Di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Văn
Nguyễn Hữu Tràng
6/7/2022
Nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Văn, xã Bắc Thành thờ hai vị nhân thần chính: Thứ nhất: cụ tổ Nguyễn Thiêm Kính, còn có tên khác là Toàn Trí, hiệu Kim Phong, hậu duệ đời thứ 4 của thỉ tổ Nguyễn Thế Nhậm nhà thờ ở làng Điện Yên, xã Long Thành. Ông Nguyễn Thiêm Kính sinh đầu thế kỷ XVII, xuất thân là một viên quan võ thuộc cẩm y vệ, giúp nhà Lê trung hưng đánh dẹp dư đảng nhà Mạc ở phía Bắc và thảo phạt sự trỗi dậy của chúa Nguyễn ở phía Nam, chức vụ cao nhất là Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ thiêm sự, tước Triều Cường hầu. Ngài được vua Thành Thái phong làm “Dực bảo Trung hưng Linh phù Chi thần” ngày 26/11/1904 âm lịch tại đạo sắc đã được ngành văn hóa số hóa, mang ký hiệu HN.2015.925, được vua Khải Định gia tặng làm “Đoan túc Tôn thần” ngày 25/7/1924 tại đạo sắc đã được số hóa mang ký hiệu HN.2015.926.
Nhân vật lịch sử
Nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Văn xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 3964/QĐ-UBND ngày 27/10/2021 của UBND tỉnh Nghệ An.
Thứ hai: cụ tổ Nguyễn Văn Điểm, hậu duệ đời thứ 6 của tổ Triều cường bá Nguyễn Thiêm Kính. Nguyễn Văn Điểm sinh năm 1742, đi lính cho nhà Lê trung hưng, gặp buổi nền chính trị đất nước rối ren, phủ chúa Trịnh xảy ra việc đấu đá lẫn nhau để tranh giành ngôi chúa giữa Trịnh Tông và Trịnh Cán, vua Lê Hiển Tông già yếu, xử lý chính sự không quyết đoán, kiêu binh trỗi dậy làm loạn ức hiếp vua chúa, giết người, cướp của, hãm hiếp dân lành giữa kinh thành năm 1782. Là một viên tướng nhỏ, bất bình trước sự bạo ngược của kiêu binh, Nguyễn Văn Điểm bỏ trốn về quê đưa gia đình đến xứ Kinh Sơn, nay là khu vực xóm Tân Xuân của xã Xuân Thành, khai phá rừng hoang để sinh sống. Năm 1786, lúc 44 tuổi, để vợ con lại vùng Kinh Sơn, ông trốn vào Nam đầu quân cho nhà Tây Sơn. Vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc biết ông từng làm tướng của nhà Lê nên thu nhận, tin dùng phong cho giữ chức đại đô đốc. Từ đó, ông luôn thực hiện nhiệm vụ chỉ huy quân sỹ chiến đấu tại mặt trận, bảo vệ các địa bàn Phan Rang (Ninh Thuận), Diên Khánh (Khánh Hòa) ngăn chặn quân Nguyễn Ánh xâm lấn. Tháng 5 năm 1799, vua Cảnh Thịnh nghe lời xiểm nịnh giết viên Tư lệ quản lý trấn Ninh Thuận là Lê Trung, nhiều tướng Tây Sơn bất mãn đầu hàng, Nguyễn Văn Điểm chỉ huy chiến đấu tới cùng nhưng quân ít, thế cô bị Nguyễn Ánh bắt, buộc phải hàng tại thành Diên Khánh. Tháng 9 năm 1799, Nguyễn Ánh lấy hàng binh Tây Sơn thành lập 5 đồn quân ngự lâm, cho Nguyễn Văn Điểm giữ chức Phó thống chế hữu đồn. Tháng 5 năm 1800, thái phó Trần Quang Diệu thống lĩnh 10 vạn đại quân Tây Sơn từ Phú Xuân vào đánh chiếm lại thành Quy Nhơn mà trước đó đã bị Nguyễn Ánh chiếm. Tháng 7 năm 1800, nhân cơ hội được Nguyễn Ánh phái đi đánh giải vây cho thành Quy Nhơn, Nguyễn Văn Điểm và thống chế hữu đồn là Từ Văn Chiêu đưa 500 quân thuộc quyền về lại với Tây Sơn. Nhận thấy đại quân Tây Sơn tập trung ở Quy Nhơn đã lâu ngày mà chưa hạ được thành, trong khi đó lực lượng bảo vệ kinh đô Phú Xuân lại rất mỏng, Trần Quang Diệu cho Nguyễn Văn Điểm đem quân về Phú Xuân đảm trách việc bảo vệ hoàng gia, ông được vua Cảnh Thịnh cho giữ chức Trung Cần hiệu úy quân sứ, tước Nhưng Tài hầu. Ngày 