Tết Nguyên Đán và những lần tiếp xúc văn hóa tộc người ở miền núi Nghệ An
TRANG TUỆ
9/2/2022
Trước đây, hầu như các dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An không có tết Nguyên Đán. Việc tổ chức tết Nguyên Đán hiện nay ghi dấu ấn sâu sắc về sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa tộc người trong một quá trình lịch sử lâu dài. Đó là quá trình tiếp xúc, giao lưu của các dân tộc thiểu số với văn hóa Việt, và quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa của các cộng đồng Khơ Mú, Ơ Đu, Thổ với văn hóa Thái.
Trước hết, đối với quá trình tiếp xúc văn hóa Thái. Nếu như ở người Mông, sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa Thái có diễn ra nhưng mờ nhạt hơn do người Mông ở trên đỉnh núi cao hơn, cách xa vùng thung lũng của người Thái hơn và họ cũng di cư đến đây muộn hơn nhiều so với các cộng đồng khác. Người Mông ăn tết vào cuối tháng 11 (âm lịch) tức trước tết của người Kinh 1 tháng. Trong khi đó, các dân tộc còn lại như Khơ Mú, Ơ Đu và Thổ lại có sự tiếp xúc và chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Thái. Người Thái là cộng đồng sinh sống ở vùng miền Tây Nghệ An khá sớm và họ có vai trò văn hóa vô cùng quan trọng đối với các cộng đồng khác như Khơ Mú, Ơ Đu, Thổ sống bên cạnh họ. Theo nhà nghiên cứu Vi Văn An, ban đầu, các dân tộc như Khơ Mú, Ơ Đu không có tết truyền thống, sau đó, qua một thời gian tiếp xúc với văn hóa Thái, họ mới chịu ảnh hưởng và bắt đầu tổ chức tết cổ truyền. Ngay các nghi lễ khác của các dân tộc này cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hóa Thái. Trong tết cổ truyền hiện nay, ở các dân tộc như Khơ Mú, Ơ Đu, Thổ còn rõ nét các yếu tố văn hóa Thái, từ cách thức tổ chức, ẩm thực, các trò chơi dân gian và cả các phong tục tập quán. Người Khơ Mú trước kia còn không may được trang phục nên họ phải đem lúa gạo hay đồ thủ công đi đổi lấy áo quần của người Thái về mặc. Dịp tết nếu họ tham gia vào các hoạt động chung với người Thái thì người ngoài cũng không nhận ra được đâu là người Thái, đâu là người Khơ Mú nếu chỉ xem qua trang phục. Các nghi lễ của người Khơ Mú, người Ơ Đu và người Thổ cũng có nhiều nét văn hóa Thái tuy nhiên cũng có những giá trị, những lớp nghĩa riêng của dân tộc họ. Nhưng vài thập niên trở lại đây, tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Nghệ An lại có những thay đổi nhanh chóng hơn do kết quả của việc giao lưu với văn hóa Việt từ miền xuôi lên cũng như ảnh hưởng của các chính sách, đường lối phát triển văn hóa của nhà nước.
Nếu như trước đây, tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Thái. Thì từ sau 1945, tết cổ truyền của các dân tộc lại chịu thêm một nguồn ảnh hưởng mạnh mẽ khác, đó là văn hóa Việt. Người Việt/Kinh di cư lên miền núi Nghệ An đã từ lâu, nhưng mạnh mẽ nhất vào giữa thế kỷ XX. Từ sau 1954, bắt đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thì sự di cư của người Kinh lên miền núi trở nên đông đúc hơn. Từ việc di cư lên xây dựng các lâm trường, nông trường rồi di cư lên xây dựng vùng kinh tế mới và sau đó nữa là di cư tự phát lên khai phá các vùng đất còn trống trải. Cứ như vậy, sau gần nửa thế kỷ, người Kinh từ chỗ thưa thớt đã trở thành đa số ở vùng miền núi Nghệ An. Song song với quá trình di cư là quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa với các dân tộc thiểu số ở miền núi. Tết cổ truyền hiện nay cũng là một thể hiện rõ ràng cho sự ảnh hưởng của văn hóa Việt/Kinh lên vùng miền núi.
Trong xã hội truyền thống, người dân tộc thiểu số có nhiều lễ tết nhưng không có tết Nguyên Đán. Tết Nguyên Đán chỉ được phổ biến sau khi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của người Kinh. Bắt đầu từ người Thái rồi đến các dân tộc khác đều tổ chức tết theo lịch trình của người Kinh. Đến nay, nhiều cộng đồng người Mông cũng chuyển sang ăn tết vào cuối tháng 12 âm lịch theo người Kinh. Trong cách thức tổ chức cũng vậy, nhiều yếu tố mới hình thành. Ngày trước người dân ăn tết và thăm hỏi lẫn nhau tùy thuộc vào tình cảm và quan hệ cá nhân, không có những việc như trưởng bản đi tặng quà chúc tết các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với các mạng hay các cán bộ ở xa về quê ăn tết. Những việc này chỉ xuất hiện từ sau khi đổi mới và học tập theo người Kinh. Trong việc bài trí ngày tết cũng có những thay đổi, nhiều nét mới như cắm hoa tươi, mua câu đối, tranh, ảnh, treo ảnh Bác Hồ… là ảnh hưởng từ người Kinh. Bên cạnh đó, nhiều nét mới, món mới trong ẩm thực cũng xuất hiện, là các món như canh miếng, nem cuốn, các loại mứt, bánh kẹo, bia, nước ngọt, thuốc lá,… cách chế biến mới như xào, rán, đông lạnh… cũng phổ biến hơn trong ngày tết. Trang phục cũng trở nên đa dạng hơn. Bên cạnh các trang phục truyền thống thì dân tộc nào cũng sử dụng các trang phục do người Kinh đưa lên buôn bán. Dịp tết, có người thích mặc các trang phục truyền thống, có người lại thích mặc đồ mua ngoài chợ, tạo nên sự đa dạng, phong phú và khó phân biệt tộc người qua trang phục hơn. Nhiều trò chơi mới từ người Kinh đưa lên như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông,… cũng được tổ chức chơi vào dịp tết bên cạnh các trò chơi truyền thống như ném còn, đẩy gậy, cà kheo, bắn nỏ, hát giao duyên,… Cả những trò không lành mạnh như đánh bài bạc dịp tết cũng là do ảnh hưởng từ người Kinh. Những phong tục tập quán mới như mừng tuổi dịp tết cũng dần trở nên phổ biến bên cạnh những phong tục tập quán truyền thống của người dân tộc thiểu số. Nhìn chung, tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số hiện nay là sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống, yếu tố ảnh hưởng của người Thái và yếu tố ảnh hưởng của người Kinh. Điều đó cho thấy, văn hóa của người Kinh đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số ở Nghệ An. Nó là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa các cộng đồng tộc người thiểu số với người Kinh mà tết cổ truyền là một biểu hiện rõ nét. Tuy nhiên, người Kinh cũng chịu những ảnh hưởng từ văn hóa các dân tộc thiểu số như việc xuất hiện các món ăn của người dân tộc trong tết của nhiều người Kinh như trâu gác bếp, bò giằng, cá nướng… Ngoài việc người Kinh di cư lên miền núi và tiếp xúc với văn hóa với các cộng đồng bản địa thì các chính sách văn hóa cũng là yếu tố quan trọng làm cho văn hóa của người Kinh tác động mạnh mẽ đến đời sống đồng bào hơn.
Việc tổ chức tết truyền thống cho đồng bào các dân tộc thiểu số hiện nay như thế nào cho hợp lý đang được Đảng và Nhà nước quan tâm. Vấn đề khó khăn lớn nhất chính là làm sao để khôi phục tết cổ truyền của các dân tộc sao cho có thể khôi phục, bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người vào quá trình hội nhập và phát triển hiện nay. Các đề tài nghiên cứu và đề xuất giải pháp để tổ chức tết truyền thống cho các dân tộc thiểu số đang được đưa ra để thực hiện nhằm tìm kiếm sự hợp lý để giải quyết điều đó. Tuy nhiên, dù thế nào thì cũng phải bắt đầu từ những nhận thức mang tính nguyên tắc cơ bản trong quá trình xây dựng các nguyên tắc để tổ chức tết cổ truyền cho các dân tộc thiểu số.
Tết cổ truyền là sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hãy để cộng đồng làm chủ và lựa chọn các cách thức tổ chức phù hợp và hấp dẫn đối với họ. Không nên dùng các chính sách, quyết định hành chính khô cứng để can thiệp vào chuyện này. Muốn can thiệp vào các sinh hoạt văn hóa cộng đồng thì cần có những định hướng mở chứ không thể rập khuôn, máy móc và cứng nhắc được. Do vậy, cần đề xuất những định hưởng mở trong việc tổ chức tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số rồi để cho người dân tự thảo luận và lựa chọn cách làm hợp lý nhất. Bởi tết là ngày hội của các cộng đồng nên hay tạo mọi điều kiện để người dân được hưởng trọn vẹn niềm vui đó./.