, sắp bùng nổ của quê nhà!

Nhiệt tình với việc trồng người trên quê hương, thầy giáo trẻ Trần Phú trăn trở kiếm tìm phương pháp truyền thụ kiến thức sao cho tốt nhất! Học tập cách dạy các môn Việt Văn, Lịch sử, Địa lí của thầy Võ Liêm Sơn, Trần Phú đề xuất với Đốc học tổ chức thường xuyên các buổi tham quan các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa của quê hương. Những chuyến điền dã quê Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Nguyễn Biểu, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Oánh… là những dịp không chỉ bồi trúc thêm tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống văn hiến của quê nhà cho học trò mà còn để lại trong lòng Trần Phú bao điều trăn trở về quê hương trong buổi lầm than. Đó là động lực để thầy Trần Phú truyền thêm bao cảm hứng mới lạ không có trong sách giáo khoa cho học trò.

Yêu người, yêu nghề thầy giáo trẻ Trần Phú vận động các giáo viên trẻ trong trường tối tối cùng nhau đến tận nhà những học sinh học chưa khá phụ đạo thêm cho các em thành học sinh khá, tổ chức các buổi dạy thêm cho học sinh khá để các em thành học sinh giỏi. Nhờ cách truyền thụ kiến thức toàn diện tận tình của thầy giáo trẻ Trần Phú, nhiều học sinh trường Cao Xuân Dục đã trưởng thành, trở thành những trí thức tiêu biểu, những ngọn cờ trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Điển hình là Nguyễn Thị Minh Khai. Trong hồi ký của mình, ông Nguyễn Huy Tần cán bộ lão thành cách mạng (quê Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh) đã viết: “Triết lý học để làm người hữu dụng cho đất nước, cho gia đình của thầy Trần Phú đã thức tỉnh chúng tôi. Không dễ gì chúng tôi từ bỏ tất cả để lao vào cuộc sống sẵn sàng tù đày, bởi trong lòng luôn luôn vọng vang lời thầy Trần Phú: “Nước mất thì nhà tan!”.

Gắn bó với gia đình học sinh, thầy giáo trẻ Trần Phú có dịp hiểu thêm tâm tư, tình cảm, ước nguyện của thợ thuyền, tiểu thương, nông dân thành Vinh, Bến Thủy. Ông tận mắt chứng kiến sự bóc lột tàn bạo, đối xử bất nhân của các ông chủ người Pháp. Đồng lương của thợ thuyền kể cả thợ áo xanh (thợ kỹ thuật) cũng vô cùng rẻ mạt. Người lương cao nhất ngày 15 xu, phụ nữ lao động thủ công ngày chỉ 10 xu trong lúc đó chỉ ăn để đủ sức lao động đã mất 1 thợ 15 xu/ngày. Làm việc 10-12 giờ/ngày nhưng khi nhận lương công nhân bị trừ đi nhiều khoản vô lý: “Tiền phạt nói chuyện riêng trong giờ làm việc”, “đi nhà thương khám bệnh”…. Hàng năm mỗi công nhân phải trừ 4 ngày lương đóng góp vào quỹ “lễ, tết các ông bà chủ”. Đặc biệt ông hết sức ngỡ ngàng giữa phố thị nhưng 95% người dân mù chữ, trong nhà máy hơn 80% công nhân không biết ký tên mình khi nhận lương mà chỉ điểm chỉ! Xót xa trước cảnh ấy, Trần Phú đã vận động giáo viên trong trường đi dạy xóa mù chữ cho công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, nhà máy diêm, nhà máy gỗ. Đây là những năm tháng người nông dân xứ Nghệ mới làm quen cuộc sống công nhân, họ đã sớm nhận ra cuộc đời lầm than, đau khổ, ngột ngạt, buộc họ phải biểu tình, bãi công. Phong trào của họ đã lôi cuốn nông dân, tiểu thương, giáo viên, học sinh tham gia. Những buổi tối bên những thợ thuyền xứ Nghệ, Trần Phú càng thấy những luận thuyết về giai cấp vô sản của Nguyễn Ái Quốc sao mà thấm thía vậy! Thực tiễn cuộc sống đã vẫy gọi Trần Phú và các bạn thanh niên, trí thức trăn trở, kiếm tìm con đường mang sức trẻ, hiểu biết của mình để cùng giai cấp mình tìm con đường cứu nước. Tiếp nối hình ảnh người cha tuẫn tiết ngay trên công đường, là hình ảnh đồng nghiệp thầy giáo Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc - một thần tượng cách mạng của trí thức thời bấy giờ. Nhóm của Trần Phú đã chuyền tay nhau đọc những “tài liệu quốc cấm” do Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài chuyển về Vinh. Những trang sách mới lạ đó như chiếc dây thần kỳ kết nối các bạn bè cùng chí hướng như Lê Văn Huân, Trần Đình Thành, Ngô Đức Diễn… kết nối hội nhóm của Trần Phú với nhóm “Việt Nam nghĩa đoàn” của Tôn Quang Phiệt.

