Cách mạng tháng Mười Nga với Xô viết Nghệ - Tĩnh
Là người dân của một nước bị thực dân Pháp đô hộ ra đi tìm đường giải phóng cho dân tộc mình, năm 1920 Nguyễn Ái Quốc là đảng viên cộng sản Việt Nam đầu tiên và cũng là một sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp, vì trong quá trình tìm kiếm con đường cách mạng cho dân tộc mình, Người đã bắt gặp “Dự thảo đề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin”. Lúc đọc, Người vô cùng xúc động, nói: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta. Người ra sức tìm hiểu nước Nga rồi viết trong Bản án chế độ thực dân Pháp: “Nước Nga đã đánh đuổi được bọn cầm quyền và trở nên một nước cộng hòa vô sản. Một luồng gió mạnh đang đưa các dân tộc bị áp bức vùng dậy giải phóng”. Từ đó Người tin theo Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lênin.
Chu Trọng Huyến
1. Người Việt Nam sớm tiếp cận chủ nghĩa Lênin và nước Nga Xô viết
Là người dân của một nước bị thực dân Pháp đô hộ ra đi tìm đường giải phóng cho dân tộc mình, năm 1920 Nguyễn Ái Quốc là đảng viên cộng sản Việt Nam đầu tiên và cũng là một sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp, vì trong quá trình tìm kiếm con đường cách mạng cho dân tộc mình, Người đã bắt gặp “Dự thảo đề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin”. Lúc đọc, Người vô cùng xúc động, nói: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta. Người ra sức tìm hiểu nước Nga rồi viết trong Bản án chế độ thực dân Pháp: “Nước Nga đã đánh đuổi được bọn cầm quyền và trở nên một nước cộng hòa vô sản. Một luồng gió mạnh đang đưa các dân tộc bị áp bức vùng dậy giải phóng”. Từ đó Người tin theo Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lênin.
Nguyễn Ái Quốc tha thiết muốn được gặp Lênin. Nhưng rất tiếc khi Người tới Thủ đô Matxcơva (cuối mùa Hạ năm 1923) thì Lênin đang bị đau nặng và đến ngày 24-1-1924 thì vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản thế giới qua đời. Từ đó, Người tìm hình bóng Lênin trên đất nước Nga Xô viết.
Điều đầu tiên là, không lâu sau khi đặt chân lên đất nước này, Nguyễn Ái Quốc nhận ra, nhân dân Nga rất hiền hậu, siêng năng, dũng cảm trong lao động và chế độ xã hội chủ nghĩa ở đây thật ưu việt. Thực tế đó đã củng cố thêm trong Người một nhận thức, các dân tộc thuộc địa muốn tự giải phóng, phải đi theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của một đảng cộng sản theo như con đường mà nhân dân Nga đã trải qua.
Và đã đến lúc, Người cũng tự bảo mình phải về lại phương Đông. Nơi đó, “Đông Dương đang che dấu một cái gì sục sôi gầm thét và khi thời cơ đến thì nó sẽ bùng nổ mãnh liệt”(1). Cuối năm 1924, Người, với chức trách Phái viên của Quốc tế Cộng sản, theo tàu biển đến Quảng Châu với cương vị là phóng viên của Hãng Thông tấn Rôtxta (Nga) và là phiên dịch viên hai thứ tiếng Trung và Pháp cho đại sứ Bô-rô-đin của Liên Xô tại Trung Hoa Cộng hoà dân quốc do Tôn Trung Sơn đứng đầu. Và như ta đã biết, trong trách nhiệm của mình đối với đất nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức, huấn luyện để đến ngày 3-2-1930 thì Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, mở ra bước ngoặt lịch sử vĩ đại của Cách mạng Việt Nam. Người đã là “hình ảnh của sự kết nghĩa anh em của phong trào giải phóng dân tộc với giai cấp vô sản thế giới. Là sự gặp nhau giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội(2)”.
- Xô viết Nghệ - Tĩnh ra đời và đặc điểm, tính chất của nó
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, vào các năm 1930-1931, một cao trào cách mạng rộng lớn được dâng lên ở rất nhiều nơi trong cả nước Việt Nam. Bấy giờ tại Nghệ An và Hà Tĩnh, nơi các cuộc đấu tranh đạt đến đỉnh cao, dưới sự lãnh đạo của các Chi bộ Đảng, ở nhiều thôn làng, quần chúng nông dân có sự tham gia, hưởng ứng của thợ thuyền, binh lính đã biểu tình, tranh đấu, bãi bỏ bộ máy thống trị của thực dân, phong kiến do lý hương, Tây đồn cai quản mà lập nên chính quyền mới do Ban Chấp hành hội Nông dân, tức Xã bộ nông quản lý. Lịch sử gọi đó là các Xô viết nông thôn.