03/4/1801, triều đình cho Nguyễn Văn Điểm lấy trong quân của mình 14 người do ông trực tiếp chỉ huy về quê Nghệ An để huy động quân lương, hẹn trong vòng một tháng phải về Phú Xuân nhận nhiệm vụ mới (theo tờ phó ngày 03/4/1801 của Hoằng Nghị hầu hiện đang lưu giữ tại nhà thờ họ). Ông đã về quê huy động được rất nhiều quân lương, giữa lúc đang chuẩn bị về kinh thực hiện nhiệm vụ mới thì kinh đô Phú Xuân bất ngờ bị Nguyễn Ánh đánh úp thất thủ, vua Cảnh Thịnh thua trận chạy ra Bắc. Nguyễn Văn Điểm đưa số tiền vàng huy động được vào vùng núi Tréo Vòng (nay thuộc các xã Trung Thành, Đồng Thành) chôn dấu, ông đón vua Cảnh Thịnh tại Nghệ An, dùng số tiền vàng đó nuôi nhà vua và quan quân. Nguyễn Văn Điểm bị Nguyễn Ánh bắt cùng với vua Cảnh Thịnh khi chạy ra Bắc với Nguyễn Quang Thùy em vua Cảnh Thịnh đang trấn giữ Bắc Hà. Ông bị vua Gia Long xử chém tại lễ hiến phù cáo thái miếu dâng máu tù binh chiến tranh ngày mồng 7 tháng 11 năm 1802 tại Huế, hưởng thọ 60 tuổi.
Cả hai vị nhân thần được thờ tại nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Văn xã Bắc Thành đều là những người có công với nước, và có công khai phá hàng trăm ha đất hoang, mở ra những cánh đồng rộng lớn trên địa bàn các xã Nam Thành, Trung Thành, Long Thành, Bắc Thành, Xuân Thành của huyện Yên Thành, là những tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân để con cháu noi theo.
Nhà thờ và những sự kiện lịch sử
Nhà thờ họ Nguyễn Văn trước vừa là nhà ở, vừa là trường dạy học của tiến sỹ Nguyễn Hưng Công, quê ở làng Tiên Thành, đỗ tiến sỹ năm 1680, làm quan đến chức Đô cấp sự trung, thăng làm Hiến sát sứ giám sát hoạt động của quan lại ở các trấn Thái Nguyên và Thanh Hóa. Năm 1703, ông về quê mở trường dạy học, do học trò đều nghèo nên khoảng năm 1710 ông đưa các học trò từ làng Phú Văn (xã Vĩnh Thành) đến xứ Bồ Kiêu tổ chức khai hoang, sản xuất, tự túc lương thực để học trò có điều kiện theo học. Một số học trò là tổ của các họ Ngô, Hoàng, Phan, Dương, Nguyễn ở lại cùng thầy lập nên làng Văn Thành, tức làng Bắc Sơn, xã Bắc Thành ngày nay. Tiến sỹ Nguyễn Hưng Công có người vợ thứ 6 là chị ruột của ông tổ họ Nguyễn Văn không có con trai, khi vợ chồng Nguyễn Hưng Công già yếu về quê cũ đã cho tổ họ Nguyễn Văn thừa hưởng tài sản của mình tại làng Văn Thành.
Năm 1801, sau 15 năm theo Tây Sơn xa nhà, nhân chuyến công tác về quê huy động quân lương, Nguyễn Văn Điểm đưa vợ con từ xứ Kinh Sơn về lại làng Văn Thành đã tiến hành tu sửa nhà thờ lần thứ nhất. Tấm lạc khoản ở nhà hạ đường ghi nhận lần tu sửa thứ 2 diễn ra năm 1901, đến năm 1914 thì xây dựng tiếp nhà hạ đường, năm 1976 chuyển cả làng đến vị trí mới cách làng cũ 1,5 km về phía Tây, nhà thờ cũng chuyển theo và giữ nguyên cấu trúc như năm 1914.
Với bề dày 300 năm, nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Văn xã Bắc Thành đã có đóng góp nhất định về lịch sử, văn hóa đối với quê hương, đất nước, như: là trường dạy học của tiến sỹ Nguyễn Hưng Công, trường Nam làng Văn Thành thời Pháp thuộc, trường bình dân học vụ, nhà hiệu bộ trường THPT Yên Thành 2, nơi cho các cơ quan nhà nước mượn làm công sở: Kho bạc Tài chính huyện Yên Thành, Ngân hàng tỉnh, Hợp tác xã mua bán tỉnh…Nhà thờ đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích kháng chiến, dòng họ được UBMTTQ huyện công nhận dòng họ hiếu học.
