Giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long - Người mong muốn đưa thế giới đến với văn hóa Việt Nam
Trần Khoa Văn
6/7/2022
Giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long sinh năm 1957, tại xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Là một người con xứ Nghệ, thừa hưởng truyền thống hiếu học cộng với niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc, năm 1975, ông là một trong số rất ít thí sinh trúng tuyển vào khoa Guitar, Nhạc viện Hà Nội. Năm 1985, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long sang Đức du học tại Nhạc viện Hanns Eisler Berlin (1985-1989). Trong khoảng thời gian này, nghệ sĩ Đặng Ngọc Long đã đạt các giải thưởng guitar quốc tế 3 năm liên tiếp, trong đó có giải đặc biệt cuộc thi Guitar quốc tế mang tên nhà soạn nhạc vĩ đại Heitor Villa Lobos tại Hungary (1987). Từ đó thế giới đã biết đến tên Đặng Ngọc Long, một người đến từ một đất nước khá xa lạ với nghệ thuật guitar cổ điển, như một guitarist xuất sắc và đầy triển vọng.
Ảnh: TL
Vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn bất ổn về chính trị tại Đức, nghệ sĩ Đặng Ngọc Long tiếp tục trình diễn, chuyển soạn và sáng tác các nhạc khúc dành cho guitar và gặt hái rất nhiều thành công. Năm 1994 một cuộc thi guitar tại Đức mang tên ông (“Long-Wettbewerb fuer Gitarre solo”) đã được trường âm nhạc Bernau tổ chức để vinh danh công lao đóng góp của ông cho lĩnh vực đào tạo âm nhạc.
Với uy tín và trình độ của mình, năm 2001, Liên hoan Âm nhạc Guitar quốc tế tại Berlin mời nghệ sĩ Đặng Ngọc Long làm Giám đốc nghệ thuật. Ban Tổ chức Liên hoan đã có vài dòng giới thiệu đầy gợi mở: “Với Đặng Ngọc Long, một người Việt Nam là giám đốc nghệ thuật, Liên hoan có một điểm nhấn đặc biệt khác: Năm nay, các tác phẩm truyền thống cũng như hiện đại của châu Á đều được chú trọng”.
Năm 2004, nghệ sĩ Đặng Ngọc Long vinh dự là người nước ngoài đầu tiên làm Hiệu trưởng trường âm nhạc Berlin-Gesundbrunnen (CHLB Đức). Đầu năm 2009, nghệ sĩ được phong hàm Giáo sư và được mời giảng dạy tại Đại học quốc tế Kirgikixtan. Ngoài ra, có nhiều trường, học viện âm nhạc trên thế giới phong ông hàm giáo sư danh dự.
Một người nghệ sĩ lớn, một người hết lòng với âm nhạc và nền văn hóa Việt Nam
Tôi có dịp may mắn được tiếp xúc với giáo sư Đặng Ngọc Long, qua cảm nhận con người ông như chính cây đàn guitar khiêm nhường nhưng đầy kiêu hãnh trong dòng chảy âm nhạc. Trước mỗi tiết mục biểu diễn ông đều chuẩn bị một cách rất chu đáo từ luyện tập, tiếng đàn, không gian, tư thế và kể cả lời giới thiệu. Khi kết thúc, ông luôn lặng yên một lúc để đón chờ những tràng pháo tay của khán giả rồi khẽ nghiêng mình cúi chào. Tôi thấy đâu đây dáng dấp của F.Tarrega và A. Segovia hòa vào trong một con người Việt Nam. Nhiều tờ báo ở Đức đã đánh giá: “Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long đã chứng minh tài năng của mình bằng những kỹ thuật điêu luyện và cảm xúc tuyệt vời của ông qua các bản nhạc kinh điển đến những điệu nhảy Tây Ban Nha và âm nhạc dân tộc Việt Nam... Ta có cảm giác như đang đi trên quê hương của ông mặc dù nơi đó cách xa hàng vạn dặm”. Những năm sống và làm việc trong bầu trời âm nhạc phương Tây, ông vẫn miệt mài sáng tác, chuyển soạn và trình diễn các nhạc khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam như: Miên man, Người ở đừng về, Bèo dạt mây trôi, Giận mà thương, Ru con… và mới nhất là Tổ khúc Kiều.

