Sử dụng sách giáo khoa của Chương trình GDPT 2018

1/9/2021

Thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW năm 2013 của BCH Trung ương Đảng khoá XI, Nghị quyết số 88/2014/QH13 năm 2014 của Quốc hội khoá XIII và Quyết định số 404/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh được xây dựng và ban hành năm 2018, năm học 2020 - 2021, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ lớp 1 và sẽ hoàn thành trong vòng 5 năm. Vậy Chương trình, sách giáo khoa có những gì mới so với Chương trình, sách giáo khoa hiện hành và vấn đề sử dụng sách giáo khoa như thế nào trong bối cảnh có nhiều bộ sách?

PGS.TS Nguyễn Thị Trang Thanh

Viện Sư phạm Xã hội, Trường Đại học Vinh

 Đặt vấn đề

Thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW năm 2013 của BCH Trung ương Đảng khoá XI, Nghị quyết số 88/2014/QH13 năm 2014 của Quốc hội khoá XIII và Quyết định số 404/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh được xây dựng và ban hành năm 2018, năm học 2020 - 2021, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ lớp 1 và sẽ hoàn thành trong vòng 5 năm. Vậy Chương trình, sách giáo khoa có những gì mới so với Chương trình, sách giáo khoa hiện hành và vấn đề sử dụng sách giáo khoa như thế nào trong bối cảnh có nhiều bộ sách?

Upload

  1. Nội dung

2.1. Những điểm mới của Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018

Mục tiêu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 là góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học. Chương trình đã xác định các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cần hình thành và phát triển ở học sinh; yêu cầu cần đạt về những phẩm chất, năng lực ấy đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học. Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

Chương trình GDPT 2018 chú trọng dạy học phân hoá để phát huy tốt nhất tiềm năng, sở trường, phù hợp với sở thích, hứng thú của mỗi học sinh; chú trọng dạy học tích hợp, dạy học thông qua các chủ đề, môn học tích hợp để giúp người học rút ngắn quá trình huy động tổng hợp các nguồn lực thành năng lực; dạy học thông qua hoạt động tự học, thực hành, vận dụng của người học để hình thành, phát triển vững chắc năng lực của người học qua hoạt động.

So với Chương trình hiện hành, dạy học tích hợp trong Chương trình GDPT 2018 có một số điểm khác như: tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong cùng một môn học; xây dựng một số môn học tích hợp mới ở các cấp học (môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí ở cấp THCS); tích hợp cao ở các lớp học, cấp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học, cấp học trên; thực hiện dạy học tích hợp cả trong mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.

Trong chương trình GDPT mới, việc đánh giá học sinh sẽ có những thay đổi căn bản. Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong Chương trình tổng thể và Chương trình môn học, hoạt động giáo dục, chú trọng đánh giá thường xuyên. Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.

Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

Đối với sách giáo khoa, Nghị quyết số 88 của Quốc hội quy định: Thực hiện xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như vậy, Sách giáo khoa là xuất bản phẩm cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Khác với Chương trình hiện hành, sách giáo khoa trong Chương trình GDPT 2018 có nhiều bộ sách khác nhau và là học liệu chính trong quá trình dạy học chứ không phải là “pháp lệnh” như sách giáo khoa của Chương trình hiện hành. Cấu trúc và nội dung sách giáo khoa cũng có nhiều thay đổi so với sách giáo khoa hiện hành.

Cấu trúc sách giáo khoa cơ bản có đầy đủ các thành phần sau: phần, chương hoặc chủ đề, bài học, giải thích thuật ngữ và mục lục.

Sách giáo khoa không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức. Số tiết trong mỗi chủ đề/bài học chỉ là dự kiến, gợi ý, còn tuỳ thuộc vào giáo viên xác định và tổ chức dạy học. Phần lớn các sách giáo khoa đều có cấu trúc một chủ đề/bài học gồm: phần mở đầu, phần kiến thức mới, phần luyện tập và phần vận dụng. Ngoài ra, một số sách sẽ có thêm phần yêu cầu cần đạt hoặc phần mở rộng.

Các sách giáo khoa đều được biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, các chủ đề/bài học tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập. Tư liệu học tập trong sách giáo khoa phong phú, thẩm mỹ, có sự kết hợp chặt chẽ giữa kênh hình và kênh chữ. Trong phần thông tin đều có các câu hỏi hoặc tình huống/nhiệm vụ học tập liên quan đến các tư liệu học tập để giáo viên có thể tổ chức các hoạt động cho học sinh khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Các bài học trong sách chú trọng đến phát triển năng lực của học sinh thông qua các hệ thống các câu  hỏi, yêu cầu là gợi ý để tổ chức hoạt động (nhóm/ cá nhân) cho học sinh như: nhận xét, phân tích các thông tin/ngữ liệu, hình ảnh, sơ đồ,… để tự rút ra những kiến thức cần thiết.

Chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” phù hợp với xu hướng của giáo dục thế giới, phát huy trí tuệ, tài lực, vật lực của xã hội đóng góp cho giáo dục, tạo ra sự thi đua của các tổ chức, cá nhân làm sách giáo khoa, đồng thời tạo điều kiện để cơ sở giáo dục lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của mình.

Upload

Giáo viên được tập huấn, hướng dẫn và thực hành kỹ càng trước khi giảng dạy

2.2. Một số lưu ý đối với giáo viên và học sinh khi sử dụng sách giáo khoa của Chương trình GDPT 2018

Trên cơ sở bộ sách giáo khoa đã được phê duyệt và đưa vào sử dụng trong nhà trường, giáo viên sử dụng sách giáo khoa để tổ chức dạy học, giáo dục đáp ứng được yêu cầu cần đạt, cũng như hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cho học sinh như trong Chương trình GDPT đã quy định. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng sách giáo khoa, giáo viên cần lưu ý những vấn đề sau:

Kế hoạch giáo dục của nhà trường hay kế hoạch dạy học của một môn học, hoạt động giáo dục ở các trường sẽ khác nhau, không đồng nhất như Chương trình hiện hành. Cùng một chủ đề trong sách giáo khoa nhưng tùy vào đối tượng học sinh mà trường này có thể dạy 2 tiết, nhưng trường khác có thể dạy 3 đến 4 tiết. Tốc độ thực hiện chương trình nhanh hay chậm từng giai đoạn có thể khác nhau giữa các trường, miễn là không vượt quá tổng thời gian của môn học đó trong một năm. Vì vậy, giáo viên cần hiểu rõ chương trình, sách giáo khoa, đặc điểm của học sinh và điều kiện của nhà trường để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng. Trong quá trình thực hiện, giáo viên có thể thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

Giáo viên chủ động, sáng tạo trong tổ chức dạy học và giáo dục, không nhất thiết phải tuân thủ hoàn toàn như trong sách giáo khoa. Thời lượng của một chủ đề/bài học trong sách giáo khoa chỉ là dự kiến, giáo viên cần căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình, đối tượng học sinh và điều kiện của nhà trường để sắp xếp thời lượng cho mỗi chủ đề và toàn bộ môn học một cách phù hợp và khoa học.

Upload

Giáo viên được tập huấn, hướng dẫn và thực hành kỹ càng trước khi giảng dạy

Ngoài sách giáo khoa đã được phê duyệt để dạy học trong trường của mình, giáo viên có thể sử dụng các bộ sách giáo khoa khác để tham khảo, xây dựng kế hoạch dạy học và tổ chức dạy học ở một số chủ đề cụ thể nếu cần thiết. Một số thông tin/ngữ liệu,… của chủ đề/bài học trong sách giáo khoa nếu giáo viên thấy chưa phù hợp với đối tượng học sinh thì giáo viên có quyền chủ động lựa chọn, sử dụng các thông tin/ngữ liệu,… dạy học từ các tài liệu tham khảo khác để biên soạn và tổ chức dạy học để đáp ứng được yêu cầu cần đạt của Chương trình môn học và phù hợp với đối tượng học sinh.

Giáo viên cần căn cứ vào các yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục, các năng lực đặc thù của môn học/hoạt động giáo dục đó cũng như năng lực chung và phẩm chất chủ yếu trong Chương trình GDPT tổng thể để thiết kế kế hoạch dạy học và giáo dục, kế hoạch bài học (giáo án) cho môn học/hoạt động giáo dục đó, không căn cứ vào sách giáo khoa như hiện nay nhiều giáo viên vẫn thường sử dụng.

Ví dụ: Để thiết kế kế hoạch bài học theo định hướng phát triển năng lực, trước hết giáo viên cần xác định mục tiêu trong chủ đề/bài học. Giáo viên cần căn cứ vào yêu cầu cần đạt của từng chủ đề trong chương trình môn học, từ đó xác định mục tiêu của chủ đề/bài học (các yêu cầu cần đạt và định hướng hình thành và phát triển các năng lực đặc thù, năng lực chung và phẩm chất chủ yếu trong chủ đề/bài học). Căn cứ vào đối tượng học sinh (khả năng học tập của học sinh), điều kiện thực hiện (thực tiễn của nhà trường, địa phương; phương tiện,…) và sách giáo khoa, giáo viên sẽ xác định các nội dung của chủ đề/bài học, phương tiện dạy học phù hợp; xác định các kiến thức, kĩ năng để hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Ngoài sách giáo khoa là tài liệu học tập chính giáo viên có thể sử dụng các tài liệu khác để xác định các nội dung chi tiết của bài học, trình tự bài học,… và lựa chọn các công cụ, phương tiện và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với mục tiêu đã đặt ra và phù hợp với đối tượng học sinh.

Khi xác định các phương pháp dạy học, giáo viên cần lưu ý đến đặc điểm tâm - sinh lí, khả năng, nhu cầu, hứng thú và định hướng nghề nghiệp của các đối tượng học sinh khác nhau, nhằm phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi học sinh, khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập.

Trong quá trình dạy học, giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn các hoạt động học tập cho học sinh theo các nội dung đã có trong sách giáo khoa hoặc những nội dung mà giáo viên đã biên soạn nhằm đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Ngoài những câu hỏi, nhiệm vụ học tập có trong sách, giáo viên có thể thay đổi hoặc tạo tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển.

Đối với dạy học phát triển năng lực, đánh giá quá trình (đánh giá thường xuyên) rất quan trọng. Việc đánh giá quá trình, đánh giá sự tiến bộ mới là đánh giá thiết thực và hiệu quả nhất cho sự phát triển của mỗi học sinh. Phần lớn các sách giáo khoa biên soạn đã gợi ý, tạo điều kiện cho giáo viên sử dụng nhiều công cụ, biện pháp khác nhau trong kiểm tra, đánh giá như: sử dụng phiếu học tập, thảo luận,… đánh giá đồng đẳng và tự đánh giá của học sinh. Tuy nhiên, giáo viên cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá cụ thể mỗi hoạt động trong mỗi chủ đề/bài học và toàn bộ chương trình đối với học sinh để đo lường được sự tiến bộ của học sinh cũng như đánh giá được hiệu quả dạy học và giáo dục.

Đối với học sinh, sách giáo khoa là học liệu chính được sử dụng thường xuyên trong quá trình học tập. Tuy nhiên, học sinh cũng cần sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, linh hoạt dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Để sử dụng sách giáo khoa một cách hiệu quả, học sinh cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng sách, hiểu rõ cấu trúc của mỗi chủ đề và toàn bộ sách giáo khoa. Trong quá trình học tập, học sinh cần biết rõ mục tiêu học tập trong mỗi chủ đề/bài học. Từ đó, học sinh chủ động thực hiện nhiệm vụ học tập thông qua nội dung sách giáo khoa và dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Học sinh sử dụng các thông tin, ngữ liệu, tình huống, hình ảnh,… trong sách giáo khoa để thực hiện học tập cá nhân hoặc học tập hợp tác (cặp đôi, nhóm) để trao đổi, tranh luận và giải quyết được nhiệm vụ học tập. Ngoài sách giáo khoa, các tài liệu giáo viên giới thiệu, học sinh có thể chủ động khai thác các nguồn tài liệu khác liên quan đến nội dung và mục tiêu của chủ đề bài học để phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu cũng như vận dụng các kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn để hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng sách, học sinh nên giữ gìn sách cẩn thận để có thể sử dụng lâu dài, tránh lãng phí.

  1. Kết luận

Chương trình, sách giáo khoa 2018 cho phép người giáo viên chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong quá trình dạy học. Sách giáo khoa chỉ là học liệu chính, người giáo viên hoàn toàn chủ động trong lựa chọn các nội dung, phương pháp và tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với đối tượng học sinh cũng như đáp ứng được các yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học 2018. Điều quan trọng là người giáo viên cần hiểu rõ chương trình mới, trang bị cho mình khả năng phát triển chương trình môn học, chương trình giáo dục của nhà trường, năng lực dạy học tích hợp, dạy học phân hoá cũng như phương thức kiểm tra, đánh giá trong dạy học phát triển năng lực để có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
  2. Chính phủ, 2015. Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đường link: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-404-QD-TTg-2015-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-270720.aspx
  3. GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, 2019. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và những thách thức cần vượt qua. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  4. Quốc hội khoá XIII, 2014. Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Chủ tịch Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đường link: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-quyet-88-2014-QH13-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-260798.aspx
  5. Các trang web: https://www.hoc10.com/bo-sach-canh-dieu.html; https://hanhtrangso.nxbgd.vn/?fbclid=IwAR3_91alcv9fKb_6VNqBz3I6IkIkVO0mO8pHlXYla8AweJuqfh6LU35GdLY.

CÙNG CHUYÊN MỤC

Nghiên cứu Kinh tế

Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội

Thông tin tư liệu