Nhân tố “lực” trong xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số

BÙI HÀO
20/5/2022

Trong công cuộc xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số thì các nhân tố “lực” là vô cùng quan trọng. Trong đó có 4 nhân tố chủ chốt là nguồn lực, năng lực, động lực và tự lực. Trong bối cảnh hiện nay, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số đang đối diện với thách thức giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống, thì việc phát huy các yếu tố “lực” để vượt qua khó khăn là điều rất đáng quan tâm.


Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho thấy, tổng số hộ gia đình ở các địa phương có người dân tộc thiểu số sinh sống hiện nay là 160.128 hộ, trong đó có 108.299 hộ gia đình người dân tộc thiểu số sinh sống xen kẽ với các hộ người Kinh. Tổng số hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số là 30.110 hộ, chiếm tỷ lệ là 18,8%, cao gấp 4,6 lần so với tỷ lệ đói nghèo trung bình cả tỉnh là 4,1%. Trong đó, số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số chiếm đến 93,3%, một tỷ lệ cao so với nhiều vùng khác. Tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số cao nhất ở các huyện vùng núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong với trên 98%, trong đó Kỳ Sơn gần như là tuyệt đối. Nhìn rộng ra cả nước, nghèo đói là một thực trạng phổ biến ở vùng dân tộc thiểu số. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước là 7%, trong đó, hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số là 32,1%. Đói nghèo vùng dân tộc thiểu số cũng được phân chia theo các cấp độ khác nhau. Nhóm tỷ lệ cao trên 70% như các dân tộc La Hủ, Mảng, Chứt,…; nhóm có tỷ lệ hộ nghèo dao động quang mức 60% như Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun,…; nhóm có tỷ lệ hộ nghèo trên 43% như La Ha, Kháng, Xơ Đăng, Mông,….

Việc đánh giá hộ nghèo được bắt nguồn từ cuối những năm 1990, khi đất nước ta gia nhập vào chiến dịch toàn cầu đẩy lùi nghèo đói. Đó cũng là thời điểm bắt đầu cuộc chiến chống đói nghèo ở Việt Nam. Tiêu chí đánh giá hộ nghèo qua các giai đoạn cũng khác nhau, ban đầu chủ yếu tập trung vào thu nhập, sau đó đưa thêm nhiều tiêu chí vào để đánh giá tình trạng nghèo đa chiều. Đó là sự thể hiện những nỗ lực của Nhà nước trong việc xoá đói giảm nghèo. Tỷ lệ đói nghèo, qua các năm, theo báo cáo của các địa phương thì liên tục giảm xuống. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế xã hội đất nước phát triển đang ngày một nhanh chóng thì tỷ lệ giảm nghèo đói vẫn còn chưa thật tương xứng. Những người nghèo vẫn còn nguy cơ tụt hậu xa so với các nhóm khác. Bên cạnh đó là nguy cơ tái hộ nghèo, muốn hộ nghèo vẫn còn tồn tại.

Phân tích và đánh giá về nghèo đói và xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số là chủ đề được quan tâm từ nhiều năm qua. Các chính sách hỗ trợ phát triển từ Trung ương đến địa phương liên tục được xây dựng và đưa vào cuộc sống, góp phần to lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nhưng nguy cơ tái nghèo, tụt hậu vẫn đe dọa thường xuyên bởi sự phát triển chưa bền vững. Có nhiều nguyên nhân trong đó có việc nhận định về đói nghèo chưa thật sự toàn diện và sâu sắc. Điều đó làm cho các chính sách tập trung nhiều vào hỗ trợ trực tiếp cơm áo gạo tiền cho người dân hay tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Vậy nên, trong thời gian tới, việc nhìn nhận lại vấn đề nguồn lực, năng lực, động lực và tự lực của người dân tộc thiểu số trong cuộc chiến chống nghèo đói cần được xem xét để thay đổi chính sách sao cho phù hợp.

Thứ nhất là nguồn lực: gồm có yếu tố tài nguyên thiên nhiên như rừng, đất, sông, suối, nước, hệ sinh thái, hệ động thực vật,…. Nguồn lực xã hội như chính sách phát triển, cơ chế quản lý, tính hiệu quả của các thiết chế xã hội. Trong tiếp cận sinh kế bền vững cũng quy về các nguồn vốn bao gốm vốn tự nhiên, vốn kinh tế, vốn tài chính, vốn văn hoá, vốn xã hội, vốn con người. Vùng dân tộc thiểu số có các nguồn lực tự nhiên đa dạng và phong phú, nhưng trong nhiều năm qua vì những sai lầm do nhận thức nên đã bị suy thoái đi nhiều, tiêu biểu như việc đánh mất các cánh rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, khai thác cạn kiệt các loại kháng sản… Vì vậy, nguồn lực tự nhiên ngày càng bị suy giảm và nguy cơ sẽ bị ô nhiễm rất lớn. Trong khi đó, các nguồn lực xã hội lại chưa được nhận thức đầy đủ và gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác các nguồn lực xã hội vào phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, nguồn lực phát triển đang thay đổi từ nguồn lực tự nhiên hay nguồn lực cứng sang nguồn lực văn hóa xã hội hay là nguồn lực mềm nên cần có những chính sách phát triển cụ thể dựa trên nguồn lực mềm của đồng bào.

Thứ hai là năng lực chính là khả năng nhận thức, hành động của con người với quá trình phát triển. Nó cũng là sự tích luỹ từ quá trình học tập, kinh nghiệm, trải nghiệm và chai sẻ, tương tác của con người. Nói cách khác, năng lực là quá trình cá nhân hoá các nhân tố nguồn lực vào sự phát triển cụ thể. Có năng lực cộng đồng và năng lực cá nhân. Và theo xu hướng phát triển, càng ngày năng lực cá nhân càng được đề cao nhưng luôn gắn với sự phát triển cộng đồng. Sự thay đổi chính sách phát triển từ giữ thế kỷ trước đã làm mai mốt các năng lực mang tính kinh nghiệm của đồng bào dân tộc thiểu số, cũng là những giá trị văn hóa truyền thống được trao truyền từ các thế hệ. Điều đó ảnh hưởng lớn đến quá trình tiếp cận các nguồn lực phát triển của họ. Và gần đây, kỹ năng tiếp cận các nguồn lực hiện đại cũng không được hỗ trợ nên đồng bào cũng khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Vậy nên, bên cạnh việc khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống thì cần tập huấn, nâng cao các năng lực tiếp cận thị trường, tiếp cận chính sách và xây dựng, quản trị mạng lưới xã hội cho người dân để giúp họ phát triển tốt hơn.

Thứ ba là động lực chính là cơ sở nền tảng cũng như mục tiêu phát triển của các cá nhân và cộng đồng. Thoát nghèo cũng là một động lực. Nhưng động lực để vùng dân tộc thiểu số phát triển nếu chỉ thoát nghèo thôi chưa đủ, đó là sự bình đẳng, tiếng nói cộng đồng, vị thế hoà nhập cũng như vai trò trong quá trình phát triển. Người ta luôn vươn lên bởi ai cũng cần sự tôn trọng, đặc biệt là các nhóm yếu thế, và hộ nghèo chính là nhóm yếu thế trong thế giới chậm phát triển. Tăng cường các động lực cho đồng bào vào cuộc chiến chống đói nghèo là điều quan trọng và cần được cụ thể hóa. Đó là nâng cao quyền lực và vị thế cho người dân trong quá trình phát triển. Từ việc cho họ quyền quyết định con đường và cách thức để phát triển đồng thời cũng chịu trách nhiệm chính trong quá trình phát triển. Nói chung là để họ làm chủ quá trình phát triển, phát triển không chỉ để đồng bào thoát nghèo mà còn để làm chủ cuộc sống tốt hơn và ít phụ thuộc vào bên ngoài hơn.

Nhân tố cuối cùng là tự lực. Nếu chính bản thân các hộ nghèo, những người được/bị/thuộc vào nhóm hộ nghèo không có ý chí tự lực thoát nghèo, không muốn vươn lên thì mọi nhân tố khác cũng khó đạt hiệu quả. Tự lực chính là phát huy vốn văn hoá của mỗi cá nhân, tức là dạng vốn văn hoá chủ quan, gắn với con người cụ thể. Ở thể trạng đó, con người sẽ vận dụng được nguồn lực, phất huy được năng lực và tận dụng được động lực để vươn lên. Tự lực cũng là quá trình tự khẳng định bản thân của con người, khẳng định họ đủ sức làm chủ cuộc sống, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm của mình trong quá trình phát triển. Tự lực cũng là sự khẳng định đã trưởng thành của các cộng đồng để giúp họ hạn chế các lệ thuộc vào nhân tố bên ngoài.

Trong bối cảnh vùng dân tộc thiểu số, cả bốn yếu tố liên quan đến “lực” đều có những vấn đề nhất định, nên quá trình phát triển đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là mối quan hệ giữa bản sắc văn hoá tộc người và nghèo đói. Từ đầu những năm 2000, chúng ta rơi vào một vòng luẩn quẩn là phải xoá đói giảm nghèo bằng mọi giá, vốn là mục tiêu cơ bản của cuộc chiến chống đói nghèo giai đoạn đầu. Nhưng cũng vì thế mà làm tổn thương, mai một bản sắc văn hoá tộc người. Khi phát hiện ra điều đó, có quan điểm ngược lại là cố gắng bảo tồn bản sắc, nhưng lại đẩy cộng đồng rơi vào nghèo đói. Mong muốn lớn nhất chính là vừa xoá đói giảm nghèo vừa bảo tồn bản sắc nhưng điều này rất khó. Tuy nhiên, nghèo đói không phải là đặc tính tộc người nên quá trình phát triển nếu nhận thức sâu sắc hơn về các nhân tố “lực” thì sẽ giúp chúng ta có được những định hướng, những chính sách phát triển không chỉ bảo tồn được bản sắc văn hóa mà còn biến bản sắc thành nguồn lực để phát triển kinh tế./.

CÙNG CHUYÊN MỤC

Nghiên cứu Kinh tế

Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội

Thông tin tư liệu