Ảnh T.L
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, một trong những sáng tác mà ông tâm đắc nhất lại là tác phẩm “Núi rừng Tây Nguyên”, được sáng tác trong thời gian ông giảng dạy tại trường âm nhạc Tây Nguyên (1982-1985). Trong chương trình Xuân quê hương năm 2010, “Núi rừng Tây Nguyên” đã được ông biểu diễn cùng dàn nhạc dây của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tác phẩm đạt hiệu quả âm nhạc rất cao với phong cách, trường phái pha trộn màu sắc Á - Âu, giữa truyền thống và hiện đại. Giới chuyên môn đánh giá là một trong những tác phẩm thành công hiếm hoi viết cho guitar và dàn nhạc trên thế giới, đặc biệt từ một nhạc sỹ xuất thân từ Việt Nam.
Về quan điểm sáng tác, giáo sư chia sẻ: “Nếu muốn để một người lạ hiểu tác phẩm của mình, thì tác phẩm ấy phải có tính hình ảnh trong đó. Người nghe mà tưởng tượng ra một bức tranh, thì đó là một sự thành công. Ví dụ tôi đã sống 3 năm ở Tây Nguyên, tôi nghe được những âm thanh của núi rừng, tôi nhìn thấy những cô gái địu gùi lên rẫy, nên tôi mới nghĩ làm sao để vẽ một bức tranh bằng âm nhạc trên 6 dây đàn guitar. Có người nói với tôi rằng nghe ngài biểu diễn “Núi rừng Tây Nguyên” tôi như nhìn thấy rõ núi rừng như vậy dù tôi chẳng biết nó ở đâu”.
Nhiều quyển sách và băng đĩa của ông về độc tấu, song tấu, tứ tấu đàn guitar đã phát hành ở Đức và các nước châu Âu. Tại liên hoan âm nhạc guitar Quốc tế tại Berlin năm 2022 sắp diễn ra, tác phẩm “Faust Sonata” của ông là phần thi bắt buộc. Giống như “Tổ khúc Kiều” như là một khúc tri ân với quê hương xứ Nghệ, “Faust Sonata” chính là kết tinh những cảm thụ của Đặng Ngọc Long về văn hóa Đức, đất nước có thể xem như quê hương thứ hai của ông, nơi đã giúp ông trưởng thành và đưa ông vươn đến tầm cỡ hàng đầu quốc tế như hiện nay.
Người mong muốn đưa thế giới đến với văn hóa Việt Nam
Với con người Đặng Ngọc Long, có một sự kiện khiến thế giới phải kính phục. Đó là tại Liên hoan âm nhạc Guitar quốc tế tại Berlin năm 2006, ông được làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo, chịu trách nhiệm chỉ đạo nghệ thuật. Phần khai mạc do chính ông thể hiện nên sự thành công, danh tiếng của Liên hoan và của ông gắn liền với phần biểu diễn này. Trước giờ khai mạc liên hoan, 19h30 ngày 16/10/2006, trong lúc tâm lý vẫn còn căng thẳng do nhiều áp lực thì ông nhận được tin báo từ quê nhà mẹ của ông đã mất. Ông tâm sự: “Tôi rụng rời chân tay, tưởng chừng như không đứng nổi mặc dù trước đó biết mẹ ốm nặng tôi đã về thăm mẹ. Tôi nghĩ trong tích tắc: Chắc đêm diễn phải hủy bỏ?... Giờ diễn đã quá 10 phút, 15 phút… Ngoài sân khấu đã có tiếng xì xào mỗi lúc một to hơn của khán giả… Đầu tôi quay cuồng: Còn đủ tỉnh táo để biểu diễn cả một chương trình dài 1 tiếng rưỡi hay không? … Nhưng rồi tôi quyết định: Vẫn biểu diễn!” Và vượt qua tất cả, nghệ sĩ Đặng Ngọc Long đã hòa những cảm xúc nhớ thương đẫm nhòa nước mắt vào những nốt nhạc, tiếng đàn và mang lại buổi khai mạc thành công ngoài mong đợi. Ông đi vào sân khấu trong những tràng vỗ tay không ngớt của khán giả.
Đối với quê hương xứ Nghệ nói riêng, nền âm nhạc và văn hóa Việt Nam nói chung, ông luôn âm thầm, trăn trở để cháy hết mình. Có thể thấy được giữa khán thính giả thế giới với văn hóa Việt Nam, giáo sư Đặng Ngọc Long muốn chính mình là con thoi, là sứ giả của hai bến bờ này. Tuy nhiên nếu chỉ đơn thuần sáng tác, trình diễn các tác phẩm phát triển từ chất liệu dân ca Việt Nam thì đóng góp sẽ rất hạn chế bởi thời gian, công sức của mỗi người là có hạn nên giáo sư đã có một cách làm đặc biệt, rất riêng và rất “Đặng Ngọc Long” để thực hiện mong muốn đó của mình.