 Trần Phú và các bạn bè, cùng chí hướng như Hà Huy Tập, Hà Huy Lương, Trần Táng, Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Điền… đã hội tụ lại cùng nhau trong một tổ chức đồng môn, đồng hương “Thanh niên tu tiến hội” để giúp nhau trong học tập và cuộc sống.

Ngày 14/7/1925 tại một địa điểm ở chân núi Quyết Bến Thủy “Hội Phục Việt” do nhóm “Thanh niên tu tiến hội” của Trần Phú làm nòng cốt đã ra đời với tôn chỉ: đánh đổ thực dân Pháp và Chính phủ Nam triều, khôi phục nền độc lập cho Tổ quốc. Phương hướng hoạt động ban đầu của Hội là tăng cường vận động phát triển hội viên trong tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, con em các gia đình “cừu gia tử đệ” có thâm thù với đế quốc tay sai, từng bước vận động công nhân, nông dân đi học chữ Quốc ngữ vừa để tập hợp sự đoàn kết vừa nâng cao dân trí, tăng cường phổ biến, tuyên truyền cổ động thơ ca yêu nước. Thông qua phong trào mít tinh, tuần hành đòi ân xá cho Phan Bội Châu và làm lễ truy điệu chí sỹ Phan Chu Trinh để đấu tranh đòi dân sinh. Hội Phục Việt đã lan tỏa phong trào xuống mọi làng quê, ngõ phố.

Những hoạt động sôi nổi của thầy giáo trẻ Trần Phú đã lọt vào tầm ngắm của mật thám Pháp ở Nghệ An. Để tránh khủng bố, Trần Phú và các cộng sự đã đổi tên “Hội Phục Việt” thành “Hội Hưng Nam” với tôn chỉ công khai là đồng môn, đồng hương, đồng nghiệp tương trợ nhau trong cuộc sống.

Đầu năm 1926, đồng chí Lê Duy Điếm (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được Hội Hưng Nam cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Ái Quốc và “Hội thanh niên cách mạng” trở về Vinh. Trước sự thay đổi của tình hình, phong trào đấu tranh của thợ thuyền trong nước ngày một lên cao, Tổng bộ Hưng Nam cử tiếp Trần Phú sang Quảng Châu gặp Nguyễn Ái Quốc để xin ý kiến chỉ đạo về phương thức hoạt động của Hội, đề nghị “Hội Hưng Nam” được sát nhập với “Hội thanh niên cách mạng” đang hoạt động ở hải ngoại.

Ngày 12/7/1926, Trần Phú cùng Lê Duy Điếm bí mật lên tàu lửa ở Vinh ra Hà Nội để sang Trung Quốc. Tháng 11/1926, tại số nhà 131 phố Văn Minh Quảng Châu, Trần Phú được hội kiến với Nguyễn Ái Quốc. Đây là cột mốc để quyết định sự chuyển hướng nhận thức về con đường cứu nước của Trần Phú. Từ chủ nghĩa dân chủ, chủ nghĩa yêu nước chung chung được bồi trúc từ phong trào quần chúng ở Vinh, Bến Thủy, Trần Phú đã tìm đến được chủ nghĩa Mác - Lê nin.