Một số hiện vật liên quan đến hai nhân vật lịch sử tại nhà thờ
Nhà thượng đường được cấu trúc 3 gian, 2 hồi: tả vu, hữu vu, tường phía trước tả vu, hữu vu đắp nổi 2 bức tượng phù điêu 2 vị tướng văn, tướng võ, đứng nghiêm trang, tay cầm kiếm trông rất uy nghi, hùng dũng. Trước nhà thượng đường có một khoảng sân rộng khoảng 3 m nối với nhà hạ đường, tường sân nối thượng đường với hạ đường đắp nổi tượng phù điêu lấy chủ đề là điển tích “Long mã phụ hà đồ”. Đó là hình ảnh con long mã đầu rồng mình ngựa, phong thái hùng dũng chạy về phía thượng đường, miệng ngậm đồng tiền, đầu ngoảnh lại, trên lưng chở bức hà đồ. Những bức phù điêu này được kiến tạo từ năm 1914, sau khi họ hoàn thành xây dựng bổ sung nhà hạ đường. Thời phong kiến quy định về kiến trúc nhà thờ rất chặt chẽ, những dòng họ có người làm quan thuộc hàng quý tộc được phong tước mới được đắp tướng và long mã phụ hà đồ, chưa đủ tiêu chuẩn đó không được làm. Những hình ảnh này góp phần làm nên niềm tự hào về truyền thống oai hùng của cha ông, qua đó thôi thúc con cháu cố gắng học hành thành đạt, nối đời vinh danh khoa bảng làm rạng rỡ thêm truyền thống hào hùng của dòng họ.
Câu đối treo trên gian giữa nhà trung đường
Trong nhà thượng đường có bức long ngai, khắc bài vị thờ thỉ tổ Nguyễn Thiêm Kính: 娬尉朝強百阮公靈應敕封煜保中興靈扶之神再加赠耑肃尊神, phiên âm là “Vũ úy Triều Cường bá Nguyễn công linh ứng, sắc phong Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần, tái gia tặng Đoan túc tôn thần”. Bài vị này được lập năm 1925 sau khi làng Điện Yên nhận được đạo sắc phong thứ 2 của vua Khải Định thăng cho ngài từ “Linh phù chi thần” thành “Đoan túc tôn thần”.
Họ còn giữ được tấm biển đại tự cổ bằng gỗ dài 1,87 m, rộng 0,55 m, dày 0,05m khắc chữ Hán: 受 帝 祉 phiên âm là “Thụ đế chỉ”, nghĩa là nhận phúc của vua ban. Bức đại tự này gắn với truyền thuyết, năm 1786 sau khi nhà Lê dẹp được loạn kiêu binh, triều đình cử sứ giả về làng Bảo Sàng (tên cũ của làng Điện Yên) mang chỉ của vua về phong chức tước và mời Nguyễn Văn Điểm trở lại chính trường ra làm quan. Quan quân về làng Bảo Sàng thì người làng Bảo Sàng chỉ nhà Nguyễn Văn Điểm ở làng Văn Thành, quan quân về làng Văn Thành thì Nguyễn Văn Điểm đã chuyển đến vùng Kinh Sơn từ 4 năm trước, không ai biết hiện ông ở đâu. Quan quân dựng giáo khiên quanh gốc đa, treo thẻ bài và hộp sắc lên cành đa làng Đông để nghỉ ngơi (làng Văn Thành bấy giờ có làng Bắc, làng Nam và làng Đông), từ đó cây đa làng Đông mang tên cây đa Mộc Bài. Họ khắc tấm đại tự trên để ghi nhớ sự kiện đó, nhưng mặt khác thông qua sự kiện này mà con cháu biết: tuy là lính nhưng Nguyễn Văn Điểm không tham gia kiêu binh làm loạn và vì sao Nguyễn Văn Điểm bỏ nhà Lê theo nhà Tây Sơn.
