Giáo sư Tạ Quang Bửu - Người con ưu tú của quê hương Nghệ An
Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23 tháng 7 năm 1910 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) - một vùng “đất học” nổi danh văn hiến. Ông nội là Tạ Quang Oánh, cha là Tạ Quang Diễm, đều đỗ Cử nhân song không làm quan, chỉ ở nhà dạy học. Mẹ là Nguyễn Thị Đào, cháu nội Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, dạy nữ công gia chánh và có nhiều bài thơ vịnh cảnh nghèo, gửi gắm chút tình non nước in trên các báo Tiếng Dân, Phụ nữ Thời Đàm với bút danh Sầm Phố.
Sinh trưởng trong một gia đình hiếu học và học giỏi, Tạ Quang Bửu sớm có ý thức học hành thành danh để giúp nước. Năm 1917, Tạ Quang Bửu đỗ cao các môn toán, chữ Hán và chữ Quốc ngữ do phủ Tam Kỳ tổ chức. Năm 1922, Tạ Quang Bửu thi vào trường Quốc học Huế với điểm số khá cao, đứng thứ 11. Năm 1926, sau khi đỗ thứ nhì bậc Thành Chung, Tạ Quang Bửu ra Hà Nội học trường Trung học bảo hộ (trường Bưởi). Năm 1929, thi đỗ đầu bậc Tú tài bản xứ, đỗ đầu Tú tài Tây ban Toán và đỗ hạng cao Tú tài Tây ban Triết, anh Tạ Quang Bửu nhận được học bổng của Hội Như Tây du học Trung kỳ.
Sang Pháp, anh thi đỗ vào trường Centrale A ở Paris, học lớp toán đặc biệt ở trường Louis le Grand, ở các trường đại học Paris, Bordeaux (Pháp), Oxford (Anh) từ năm 1929 đến năm 1934. Từ năm 1935 đến năm 1942, anh về Huế dạy học. Tháng 8 năm 1945, anh cùng luật sư Phan Anh ra Hà Nội tham gia cách mạng, giữ chức tham nghị trưởng Bộ ngoại giao trong chính phủ lâm thời. Tháng 7 năm 1947, Tạ Quang Bửu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ tháng 8 năm 1947, đồng chí là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ tháng 9 năm 1948 đến năm 1961 đồng chí là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1954, đồng chí tham gia đoàn đàm phán của chính phủ ở Genève. Ông từng là Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước.
Từ năm 1965 đến năm 1976 ông là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông là đại biểu quốc hội từ khóa I đến khóa VI, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Phó Chủ tịch hội hữu nghị Việt Xô.
- Một trí thức yêu nước và cách mạng
Năm 1934, GS. Tạ Quang Bửu trở về nước. Anh từ chối làm quan, chỉ nhận dạy toán và tiếng Anh, vật lý và sinh học tại trường Thiên Hựu, một trường trung học tư thục ở Huế. Từ năm 1942 - 1945, được cử giữ chức Vụ trưởng Vụ nghiên cứu hãng Điện - Nước Trung kỳ. Trong thời gian này, anh cùng một số trí thức tiến bộ thành lập nhóm Responsables gồm: Nguyễn Thúc Hào, Đào Duy Anh, Nguyễn Lân, Nguyễn Huy Bảo,... ra tờ Tạp chí Responsables bằng tiếng Pháp.
Năm 1937, phong trào hướng đạo phát triển mạnh thu hút đông đảo cả người Việt lẫn người Pháp. Tạ Quang Bửu tìm thấy ở đó những khía cạnh phù hợp với thiên hướng tư tưởng của mình, nên gia nhập phong trào. Với học thức uyên bác, lại giỏi nhiều môn thể thao, ông mau chóng trở thành một hướng đạo sinh xuất sắc. Sau một thời gian ngắn, Tạ Quang Bửu đã được đề bạt làm đoàn trưởng một thiếu đoàn.
Năm 1939, ông đi dự Trại tráng sĩ thế giới họp tại Lonđon (Anh), sau đó, thi đạt bằng Trại trưởng huấn luyện Hướng đạo toàn Đông Dương. Tốt nghiệp, ông được cử làm Trại trưởng hướng đạo sinh toàn cõi Đông Dương.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, Tạ Quang Bửu không tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng nhận làm Đặc ủy viên (Cố vấn) cho Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh và đã đề xuất với ông Phan Anh thành lập Trường Thanh niên tiền tuyến Huế.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Tạ Quang Bửu được Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Quân đội giao nhiều trọng trách: Tham nghị trưởng Bộ ngoại giao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là thành viên của những hội nghị Việt - Pháp quan trọng tại Đà Lạt (1946), Fontainebleau (1946); thay mặt Chính phủ ta ký Hiệp định Genèvơ lập lại hòa bình ở Đông Dương (1954); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1948) và 13 năm liên tục là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách hậu cần và kỹ thuật (1948 - 1961); Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước; Giám đốc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1956 - 1961); Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1965 - 1976); Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam; Phó Chủ tịch hội Hữu nghị Việt - Xô; Chủ tịch Hội Điền kinh Việt Nam. Đồng chí là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa VI.
- Nhà ngoại giao bản lĩnh
Từ tháng 9 năm 1945 đến 1 năm 1946, Tạ Quang Bửu được Chính phủ giao làm Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ trách giao thiệp với Mỹ và Anh. Những ngày toàn quốc chuẩn bị kháng chiến, thực hiện chủ trương hòa với Pháp để đuổi 20 vạn quân Tưởng về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho ông soạn thảo nhiều văn bản bằng tiếng nước ngoài và cử ông tham gia một số cuộc họp ngoại giao đàm phán với Pháp. Trong năm 1946, ông tham gia hai cuộc họp quan trọng: Hội nghị trù bị Đà Lạt (từ ngày 19/4 đến 11/5/1946), Hội nghị Fontainebleau (từ ngày 6/7 đến ngày 13/9/1946).
Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ và gian khổ, nhân dân ta đã xoay chuyển cục diện, làm thất bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp xâm lược, buộc Chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán tại Genèvơ. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu gồm 5 thành viên chính thức trong đó có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu.
Bên cạnh các phiên họp tập thể, Hội nghị thành lập cơ chế để giải quyết các vấn đề quân sự là đại diện các Bộ Tư lệnh Việt Nam và Pháp gặp nhau tại Genèvơ và tại Việt Nam. Tại Genèvơ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, đại diện Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đàm phán với tướng Delteil, đại diện Bộ Tư lệnh Quân đội Pháp.
Trong các cuộc đàm phán về quân sự, Tạ Quang Bửu cũng là đại diện cho quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia.
Tại Hội nghị, với cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Tạ Quang Bửu trực tiếp đàm phán với phía Chính phủ Pháp, trong đó có vấn đề gay cấn về vĩ tuyến phân chia hai miền và thời gian tổ chức tuyển cử giữa hai miền. Phái đoàn ta, mà đóng góp quan trọng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, đã dựa trên nguyên tắc “đây chỉ là giới tuyến tạm thời 2 năm” và với vốn kiến thức địa lý uyên sâu của anh đã thuyết phục được đối phương là vĩ tuyến 17, dùng con sông Bến Hải làm ranh giới tạm thời vừa ngắn vừa dễ tạo khu phi quân sự. Cuối cũng được chấp nhận. Với đề xuất này miền Bắc đã “rộng hơn” hàng chục cây số bề dài.
Đêm 20 rạng sáng ngày 21 tháng 7 năm 1954, đồng chí Tạ Quang Bửu trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Chính phủ ta, đồng thời đại diện cho hai phía Pathest - Lào và Khmer Issarak - Campuchia trực tiếp ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Hiệp định đình chiến sự ở Lào. Hội nghị thông qua bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genèvơ về Đông Dương. Hiệp định Genèvơ là một văn kiện quốc tế quan trọng chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, đặt cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh thống nhất Việt Nam.
Tuy thời gian làm công tác ngoại giao không dài nhưng đồng chí Tạ Quang Bửu “là một tấm gương sáng về một nhà ngoại giao có bản lĩnh, về tinh thần tận tụy vượt khó, học tập không mệt mỏi để không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, trang bị cho mình những kiến thức sâu rộng để phục vụ nhân dân, Tổ quốc và cách mạng”.
- Giáo sư Tạ Quang Bửu là một tấm gương lớn về tự học, học suốt đời
Sự ham học hỏi, ham hiểu biết là chìa khóa của tích lũy tri thức và hình thành tài năng để vươn lên kịp trí tuệ của thời đại. GS Tạ Quang Bửu là một trong những người tiêu biểu nhất của truyền thống ưu việt này, tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Sau khi nhận được học bổng Hội Như Tây du học và sang Pháp học, Tạ Quang Bửu từng học tại nhiều trường đại học ở Pari, ở London và được coi là sinh viên xuất sắc vì anh vừa thông minh vừa hiếu học. Tại Pháp, năm 1929, anh đăng ký học lớp toán đặc biệt của Trường Louis le Grand về Toán học và Vật lý lý thuyết, đăng ký học cử nhân toán ở Viện Henri Poincaré. Đó là cơ sở để năm 1961, GS cho ra đời tác phẩm Về cấu trúc của Bourbaki.
Tạ Quang Bửu thi đỗ vào Trường Centrule Paris năm 1930, theo học chương trình cử nhân khoa học tại Đại học Sorbonne (Paris), học toán ở các trường đại học Paris; Trường Đại học Bordeaux (Pháp) từ năm 1930 đến năm 1934 và được Trường Đại học Bordeaux trao đổi sang Trường Oxford (Anh) trong một thời gian ngắn. Tại đây, anh học thêm vật lý lượng tử và trau dồi tiếng Anh, nhất là về mặt ngữ âm và hội thoại.
Mặc dù đã có bằng đại học loại ưu về Toán và Vật lý, nhưng Tạ Quang Bửu vẫn chưa thỏa mãn. Vốn ưa thích ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, thể thao, anh tranh thủ mọi khoảng trống thời gian có được để tự học, tự tìm hiểu các loại hình trên... Nhờ luyện tập bóng bàn theo cách đánh của nhà vô địch Hunggari, anh đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi bóng bàn của của sinh viên Pari. Anh còn tập đấm bốc, đá bóng, thi lấy bằng trại trưởng.
Năm 1934, Tạ Quang Bửu trở về nước. Anh từ chối làm quan, chỉ nhận dạy Toán và tiếng Anh tại một trường trung học tư ở Huế, ban đầu là Trường Phú Xuân, sau là Trường Thiên Hựu. Ngoài Toán, tiếng Anh, Lý, Hóa, anh còn dạy các môn khoa học tự nhiên khác theo yêu cầu của nhà trường. Các môn này, anh tự nghiên cứu rồi lên lớp với những mẫu hiện vật tự sưu tầm. Anh còn tranh thủ học thêm và nghiên cứu cơ học lượng tử và phương trình vi phân.
Để có thể hiểu sâu văn hóa Việt Nam và phương Đông, Tạ Quang Bửu cho rằng không thể không tiếp cận từ ngọn nguồn văn, sử, triết Trung Hoa cổ đại, trung đại. Anh lên Bến Ngự xin thụ giáo cụ Phan Bội Châu, miệt mài nghiền ngẫm, tự đọc hiểu Luận Ngữ của Khổng Tử, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Nam Hoa Kinh của Trang Tử và nhiều tác phẩm kinh điển khác của triết học phương Đông trong nguyên văn Hán ngữ.
