Di sản Hán Nôm tại Cương Quốc công từ - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt

GS.NGND Nguyễn Đình Chú
28/9/2021

Nghệ An đến nay có bốn di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn, Khu lưu niệm Chí sĩ Phan Bội Châu tại Sa Nam, Nam Đàn; Đình Hoành Sơn thuộc Khánh Sơn, Nam Đàn và Cương quốc công từ Đền Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí tại xã Nghi Hợp (nay là xã Khánh Hợp) thuộc huyện Nghi Lộc (Quyết định số 2280 QĐ-TTG ngày 31 tháng 12 năm 2020). Cương quốc công từ là ngôi đền uy nghiêm tráng lệ cổ kinh, nằm giữa một không gian thiên nhiên kỳ vĩ bao la, có sông nước vây quanh, có núi tiếp núi trùng điệp. Là vùng đất địa linh, đẹp nhất còn lại hiện nay trên đất Nghệ An. Cương quốc công từ là đối tượng hấp dẫn với các nhà sử học, gia tộc học, văn hóa, bảo tàng, kiến trúc, phong thủy, thần học, du lịch, Hán Nôm. Bài viết này sẽ phác thảo về Di sản Hán Nôm tại Cương quốc công từ - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt. Một số văn bản đã được phô tô và in lại trong sách Cương quốc công Nguyễn Xí: Gia phả - Di huấn - Phụ lục (Tái bản và nâng cấp, NXB Nghệ An, 2013).


Nghệ An đến nay có bốn di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn, Khu lưu niệm Chí sĩ Phan Bội Châu tại Sa Nam, Nam Đàn; Đình Hoành Sơn thuộc Khánh Sơn, Nam Đàn và Cương quốc công từ Đền Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí tại xã Nghi Hợp (nay là xã Khánh Hợp) thuộc huyện Nghi Lộc (Quyết định số 2280 QĐ-TTG ngày 31 tháng 12 năm 2020). Cương quốc công từ là ngôi đền uy nghiêm tráng lệ cổ kinh, nằm giữa một không gian thiên nhiên kỳ vĩ bao la, có sông nước vây quanh, có núi tiếp núi trùng điệp. Là vùng đất địa linh, đẹp nhất còn lại hiện nay trên đất Nghệ An. Cương quốc công từ là đối tượng hấp dẫn với các nhà sử học, gia tộc học, văn hóa, bảo tàng, kiến trúc, phong thủy, thần học, du lịch, Hán Nôm. Bài viết này sẽ phác thảo về Di sản Hán Nôm tại Cương quốc công từ - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt. Một số văn bản đã được phô tô và in lại trong sách Cương quốc công Nguyễn Xí: Gia phả - Di huấn - Phụ lục (Tái bản và nâng cấp, NXB Nghệ An, 2013).