Với tư cách là Hiệu trưởng trường âm nhạc Berlin-Gesundbrunnen, giáo sư Đặng Ngọc Long đã đưa vào giáo trình giảng dạy nhiều tác phẩm mang âm hưởng dân ca Việt Nam mà theo tôi một phần vì chuyên môn, một phần để sau này các học trò của ông sẽ là những cây cầu tiếp nối đưa những vẻ đẹp của âm nhạc Việt Nam đi khắp thế giới.
Trong các Liên hoan âm nhạc Guitar quốc tế (từ 2006-nay), ông tiếp tục làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo, Giám đốc nghệ thuật. Ông đã dùng “đặc quyền” của Chủ tịch Hội đồng giám khảo, đó được ra phần bài thi bắt buộc cho các thí sinh để lần lượt trong các cuộc thi này, ông đã chọn chính các sáng tác của ông, mà hầu hết đều mang âm hưởng dân ca Việt Nam. Tuy nhiên, để thuyết phục được Hội đồng giám khảo thay đổi, đồng ý đưa các tác phẩm dự thi bắt buộc là âm nhạc dân gian của một đất nước khá xa lạ với cây đàn guitar và của một nghệ sĩ đương đại là chính ông thì thực sự trải qua một quá trình rất dài. Ông phải chứng minh được về mặt chuyên môn, vừa đảm bảo được tính thời đại trong các tác phẩm của mình và một phần nữa chính là nhân cách hết lòng vì âm nhạc của ông. Bởi vì hầu hết các tác phẩm được chọn để trình diễn ở các cuộc thi hay liên hoan khác đều là tác phẩm của những tượng đài như F. Tarrega, A. Segovia, H. Villa Lobos hay chuyển soạn từ W.A. Mozart, J.S. Bach, F. Chopin… Lần đầu tiên các thính giả, mà chủ yếu là những cây đại thụ của nền âm nhạc guitar được nghe các điệu khúc dân gian Việt Nam qua cây đàn guitar của các thí sinh trên khắp thế giới, đó là: Miên man (Mienman - 2006), Bèo dạt mây trôi và Morning Mai (Chào ban mai - 2010), Giận mà thương (2012), Ru con (2014), Núi rừng Tây Nguyên (2016).
Việc trong một Liên hoan âm nhạc quốc tế có bài thi là dân ca Việt Nam khiến người ta phải nghiên cứu, tìm tòi đó là gì, tại sao lại như vậy để có thể ngấm, yêu và thể hiện được đúng chất của làn điệu, giai khúc đó. Từ đó những người mộ điệu sẽ cảm nhận được rằng, dân ca Việt Nam rất phong phú, mang nhiều giá trị nhân văn và hòa hợp với chiếc Tây Ban cầm một cách kỳ lạ.
Trong Liên hoan Âm nhạc Guitar quốc tế năm 2020 (thay năm 2018 hoãn tổ chức), ông đã đưa bài “Tổ khúc Kiều” (Suite Kieu) vào phần bài thi bắt buộc. Một nhạc khúc với nội dung lại là một tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam, được ví như Faust của nước Đức, thì không những các thí sinh phải tìm hiểu các chất liệu âm nhạc có liên quan mà còn phải tìm hiểu cả Truyện Kiều, những vần thơ kiệt tác, cụ Nguyễn Du và cả văn hóa Việt Nam…
Qua những thành công của các Liên hoan, những thí sinh tài năng đã mang những tác phẩm này đi trình diễn cho những người nghe, người hâm mộ họ. Từ đó, một cách tự nhiên, văn hóa Việt Nam đã thấm đẫm và lan tỏa khắp thế giới. Tuy nhiên, có một điều giáo sư đang trăn trở mà chưa thực hiện được đó là mở một trường, học viện âm nhạc tại ngay chính quê hương Nghệ An. Nhưng với tài năng đặc biệt, những cống hiến không mệt mỏi, một nhân cách khiêm nhường nhưng vĩ đại, có thể nói ông thực sự đã thành công khi đưa thế giới đến với văn hóa Việt Nam.
Tôi khi viết bài này chợt băn khoăn tự hỏi, tại sao F. Tarrega và A. Segovia, những người truyền bá và đưa Tây Ban cầm có một vị trí xứng đáng trong nền âm nhạc cổ điển, luôn được xem như niềm tự hào của đất nước Tây Ban Nha. Còn giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long, ngay tại chính quê hương của mình lại ít được biết đến và ít người biết đến, đến như vậy?q
Nguồn tham khảo
1.https://www.festival-guitar.net
2.https://www.dangngoclong.com
3.Memoiren der Musik (Hồi ký âm nhạc) - Đặng Ngọc Long.