Nguyễn Ái Quốc đã kết nạp Trần Phú vào tổ chức “Hội thanh niên cách mạng” và cử ông đi tham gia một lớp huấn luyện đặc biệt về chủ nghĩa Mác - Lê nin.

Tháng 11/1926, Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc cử về lại Vinh với hai trọng trách: vận động sát nhập “Hội Hưng Nam” vào “Hội Thanh niên cách mạng”; trao đổi thống nhất với Tổng bộ Hưng Nam về quan điểm, phương pháp, lộ trình hoạt động, tranh đấu với thực dân, phong kiến thời gian tới.

Biết kẻ thù đang ráo riết tìm mình, Trần Phú đã tranh thủ từng phút từng giây đem những điều mới lạ về chủ nghĩa Mác - Lê nin vừa tiếp thu tuyên truyền trong Tổng hội làm cho từng hội viên thấm sâu con đường cứu nước, cứu dân của Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn. Tháng 12/1926, dưới sự chủ tọa của Trần Phú, Hội Hưng Nam thảo luận việc sát nhập tổ chức vào “Thanh niên cách mạng hội”. Rất tiếc do nhận thức chưa đồng đều nên việc sát nhập chưa được tiến hành.

Mật thám ở Vinh ráo riết săn lùng Trần Phú nên Tổng hội bố trí đưa ông trở lại Quảng Châu (Trung Quốc).

Từ Quảng Châu, Trần Phú đã được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang Matscơva học trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản Đảng. Tại đây chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam đầu tiên của các học viên người Việt Nam được thành lập và bầu Trần Phú làm Bí thư.

Có một sự trùng lặp thật lý thú: Ngày 11/10/1926, theo chỉ đạo của Toàn quyền Đông Dương tổ chức ở Vinh tòa đại hình để tuyên án tử hình vắng mặt Trần Phú thì ngày 11/11/1929 trên con tàu Rosen (Lenin grát, Liên Xô cũ) Trần Phú trở về Tổ quốc theo sự phân công của Quốc tế cộng sản bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Ái Quốc triển khai xây dựng ở Việt Nam một Đảng cộng sản theo chủ nghĩa Mác - Lenin.

Tháng 4/1930. Trần Phú về nước, được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương (lâm thời), sau đó được bầu vào Ban thường vụ Trung ương và được giao soạn thảo “Luận cương cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương”. Tháng 10/1930 Ban chấp hành Trung ương Đảng họp ở Hương Cảng (Trung Quốc), thông qua bản Luận cương chính trị và bầu Ban chấp hành chính thức. Trần Phú được bầu Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng lúc vừa tròn 26 tuổi.

Tháng 3/1931 với bí danh anh Năm, Trần Phú chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 2 tại Sài Gòn bàn việc chấn chỉnh tổ chức Đảng sau đợt khủng bố trắng của thực dân Pháp. Sau hội nghị, do sự phản bội của Ngô Đức Trì, ông bị bắt tại số nhà 66 đường Chanpage (nay là đường Lý Chiến Thắng Sài Gòn). Kẻ địch đã vừa dụ dỗ, vừa tra tấn dã man ông nhưng với chí khí kiên cường của người cộng sản ông vẫn giữ vững ý chí chiến đấu. Ngày 6/9/1931 ông qua đời tại nhà thương Chợ Quán ở tuổi 27 với lời nhắn nhủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.

Tin ông qua đời đã để lại trong lòng nhân dân Thị xã Vinh, học trò, đồng nghiệp ông ở trường Cao Xuân Dục một nỗi tiếc thương vô hạn.

Tự hào về ông, các cộng sự của ông ở Thị xã Vinh lúc này như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Văn Uy, Nguyễn Thị Nhuyễn đã lấy lời nhắn gửi của ông: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” làm mệnh lệnh tiến công cho công - nông kết đoàn tiếp nối cuộc tranh đấu trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh đang bị kẻ thù dìm trong biển máu.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ sơ Di tích lịch sử đồng chí Trần Phú.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC

Non nước xứ Nghệ

Con người xứ Nghệ

Thương hiệu xứ Nghệ