Cương quốc công Di huấn: đây là di sản xưa nhất còn lại với hôm nay của Thái sư Cương quốc công viết năm 1462 niên hiệu Quang Thuận trước lúc qua đời ba năm. Di huấn gồm hai phần: Phần một kể về cuộc đời của mình từ thân phận một cậu bé con một gia đình mấy đời làm nghề muối ở vùng ven biển trên đất Hoan Châu phủ Đức Quang huyện Chân Phúc xã Thượng Xá. Chín tuổi đã mất cha (cả mất mẹ) phải theo anh  ra ở với nhà Lê Lợi ngày còn là một vị hào mục, được phân công việc nuôi dạy chó. Tới ngày Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn thì cả hai anh em trở thành dũng sĩ. Anh sớm hy sinh. Còn em thì trở thành dũng tướng đã cùng các dũng tướng khác gian khổ chiến đấu hết chiến trận này đến chiến trận khác tới ngày đại thắng giành trọn lại giang sơn gấm vóc. Sau đại thắng, lãnh tụ Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, cùng anh Nguyễn Biện được phong thưởng tước hiệu. Sau đó phụ chính cho các đời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, dẹp loạn Lê Nghi Dân đưa Lê Thánh Tông lên ngôi. Vinh quang lút trời, lộc điền khắp nơi, khai mở ra dòng họ quí tộc Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí bề thế vẻ vang nhất trên đất Lam Hồng ở thời trung đại. Di huấn răn dạy con cháu trong muôn đời: “Nay các ngươi trông thấy nhà đẹp ruộng tốt giàu có thì phải nghĩ đến công lao chặt gai phát bụi của Ta xưa. Trông thấy cảnh ca nhi múa hát vui vẻ thì phải nghĩ đến Ta xưa đã phải gối đất nằm đồng nằm tuyết. Ta từng thấy Lý Tịnh là bậc danh tướng đời Đường (Trung Hoa) mà cuối cùng lại có con là Kinh và Nghiệp phạm tội làm phản. Các người cần lấy đó làm gương để tránh. Còn đời Tống (Trung Hoa) là bậc lương tướng lại có Tào Bân có hai con là Xán và Vĩ đều bước lên đàn tướng lĩnh. Các người phải làm sao để sánh được với họ. Con cháu các ngươi phải biết cẩn thận giữ gìn gia pháp lấy đạo hiếu để lập công. Ấy là con hiền, cháu thảo của Ta. Hoặc nếu có gây chuyện tranh giành nhau thì phải làm tờ biểu tâu lên triều đình để xử tội bất hiếu”. Phần thứ hai ghi danh mục lộc điền ở mọi nơi mọi chốn. Đặc biệt, Di huấn không chỉ là chuyện nội bộ của gia đình gia tộc mà còn là văn bản quốc gia. Bởi văn bản đã được trình lên vua Lê Thánh Tông phê duyệt trước lúc lưu hành. Đã có ý kiến cho rằng sở dĩ có chuyện trình văn bản lên nhà vua cũng là triều đình xin phê duyệt để xua đi dư luận đương thời cho rằng gia thế - Cương quốc công cha và 15 con trai  chiếm giữ các chức vị trọng yếu của vương triều như thế sẽ cướp ngôi vua. Thì Cương quốc công đã nói: “Nguyễn vi vương thiên hạ loạn” và viết Di huấn lại còn trình lên nhà vua xin phê duyệt thì ngoài mục đích chính là răn dạy con cháu nhưng còn là một cách ngầm cam kết trung thành tuyệt đối với vương triều nhà Lê. Tại Cương quốc công từ, Cương quốc công Di huấn đã được con cháu đời sau khắc tóm lược vào bia đá và thêm vào một vài chi tiết thuộc chuyện sau đời Tây Sơn. Toàn văn bản vẫn được lưu giữ bao đời nay. Di huấn là một di sản quí hiếm độc đáo về giá trị tư tưởng, lịch sử văn hóa đáng làm gương cho hậu thế soi chung, nhất là với các gia tộc có quyền thế.  Nói riêng về lĩnh vực văn học thành văn của huyện Nghi Lộc thì Di huấn là thư tịch đầu tiên còn lại. Ở thời trung đại, thể loại văn chương gia huấn không hiếm. Đặt Cương quốc công di huấn vào hệ thống văn chương gia huấn đó càng thấy rõ hơn giá trị độc đáo lớn lao của di sản này.

Upload

Cương Quốc công Di huấn (Ảnh: Nguyễn Đạo)

