Chủ động chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới

1/9/2021

LTS: Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 chính thức được triển khai từ năm học 2020-2021, bắt đầu là lớp 1, đến năm học 2021 - 2022, sẽ triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Với nhiều thay đổi so với Chương trình giáo dục hiện hành, Chương trình GDPT 2018 đáp ứng yêu cầu xây dựng và chuẩn hóa nội dung GDPT theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng... Những thay đổi của Chương trình đặt ra yêu cầu mới đối với toàn ngành giáo dục, đòi hỏi phải có cách làm mới, tư duy mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Do đó, nhiệm vụ quan trọng được đề ra là triển khai hiệu quả chương trình này và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tiếp Chương trình GDPT mới đối với lớp 7, lớp 10 cho năm học tiếp theo. Để triển khai hiệu quả Chương trình, ngành giáo dục tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch linh hoạt cho năm học mới phù hợp với diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp và khó lường. Ngoài ra, tỉnh cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho việc chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 2 và lớp 6. Làm rõ hơn vấn đề này, Đặc san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An có cuộc trao đổi với Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo ưu tú Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An.

Chủ động chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới

 

LTS: Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 chính thức được triển khai từ năm học 2020-2021, bắt đầu là lớp 1, đến năm học 2021 - 2022, sẽ triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Với nhiều thay đổi so với Chương trình giáo dục hiện hành, Chương trình GDPT 2018 đáp ứng yêu cầu xây dựng và chuẩn hóa nội dung GDPT theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng... Những thay đổi của Chương trình đặt ra yêu cầu mới đối với toàn ngành giáo dục, đòi hỏi phải có cách làm mới, tư duy mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Do đó, nhiệm vụ quan trọng được đề ra là triển khai hiệu quả chương trình này và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tiếp Chương trình GDPT mới đối với lớp 7, lớp 10 cho năm học tiếp theo.

Để triển khai hiệu quả Chương trình, ngành giáo dục tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch linh hoạt cho năm học mới phù hợp với diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp và khó lường. Ngoài ra, tỉnh cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho việc chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 2 và lớp 6.

Làm rõ hơn vấn đề này, Đặc san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An có cuộc trao đổi với Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo ưu tú Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An.

*   *   *

 Upload

P.V: Thưa Giáo sư, năm học 2021 - 2022 đang cận kề, cùng với cả nước, Nghệ An triển khai tổ chức dạy học theo Chương trình sách giáo khoa mới. Đây là vấn đề không chỉ ngành giáo dục mà đông đảo phụ huynh và các em học sinh cũng rất quan tâm. Vậy, Giáo sư có thể nói rõ hơn quan điểm dạy học được thể hiện trong Chương trình SGK mới như thế nào và có sự khác biệt gì so với quan điểm dạy học trong Chương trình SGK trước đây?

 Giáo sư Thái Văn Thành: Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT), tức là Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ cách tiếp cận đến quan điểm, và phương pháp xây dựng chương trình khác hoàn toàn so với Chương trình SGK truyền thống.

Theo đó, cách tiếp cận theo Chương trình mới chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh và được xây dựng dựa trên hai phương pháp là sơ đồ ngược (Back-mapping) và RIA (Regulatory impact asessment). Tức là đảm bảo phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua chương trình giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được mục tiêu đó.

Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo hướng mở, nghĩa là trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội; phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình;...

Chương trình giáo dục phổ thông mới phải bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học.

Nói tóm lại, Chương trình GDPT mới thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và năng lực của mỗi học sinh; các phương pháp đánh giá phải đổi mới theo hướng đánh giá năng lực học sinh để đạt được chuẩn đầu ra. Nghĩa là không đặt ra mục đích yêu cầu một cách áp đặt, chủ quan, mà phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn xã hội. Trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn, giáo dục sẽ đào tạo học sinh đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu của xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đó là cách tiếp cận theo chuẩn đầu ra, theo năng lực của học sinh. Theo quan điểm đó mà mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục cũng thay đổi theo.

 

P.V: Giáo sư có nói tới việc quan điểm thay đổi dẫn đến sự thay đổi nội dung và phương pháp dạy học. Vậy, cụ thể phương pháp dạy và học của giáo viên và học sinh theo Chương trình GDPT mới như thế nào, thưa Giáo sư? 

Giáo sư Thái Văn Thành: Trước đây, sách giáo khoa là pháp lệnh, trong đó đưa ra mục tiêu từ trước rồi mới thiết kế nội dung, phương pháp dạy học, do đó người giáo viên phải thực hiện nghiêm và dựa vào chương trình sách giáo khoa để giảng dạy. Điều đó khiến giáo viên bị thụ động, không phát huy được tính chủ động, sáng tạo, năng động của mình.

Nhưng chương trình SGK mới hoàn toàn khác, giáo viên được tiếp cận chương trình phổ thông mới 2018, sau khi xác định chuẩn đầu ra của từng môn học, nhu cầu của thực tiễn, xác định hình thành những năng lực gì cho các em học sinh, từ đó, giáo viên sẽ chủ động tham khảo tài liệu xây dựng giáo án giảng dạy phù hợp với học sinh, để làm sao học sinh phát huy tối đa được năng lực của mình.

