Bàn tròn tháng 3: Thầy, cô có hạnh phúc?

9/4/2021

LTS: Thiền sư Thích Nhất Hạnh có một câu nói: “Thầy cô giáo hạnh phúc có thể làm thay đổi thế giới!”. Hạnh phúc là một trạng thái tinh thần mà sự đủ đầy về mặt vật chất không hẳn sẽ tạo ra được một cách lâu dài, bền vững. Các thầy cô sẽ cảm thấy hạnh phúc khi chính họ thấy tự tin, thấy được an toàn, yêu thương và tôn trọng. Tuy nhiên, người giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, giống như một chiếc đòn gánh, gánh một đầu là ban giám hiệu nhà trường - phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo và một đầu là học sinh - phụ huynh. Có nhiều khi, những đòi hỏi, áp lực từ hai phía khiến chiếc đòn gánh như oằn xuống. Vậy thì chữ “hạnh phúc” là hữu hình hay vô hình đối với các thầy cô giáo? Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An xin lược đăng những ý kiến, tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của các thầy, cô ở các bậc học, các bộ môn, tuy không phải là tất cả, nhưng phần nào làm rõ được liệu “Thầy, cô có hạnh phúc?”.

 LTS: Thiền sư Thích Nhất Hạnh có một câu nói: “Thầy cô giáo hạnh phúc có thể làm thay đổi thế giới!”.

Hạnh phúc là một trạng thái tinh thần mà sự đủ đầy về mặt vật chất không hẳn sẽ tạo ra được một cách lâu dài, bền vững. Các thầy cô sẽ cảm thấy hạnh phúc khi chính họ thấy tự tin, thấy được an toàn, yêu thương và tôn trọng. Tuy nhiên, người giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, giống như một chiếc đòn gánh, gánh một đầu là ban giám hiệu nhà trường - phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo và một đầu là học sinh - phụ huynh. Có nhiều khi, những đòi hỏi, áp lực từ hai phía khiến chiếc đòn gánh như oằn xuống. Vậy thì chữ “hạnh phúc” là hữu hình hay vô hình đối với các thầy cô giáo?

Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An xin lược đăng những ý kiến, tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của các thầy, cô ở các bậc học, các bộ môn, tuy không phải là tất cả, nhưng phần nào làm rõ được liệu “Thầy, cô có hạnh phúc?”.

*   *  *

Ông Thái Huy Bích - Cựu giáo chức huyện Hưng Nguyên:

Thế hệ tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm thầy giáo

Upload

 Thế hệ 4x, 5x chúng tôi, khi chọn nghề dạy học không hẳn đã yêu nghề. Khi đó dân gian truyền tụng câu: “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nhưng khi đã trở thành thầy giáo rồi thì hầu hết đều dốc lòng dốc sức với nghề, và đa số giáo viên đều cảm thấy hạnh phúc.

Khó khăn thời thập kỷ 60, 70, 80 thì nhiều vô kể. Từ cái ăn, cái mặc, chỗ ở giáo viên, đến trường lớp, đều khó khăn thiếu thốn. Thời kỳ chiến tranh phá hoại còn lo thương vong, hầm hào, sơ tán. Những năm 80 lương thực khó khăn đến mức có người làm câu đối “Năm 80 gạo cũng 80/ Dân xứ Nghệ mắt vàng như nghệ”. Đội ngũ giáo viên khi thì thiếu, phải đào tạo cấp tốc, để giáo viên cấp dưới nhanh chóng lên dạy cấp trên. Lại có khi nhập trường, giáo viên thừa, còn nan giải hơn thiếu.

Nhưng thời đó chúng tôi cũng có nhiều niềm vui. Vui vì được xã hội tôn vinh “Nghề giáo là nghề cao quý, trong những nghề cao quý”. Học sinh quý thầy cô đã đành, phụ huynh cũng trân trọng nhà giáo. Chính quyền thì quan tâm, nhất là khi có Quyết định 167/HĐBT ngày 01/01/1982 của  Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định hàng năm, lấy ngày 20/11 là Ngày nhà giáo Việt Nam, chính quyền có trách nhiệm đứng ra tổ chức ngày truyền thống các nhà giáo. Chúng tôi thực hiện lời Bác dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”.