Sắc phong cho Nguyễn Văn Điểm ngày 3/4 Cảnh Thịnh năm thứ 9 (1800)
Một số câu đối điển hình về lịch sử văn hóa
Trong nhà thờ có 8 câu đối 3 câu khắc gỗ, 5 câu nhấn trên các cột thủ đậu của nhà thượng đường và nhà hạ đường, phản ánh về đời sống lịch sử, địa lý, văn hóa, nghệ thuật của dòng họ, xin được giới thiệu 3 câu điển hình như sau:
Câu thứ nhất, được khắc trên gỗ dài 2,31 m, rộng 0,37 m, dày 0,05 m:
豐 芑 燕 貽家 慶 厚
滚 化 光 耀国 恩 長
Phiên âm:
Phong khỉ yến di gia khánh hậu
Cổn hoa quang diệu quốc ân trường
Tạm dịch:
Truyền thống phồn vinh lưu hậu thế
Gấm hoa rạng rỡ mãi ơn vua
Điều đáng nói là câu đối này có ba dòng lạc khoản: thượng khoản ở bên phải phía trên của vế phải là 啓定辛酉年, phiên âm: Khải Định Tân Dậu niên (nghĩa là câu đối làm năm Tân Dậu đời vua Khải Định tức là năm 1921); hạ khoản 1 ở chính giữa bên phải vế trái: 二甲進士三老卿休馬峯鄧梦龍奉撰 phiên âm là “nhị giáp tiến sỹ tam lão khanh hưu Mã Phong Đặng Mộng Long phụng soạn”, dịch nghĩa: nhà có 3 tiến sỹ, do quan văn về hưu Mã Phong Đặng Mộng Long là tác giả. Cụ Đặng Văn Thụy có tên tự là Mã Phong, tên hiệu là Mộng Long, dân trong vùng trân trọng gọi là Cụ Hoàng Nho Lâm, sinh năm 1858 tại làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu. Khoa thi năm Giáp Thìn (1904) đỗ Đình nguyên Hoàng giáp, từng giữ chức Tế tửu Quốc tử giám triều Nguyễn từ năm 1908 đến năm 1914, mất năm 1936, hưởng thọ 79 tuổi. Cụ là cha của Đặng Văn Oánh và Đặng Văn Hướng, cả hai anh em cùng đỗ Phó bảng khoa thi năm 1919 và đều làm quan cho nhà Nguyễn. Riêng Đặng Văn Hướng năm 1945 làm cố vấn cho Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ những ngày đầu lập nước và là cha của trung tá Đặng Văn Việt - hổ xám đường số 4 nổi tiếng trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp chín năm của dân tộc ta. Hạ khoản 2 ở góc dưới bên trái vế trái ghi: “Nguyễn tộc trưởng chi cung phụng”. Nhờ cậy được cụ Hoàng Nho Lâm cho chữ không phải dễ, phải là một dòng họ có bề thế mới xin được, vì thế câu đối này chứa đựng một nét truyền thống lịch sử, văn hóa đáng tự hào của dòng họ Nguyễn Văn làng Bắc Sơn, xã Bắc Thành.
Câu thứ 2, khắc gỗ, kích cỡ chiều dài 1,6 m, chiều rộng 0,5 m, dày 0,05 m:
弈 世 簮 袍 碑 奠 土
历朝 葩 衮 寿 文 山
Phiên âm:
Dịch thế trâm bào bi Điện thổ
Lịch triều ba cổn thọ Văn Sơn
Tạm dịch:
Nối đời đẹp giỏi nơi làng Điện
Vững bền mũ áo tại thôn Văn
“Điện thổ” chỉ làng Điện Yên thời Nguyễn thuộc tổng Quan Trung, “Văn sơn” chỉ làng Văn Thành thời Nguyễn thuộc tổng Quan Hóa, đều thuộc huyện Yên Thành, Nghệ An. Đất canh tác của họ do tổ tiên khai phá từ trước ở phía Nam làng Văn Thành, gồm một dải rộng khoảng 0,5 km kéo từ đồng Cồn Trang về phía Tây đến Vệ Mít khoảng hơn 2 km, nay thuộc xã Bắc Thành. Nguyễn Văn Điểm theo binh nghiệp thường xa nhà nên thuê anh em cùng họ ở làng Điện Yên canh tác, kể cả thời gian từ năm 1786 đến năm 1801 đưa vợ con đến vùng Kinh Sơn cũng đều nhờ anh em họ Nguyễn Văn làng Điện Yên trông coi nhà cửa, tài sản. Năm 1801, ông đưa vợ con từ Kinh Sơn về lại làng Văn Thành, nhưng con cháu vẫn ăn mộc triện làng Quan Xá (làng Điện Yên), nghĩa là mọi hoạt động hành chính vẫn theo làng Điện Yên. Cụ Nguyễn Văn Nhị sinh năm 1898, mất năm 1966, cha của cố Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn nguyên Viện phó Viện Văn học Việt Nam, làm chánh tổng Quan Trung từ năm 1932 đến năm 1940 chứng minh điều đó.