Giáo viên có thể đưa ra những chủ đề dạy học mà trong sách giáo khoa không có, hoặc có thể thiết kế các dự án học tập, các hoạt động trải nghiệm để các em vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Bởi vì, muốn hình thành năng lực cho các em học sinh thì giáo viên ngoài truyền thụ kiến thức còn phải rèn luyện kỹ năng, cách thức làm ra một sản phẩm thông qua thực hành, thí nghiệm, trải nghiệm. Cho nên SGK mới không còn là pháp lệnh mà là phương tiện để giáo viên phát huy tính chủ động và sáng tạo trong giảng dạy của mình

 Phương pháp giảng dạy theo Chương trình GDPT mới này là một cái khó đối với giáo viên, do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở GD&ĐT các địa phương đã tiến hành đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cách thức tiếp cận Chương trình này. 

 

P.V: Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, việc triển khai tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trên địa bàn Nghệ An tiếp cận với Chương trình SGK mới đã tiến hành như thế nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư Thái Văn Thành: Việc triển khai bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên tiếp cận với SGK mới đã được Sở GD&ĐT triển khai từ rất sớm.

Ngay từ khi có sách mô phỏng, minh họa, Sở đã làm việc với các nhà xuất bản để giáo viên vừa được tiếp cận, vừa trực tiếp tham gia góp ý vào bộ SGK đó nên giáo viên được tiếp cận từ hai phía. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu nhà xuất bản cung cấp SGK cho các trường học và chỉ đạo tất cả các giáo viên đều phải tham gia sinh hoạt bộ môn, trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn giảng dạy, những thuận lợi, khó khăn hoặc những kiến thức không phù hợp giáo viên sẽ góp ý điều chỉnh.

Không chỉ được bồi dưỡng, tiếp cận sớm, đội ngũ giáo viên Nghệ An ngoài tập huấn theo chương trình của Etep qua hệ thống LMS của Bộ GD&ĐT cùng với các tỉnh thành khác, họ còn được bồi dưỡng trực tiếp. Cụ thể, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Trường Đại học Vinh bồi dưỡng trực tiếp cho 2.344 giáo viên lớp 1; 2.540 giáo viên lớp 2 và 1.629 giáo viên lớp 6, chuẩn bị sẵn sàng tham gia giảng dạy trong năm học mới; đến 20/8 hoàn thành việc bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 trên toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở còn đề nghị Trường Đại học Vinh sau khi bồi dưỡng phải sát sao, giải đáp những câu hỏi, những thắc mắc và kiến nghị của giáo viên và phải đặt lịch trên hệ thống LMS để giải đáp, và nếu cần phải đến trực tiếp hướng dẫn, chia sẻ cho giáo viên. Đặc biệt, trong Chương trình SGK mới đối với lớp 6 phải xây dựng các chủ đề học tập, các chủ đề đó phải tích hợp nhiều môn và liên kết thành một thể thống nhất, đó là vấn đề hoàn toàn mới so với trước đây. Đây chính là cái khó đối với giáo viên. Nắm bắt được điều đó, Sở đã đề nghị với Trường Đại học Vinh đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và phải cho giáo viên thực hành nhiều để cho giáo viên tự tin, chủ động triển khai tốt chương trình năm nay.

 

P.V: Việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên đã được chuẩn bị từ rất sớm, tuy nhiên, Chương trình SGK mới được đánh giá là rất khó, vậy theo Giáo sư, đội ngũ giáo viên của tỉnh đã đáp ứng yêu cầu của Chương trình chưa? Và để triển khai hiệu quả Chương trình SGK mới, Nghệ An cần chuẩn bị những điều kiện gì, thưa Giáo sư? 

Giáo sư Thái Văn Thành: Giáo viên của Nghệ An bây giờ phải nói rất giỏi, tâm huyết, trách nhiệm và nghiêm khắc đối với học trò. Truyền thống dạy và học của ông đồ xứ Nghệ đã nổi tiếng từ bao đời nay, do đó về nền tảng tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm và lòng yêu nghề thì chúng ta không phải băn khoăn.

Cái khó của giáo viên dạy theo Chương trình mới đó chính là thay đổi được nhận thức của mọi người, của xã hội để cùng thực hiện Chương trình. Trước đây, chúng ta cung cấp kiến thức cho học sinh, hình thành kỹ năng và giúp đạt điểm cao trong các kỳ thi được xem là thành công. Bây giờ thì lại khác, không dạy cho học sinh biết cái gì mà dạy cho các em làm được cái gì. Ngoài cung cấp kiến thức còn giúp các em phát triển năng lực thực hành để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Do đó, giáo viên phải lập được các tình huống, các dự án dạy học, các hoạt động cho học sinh trải nghiệm và vận dụng những kiến thức đã học đó để các em hình thành và phát triển năng lực. Với phương pháp dạy học thay đổi, thay đổi cả tư duy cả hành động, cả cách thức tổ chức và hình thức tổ chức học thì đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết, trách nhiệm, phải nghiên cứu và không ngừng học hỏi mới thành công được.