Lê Thánh Tông ngự tứ thạch bi: Cương quốc công Nguyễn Xí qua đời ngày 30 tháng 10 năm Ất Dậu (1465). Được tin, vua Lê Thánh Tông ra lệnh ngừng thiết triều ba ngày. Sau đó cho tiến hành lễ quốc tang có đông đủ quần thần tham dự. Thi hài được chuyển về an táng tại quê nhà. Năm 1467, nhà vua ban cho 1.000 quan tiền và nhân lực để xây đền thờ theo chế độ quốc tạo (nhà nước xây dựng) và quốc tế (nhà nước tế lễ). Nhà vua còn lệnh cho Trạng nguyên Nguyễn Trực viết văn bia để khắc vào đá. Cuối văn bia ghi: Quang Thuận bát niên thập nguyệt sơ lục nhật. Tứ Nhâm Tuất khoa đệ nhất giáp cập đệ đệ nhất danh Trung tư lệnh đặc thụ Thừa chỉ kiêm Tế tửu Nguyễn Trực phụng soạn. Ngự tiền học sĩ Dương Bích cẩn tá. Nguyễn Lộc cẩn khắc. Hiện nay tại Cương quốc từ có bia đá đề là Thái sư Cương quốc công bi ký chính là Lê Thánh Tông ngự tứ thạch bi. Bia được làm lại sau này vào năm 1928 trong đợt đại trùng tu Đền thờ thời Tú tài hàn lâm viện đại chiếu Nguyễn Huy Côn làm Chánh quản tộc. Theo truyền thuyết, bia chính khắc lần thứ nhất đã bị quân nhà Mạc đập phá. Hiện nay trong Hồ sơ tư liệu của đại tộc Nguyễn Đình Cương quốc công Nguyễn Xí vẫn giữ được hai văn bản chữ Hán chép lại bài văn bia. Sách Cương quốc công: Tộc phả - Di huấn - Phụ lục in năm 1993 chỉ dịch in theo văn bia đá hiện có. Nhưng sách Cương quốc công Nguyễn Xí: Gia phả - Di huấn - Phụ lục, tái bản và nâng cấp in năm 2013 thì in đủ văn bản chữ Hán có phiên âm và dịch nghĩa. Thánh Tông ngự tứ thạch bi là văn bản đầu tiên chính thức ghi chép cuộc đời, công trạng, thanh danh Cương quốc công Nguyễn Xí và ghi cả tên vợ,  tên 16 con trai (15 con có chức tước) và 8 con gái. Về sau viết về Nguyễn Xí như Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú, Tự Đức… ít nhiều đều dựa vào Lê Thánh Tông ngự tứ thạch bi. Cách đây khoảng 10 năm, gia đình cụ Nguyễn Đăng Cẩn với Trưởng nam Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng Công ty 36 của Bộ Quốc phòng - anh hùng lao động, quê Nghi Trường, Nghi Lộc, đã cung tiến thêm bia mới có lầu bia rất đẹp. Tôi may mắn được viết đôi câu đối khắc ở hai cột lầu bia: Minh đế ân thâm bi hóa ngọc/ Trạng nguyên học bác bút tòng tâm.

Upload

Văn bia Lê Thánh Tông ngự tứ thạch bi (Ảnh: Nguyễn Đạo)

Lê Thánh Tông ngự tứ mộ chí: Nam Việt quốc đặc tiến khai phủ nghị đồng tam ty nhập nội kiểm hiệu Thái sư Cương quốc công tứ quốc tinh Lê công mộ chí.

Với vua Lê Thánh Tông, ngoài Lê Thánh Tông ngự tứ thạch bi Lê Thánh Tông ngự tứ mộ chí, còn có đôi câu đối vua ban trong dịp xây đền: Hà nhạc nhật tinh thiên thu hào khí/ Phụ tử huynh đệ vạn cổ anh phong và sắc phong thần trong đó có tám chữ chuẩn định công lao của Cương quốc công: Bình Ngô khai quốc tịnh nạn trung hưng mà sau này Đài Truyền hình Việt Nam dựng phim Danh nhân đất Việt về Nguyễn Xí đã dựa vào đó để đặt tên phim: Người hai lần khai quốc.

Không biết trong số những đại công thần từng có công lao lớn giúp nước thờ vua có vị nào được nhà vua nào ưu ái tôn vinh đến mức như vua Lê Thánh Tông đối với Cương quốc công Nguyễn Xí. Về diễn ngôn, lúc sinh thời, đã được ban lời chế tôn vinh hết độ mà Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn đã ghi. Sau ngày qua đời tại Cương quốc từ thì có thêm như thế. Thật là đặc biệt quý hiếm.

Đoan ngôn: Cương quốc từ là quốc tạo và quốc tế. Do đó có Đoan ngôn là văn bản cam đoan của vương triều về việc phụng thờ viết ngày mùng 6 tháng 10 niên hiệu Quang Thuận thứ 8 (1468) tại xã Thượng Xá huyện Chân Phúc phủ Đức Quang. Dưới ghi tên và chức tước của Quan viên Quảng Lễ hầu Nguyễn Văn Tiến cùng 51 quan viên khác.

Tự điền cận hiệu tịnh miêu vụ qui chế, gồm hai nội dung: a) Ruộng đất thuộc vùng lân cận phục vụ việc tế lễ.

  1. b) Qui hoạch về việc thờ tự tại Cương quốc từ từ thời niên hiệu Quang Thuận thứ 8 năm Đinh Hợi (1467) và sự tu bổ qua nhiều đời. Dưới ghi:

Bảo Đại tứ niên tam nguyệt sơ nhất nhất. Quản tộc thập lục thế tôn Giáp Ngọ khoa Tú tài Hàn lâm viện đại chiếu Nguyễn Huy Côn tiền Xán phụng soạn. Tộc trưởng thân sắc kỳ hào chi duệ đồng cẩn chỉ. Chánh giám trưởng thí sinh Nguyễn Văn Minh phụng thư.

Sắc phong: Tại Cương quốc công từ có các sắc phong thần thuộc các vương triều

- Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức tam niên (1473);

- Lê Thế Tông niên hiệu Quang Hưng nhị thập niên (1589);

- Lê Thần Tông niên hiệu Đức Long lục niên (1645);

- Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thất niên (1687);

- Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh tam niên (1707).

Vốn có 8 đạo sắc được bảo quản nghiêm cẩn tại thượng điện. Nhưng khoảng năm 1948 - 1949 kẻ gian đã khoét tường vào lấy cắp hết cả. Sau này hậu duệ là Nguyễn Đình Điệp, phó quản tộc tìm sao lại được sắc phong niên hiệu Hồng Đức tam niên mà không ghi sao từ văn bản nào và văn bản đó viết từ năm nào. Còn tôi cũng tìm thêm được sắc phong đời Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783).

Upload

Sắc phong niên hiệu Hồng Đức tam niên 1473  (Ảnh: Trần Mạnh Cường)

Chiếu: Chiếu của vua Gia Long niên hiệu thứ nhất ngày 9 tháng 9 (1802) lệnh cho hậu duệ Nguyễn Đình Xanh chăm lo việc phụng thờ Tổ tiên Nguyễn Xí là “người đã giúp Lê triều đánh tan giặc Ngô (giặc Minh) mở mang đất nước. Công lao được xét vào bậc nhất từng được phong thưởng nhiều chức tước đã cùng đất nước vui vầy cho đến lúc Tây Sơn nổi loạn nhà Lê cáo chung… Trẫm chuẩn lệnh cho ngươi được hưởng chế độ ấm tử được miễn công việc sưu dịch để chăm lo việc tế tự… Lại cho thêm hai người trong họ làm sái phu cũng được miễn sưu dịch”.

Hoành phi câu đối: Sách Cương quốc công Nguyễn Xí: Tộc phả - Di huấn - Phụ luc, Tái bản và nâng cấp đã in lại có phiên âm dịch nghĩa 14 hoành phi, 55 câu đối chủ yếu có tại khu Di tích nhưng một số có rải rác ở các thư tịch khác. Hầu hết là bằng Hán văn do con cháu các chi phái qua các đời cung tiến. Có trường hợp là của người ngoại tộc cung tiến như câu đối của Thám hoa Giang Văn Minh, của Tiến sĩ Nguyễn Tài Tuyển bái đề Tú tài Nguyễn Hữu Thành cung tiến. Có cả 2 câu thơ của Bùi Dương Lịch viết về hai nhân vật sáng danh nhất trên đất huyện Nghi Lộc xưa là Cương quốc công Nguyễn Xí và Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du trong bài thơ Nghi Lộc ở sách Nghệ An ký: Cương quốc hùng tâm sơn hữu kiếm/ Đặng Điền kỳ cốt thạch vi nhân. Tất cả hoành phi câu đối đều hướng vào việc ngợi ca công tích lớn lao của Cương quốc công. Câu đối của Thám hoa Giang Văn Minh:  Tế thế lập đại công thập lục đạo giang sơn xuất sắc/ Trật thần đăng thượng đẳng ức vạn niên hương hỏa sinh huy (Lập công lớn cứu đời mười sáu đạo non sông tươi vẻ đẹp. Phong thần bậc thượng đẳng ngàn vạn năm hương khói rực ngời). Phần lớn rất đậm chất bác học. Hoành phi Nhạc giáng thần có nghĩa là Vị núi Tung Cao cho thần giáng xuống làm bề tôi giỏi. Chính là lấy chữ từ Kinh thi: Duy nhạc giáng thần/ Sinh Phủ cập Thân (Thần núi Tung Cao cho thần giáng xuống sinh ra Thân Bá(1) và Phủ Hầu(2)). Doãn Cát Phủ làm bài Tung Cao để tiễn đưa. Câu đối: Đan thư thiết khoán hùng huân nghi biểu cụ dân chiêm tổ triệu tông bồi tử tôn địch cát/ Ngọc sách kim chương hiến hiện phương hình phu quốc thánh thiên thân hoàng tử sơn thủy chung linh (Khoán sắt như son, tấm gương công huân vĩ đại, dân chiêm ngưỡng đủ, Tổ gây dựng tông vun trồng, con cháu tìm về điểm tốt/ Chuông vàng sách ngọc, hình thơm danh hiển, vua thánh tin dùng, trời duỗi ban vua phong tặng, núi sông hun đúc anh linh) Đan thư thiết khoán(3), Thiết khoán khảo(4). Ngoài số hoành phi câu đối đã được in vào sách, còn thêm 4 câu đối ở lầu bia lầu chuông đài tưởng niệm bá Tổ Nguyễn Biện và ở hai cột của cổng vào khu Di tích sau này mới có cũng là Hán văn mà tôi vẫn được ủy nhiệm phụng soạn. Tại chính giữa trung điện phía trên có hoành phi bốn chữ Cương quốc công từ. Phía dưới là hoành phi ba chữ: Nhạc giáng thần. Hai bên cột treo câu đối của vua Lê Thánh Tông ban. Chỉ chừng ấy đã thấy tầm vóc của Cương quốc công từ. Con cháu, khách thập phương đến bái yết ai cũng cho là oai nghiêm bề thế sang trọng hiếm có.

Upload

Hoành phi "Nhạc giáng trần" (Ảnh: Nguyễn Đạo)

Upload

Bốn chữ "Cương Quốc công từ" tại Trung điện (ảnh: Nguyễn Đạo)

Văn tế: Tại Cương quốc từ hàng năm có 8 ngày tế lễ theo âm lịch:

- 30/1: ngày lễ hội lớn nhất trong năm gồm lễ Mừng công, lễ Kỳ phúc, lễ Bạch sắc Hồng Đức năm thứ ba kiêm ngày giỗ Quốc phu nhân Lê Thị Ngọc Lân (vợ chính thất của Cương quốc công). Ngày nay lễ hội này đã được nâng cấp thành lễ hội vùng miền trong ba ngày thuộc loại lễ hội lớn nhất trên đất Nghệ An.

- 23/3: Ngày giỗ Khải tổ Thái Bảo Đình quận công Nguyễn Hội thân phụ Cương quốc công.

- 27/5: ngày giỗ Khải tổ tý Quận phu nhân Võ Thị Hạch thân mẫu Cương quốc công.

- 16/6: ngày Tiên tổ làm lễ cầu siêu cho các tướng sĩ trận vong xưa. Sau này con cháu làm thêm lễ giải oan.

-  15/8: nhân tết Trung thu làm lễ cầu yên cầu học cầu khoa.

- 27/8: ngày giỗ bá Tổ Thái phó Nghiêm quận công Nguyễn Biện, anh trai Cương quốc công sớm hy sinh trong công cuộc Lê Lai liều mình cứu chúa.

- 30/10: ngày giỗ Cương quốc công.

- 16/12: ngày lạp tế tất niên kiêm táo mộ.

Ngày lễ nào cũng có văn tế bằng Hán văn dùng trong nghi thức độc chúc và phần chúc. Nội dung các văn tế có phần chung và phần riêng liên quan đến nội dung ngày lễ và thời gian lễ, tên người chủ tế. Tất cả văn tế được cất giữ tại thượng điện. Sách Cương quốc công Nguyễn Xí Tộc phả Di huấn Phụ lục (Tái bản và nâng cấp chỉ phô tô in lại văn bản) Tổ miếu chung niên chúc văn.

Upload

Nghi môn với ba chữ "Phúc môn sinh" (Ảnh: Nguyễn Đạo)

Tộc phổ: Tại Cương quốc công từ, hiện còn lưu giữ được Nguyễn thị truyền gia công thân tộc phổ là bản tộc phổ xưa nhất viết vào đời Đức Long nhị niên Canh ngọ trọng thu tiết cốc dẫn (1630) do: cháu đời thứ 6 Trinh quận công Nguyễn Trọng Thưởng cẩn tu tập, Tiên nhạc hầu Thượng trụ quốc Nguyễn Trọng Lương cẩn tu lập, Cai quản Thịnh xá hầu Nguyễn Trọng Chất biên chép, Thám hoa Giang Văn Minh soạn thảo, Lang trung thư giám điển thư Nguyễn Tri Chỉ chép lại. Bốn trong năm vị là con cháu thuộc Đại chi 5 nên Tộc phổ này có thêm phần Đại chi 5 của Ngài Nguyễn Kế Sài, con trai thứ 5 của Cương quốc công. Cũng là Tộc phổ này nhưng có bản lại chép soạn giả là Thái úy Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh thuộc Đại chi 2 và Trinh quận công Nguyễn Trọng Thưởng thuộc Đại chi 5. Điều chưa rõ là sao Giang Văn Minh quê Đường Lâm Sơn Tây cũ, đậu Thám hoa năm 1628, trong chuyện đi sứ Tàu khi sứ Tàu ra câu đối Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (cột đồng đến nay đã xanh rêu) nhắc lại chuyện Mã Viện đánh bại Hai Bà Trưng xây cột đồng ở biên giới thì đã bị đã đốp lại Đằng giang tự cổ huyết do hồng (trên sông Đằng giang máu giặc Nguyên từ xưa vẫn đỏ hồng) làm bọn Tàu tức giận giở trò đê hèn giết chết trên đường, mổ bụng moi hết ruột gan, đổ lưu huỳnh vào rồi khâu lại và đưa về Việt Nam. Vương triều nhà Lê truy phong tước Quận công. Một danh nhân như thế không thuộc Đại tộc Cương quốc công mà tham gia soạn thảo Tộc phổ lại còn cung tiến câu đối tại Cương quốc từ như trên đã nói. Hiện tượng này chứng tỏ thêm thanh danh của Cương quốc công và Cương quốc công từ trong lịch sử lớn lao là thế nào. “Thượng Xá cựu Lê công thần tộc phổ ký: Tác giả là Tả quân phủ đô thống chưởng sự Lương năng bá Nguyễn Văn Hiếu, cháu đời thứ 12 thuộc Đại chi 11 của ông Nguyễn Phúc Xà, con thứ 11 của Cương quốc công theo lệnh triều đình vào phương Nam dẹp giặc Chiêm Thành quấy rối biên cương. Rồi ở lại phương Nam và sinh hạ con cháu. Ông Nguyễn Văn Hiếu làm quan dưới triều Gia Long và Minh Mạng nổi tiếng thanh liêm. Thời làm Trấn thủ Nghệ An, ông đã về Thương Xá chiêm bái Thánh tổ và sau đó viết bản phổ ký này vào năm Gia Long thứ 15 (1916) bằng  Hán văn theo thể phú với một bút pháp rất già dặn. Sau này hậu duệ Nguyễn Đình Ưu, đại tá quân đội nhân dân đã diễn nôm cũng theo thể phú khá thành công…

Nguyễn tộc cựu Lê công thần tộc phổ ký diễn ca: được viết bằng văn Nôm theo thể song thất lục bát biến thể với một cảm hứng tự hào và tôn vinh nồng nhiệt dễ nhập tâm ở người đọc. Từ lâu vẫn được lưu hành nhiều nơi trong con cháu nhưng không trọn vẹn. Bản trọn vẹn mới được in lại trong sách Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí Tộc phả - Di huấn - Phụ lục, Tái bản và nâng cấp. Nhưng tác giả là ai? Viết năm nào? Từ lâu vẫn chưa biết. Theo ông Nguyễn Đình Điệp trong sách Thái sư Cương quốc công Tộc phả Di huấn Phụ lục in năm 1993 thì tác giả là cụ Nguyễn Hữu Tạo (đậu Tú tài năm 1905 thường gọi là cụ Tú Điệu). Năm 2005, ông Nguyễn Đình Lương thuộc phái chi cả ở xã Thanh Vân, Thanh Chương đã đưa về Hội đồng gia tộc đại tôn cho xem một bản thì ghi “Tự Đức bát niên Ất Sửu biểu tôn Gia nghị đại phu Thanh Hóa tinh Bố chánh sứ Lê Lương Bạt huân mộc bái thư. Hạc thành tỉnh lị” (Tự Đức đời thứ 18 năm Ất Sửu. Cháu ngoại là Lê Lương Bạt bố chánh tỉnh Thanh Hóa “bái thư” tại Hạc trì tỉnh lị). Chưa rõ hai chữ “bái thư” có nghĩa nào: Soạn thảo văn bản hay viết lại văn bản?

Chú thích

  1. Phủ Hầu là người làm ra sách luật Lữ hình đời Chu Mục vương.
  2. Thân Bá là cậu của Chu Tuyên vương được phong ra đất Tạ.
  3. Sách viết bằng son đỏ, khoán chế bằng sắt.
  4. Vương Tá chép việc Hán Cao Tổ phong cho công thần bằng cách lấy son viết, lấy sắt chế tờ khoán, bên trong viết chữ.

CÙNG CHUYÊN MỤC

Non nước xứ Nghệ

Con người xứ Nghệ

Thương hiệu xứ Nghệ