Vài suy nghĩ về một số thay đổi địa chính trị cùng các quyết sách tương ứng
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu
27/4/2022
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ở cao trào thì đại dịch Covid-19 xuất hiện. Mỹ vừa rút quân thì chính quyền Afganistan do Mỹ giúp đỡ trong suốt hai mươi năm nhanh chóng sụp đổ trước sự trở lại của Taliban chỉ trong vòng vài tháng. Chiến sự Trung Đông chưa kịp lắng thì chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra trên lục địa Châu Âu. Biến động của thiên nhiên và của con người, tai hoạ cùng cơ hội, như những lớp sóng không bao giờ dứt liên tục thách thức nhân loại.
Trên bình diện quốc tế, sẽ có những xu hướng thay đổi nào sau những biến động liên tục vừa qua mà Việt Nam cần lưu tâm để có đối pháp? Xin đề cập đến những biến động địa chính trị lớn sau đây trong thời gian tới.
Một cuộc chạy đua vũ trang mới
Hàng năm có nhiều nước tăng ngân sách quốc phòng. Nhưng đó là các mức tăng tịnh tiến đều, hoặc nhỏ. Còn ngay bây gờ, khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, các nước Châu Âu tức thì tăng ngân sách quốc phòng với mức đột biến. Từ Châu Âu sẽ kéo theo sự tăng đáng kể ngân sách quốc phòng của các quốc gia ở các lục địa khác. Mà đáng lưu ý nhất, dù kinh tế bị suy sụp, thì Nga là một trong những nước sẽ phải tăng ngân sách quốc phòng nhiều nhất. Không thua kém, đó là Trung Quốc. Ngay từ bây giờ, chứng kiến cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, Trung Quốc đã có quyết sách về chi phí quốc phòng. Nhật Bản cũng sẽ có phản ứng thích hợp. Chắc chắn một cuộc chạy đua vũ trang mới sẽ diễn ra trên toàn thế giới.
Thay đổi về học thuyết quân sự và chiến lược quốc phòng
Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, ngoài kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang mới, còn kéo theo sự thay đổi về học thuyết quân sự và chiến lược quốc phòng của nhiều quốc gia. Sát sườn nhất là Nga và Hoa Kỳ, hai cường quốc quân sự này đã rút ra nhiều bài học thực tiễn từ chiến tranh Nga-Ukraine. Bản thân nước Nga đã thay đổi chiến lược tác chiến, và biết được ưu nhược điểm của các chủng loại vũ khí rồi có những thay đổi phù hợp cho hiện tại và tương lai. Còn Hoa Kỳ cũng đã nhanh chóng chế tạo ra các loại máy bay không người lái phù hợp cho chiến sự Ukraine - Nga.Hoa Kỳ biết phải làm gì trong và sau chiến tranh Nga - Ukraine. Còn Thủ tướng nước Anh thì tuyên bố ngay những quyết định về học thuyết quân sự, rằng nếu Nga sử dụng các vũ khí giết người hàng loạt thì Anh sử dụng ngay mà không cần tham vấn NATO. Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia khác chắc chắn sẽ có những quyết định phù hợp về học thuyết quân sự, chiến lược quốc phòng từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine.
EU sẽ trở thành một lực lượng quân sự mới độc lập với NATO và Hoa Kỳ
EU không chỉ là liên minh kinh tế, mà còn là một liên minh quân sự ở dạng lỏng lẻo. Nhưng sau chiến tranh Nga-Ukraine, liên minh quân sự trong EU sẽ mạnh hơn. EU sẽ đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng. Về mặt quân sự EU sẽ lớn mạnh, độc lập hơn với Hoa Kỳ và NATO.
NATO sẽ mở rộng và mạnh hơn
Hiển nhiên là cuộc chiến Nga-Ukraine làm NATO mạnh hơn, gắn kết hơn, cơ động hơn và thiện chiến hơn. NATO sẽ tiếp tục mở rộng, mà ứng viên rõ ràng nhất, gần nhất, là Phần Lan và Thuỵ Điển. Cả hai nước Phần Lan và Thuỵ Điển, sau khi Nga tấn công Ukraine, đang xem xét từ bỏ vị thế trung lập để tiên hành quá trình gia nhập NATO.
Đức và Nhật sẽ đua tranh thành cường quốc quân sự
Đức và Nhật là cường quốc quân sự trong chiến tranh thế giới thứ II. Nhưng do bị đai bại phải tuyên bố đầu hàng mà đã chấp nhận học thuyết quân sự phòng thủ, không mang quân ra nước ngoài, và không cấp vũ khí cho nước khác, không đầu tư nhiều cho quốc phòng. Nhưng chiến tranh Nga - Ukraine đã thay đổi nước Đức. Đức đã tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng và quyết định viện trợ vũ khí cho Ukraine. Nhật thì những năm gần đây, do tình hình căng thẳng với Trung Quốc ở biển Hoa đông, do tiềm lực quốc phòng Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, nên đã tăng ngân sách quốc phòng và đã thay đổi hiến pháp đề có thể mang quân ra nước ngoài. Đức và Nhật là hai cường quốc về kinh tế. Sau chiến tranh Nga-Ukraine, Đức và Nhật sẽ thúc đẩy sự phát triển quân sự và sẽ trở thành các cường quốc quân sự có vai trò quyết định trên bàn cờ quân sự thế giới.
Liên minh Nga - Trung sẽ gắn kết hơn
Sự cô lập của thế giới đã đẩy Nga vào liên minh chặt hơn với Trung Quốc, mà trong đó vai trò của Trung Quốc sẽ mạnh hơn. Nền kinh tế Nga sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc mạnh hơn Nga nhiều lần. Tiếng nói, ảnh hưởng và vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế sẽ mạnh hơn Nga. Trung Quốc sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ vị thế suy yếu của Nga, từ hợp tác kinh tế và quân sự với Nga. Liên minh Nga - Trung sẽ suy yếu khi có một thể chế mới ở Nga. Liên minh Nga - Trung càng thắt chặt thì càng không có lợi cho tình thế ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Châu Á - Thái bình dương.
Thay đổi trong liên minh bộ tứ Mỹ - Nhật - Úc - Ấn
Liên minh Nga - Trung thúc đẩy liên minh bộ tứ Mỹ - Nhật - Úc - Ấn buộc phải gắn kết hơn. Trong đó sự gắn kết của bộ ba Mỹ - Nhật - Úc là không bàn cãi. Riêng sự xích lại của Nga với Trung Quốc buộc Ấn Độ phải có những quyết sách mới. Tranh chấp biên giới Trung - Ấn là mối quan tâm lớn nhất của Ấn Độ ảnh hưởng tới quyết định của Ấn Độ trong quan hệ quốc tế.
Trong sự biến đổi của địa chính trị thế giới cụ thể như trên,Việt Nam cần phải có đối sách thích hợp gì? Sau đây là một số gợi ý.
Tiếp tục chính sách quốc phòng “Bốn không”
Tuy tình hình địa chính trị thế giới làm thay đổi học thuyết quốc phòng của nhiều nước, nhưng với vị thế của Việt Nam hiện tại, vẫn kiên trì đường lối chính sách quốc phòng “Bốn không”. Cụ thể là : “Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Đánh giá lại vai trò của các chủng loại vũ khí
Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã bộc lộ nhiều mặt của chiến tranh công nghệ hiện đại mà các nhà quân sự nước ta nhất thiết phải rút ra các kết luận, trong số đó, rất quan trọng là vai trò của các chủng loại vũ khí để có quyết sách tương ứng.
Sự kiện kỳ hạm Matcova bị đánh chìm bởi tên lửa Neptune của Ukraine sẽ cho những bài học hữu ích về chiến lược phòng thủ biển đối với các quốc gia sống cạnh nước lớn có hải quân mạnh, cụ thể là rất thiết thực cho Việt Nam.
Rõ ràng, tìm kiếm các tên lửa diệt hạm sẽ đỡ tốn kém hơn, nhanh hơn, dễ hơn, so với đầu tư mua sắm các chiến hạm lớn. Nếu có nhiều hệ thống diệt hạm tiên tiến thì chủ quyền biển đảo Việt Nam có thêm một phòng tuyến thể bảo vệ trải dài 3200 km từ đất liền.
Cũng như vậy, chiến tranh Nga - Ukraine cho thấy đầu tư về tên lửa diệt tăng, tên lửa bắn máy bay và trực thăng sẽ hiệu quả hơn trong phòng vệ so với mua sắm các xe tăng, máy bay và trực thăng đắt tiền. Nói như thế không có nghĩa là không cần mua sắm xe tăng, máy bay hay trực thăng, mà là cần phải xác định một tỷ lệ hợp lý.
Chiến tranh công nghệ hiện đại khác xa với chiến tranh thập niên 70 thế kỷ trước mà Việt Nam đối mặt. Sự sống còn phụ thuộc vào độ chính xác, thời gian ngắn, khoảng cách xa… của vũ khí chứ không phụ thuộc vào giá rẻ.
Chiến tranh Nga - Ukraine giúp cho Việt Nam thấy giá trị của công nghệ chính xác cao, công nghệ AI, vai trò của các máy bay không người lái, giá trị của viễn thông vệ tinh, cùng tầm quan trọng của liên lạc nội bộ trong tác chiến. Nếu có ai đó trong số các nhà quân sự của Việt Nam đích thân nghiên cứu chiến trường Nga - Ukraine thì chắc sẽ thu được nhiều kết luận quý giá.
Đa dạng hoá nguồn cung cấp vũ khí
Chiến tranh Nga - Ukraine cho Việt Nam nhất thiết phải đa dạng hoá nguồn cúng cấp vũ khí. Rất mừng là những năm gần đây, các nhà quân sự Việt Nam đã quyết định mua vũ khí từ nhiều nước. Cụ thể, giai đoạn 1995- 2014 vũ khí của Nga chiếm khoảng 90% thị trường vũ khí Việt Nam. Nhưng giai đoạn 2015-2021 thị phần vũ khí của Nga còn 68,4%. Trong phần còn lại có: Israel (13,7%), Belarus (5,7%), Hàn Quốc (3,3%), Mỹ (3%0, Hà Lan (2,4%). Tỷ lệ này cần phải thay đổi mạnh hơn nữa. Đa dạng hoá nguồn cung cấp vũ khí chắc chắn sẽ giúp Việt Nam nâng cao sức mạnh quân sự trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đánh giá lại các nhân tố ở ở Biển Đông
Sự xuất hiện liên minh Nga - Trung sẽ làm tương quan ở Biển Đông thay đổi. Việt Nam nhất thiết phải có những quyết định phù hợp.
Nâng cấp quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ
Thực hiện chính sách quân sự “Bốn không” song song với mở rộng hợp tác với tất cả các nước , nhất là các cường quốc. Trong số các cường quốc mạnh nhất, Việt Nam chưa có quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ, trong khi đã có quan hệ chiến lược toàn diện với Trung Quốc và Nga. Nần cấp quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ là điều đúng đắn.
Thúc đẩy sự lớn mạnh của ASEAN
Trung lập không có nghĩa là không có bạn thân. Trong sự hình thành và lôi kéo của các cực lớn, các nước nhỏ không có cách nào ngoài sự liên kết lại để giữ vị thế trung lập. Vì thế ASEAN phải lớn mạnh. Việt Nam cần làm hết sức mình để ASEAN ngày càng giàu mạnh, với vai trò ngày càng tăng trên trường quốc tế.
Tự cường
Còn nhiều điều khác nữa mà chưa thể đề cập hết ở đây. Ngoài những vấn đề quốc tế, rất quan trọng, là Việt Nam phải giàu có, hùng mạnh. Cho nên, tự cường mới là mặt trận quyết định.
Để tự cường thì phải giải phóng nội lực, phải tiêu diệt các cản trở. Một trong những cản trở phải vượt qua chính là nạn tham nhũng. Rất mừng là trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ không ngừng tiến hành chống tham nhũng, chống lũng đoạn kinh tế, làm trong sạch hàng ngũ cán bộ lãnh đạo.
Sự kiện Việt Á và Học viện quân y làm rung động cả Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công Nghệ lẫn cả Bộ quốc phòng khi phải kỷ luật hàng loạt tướng tá và cán bộ cấp bộ, thứ trưởng, vụ viện. Kỷ luật các tướng lĩnh cảnh sát biển cho phép rút ra các bài học về phòng vệ biển đảo. Kỷ luật các tướng lĩnh Công an liên quan đến sai phạm thi hành án đã chỉ ra những tồn tại trong ngành công an, toà án và viện kiểm sát. Kỷ luật thứ trưởng và cục trưởng ở ngành ngoại giao cho thấy tham nhũng kinh tế không chừa bất cứ lĩnh vực nào. Bắt lãnh đạo các tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh đã bung ra điểm yếu của các tập đoàn kinh tế tư nhân và các thiếu sót về quản lý. Kỷ luật nguyên các nguyên uỷ viên Trung ương Đảng là bí thư tỉnh uỷ Bình Thuận đã chứng minh rằng sự tha hoá diễn ra ở hàng ngũ lãnh đạo cả trung ương lẫn địa phương, và công cuộc chống tham nhũng không có vùng cấm.
Chống tham nhũng rất cần thiết, nhưng chưa đủ. Cần phải xoá bỏ những kẽ hở trong cơ chế quản lý đã giúp cho tham nhũng sinh sôi phát triển. Cho nên, phải không ngừng đổi mới cơ chế quản lý. Chỉ có đổi mới cơ chế quản lý thì mới có thể tự cường.