Để triển khai hiệu quả Chương trình SGK mới, ngoài việc chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên, Sở còn chú trọng bồi dưỡng năng lực quản trị nhà trường đối với đội ngũ cán bộ quản lý. Năm 2019 chúng tôi đã bồi dưỡng cho 1.082 hiệu trưởng trường phổ thông. Đây là đội ngũ được xem là đầu tàu chỉ đạo, quản trị sự thay đổi, vừa tạo ra lực hút vừa tạo ra lực đẩy, khích lệ giáo viên đổi mới, sáng tạo, truyền cảm hứng, tạo động lực và giao quyền chủ động cho giáo viên.

Thứ nữa là đầu tư về cơ sở vật chất theo các Thông tư chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hàng năm, ngoài Bộ ra, tỉnh còn trang bị cơ sở vật chất cho các trường học. Trên cơ sở danh mục thiết bị dạy học tối thiểu từ lớp 1 cho đến lớp 9, Sở đã tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí cho các huyện, thị để UBND các huyện, thị chỉ đạo phòng giáo dục, các trường học chủ động mua sắm, thiết bị đáp ứng được Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 

P.V: Đối với các huyện miền núi, đặc biệt là những huyện miền núi cao, việc triển khai Chương trình sách giáo khoa mới có gặp khó khăn gì không và ngành giáo dục đã có những biện pháp gì để khắc phục những khó khăn đó, thưa Giáo sư?

Giáo sư Thái Văn Thành: Các huyện miền núi sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với các huyện miền xuôi, đặc biệt là đối với các huyện vùng cao, điều này thì ai cũng rất rõ, nhất là về điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. 

Để khắc phục những khó khăn đó, trước hết là việc hỗ trợ đối với các gia đình thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn, trẻ mồ côi v.v. Sở đã làm việc với nhà xuất bản kêu gọi tài trợ để đảm bảo cháu nào cũng có sách giáo khoa đến trường; song song với đó chúng tôi trình UBND tỉnh trang bị sách cho thư viện các trường. Việc làm này năm học trước đã triển khai, để các cháu có thể lên thư viện đọc sách hoặc mượn sách về nhà học, đáp ứng nhu cầu học tập của các cháu.

Đối với đội ngũ giáo viên ngoài việc được bồi dưỡng chung theo quy định, Sở còn xây dựng chương trình riêng và tập huấn cho giáo viên miền núi, giúp họ nắm được phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá phù hợp với đặc điểm, năng lực của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, góp phần từng bước phát triển giáo dục miền núi.

 

P.V: Thưa Giáo sư, được biết Sở Giáo dục và Đào tạo vừa tham mưu để tỉnh ban hành Chương trình phát triển giáo dục vùng cao, Giáo sư có thể nó rõ hơn về nội dung này?

Giáo sư Thái Văn Thành: Nghệ An có 21 huyện thị nhưng có 11 huyện miền núi, việc triển khai chương trình giáo dục đối với các huyện miền núi gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau khi Nghị quyết được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua, Sở sẽ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, với những nội dung cốt lõi:

Thứ nhất, hầu như các điểm trường nằm rải rác, cách xa nhau, thêm vào đó là giao thông đi lại rất khó khăn nên phát triển giáo dục vùng cao gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục điều đó, Sở đã tham mưu quy hoạch mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường có học sinh bán trú để vừa đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, vừa đảm bảo quyền lợi và tạo môi trường giáo dục tốt cho các em học sinh.

Thứ hai, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên với mục tiêu, nội dung chương trình khác với giáo viên đại trà chung; bên cạnh đó  đề xuất cơ chế đặc thù để tạo động lực cho giáo viên yên tâm công tác và “an cư lạc nghiệp” lâu dài ở miền núi. Song song với đó là chính sách khuyến khích các em học sinh giỏi miền núi vào học ngành sư phạm, sau đó thu hút các em về phục vụ quê hương, bản làng, đây được xem là giải pháp bền vững.

Thứ ba, Sở đề xuất xây dựng mô hình phòng giúp phòng, trường giúp trường, cụ thể những trường có bề dày thành tích, có uy tín, năng lực ở miền xuôi, thành, thị lên hỗ trợ các trường miền núi bằng các chương trình như tập huấn, bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn; tổ chức hướng dẫn cách thức dạy theo chương trình mới; ôn tập cho học sinh qua các kỳ thi; hỗ trợ nhau trong các kỳ thi giáo viên giỏi;... Mô hình này Sở đã thí điểm và thu được kết quả khả quan, số lượng giáo viên giỏi các huyện miền núi tăng lên; kỳ thi THPT năm 2020-2021 vừa qua điểm thi trung bình chung môn ngoại ngữ của tỉnh Nghệ An tăng 0,96 điểm.

Thứ tư, Xây dựng Đề án huy động nguồn lực để phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú, trường có học sinh bán trú,  trong đó kêu gọi nguồn lực cả trong và ngoài nước. 

Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện!

HỒ THỦY - HOÀNG ANH

(Thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC