Ngôi chùa sắc tứ duy nhất ở Nghệ An

TỬ QUANG[*]
12/3/2022

Chùa Diệc Cổ nằm giữa lòng thành phố Vinh, ngay bên cạnh đường QL1. Ngôi chùa được xây dựng từ cuối thời Trần, trải qua nhiều lần được trùng tu, kể từ cuối thế kỷ XIX, chùa Diệc đã trở thành trung tâm văn hóa - tín ngưỡng quan trọng ở xứ Nghệ. Tuy nhiên, sang đến cuối thế kỷ XX, chùa bị hư hại biến mất hoàn toàn, chỉ còn lại những hiện vật gốc ít ỏi bao gồm cổng tam quan và đặc biệt là 2 tấm văn bia.


Chùa Diệc năm 1932 (Ảnh: Trần Đình Quán)

Ngày 25.2.2013, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 642/QĐ-UBND-NC phục hồi chùa Diệc. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An cũng có Quyết định số 09/QĐ-BTS, ngày 3.11.2013 bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thọ Lạc về trụ trì chùa Diệc. Thể theo nguyện vọng của thập phương phật tử, được sự hướng dẫn của Giáo hội và sự cho phép của các cấp chính quyền địa phương, Ban xây dựng Tùng Lâm Diệc cổ đã quy hoạch tổng thể và được UBND tỉnh Nghệ An chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định 614/QĐ-UB-NC-XD, ngày 10.2.2015. Nơi đây sẽ là công trình văn hóa tâm linh loại 1 của TP. Vinh trong tương lai gần.

Để đông đảo quần chúng nhân dân hiểu hơn về lịch sử ngôi chùa linh thiêng này, chúng tôi xin được dịch chú tấm văn bia hiện đang được lưu giữ tại chùa.

Kỳ 1: Văn bia chùa sắc tứ Diệc Cổ

Hiện nay tại chùa Diệc, có 2 tấm văn bia. Một văn bia có niên đại Duy Tân thứ 8 (1914). Văn bia này có nói rõ ngôi chùa được quan Thượng thư Nguyễn Đức Cửu tu sửa và đúc chuông vào thời Gia Long. Đến thời Tự Đức, quan Đại sứ Nguyễn Đăng Giai đã xây dựng thêm nhiều để chùa có quy mô lớn hơn, cũng như việc đặt tên chùa thông qua việc treo biển “Diệc Cổ tự”. Sang đến đầu thế kỷ 20 vào khoảng niên hiệu Duy Tân, mùa Xuân năm Nhâm Tý, quan Đô đốc Đoàn Đình Nhàn lại hội đồng huy động tiền của để xây dựng lại.

Tấm văn bia còn lại có tên “Sắc tứ Diệc Cổ tự bi ký”, mặt sau có tên “Kỷ niệm chư công đức bi ký” được dựng vào năm Canh Ngọ. Bia có kích thước 1,96m x 1,03m, dày 18cm; trong đó trán bia cao 45cm và rộng 108cm; lòng bia cao 1,27m rộng 0,82m. Văn bia có hoa văn trang trí rất sinh động và đẹp đẽ. Cả 2 mặt đều được khắc chữ chân phương rõ nét. Chúng tôi xin dịch văn bia này.

Thác bản bia 1930 (Ảnh: Phạm Xuân Cần sưu tầm)

Văn bia 'Sắc tứ Diệc Cổ tự bi ký" (Ảnh: Trần Mạnh Cường)

Văn bia ghi rõ chùa Diệc là chùa Sắc tứ. Sắc tứ 敕賜 tức “quân chủ cáo mệnh thưởng tứ” 君主誥命賞賜 (bậc quân chủ sắc mệnh ban thưởng) có nghĩa là đồ vật, vật dụng (vật thể) hoặc phẩm tước, ân điển (phi vật thể)… được bậc quân chủ (vua chúa) ban thưởng cho người hoặc cơ sở, tổ chức nào đó. Trong đó, chữ Sắc 敕 là chỉ dụ, sắc lệnh của vua chúa, riêng thuộc về vua chúa, và chỉ duy có vua chúa mới được dùng chữ này. Các ngôi chùa được phụng ban “sắc tứ” 敕賜 tức là những ngôi chùa rất được triều đình nhà Nguyễn ra ơn ban tặng.

Trên bình diện Phật giáo, khi một ngôi chùa được ban “sắc tứ” cho biển ngạch tên chùa thì chứng tỏ ngôi chùa đó có vinh hạnh được vua chúa quan tâm chiếu cố. Việc gắn vào hai chữ “sắc tứ” + tên chùa nhằm để được sang trọng hơn, cao quý hơn về thanh danh, danh vị. Chính vì vậy, biển hiệu có chữ “Chùa Sắc tứ Diệc Cổ” khẳng định vị thế cao quý của ngôi chùa. Điều này càng đặc biệt hơn khi trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có tới hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau, được xây dựng ở hầu khắp các huyện từ đồng bằng đến các huyện trung du miền núi, trong đó có nhiều ngôi chùa nổi tiếng về niên đại lịch sử lâu đời cũng như quy mô kiến trúc, nhưng duy nhất chỉ chùa Diệc Cổ có được vinh dự “Sắc tứ”.

Bên cạnh việc Sắc tứ 敕賜 cho biển ngạch tên chùa, các bậc vua chúa còn ban Sắc tứ để tặng thưởng hoành phi, liễn đối (vật thể), sắc tứ giới đao độ điệp, hoặc tặng phẩm trật hay sắc tứ để tổ chức các đại giới đàn truyền giới (gọi là Giới đàn sắc tứ, tức giới đàn do vua ân chuẩn và triều đình khai mở). Chùa Diệc là một trong số ít chùa tại xứ Nghệ có được vinh dự biển sắc tứ và giới đao độ điệp.

Về thời gian dựng bia, trong văn bia có ghi rõ “Hoàng lịch Canh Ngọ” ta có thể đoán định được thời điểm được nói tới là năm 1930 chứ không thể là năm 1810 hay 1870 bởi trong văn bia có nhắc tới nhân vật công đức là quan Phụ chính Tôn Thất Hân. Ông sinh năm 1854 và mất năm 1943.

Văn bia còn nhắc tới nhiều nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng trên vũ đài chính trị và tư tưởng nước ta lúc bấy giờ như Nguyễn Đăng Giai, Thanh Hóa thượng nhân… Chúng tôi xin được dành riêng một bài riêng ở số sau.

Về bài văn ở mặt sau, vì đây đơn thuần chỉ là tên tuổi những người công đức, và bài đã quá dài, chúng tôi xin lược bỏ, chỉ dịch chú mặt trước.

敕賜亦古寺碑記

寺屹立乎省城東北古驩州安場邑地也邑前有草菴多歷年所皇朝春京定鼎改設乂安省為右畿重鎮菴隸外城兵寨掌奉之先名臣蒞斯土遇旱災祈輒應前阮相公德久易草而瓦繼阮相公登楷又重修之額曰亦古寺寺之名自此始有僧住香火惟虔然而四望塵勞湫莽猶故也因緣乘除蓋將有待焉時哉錦茶會適蘭若香聞於是乎有清煥上人者出上人南定大安陽回人系從世族幼托空門恪遵臨濟正宗為清化廣壽尊師之法嗣參扣北河諸祖場宿德戒以高臘以長六和淨侶歷閱結識者尤深于于然於此寺若有大因緣也者卓錫後上而省憲大臣次而官紳善信儘起眷愛心制軍段相公頗亦留意爰承憲令謀兩恆重修佛殿前堂建鐘磬二樓繼裝法像祀器肇立七間祖堂崇砌三關高閣前湖後井內廊廡外垣墻花草騰香樹木交翠次第修舉別成江山一大觀頂禮者舉目森嚴曰恍若西天寶林也賞玩者娛情清致曰宛然皇都金剎也屈指纔十餘稔而梵臺光景燦然一新自非有大因緣曷克臻此逮今春蒙攽敕賜扁額刀牒住持給文寵特隆也恩至渥也近若遠北而南一切聞者嘖嘖在人口吻其榮耀緇門顯揚內教為何如夫乃知以昔視今則今異乎昔以後視今則今基乎後此寺之名於省城雖大因緣所釀而成究竟亦我佛祖冥加之所致也

古詩云日射晚霞金世界月臨梵宇玉乾坤亦古寺所稱讚者亦復如是

銘曰

鴻山藍水

英秀蒸蒸

鍾來古寺

景界光騰

住持恩寵

刀牒禪僧

身正法藏

心無礙燈

無邊勝福

川至山增

皇曆庚午孟夏誕節

佛子南豐城都人枚魁黃希先盥手拜識

敕賜辛亥進士原海防省督學士壇阮文性拜恭閱

恭錄列名臣隨喜功德

輔政親臣太子少傅勤政殿大學士扶光侯尊室相公

本省正公使羅大人

安靜總督阮科安周大人

左軍都統府都統范大人

承當住處山門清榮清鑾清埕清燈清粱清集

法子清恩清遂

法孫清祝清英清開

執事等謹誌

Phiên âm

Sắc tứ Diệc Cổ tự bi ký

Tiền đường kiến chung khánh nhị lâu, kế trang pháp tượng tự khí, triệu lập thất gian tổ đường, sùng thế, tam quan cao các, tiền hồ hậu tỉnh, nội lang vũ, ngoại viên tường, hoa thảo đằng hương, thụ mộc giao thúy. Thứ đệ tu cử biệt thành giang sơn nhất đại quan. Đảnh lễ giả cử mục sâm nghiêm viết hoảng nhược Tây Thiên bảo lâm dã. Thưởng ngoạn giả ngu tình thanh trí viết uyển nhiên hoàng đô kim sát dã. Khuất chỉ tài thập dư nhẫm nhi Phạn đài quang cảnh xán nhiên nhất tân, tự phi hữu đại nhân duyên hạt khắc trăn thử. Đã kim xuân mông ban sắc tứ biển ngạch, đao điệp trù trì cấp văn, sủng đặc long dã, ân chí ốc dã. Cận nhược viễn, bắc nhi nam, nhất thiết văn giả trách trách tại nhân khẩu vẫn kỳ vinh diệu. Tri môn hiển dương nội giáo vi hà như. Phù! Nãi tri dĩ tích thị kim, tắc kim dị hồ tích; dĩ hậu thị kim, tắc kim cơ hồ hậu. Thử tự chi danh ư tỉnh thành, tuy hữu đại nhân duyên sở nhưỡng nhi thành. Cứu cánh diệc ngã Phật tổ minh gia chỉ sở trí dã. Cổ thi viết:

Nhật xạ vãn hà kim thế giới

Nguyệt lâm Phạn vũ ngọc càn khôn.

Diệc Cổ tự diệc xưng tán giả diệc phục như thị.

Minh viết:

Hồng sơn Lam thủy

Anh tú chưng chưng

Chung lai cổ tự

Cảnh giới quang đằng

Trụ trì ân sủng

Đao điệp thiền tăng

Thân chính pháp tàng

Tâm vô ngại đăng

Vô biên thắng phúc

Xuyên chí sơn tăng

Hoàng lịch, Canh Ngọ, mạnh hạ, Đản tiết.

Phật tử Nam Phong Thành Đô nhân Mai Hòe Hoàng Hy Tiên quán thủ bái thức.

Sắc tứ Tân Hợi Tiến sĩ, nguyên Hải Phòng tỉnh Đốc học Sĩ Đàn Nguyễn Văn Tính cung duyệt.

Cung lục liệt danh thần tùy hỷ công đức.

Phụ chính thân thần Thái tử Thiếu phó Cần Chánh điện Đại học sĩ Phù Quang hầu Tôn Thất tướng công.

Bản tỉnh chánh công sứ La đại nhân.

An Tĩnh Tổng đốc Nguyễn Khoa An Chu đại nhân.

Tả quân Đô thống phủ Đô thống Phạm đại nhân.

Thừa đương trụ xứ sơn môn: Thanh Vinh, thanh Loan, Thanh Trình, Thanh Đăng, Thanh Khải, Thanh Tập.

Pháp tử: Thanh An, Thanh Toại.

Pháp tôn: Thanh Chúc, Thanh Anh, Thanh Khai.

Chấp sự đẳng cẩn chí.

Dịch nghĩa

Văn bia chùa sắc tứ Diệc cổ

Chùa sừng sững ở phía đông bắc tỉnh thành, thuộc ấp Yên Trường của Châu Hoan xưa vậy. Trước ấp có một am cỏ trải đã nhiều năm. Khi hoàng triều định đô mở nước, đã đổi đặt tỉnh(1) Nghệ An làm trấn trọng yếu bên phải của kinh kỳ. Am ở ngoại thành, được trại quân chủ trì việc thờ cúng. Trước đây, các quan đại thần danh tiếng khi đến đất này, nếu gặp nạn hạn hán mà cầu mưa thì đều linh nghiệm.

Trước đây, tướng công Nguyễn Đức Cửu thay mái cỏ bằng mái ngói. Tiếp đến tướng công Nguyễn Đăng Giai trùng tu lại am, rồi đặt tấm biển “chùa Diệc Cổ”, từ ấy mới có tên chùa, rồi sau lại có sư trụ trì để việc khói hương càng thêm thành kính. Nhưng, xa trông bốn cõi bụi trần (đang) hỗn mang vẫn như đang còn chưa lắng vậy(2). (Tuy nhiên) Nhân duyên đổi thay hưng phế, đại khái rằng sẽ đợi chờ ở tương lai vậy.

Và phải chăng thời đã tới, (khi mà) hội Cẩm Trà tìm nơi tĩnh mịch hương đưa. Theo đó, bậc thượng nhân(3) xuất chúng (là) Thanh Hoán thượng nhân, vốn người xã Dương Hồi, huyện Đại An, Nam Định. Ngài vốn xuất thân trong gia đình quyền quý, nhưng từ nhỏ đã để chí nơi cửa thiền, một lòng tuân theo dòng chính tông Lâm Tế, đồng thời là người kế thừa pháp môn của tôn sư Quảng Thọ ở Thanh Hóa. Ngài lại tham cứu các bậc đức cao vọng trọng ở các tổ trường miền Bắc. Giới hạnh đã cao, tuổi tu cũng lớn, tăng lữ lục hòa(4), kiến văn uyên bác. Vậy thì, chùa đây thật là có nhân duyên lớn vậy.

Kể từ khi gậy tích(5) đến đây, trên từ các quan đại thần ở tỉnh, dưới thì các quan viên, rồi thiện nam tín nữ, hết thảy đều kính ngưỡng. Chế quân Đoàn tướng công cũng rất để ý việc này, bèn thừa lệnh quan trên mà họp những người có “hằng sản hằng tâm” để trùng tu điện Phật.

Ở tiền đường thì dựng 2 lầu chuông khánh, tiếp đến thì đắp tượng pháp và đồ tế khí, xây dựng 7 gian nhà tổ, thềm rộng, tam quan gác cao, trước có hồ sau có giếng, bên trong thì hành lang - phòng ốc, bên ngoài thì tường thấp bao quanh, hoa cỏ đưa hương, cối cây xanh ngát. Chùa sau khi trùng tu đã trở thành một thắng cảnh danh lam của đất nước vậy. Người đảnh lễ(6) ngước nhìn cảnh thanh tịnh trang nghiêm đều ngỡ là quê hương đức Phật. Kẻ thưởng ngoạn thì vui tươi phấn khởi giống như đang đứng trước vườn Lâm Tỳ Ni vậy. Thấm thoắt mới hơn 10 năm mà quang cảnh chùa đã trở nên tươi đẹp, nếu không phải có nhân duyên lớn thì sao có thể như vậy được. Kịp đến xuân này, chùa được triều đình ban biển “Sắc tứ”, còn sư trụ trì thì được cấp văn bằng “Đao điệp”(7), (thực là) ơn đã lớn lao, huệ càng thấm đẫm vậy. Cho nên, hết gần đến xa, từ Nam tới Bắc, ai nấy nghe đến đều luôn miệng tấm tắc ngợi khen thanh danh ấy. Còn việc cửa thiền phát huy kinh văn thì làm như thế nào. Than ôi! Mới biết rằng: lấy việc xưa để xét việc nay thì nay đã khác xưa, còn lấy mai sau để nhìn hôm nay thì hôm nay lại làm nền cho mai sau vậy. Tên tuổi của ngôi chùa này ở tỉnh thành, tuy gặp nhân duyên lớn mà gây dựng nên, nhưng hơn cả đó chính là Phật tổ của chúng ta nhiệm màu phù hộ cho mọi việc trọn đầy vậy. Thơ xưa có câu rằng:

Trời rọi ráng chiều ngời thế giới

Trăng in cửa Phật rạng càn khôn.

Cũng chính là những ngợi ca mà ngôi chùa cổ này xứng đáng được như vậy.

Minh rằng:

Núi Hồng sông Lam

Linh thanh tươi đẹp

Hun đúc chùa xưa

Phong quang cảnh vật

Trụ trì ơn nhận

Đao điệp thiền tăng

Thân ngay giữ pháp

Lòng không ngại ngần

Phúc lớn vô biên

Như sông cùng núi

Lịch hoàng triều, ngày Phật đản, đầu mùa hè, năm Canh Ngọ.

Phật tử người ở Nam Phong, Thành Đô là Mai Khôi Hoàng Hy Tiên rửa tay bái đề.

Sắc tứ Tiến sĩ khoa Tân Hợi, nguyên Đốc học tỉnh Hải Phòng là Sĩ Đàn Nguyễn Văn Tính bái kính duyệt.

Kính cẩn ghi các danh thần hoan hỉ công đức:

Phụ chính thân thần Thái tử Thiếu phó Cần Chánh điện Đại học sĩ Phù Quang hầu Tôn Thất tướng công.

Chánh công sứ của tỉnh La đại nhân.

Tổng đốc An Tĩnh Nguyễn Khoa An Chu đại nhân.

Tả quân Đô thống phủ Đô thống Phạm đại nhân.

Đệ tử đang trú tại chùa: Thanh Vinh, Thanh Loan, thanh Trình, Thanh Đăng, Thanh Khái, Thanh Tập.

Pháp tử: Thanh Ân, Thanh Toại.

Pháp tôn: Thanh Chúc, Thanh Anh, Thanh Khai.

Cùng những người đảm nhiệm công việc kính cẩn ghi.

(Xem tiếp kỳ sau...)

Chú thích

1.Thời điểm này, Nghệ An vẫn đang là Trấn, đến thời Minh Mệnh mới đặt làm Tỉnh.
2.Ý nói chùa đang đơn sơ thấp bé, đến mức trông ra 4 bề được.
3.Thượng nhân là thuật ngữ của Phật giáo Hán truyền, là một từ kính xưng đối với người xuất gia có trí đức xuất chúng, tương tự như Hòa thượng, Lạt ma, Cao tăng, Đại đức, Tôn giả, Chân nhân, Thượng sư, Đại sư…
4.Lục hòa: thuật ngữ Phật giáo, chỉ: thân hòa (cộng trú - sống chung hòa thuận), khẩu hòa (vô tránh - miệng không tranh lời), ý hòa (đồng sự - làm việc hợp ý), giới hòa (đồng tu - giữ nghiêm giới luật), kiến hòa (đồng giải), lợi hòa (đồng quân).
5.Gậy tích: tức “Tích trượng” chỉ loại gậy mà các nhà sư cầm theo khi đi ra bên ngoài.
6.Đảnh lễ: Một nghi thức hành lễ biểu thị sự tôn kính có tầm quan trọng bậc nhất trong các nghi tiết của Phật giáo. Thực hiện bằng cách đứng thẳng chắp tay, tay phải khép lại tựa búp sen, không để trống giữa, hai chân cách nhau khoảng 2 tấc, đứng hình chữ bát (八). Sau khi đứng tịnh tâm quán tưởng, từ từ quỳ xuống, tay phải chạm đất trước, tay trái chắp ngang ngực, khom người xuống. Hai đầu gối, hai cùi chỏ chạm đất, đỉnh đầu lạy xuống, chạm đất, tiếp xúc với hai chân của đối tượng đảnh lễ. Nếu đảnh lễ tượng Phật, Bồ tát thì phải nâng hai tay quá đầu, để khoảng trống chừng 2 tấc giữa hai tay, tựa như tiếp xúc với bàn chân Phật.
7.Đao điệp: tức Giới đao và độ điệp. Giới đao tức con dao dùng trong sinh hoạt, tượng trưng cho việc người xuất gia đã cắt đứt mọi ràng buộc ở thế giới để chuyên tâm vào tu tập. Độ điệp tức văn bằng chứng minh do triều đình cấp cho những người xuất gia chứng nhận về học vấn và đạo hạnh.




[*] Trung tâm KHXH&NV Nghệ An

CÙNG CHUYÊN MỤC

Non nước xứ Nghệ

Con người xứ Nghệ

Thương hiệu xứ Nghệ