Từ sự kiện lịch sử đó, ta có thể liên hệ đến niềm tự hào của Các Mác khi nhận ra ở Công xã Pari (1871) một loại hình nhà nước vô sản mà Người hằng mơ tưởng.
Chính quyền Xô viết Nghệ - Tĩnh đã được lập ra trong máu lửa của cao trào đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo với các khẩu hiệu: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và Nam triều phong kiến chế độ”; “Công - nông - binh liên hiệp lại, làm theo Cách mạng tháng Mười Nga”. Sự định hướng xã hội chủ nghĩa cho công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của Việt Nam sau này đã được đặt ra ngay từ khi Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động (bao gồm cả thân sĩ, trí thức) đứng lên lãnh đạo cách mạng. Trong lời đề tựa cho Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh (1963), Hồ Chủ tịch cũng đã viết: “Xô viết Nghệ - Tĩnh là chính quyền cách mạng đầu tiên của công nông, đã lật đổ chính quyền phản động của đế quốc và phong kiến ở mấy nơi trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh”.
Đó là điều cơ bản để chúng ta so sánh Xô viết Nghệ - Tĩnh với các loại hình Xô viết và công xã khác đều cùng ra đời sau Cách mạng tháng Mười.
Cách mạng vĩ đại mang tầm thế giới của nhân dân Nga thành công đã dấy lên một cao trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở những nơi có công nghiệp phát triển như Đức, Tiệp và một số nước có điều kiện tương tự. Nổi bật nhất là Xô viết Hung (Hongrie) (3) thành lập từ ngày 21-3-1919.
Xô viết của công nhân và binh lính Hung tồn tại được 113 ngày, chiến đấu rất anh dũng nhưng rồi đã bị thất bại vì chưa kịp đáp ứng nhu cầu về quyền lợi thiết thân của quần chúng cần lao. Dân cày Hung lúc bấy giờ rất cần đất ruộng nhưng các Xô viết ở đấy lại không có chính sách để giải quyết vấn đề đó. Vì những người lãnh đạo Xô viết Hung lúc này đã bị ảnh hưởng bởi bọn theo chủ nghĩa cải lương. Điều đó đã được Lênin chỉ ra: “Không một người cộng sản nào được phép quên những bài học của nước Cộng hòa Xô viết Hung. Việc hợp nhất của những người cộng sản Hung với bọn theo chủ nghĩa cải lương đã làm cho giai cấp vô sản Hung phải trả một giá rất đắt”.
Còn cuộc khởi nghĩa ở Quảng Châu, thường gọi là Quảng Châu công xã (12-1927), theo một số nhà sử học nhận định thì đó chỉ là “một cuộc chiến đấu hậu vệ (Le combat de la garde en arrière)”(4) của phong trào nông dân Trung Quốc lúc bấy giờ chứ chưa phải là một loại hình nhà nước có tính chất công - nông.
Các Xô viết và công xã nói trên đã không có được sự nối tiếp về sau nên ảnh hưởng của chúng bị hạn chế. Còn Xô viết Nghệ - Tĩnh cùng với các khẩu hiệu: “Tăng tiền lương, giảm giờ làm, giao lò máy cho thợ thuyền” thì đồng thời cũng nêu: “Miễn sưu, hoãn thuế, trả ruộng đất cho dân cày” và đòi “Không được bắt binh lính người Việt đi đánh thuê ở nơi khác”... Khi Xô viết ra đời, các chi bộ Đảng đã chủ trương phát động quần chúng trưng thu thóc thừa của địa chủ phản động để cứu đói cho dân. Đồng thời với việc quân cấp công điền thổ, Xã bộ nông đã cho tịch thu một số trang trại, đồn điền của thực dân và bọn Việt gian đem chia cho những dân cày không có ruộng. Những việc làm ấy đã quy định tính chất dân chủ, bình đẳng do chính quyền Xô viết nông thôn Nghệ - Tĩnh thời 1930 - 1931 chủ trương. Đó là thành quả đấu tranh đầu tiên của khối liên minh công - nông - binh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được tiến hành theo tư tưởng của Lênin và Cách mạng tháng Mười Nga. Do đó, Xô viết Nghệ - Tĩnh đã có tiếng vang, có ảnh hưởng lớn trên trường Quốc tế và là đỉnh cao của cuộc Tổng diễn tập đầu tiên của Cách mạng tháng 8 (1945).
Tinh thần Xô viết Nghệ - Tĩnh luôn được nêu cao
- Một cái nhìn khách quan về mối quan hệ giữa Cách mạng tháng Mười Nga và Xô viết Nghệ - Tĩnh
Cách mạng tháng Mười Nga (1817) được tiến hành dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Lênin, người con kiệt xuất của đất nước và là một học trò lỗi lạc của Các Mác. Năm 1922, Liên minh (thường gọi là Liên bang) các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, gọi tắt là Liên Xô được thành lập (ít lâu sau, gồm cả thảy 7 nước cộng hoà) với nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng, mỗi nước cộng hoà có quyền tự do rút ra khỏi Liên minh Xô viết theo sự phát triển riêng của mình.
