Thái Đăng Tiến với Giấc mơ tre

Hoàng Anh
7/2/2022

Sinh ra và lớn lên tại Châu Khê, Con Cuông; giữa bạt ngàn tre, trúc, nứa, mét. Học xong trung cấp nghề cơ khí, Thái Đăng Tiến chọn con đường xuất khẩu lao động Đài Loan với mục đích kiếm thêm ít tiền sau về làm vốn làm ăn. Hai năm làm việc ở Đài Loan không mang lại cho anh được bao nhiêu vốn liếng tuy nhiên bù lại chàng trai ấy đã học được cung cách làm việc, nhất là kỷ luật lao động và cả lối sống thân thiện, trách nhiệm với môi trường của họ. Đặc biệt Đài Loan là một trong những nước sử dựng nhiều đồ vật mỹ nghệ thân thiện môi trường, anh lại càng háo hức, nung nấu bao ý định hoài bão khi về nước; về với tre, mét, những sản phẩm của quê nhà, nơi có mẹ cha và bao thế hệ người thân cùng sinh sống.


Sinh ra và lớn lên tại Châu Khê, Con Cuông; giữa bạt ngàn tre, trúc, nứa, mét. Học xong trung cấp nghề cơ khí, Thái Đăng Tiến chọn con đường xuất khẩu lao động Đài Loan với mục đích kiếm thêm ít tiền sau về làm vốn làm ăn. Hai năm làm việc ở Đài Loan không mang lại cho anh được bao nhiêu vốn liếng tuy nhiên bù lại chàng trai ấy đã học được cung cách làm việc, nhất là kỷ luật lao động và cả lối sống thân thiện, trách nhiệm với môi trường của họ. Đặc biệt Đài Loan là một trong những nước sử dựng nhiều đồ vật mỹ nghệ thân thiện môi trường, anh lại càng háo hức, nung nấu bao ý định hoài bão khi về nước; về với tre, mét, những sản phẩm của quê nhà, nơi có mẹ cha và bao thế hệ người thân cùng sinh sống.

Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An là một trong những xã có những bản làng nằm giữa đại ngàn khu vực biên giới Việt - Lào. Chủ yếu đồng bào người Thái và Đan Lai sinh sống. Đất trồng lúa ít nên người dân địa phương chủ yếu dựa vào rừng. Đặc biệt là nguồn nguyên liệu từ các loại cây tre, mét, mây.

Sinh ra và lớn lên, chứng kiến người thân, bà con trồng tre, mét, rất vất vả cực khổ mà thu nhập chẳng bao nhiêu, cái nghèo cứ luôn đeo bám…. Bài toán luôn trăn trở đó là phải tạo giá trị mới, làm giàu từ cây tre bằng con đường chế tác các sản phẩm gia dụng, mĩ nghệ bán và xuất khẩu.

Ngày trở về, Thái Đăng Tiến vừa sửa chữa xe máy, vừa bắt tay vào nghiên cứu, học hỏi về nghề mỹ nghệ. Ngoài thời gian sửa chữa xe, thời gian còn lại anh dành thời gian thiết kế mẫu mã sản phẩm. Thỉnh thoảng, lại đóng cửa hàng đi các tỉnh phía Bắc để học nghề.v.v.

Năm 2019, xưởng mỹ nghệ được thành lập tại thôn Khe Choăng, xã Châu Khê. Lúc mới thành lập, xưởng chỉ có vài nhân công; đến nay cao điểm xưởng thu hút 15 lao động, còn bình thường thì có 7 thợ lành nghề. Tiến cho biết: “Nghề này tỉ mẩn lắm, phải có đam mê, có tâm hồn mới làm được”. Và, để làm ra một sản phẩm từ tre quả không hề đơn giản. Xử lí nguyên liệu là khâu kỳ công và mất nhiều thời gian nhất. Tre mua về phải luộc với muối trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Mục đích của việc này là diệt khuẩn và triệt tiêu lượng đường trong cây tre để chống mối mọt. Sau khi vệ sinh lại phải sấy khô. Tiếp đến là tạo hình sản phẩm. Rồi lại tiếp tục sấy khô, làm sao để độ ẩm của sản phẩm giảm về 5%. Trước khi sấy lần hai, phải vệ sinh phần trong của sản phẩm. Tiến cho biết, đây là bí quyết mà không ở đâu dạy cả, ai cũng giấu nghề. “Em đã thất bại không biết bao nhiêu lần, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền cho công đoạn này. Cuối cùng thì đã tìm ra kỹ thuật sử dụng áp lực hơi để phun cát làm sạch sản phẩm”, Tiến hớn hở nói.

Điều đặc biệt ở xưởng sản xuất của Tiến đó là anh đã tạo công ăn việc làm cho một số bạn trẻ không được may mắn tại địa phương v.v.

Đến năm 2020, Công ty TNHH Trà Lân Bomboo được thành lập với 2 cổ đông và hơn 1 tỷ vốn điều lệ; 8 cán bộ chuyên trách và từ 15-20 nhân công mùa vụ. Đến đầu năm 2021, để có nguồn nguyên liệu sản xuất ổn định, kỹ thuật trồng và thu hoạch tre đúng cách, bảo vệ tốt môi trường. Hợp tác xã Trà Lân Con Cuông  đã được thành lập, với 7 thành viên đăng ký tham gia. Việc thành lập HTX, ngoài việc bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật, chắc chắn thu nhập từ cây tre của bà con cũng sẽ tăng lên. Bởi ngoài sản phẩm thân tre, bà con còn có thể khai thác gốc tre, cành tre để bán tiếp cho công ty.

Những sản phẩm gần gũi với môi trường như bình trà, bình hoa được làm từ gốc tre, li, chén được làm từ thân, còn những cán gáo múc rượu kia được làm từ tay tre (cành) … đã có mặt ở nhiều hội chợ trong tỉnh và vùng Bắc Trung bộ, thu hút được sự chú ý của nhiều thực khách.

Để thực hiện được giấc mơ tre, với một niềm tin “Em vững tin, một ngày không xa, các sản phẩm từ tre của miền Trà Lân sẽ có mặt khắp mọi miền và nhiều quốc gia”, chàng trai trẻ Thái Đăng Tiến đã phải lăn lộn đủ nghề, thất bại không biết bao nhiêu mà kể. Tương lai không xa sản phẩm Trà Lân Bomboo chế tác từ tre Việt, sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường “Đó không chỉ là sản phẩm thuần túy kinh doanh, mà còn gợi nên các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cho thế hệ trẻ”. Một thế hệ trẻ thành công bởi đam mê, dám nghĩ, dám làm.

CÙNG CHUYÊN MỤC