Về khả năng ngoại ngữ, anh thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, sử dụng được tiếng Đức, đọc hiểu tiếng Nga, tiếng Hán, tiếng Hy Lạp cổ, tiếng La tinh và nhiều thứ tiếng khác. Trong những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám, là Tham nghị trưởng ngoại giao, anh Bửu giúp Bác Hồ soạn thảo các bức công hàm (bằng tiếng Anh) gửi Stalin, Truman, Atlee..., và tiếp các nhà ngoại giao Anh, Mỹ... Năm 1954, bộ đội ta nhận được pháo phòng không của Liên Xô (cũ) viện trợ, kèm theo một bản hướng dẫn cách sử dụng máy ngắm bắn máy bay bằng tiếng Nga, nhưng Cục Quân khí đều không biết tiếng Nga, liền cử cán bộ nghiên cứu lên Bộ gặp GS Tạ Quang Bửu. Anh Bửu xem lướt qua, rồi đọc một mạch tiếng Nga, sau đó dịch ngay ra tiếng Pháp để hướng dẫn bộ đội. Năm 1963, nhà toán học Ba Lan gửi tặng GS Tạ Quang Bửu một số kết quả nghiên cứu mới của mình. GS Tạ Quang Bửu đọc thẳng tiếng Ba Lan và sau đó thuyết trình về toán tử Mikusinsky cho các giảng viên toán tại các trường đại học ở Hà Nội.
GS Tạ Quang Bửu giỏi nhiều ngoại ngữ và có kiến thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực như vậy, một phần là do ông ham học, ham hiểu biết, đặc biệt là ông có phương pháp học độc đáo. Tự học là cách làm cho mình lớn lên và giàu có thêm. Đó là “học để biết, chứ không phải học để đi thi”. Tạ Quang Bửu có thói quen đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc, đọc rất nhanh, nhưng nhớ rất lâu. Tuy chìm ngập trong công việc, anh vẫn dành thời gian đọc các sách báo toán nổi tiếng qua tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức...
- Có nhiều cống hiến cho lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và ngành quân giới
Với cương vị là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Bộ Quốc phòng trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Tạ Quang Bửu đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, tổ chức cơ quan Bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo trang thiết bị, bảo đảm vũ khí kỹ thuật cho bộ đội.
Tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Hội đồng nghiên cứu xây dựng quốc phòng với chức năng là cơ quan tư vấn cho Chính phủ lâm thời về vấn đề quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang quốc gia, đồng chí Tạ Quang Bửu được cử tham gia Hội đồng nghiên cứu xây dựng quốc phòng giúp việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên là Phan Anh trong việc tổ chức Bộ Quốc phòng, đồng thời là Ủy viên Hội đồng quốc phòng tối cao và Ủy viên Quân sự ủy viên Hội.
Từ năm 1946 đến năm 1961, với cương vị là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Bộ Quốc phòng, đồng chí đã có đóng góp to lớn trong việc thực hiện đường lối chiến tranh của Trung ương Đảng, xây dựng bộ máy Bộ Quốc phòng từ tay không trở thành bộ máy hiện đại, khoa học, đáp ứng được yêu cầu xây dựng quân đội ta từ du kích tiến lên hiện đại, đối phó thắng lợi với đội quân viễn chinh Pháp. Ngay từ đầu, đồng chí Tạ Quang Bửu đã xây dựng bộ máy Bộ Quốc phòng với Văn phòng và 10 cục chuyên môn với cơ chế và tổ chức hợp lý, hoạt động có hiệu quả ngay trong điều kiện sơ tán lên chiến khu. Ông đã lập ra Nha Nghiên cứu Kỹ thuật ở Cục Quân để nghiên cứu thử nghiệm vũ khí, sau này lập thêm Cục Pháo binh, Cục Công binh trực thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Nghiên cứu Không quân, Ban Nghiên cứu Thủy quân.
Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông đã chỉ đạo anh em dựa vào tài liệu nước ngoài viết tài liệu hướng dẫn kỹ thuật bắn máy bay địch bằng súng trường. Cuốn sách nhanh chóng được phổ biến rộng rãi và nhiều nơi đã hạ được máy bay Pháp bằng súng trường. Kinh nghiệm này cũng được áp dụng cho dân quân Việt Nam dùng súng trường bộ binh bắn máy bay trong chiến tranh chống Mỹ.
Tuy kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, ông vẫn giành thời gian nghiên cứu và biên soạn nhiều cuốn sách như: Thống kê thường thức, Vật lý cương yếu, Nguyên tử - hạt nhân - vũ trụ tuyến, Sống, Đại số các toán tử, Các mức điều chỉnh trong lý thuyết hệ thống, Viết thêm về các mức điều chỉnh trong lý thuyết hệ thống, Hạt cơ bản… Đây là những công trình phổ biến khoa học có hệ thống ở trình độ cao, có tính gợi ý, mở đường và định hướng cho sự phát triển khoa học ở nước ta, nó giúp nhiều nhà khoa học của ta tiếp cận được tương đối luận, lý thuyết mật mã di truyền, toán học lý thuyết cũng như khoa học vũ trụ.
Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đồng chí Tạ Quang Bửu đã chỉ đạo trực tiếp các trường đại học, vụ nghiên cứu hoa học, nghiên cứu hàng trăm đề tài khoa học kỹ thuật phục vụ giao thông vận tải trong chiến tranh, điều trị vết thương do vũ khí hiện đại gây ra, thiết kế xây dựng những cơ sở công nghiệp địa phương phù hợp với thời chiến, rà phá thủy lôi của địch.
Để tăng cường cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự, phục vụ yêu cầu ngày càng tăng của cuộc kháng chiến, GS Tạ Quang Bửu chỉ thị thành lập Phân hiệu II Trường Đại học Bách khoa với quy chế đầy đủ như một trường riêng biệt, được Bộ chỉ đạo về công tác huấn luyện, đào tạo để cho “ra lò” những kỹ sư quân sự. Từ đó, Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự trở thành địa chỉ có uy tín đào tạo và gửi đi đào tạo những cán bộ, sinh viên giỏi ở nước ngoài về các chuyên ngành của kỹ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến đấu.
Ngoài công tác giáo dục, ông vẫn tham gia hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS Tạ Quang Bửu, một tổ nghiên cứu, thiết kế chế tạo khí tài phá thủy lôi, bom từ trường do Tiến sĩ Vũ Đình Cự làm Tổ trưởng được thành lập với mật danh GK1. Kết quả GK1 đã lập được sơ đồ chức năng vũ khí của kẻ thù, tìm ra được dạng tín hiệu tác động vào nó để thiết kế và chế tạo vũ khí của kẻ thù và chế tạo khí tài phát nổ, khí tài gây nhiễu. Chẳng bao lâu sau, hàng loạt khí tài phá thủy lôi ký hiệu GK 72-2, GK 72-3... được chế tạo và phát huy tác dụng trong tay các chiến sĩ phá thủy lôi.
Đồng chí Tạ Quang Bửu là một cán bộ chủ chốt của Bộ Quốc phòng trong kháng chiến chống Pháp, là người có nhiều công lao đóng góp vào việc xây dựng, tổ chức, trưởng thành và những thắng lợi của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như sau này.
- Nhà quản lý giáo dục đại học có tầm nhìn chiến lược
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, GS Tạ Quang Bửu đã kiên tâm phấn đấu cho một nền giáo dục “thực dạy, thực học”, “học đi đôi với hành”. Ông đã chỉ đạo xây dựng nên một trường đại học kỹ thuật đầu tiên của đất nước, xây dựng thành nề nếp việc bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên, mở các ngành học mới đón trước tương lai như ngành Toán tính, Toán điều khiển, ngành Nhiệt đới hóa, ngành Kỹ sư vật lý, Kỹ sư toán....
Ở giai đoạn phôi thai của nền khoa học - kỹ thuật nước nhà, ông đã có tầm nhìn định hướng chiến lược rất đúng cho nền khoa học - kỹ thuật Việt Nam. Ông chỉ đạo phát triển ngành khoa học cơ bản, tích cực ủng hộ thành lập các hội khoa học: Hội Toán học, Hội Vật lý, Hội Sinh học, Hội Cơ học.... mở khoa Địa lý - địa chất, đặt cơ sở đầu tiên để phát triển ngành Khảo cổ, ngành Tin học... Về khoa học xã hội, ông cũng rất quan tâm, thúc đẩy việc thành lập khoa Hán - Nôm, mở môn Lịch sử cổ đại Trung Quốc... Ông đã đặt định hướng và góp phần chuẩn bị cho nhiều ngành khoa học tương lai rất quan trọng cho đất nước như Vật lý hạt nhân, Điều khiển học và Khoa học thông tin, Nhiệt đới hóa, Dầu khí... khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ sớm đi vào những ngành kỹ thuật của thế giới.
5.1. Tạ Quang Bửu cũng chủ trương giáo dục phải đi trước để chuẩn bị điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1971, theo yêu cầu của Hội đồng Chính phủ và Ban Khoa giáo Trung ương, GS. Tạ Quang Bửu đã tổ chức việc thi tuyển nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài (khác với trước đây chủ yếu là xét, cử). Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã gửi hàng nghìn nghiên cứu sinh, lưu học sinh, thực tập sinh du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Tầm nhìn xa trông rộng của đồng chí tạo cho đất nước có nhiều tiềm lực khoa học - kỹ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng trước mắt và lâu dài. Do vậy khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam đã có một lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý đủ sức đảm đương nhiệm vụ xây dựng đất nước. Nhiều cán bộ được đào tạo trong thời gian đó hiện đang giữ vai trò nòng cốt trên các mặt trận: giáo dục, khoa học và quản lý kinh tế - xã hội.
Với việc đặt ra chế độ thi tuyển công bằng, hợp lý, đề cao thực lực, nhiều con em những gia đình cán bộ viên chức bình thường và những gia đình nghèo vẫn có cơ hội đi học nước ngoài. Cũng trong thời kỳ GS làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức kỳ thi tuyển vào đại học (trước đó xét theo học bạ, nguyện vọng, và cử tuyển…) đã đạt được những thành công to lớn.
GS Tạ Quang Bửu rất chú trọng nội dung và phương pháp giáo dục. Từ giữa năm 1966, anh đã đề xuất cải tiến nội dung giảng dạy theo hướng “cơ bản nhất, hiện đại nhất và sát hợp với điều kiện Việt Nam nhất” (còn gọi là “ba nhất” để giảng dạy và học tập).... Lần lượt hàng chục bộ giáo trình về Toán học, Cơ học và một số môn khoa học cơ bản khác ra đời, nhanh chóng giúp cho sinh viên của chúng ta có đủ tri thức để tiếp cận và hoàn thành nhiều nhiệm vụ mới.
Những năm đầu của thập niên 1970, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã tổ chức một loạt các cuộc hội thảo về phương pháp giảng dạy đại học, đặc biệt là tự học. Chủ trương mở rộng quy mô đào tạo bằng việc lập nhiều trường chuyên ngành.
Trên cơ sở kiến thức uyên bác, hiểu biết khoa học ở trình độ cao trong nhiều lĩnh vực; ông đã có mối quan hệ thân hữu với nhiều nhà bác học hàng đầu thế giới, nổi tiếng sang làm việc với các trường đại học và viện nghiên cứu nước ta, tạo được sự giao lưu quý báu giữa nước ta với nền khoa học hiện đại của thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà mọi người gọi GS Tạ Quang Bửu là “cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam”.
Bộ trưởng Tạ Quang Bửu là người luôn phát hiện, bồi dưỡng, nâng đỡ, cảm hoá các tài năng khoa học. Vì thế mà, ông cũng là một trong những người chủ trương mở các lớp phổ thông chuyên toán ở nước ta vào năm 1965, từ đó đào tạo các nhà khoa học tài năng cho đất nước. Ngay trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, ông đã mời một số nhà toán học Pháp được tặng Huy chương Fields (được coi như Giải thưởng Nobel trong toán học) như Laurent Schwartz, Alexandre Grothendieck sang thăm Việt Nam, đọc bài giảng về các vấn đề toán học hiện đại nhất, để cập nhật kiến thức cho đội ngũ nghiên cứu toán học nước ta. Ông có mối quan hệ gắn bó mật thiết và có ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều nhà khoa học, kỹ thuật có uy tín của Việt Nam như: Hoàng Tụy, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Phan Đình Diệu… Mùa hè năm 1974, khi nửa nước còn chiến tranh giải phóng, ông mạnh dạn đưa học sinh ta đi dự Olympic Toán, Vật lý Quốc tế và đã đạt Huy chương Vàng ngay trong đợt đầu tiên. Nhiều học sinh chuyên toán thời ấy, về sau, đã trở thành những nhà toán học, nhà vật lý, nhà cơ học hay nhà quản lý khoa học và giáo dục có tiếng...
Đi đôi với công tác đào tạo, các trường đại học phải tiến hành nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã chỉ đạo Vụ Nghiên cứu khoa học tổ chức các hướng đẩy mạnh công tác này, gắn với việc thực hiện nguyên lý và phương châm giáo dục của Đảng; giáo dục kết hợp lao động sản xuất, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội.
Năm 1971, miền Bắc bị lụt lớn, ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã tổ chức một đợt ra quân với quy mô lớn, thời gian dài đóng góp hàng triệu ngày công để tham gia chống lũ lụt và khắc phục hậu quả đối với sản xuất và đời sống của nhân dân. Năm 1972, đế quốc Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc với quy mô lớn và ác liệt hơn nhiều so với lần trước, kể cả dùng pháo đài bay B52, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp chỉ đạo thầy trò các trường ra quân vừa phục vụ sản xuất, vừa tham gia chiến đấu, vừa đảm bảo giảng dạy, học tập theo một kế hoạch điều chỉnh hợp lý.
5.2. Tạ Quang Bửu rất coi trọng việc đào tạo cơ bản nhằm tăng cường tiềm lực khoa học, củng cố gốc kiến thức cho vững. Ông căn dặn cán bộ trong ngành phải trên cơ sở đó mới có thể tiếp nhận cái mới của thế giới, thích ứng với mọi đổi thay nhanh chóng của khoa học. Nhưng trong việc đào tạo đại học ở nước ta, nhất là trong thời chiến, không được phỏng dịch hoặc sao chép nguyên xi của nước ngoài. Ông tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, tự đứng ra thuyết trình những vấn đề mới nhất về khoa học, nhất là toán học, cho đông đảo cán bộ nghiên cứu và giảng dạy đại học. Đó là những bài giảng rất uyên bác. Đồng chí nêu ý tưởng, đề tài nghiên cứu và khuyến khích các nhà nghiên cứu cùng cộng tác để có những công trình nghiên cứu khoa học giá trị.
Trong 11 năm (1965 - 1976), trên cương vị Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đầu tiên, GS Tạ Quang Bửu đã có nhiều đóng góp to lớn đưa sự nghiệp giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp lên một bước phát triển mới, tạo tiền đề cần thiết để xây dựng một hệ thống giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp thống nhất cho cả nước.
Đồng chí Tạ Quang Bửu là một đảng viên, một chiến sĩ cộng sản ưu tú, một nhà trí thức cách mạng uyên bác, một nhà khoa học và giáo dục xuất sắc đầy trí tuệ, một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học và lao động vì Tổ quốc, một lối sống giản dị, khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, dĩ công vi thượng, là tấm gương tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh để thanh niên Việt Nam, trí thức trẻ Việt Nam noi theo.