Tuy sau này hệ thống xã hội chủ nghĩa bị tan rã nhưng sự ra đời và tồn tại (trong một thời gian dài và chắc chắn chưa phải là hệ thống này đã cáo chung) của nó đã phân chia thế giới thành hai hệ thống: hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa (vốn có) và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa (mới ra đời). Loài người đã chứng kiến, để tồn tại, hệ thống xã hội chủ nghĩa còn non trẻ đã phải hết sức ngoan cường để chống lại kẻ thù của mình là chủ nghĩa tư bản - đế quốc mà sự thành công trong cuộc đấu tranh tự vệ đánh bại sự tấn công của Liên quân 16 nước vào Nga Xô viết, cũng như sự kiện Liên Xô chiến thắng trong Đại chiến thế giới lần thứ II (1939-1945) là một số ví dụ tiêu biểu.
Như thế là chủ nghĩa Mác - Lênin được thử thách và chiến thắng từ sự thành công rực rỡ của Cách mạng tháng Mười Nga và nó mau chóng trở thành một hệ tư tưởng, một đường lối cách mạng có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với công cuộc đấu tranh giải phóng ở các nước thuộc địa và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Lao động Việt Nam và nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã áp dụng học thuyết nói trên một cách sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước mình.
Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời là từ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác- Lênin (mà tính ưu việt của chủ nghĩa này được biểu hiện cụ thể bằng thắng lợi rực rỡ của Cách mạng tháng Mười Nga) khi từ phong trào đấu tranh đòi giải phóng của quần chúng cần lao, giai cấp công nhân nước nhà đã trưởng thành, đủ tư cách bước lên vũ đài chính trị. Xô viết Nghệ - Tĩnh ra đời và tồn tại được một thời gian là thành quả từ Cao trào cách mạng 1930 - 1931 do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Tính dân tộc và dân chủ được biểu hiện rõ nét trong các Xô viết nông thôn thuở ấy.
Vậy, rõ ràng không phải như Piêtơri, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp lúc đó cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của Cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở Việt Nam là từ ngoài vào, là “những hành động Bônsêvich từ Môtxcu (Mátxcơva) nhằm chống lại các thuộc địa của châu Âu bên châu Á”(5). Cũng không phải như sự hốt hoảng của tờ “Tin tức Thuộc địa” lúc bấy giờ cho rằng: “Bằng đường biển, qua các biên giới của Đông Dương, Môtxcu mang vào Việt Nam súng trường, súng lục, đạn dược, bom”(6)...
Điều mà các “nhà bình luận” đó không biết là, nói đến cách mạng Việt Nam là phải nói đến tính sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Xô-viết Nghệ - Tĩnh là sự sáng tạo tuyệt vời của quần chúng công nông trên mảnh đất này khi phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo được đẩy lên đến đỉnh cao. Mà hình ảnh tiêu biểu cho sự sáng tạo của cách mạng Việt Nam là chân dung Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong tác phẩm “Cách mạng Việt Nam và những bài học của nó”, Hốt-giơ-kin (Thomas Hodgkin) đã viết: “Một khía cạnh trong thiên tài của cụ Hồ Chí Minh là ngay từ 1922, khi Người xuất bản tờ Báo “Người cùng khổ” (Le Paria) ở Paris Người đã có khả năng trình bày chủ nghĩa Mác - Lênin không phải như một tín đồ ngoại lai mà là một cách suy nghĩ đặc biệt về con người, xã hội được nảy sinh từ kinh nghiệm cách mạng của chính dân tộc Người”(7).
Vì thế mà ta biết, Xô viết Nghệ - Tĩnh tuy bị chủ nghĩa đế quốc Pháp đàn áp đẫm máu nhưng sức sống của nó là bất diệt. Nó để lại những kinh nghiệm quý báu cho các phong trào cách mạng về sau và cùng dẫn đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng 8 (1945).
Chú thích
- Nguyễn Ái Quốc, “Đông Dương”, Tạp chí “Cộng sản” của Đảng Cộng sản Pháp, số 14, tháng 4/1921.
- Phạm Văn Đồng, Báo Nhân Dân (Hà Nội) số ra ngày 14 - 7- 1960.
- Từ năm 1993, Tiệp Khắc chia thành 2 nước là: Czếch và Slôvakia.
- Nguyễn Khánh Toàn: “Mấy bài học về Xô viết Nghệ - Tĩnh”, Tài liệu lưu tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghệ An (1970).
- Cuộc bàn cãi ở Nghị viện Pháp, theo Tập san “Xô viết Nghệ - Tĩnh”, NXB Sự Thật, Hà Nội 1962, tr.5.
- Tài liệu lưu tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Nghệ - Tĩnh, 1780.
- Sách đã dẫn, tập 16, tr.233.