Câu đối này cũng có 3 dòng lạc khoản ở các vị trí đúng như câu đối trên, trong đó: thượng khoản 保大戊寅年 “Bảo Đại Mậu Dần niên” là năm 1938, hạ khoản 1: 長南老庠供供奉朱孟言代草 phiên âm là “Trường Nam lão tường cung phụng Chu Mạnh Ngôn đại thảo” dịch là các thầy giáo lâu năm người làng Nam xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành) cung tiến, Chu Mạnh Ngôn là tác giả. Ngày ấy, làng Văn Thành mở trường Nam cho con em trong làng học, ban đầu học tại nhà thờ họ Nguyễn Văn, sau trong làng có cụ Hoàng Danh Sưu đỗ tú tài cùng tham gia giảng dạy thì trường chuyển về nhà thờ chi đệ nhị họ Hoàng. Năm 1938, các thầy giáo người xã Hoa Thành giảng dạy ở trường có: tú tài Chu Thiện, các thầy giáo Phan Đăng Ngạn, Phan Văn Tương được gia đình cụ Nguyễn Phúc người họ Nguyễn phục vụ chỗ ăn nghỉ, cơm nước. Mang ơn đó, các thầy người xã Hoa Thành đã tặng cho cụ Nguyễn Phúc đôi câu đối trên, để cụ Nguyễn Phúc cúng vào nhà thờ họ. Tú tài Chu Thiện tự Mạnh Ngôn là cha đẻ của đồng chí Chu Văn Biên, nguyên ủy viên xứ ủy Trung kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Nhà nước. Bản thân tú tài Chu Thiện từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Chu Trạc lãnh đạo đầu thế kỷ XX, từng làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện Yên Thành. Đồng chí Phan Văn Tương là cán bộ tiền khởi nghĩa ở huyện Yên Thành, từng giữ các chức vụ Chánh văn phòng UBND, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành trước khi ra Hà Nội làm Cục trưởng của Tổng Cục đường sắt Việt Nam. Hạ khoản 2: “hậu duệ đệ nhị phái Nguyễn Phúc bái thượng” nghĩa là cháu xa đời phái đệ nhị là ông Nguyễn Phúc cung tiến.
Câu đối thứ 3, được nhấn ở cột thủ đậu mặt trước nhà thượng đường:
望 真 靈 開 扶 吉 朝
文 献 法 令 保 靈 廟
Phiên âm:
Vọng chân linh khai phù cát triều
Văn hiến pháp lệnh bảo linh miếu
Tạm dịch:
Nhớ hồn vua xưa, đã khuông phò lập triều đại tốt
Tuân mệnh vua nay, mà hiến kế giữ miếu đền thiêng.
Thông qua câu đối này, tổ tiên truyền lại cho con cháu biết giai đoạn cuối đời của tổ Nguyễn Văn Điểm. Kinh thành Phú Xuân thất thủ, vua Cảnh Thịnh chạy về Nghệ An, Nguyễn Văn Điểm vì nhớ đến công lao của vua cha Quang Trung đã lập nên triều đại Tây Sơn oai hùng mà gắng theo phò vua con Cảnh Thịnh. Ông đã hiến kế cho vua Cảnh Thịnh đóng quân ở một ngôi đền nào đó để chờ Trần Quang Diệu mang đại quân từ Quy Nhơn ra cứu. Tiếc rằng, mười vạn đại quân của Trần Quang Diệu mang ra dọc đường bị quân Nguyễn đón đánh, phải vòng lên nước Lào để đi, quân số hao hụt dần, khi tới Nghệ An chỉ còn hơn một trăm người, Trần Quang Diệu đầu hàng nhà Nguyễn.
Dòng họ Nguyễn Văn xã Bắc Thành là dòng họ có truyền thống yêu nước và hiếu học, trải nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển, thời đại nào cũng đều có đóng góp sức người, sức của xây dựng đất nước, quê hương giàu đẹp. Đặc biệt, trong thời đại mới, kể từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, với gần 100% gia đình được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen về thành tích kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, 7 liệt sỹ, 01 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 04 sỹ quan cao cấp (02 đại tá, 02 thượng tá); 04 tiến sỹ trong đó có 01 giáo sư, 02 phó giáo sư và hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trên khắp mọi miền của Tổ quốc thì truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ càng được tô đậm hơn. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, con cháu trong họ càng phát huy truyền thống của tổ tiên, nỗ lực hết mình xây dựng đất nước, quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc để dòng họ trường tồn cùng dân tộc, để nhà thờ của dòng họ mãi xứng đáng là di tích lịch sử mà UBND tỉnh Nghệ An đã công nhận.