Chúng tôi để khó khăn lại ở nhà, đến lớp với học sinh bằng nụ cười tươi tắn, phong thái đĩnh đạc, giáo án chuẩn bị kỹ càng. Ai cũng thấm nhuần tinh thần “Mỗi thầy giáo cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, và “hết lòng vì học sinh thân yêu”. Mỗi khi có học sinh nào do khó khăn quá phải nghỉ học, chủ nhiệm lớp tìm đến nhà động viên gia đình cho em tiếp tục học. Khi học sinh có biểu hiện vi phạm đạo đức, chủ nhiệm cũng đến nhà riêng trao đổi với phụ huynh. Giáo viên thường nhận được lời trao gửi: “Trăm sự nhờ thầy!”. Nếu có em nào hỗn láo, thầy dùng roi quất vào mông, thì phụ huynh cũng đồng tình “Người roi, voi búa”. Chúng tôi coi học sinh như con em của mình. Học sinh cũng kính trọng, vâng lời hơn ngày nay.

So với bây giờ, học sinh thời ấy có hạn chế nhiều về ngoại ngữ, âm nhạc, tính sáng tạo. Nhưng về đức hạnh rất đáng khâm phục và tự hào, họ đã trở thành những thế hệ dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất, một số người 6x,7x trở thành nhân tài, truyền lửa cho thế hệ 8x, 9x đang làm rạng danh tổ quốc Việt Nam.

Nhưng thế hệ chúng tôi, không phải tất cả giáo viên đều cảm thấy hạnh phúc. Một bộ phận giáo viên quá khó khăn, sức khỏe yếu, trang phục thiếu chỉn chu, phương tiện đi lại là xe đạp “không chuông, không phanh, không gác - đờ - bu”, học sinh nhìn vào mà ngán nghề sư phạm. Cũng có giáo viên tìm cách làm kinh tế để có thu nhập thêm, “chân ngoài dài hơn chân trong”, bài giảng nhạt nhẽo, học sinh không tập trung hay làm ồn, thầy cô phải quát tháo để giữ trật tự lớp học, giờ học như tra tấn. Trong trường hợp đó thầy giáo không hạnh phúc, mà học sinh lại càng không hạnh phúc.

Nói về khó khăn, áp lực thì thời kỳ nào cũng có. Nhưng mỗi giai đoạn có khó khăn khác nhau. Khi ta yêu nghề thì ta sẽ vượt qua tất cả. Khi ta coi học sinh như con em của mình thì ta sẽ gần gũi, hiểu thấu, uốn nắn đúng cách, nâng niu những chồi non sáng tạo trong mỗi em, trân trọng những tính cách riêng có ở mỗi em.

Để tất cả giáo viên đều yêu nghề, toàn tâm toàn ý với nghề thì cần đổi mới đồng bộ. Chính sách của nhà nước hấp dẫn để thanh niên chọn ngành Sư phạm, như nước Đan Mạch chẳng hạn. Từ đó sẽ chọn được nhiều nhân tài làm nhà giáo. Thang lương phải khuyến khích Giáo viên giỏi, Nhà giáo sáng tạo, để ai cũng say sưa tìm tòi nghiên cứu cách thức đào tạo được nhiều nhân tài. Nhà giáo tài năng có quyền được giàu lên bằng tài năng của mình.

Xã hội phải tôn vinh nghề dạy học. Người xưa nói “Không thầy đố mày làm nên” giờ vẫn đúng. Học sinh rất vui khi thấy thầy cô lên lớp bằng trang phục đẹp, nét mặt tươi tắn. Học sinh rất buồn khi thầy cô dạy mình có tâm trạng buồn chán, mang tai tiếng. Người xưa nói “Ngọc cũng có vết”, nhà giáo cũng là người, cũng có sai lầm khuyết điểm, cần uốn nắn thường xuyên, nhưng  cần có phương pháp tế nhị. Nhà trường mới biết chắc ai là người cần loại khỏi nghề, ai là người cần phê bình nhắc nhở để tiếp tục giảng dạy. Nghề giáo cũng phải được sàng lọc, để những người không xứng đáng sẽ chuyển làm nghề khác.

 

PGS.TS Đinh Trí Dũng - Đại học Vinh:

Hạnh phúc là điều có thật trên con đường chúng ta đi qua, nếu mình biết trân trọng nghề nghiệp đầy áp lực nhưng cũng đầy thú vị này

Upload

Nếu phỏng vấn các nhà giáo: bạn có hạnh phúc không? Thì tôi chắc chắn sẽ nhận được nhiều câu trả lời rất khác nhau. Có nhiều người đang đứng trên bục giảng, nhưng thường than phiền chọn nhầm nghề. Trong mắt họ, nghề giáo thu nhập thấp, lại đầy khó khăn, áp lực: áp lực từ phía lãnh đạo, ban giám hiệu, phòng, sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo; áp lực từ phía phụ huynh, học sinh (áp lực này đang ngày càng nặng). Câu chuyện nghề giáo “nhàn” là chuyện của vài chục năm trước đây, còn bây giờ các thầy cô giáo đang phải “gồng mình” chống đỡ từ nhiều phía. Có cô giáo tâm sự rằng nhà giáo bây giờ là phận “con ong cái kiến”, sợ từ đứa trẻ mình đang dạy sợ đi. Nếu thế thì còn gì là hạnh phúc nghề nghiệp? Nhưng đồng thời, ở một phía khác, cũng nhiều nhà giáo lại thấy mình đang hạnh phúc, một hạnh phúc không hề cao xa nhưng hoàn toàn có thật đang hiển hiện hàng ngày, khi họ tìm thấy niềm vui trong sự nghiệp “trồng người” của mình. Vậy hai chữ “hạnh phúc” nhà giáo nên hiểu như thế nào? Câu chuyện này càng có ý nghĩa khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đang muốn thực hiện chủ trương: “xây dựng môi trường hạnh phúc trong nhà trường”.

Là một người có 38 năm đứng trên bục giảng, tôi thấy không có chuẩn chung cho cảm nhận hạnh phúc của mỗi người với ngành nghề mà mình đang theo. Khi bước chân vào đại học, tôi không chọn nghề giáo, nhưng rồi lại gắn bó với nghề này và cho đến nay, tôi vẫn thấy đây là nghề nghiệp phù hợp nhất với mình, đem lại cho mình nhiều hạnh phúc thật sự. Cũng như bao nghề khác, vui có, buồn có, xót xa cũng có. Nhưng nhìn lại, nghề giáo vẫn vui nhiều hơn buồn, hạnh phúc nhiều hơn bất hạnh. Hạnh phúc trước hết do mình tự tạo lập. Nghề giáo là nghề dạy người, vậy thì trước hết nhà giáo phải sống đường hoàng, ngay thẳng để học sinh, phụ huynh nể phục. Hãy giáo dục học sinh bằng sự yêu thương, trân trọng, bằng cả tấm lòng của mình. Đó là “quyền lực mềm” nhưng rất uy lực của nhà giáo. Ngược lại, nếu nhỏ nhen, kèn cựa, đố kỵ với đồng nghiệp, phân biệt đối xử với học trò, biến học sinh, phụ huynh thành chỗ kiếm chác thì làm sao tạo ra hạnh phúc. Hãy tìm hạnh phúc từ những đôi mắt trong veo của học trò mỗi giờ lên lớp, hạnh phúc khi nhận một bó hoa từ sự kính trọng, chân thành của các em học sinh. Hạnh phúc khi trên mỗi miền quê ta qua, bỗng nghe một tiếng chào thầy ấm áp... Có người bảo nghề này là nghề “chèo đò ngang”, phần lớn người qua sông quên ngay kẻ chèo đò. Sao lại cứ phải bắt người qua đò nhớ người chèo? Cuộc sống của các em có bao điều cần nhớ, bao chuyến đò các em sẽ phải qua. Nhà giáo đừng quá bận tâm vì những điều nhỏ nhặt, những điều phiền lòng trên đường đi của mình. Hãy nhìn sự lớn lên, trưởng thành của mỗi con người, mỗi nhân cách mà mình góp phần tạo dựng. Tôi rất tâm đắc với lời nói của một nhà giáo: “Hãy phấn đấu làm nhà giáo của học trò chứ đừng vì sự hài lòng của hiệu trưởng”. Cũng đừng quá buồn vì những tiêu cực này nọ trong ngành vì đó chỉ là số ít trong số 1,5 triệu nhà giáo. Và hạnh phúc là điều có thật trên con đường chúng ta đi qua, nếu mình biết trân trọng nghề nghiệp đầy áp lực nhưng cũng đầy thú vị này.

Tuy nhiên, cũng khó tạo ra hạnh phúc từ mỗi giáo viên nếu không có môi trường giáo dục nhân văn, dân chủ, chăm lo cho sự hoàn thiện, phát triển nhân cách của mỗi người. Hiện nay, môi trường giáo dục, văn hóa nhà trường đang đứng trước nhiều thách thức. Theo tôi, “xây dựng văn hóa nhà trường” trước hết là xây dựng môi trường dân chủ, thân thiện, hợp tác giữa hiệu trưởng, ban giám hiệu và các nhà giáo; giữa các nhà giáo với nhau và với phụ huynh, học sinh. Sao cho các chủ thể trong trường có sự gắn bó, chia sẻ vì những mục tiêu chung. John Dewey (1859-1952), nhà giáo dục lớn, triết gia xuất sắc người Mỹ, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Dân chủ và giáo dục” rất có lý khi nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó đặc biệt giữa dân chủ và phát triển giáo dục, vì: “Dân chủ bao giờ cũng bác bỏ nguyên lý của quyền lực bên ngoài, vì thế nó buộc phải tìm ra một quyền lực thay thế nằm bên trong khuynh hướng nhân cách và mối hứng thú tự nguyện; chỉ có giáo dục mới tạo ra được điều đó” (John Dewey, Dân chủ và giáo dục, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2016, tr. 113, 41).

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người cho rằng xã hội là “cõi phàm”, nhưng có ba nơi phải được xem là cõi thiêng là nhà thờ, nhà chùa và nhà trường. Mặt trái của cơ chế thị trường đang từng ngày từng giờ xâm nhập, tàn phá “cõi thiêng” ấy. Do đó, nói như John Dewey, “khi một xã hội trở nên phức tạp hơn, người ta nhận thấy cần phải có một môi trường xã hội dành riêng cho mục đích chăm lo tới việc giáo dục các thành viên non nớt” (John Dewey, Dân chủ và giáo dục, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2016, tr. 113, 41). Nhà trường có thể có lợi nhuận, nhưng không thể vì lợi nhuận mà làm méo mó các mục tiêu cao đẹp. Phải thực sự coi “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”.  Muốn vậy, các nhà giáo  phải được quan tâm, chăm lo về môi trường làm việc, chế độ, chính sách, lương bổng... để họ toàn tâm toàn ý cho nghề. Các cấp lãnh đạo ngành phải thật lòng “tạo ra động lực, giảm bớt áp lực” cho nhà giáo, trong đó giảm những áp lực từ những chủ trương, chính sách thiếu thực tế, nặng về hình thức, “bệnh thành tích” như buộc giáo viên phải có hàng loạt chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ thăng hạng..., các cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi, xếp loại giáo viên hàng tháng..., mà phần lớn trong đó chỉ gây thêm áp lực nặng nề cho giáo viên, không góp phần tạo ra động lực thật sự cho mục tiêu xây dựng trường học thân thiện, nhà giáo hạnh phúc, học sinh hạnh phúc.

 

Cô Phạm Thái Lê - Giáo viên Ngữ văn, Trường Marie Curie, Hà Nội:

Bài toán cho đổi mới giáo dục để hướng tới người dạy, người học thực sự hạnh phúc vượt khỏi khả năng giải của thầy cô

Upload

Bạn có hạnh phúc không?

Ngay lập tức không thể có câu trả lời. Ngay lập tức có câu trả lời đúng nhưng rồi sẽ sai sau đó, hoặc ngược lại. Hạnh phúc không ở bên ta mãi mãi. Hạnh phúc không tự tìm đường đến với ta. Hạnh phúc là do ta tự tạo dựng, tự kiếm tìm, tự cảm nhận. Không ai có thể thay ta nếm trải đời ta, đong đếm chính xác cuộc sống của ta có hạnh phúc.

Thầy, cô có hạnh phúc?

Nếu nhìn vào bức tranh giáo dục hiện tại, bạn nghĩ, thầy cô có hạnh phúc? Phụ huynh đến tận trường hành hung thầy cô giáo trước mặt con trẻ. Học trò xông lên tát cô giáo ngay trên bục giảng. Ngoài giờ lên lớp, thầy cô còn phải làm rất nhiều những việc vô bổ, đầy tính hình thức, chỉ để hoàn thiện hồ sơ, hoàn toàn không phục vụ chuyên môn. Người thầy chịu áp lực ba bề bốn bên từ trên phòng/ sở xuống, từ phía nhà trường, từ phụ huynh, học sinh, từ chương trình nặng nề, hàn lâm, giáo điều…

Những thầy cô hài lòng với hai chữ “ổn định” của nghề giáo thì không sao, nhưng những ai trăn trở chút với nghề thì thấy mình đang trong môi trường ngột ngạt và bức bách. Họ cũng muốn “thay đổi để hướng tới một trường học hạnh phúc”, nhưng sự này giằng níu sự kia, thành một vòng luẩn quẩn trói chân họ. Bài toán cho đổi mới giáo dục để hướng tới người dạy, người học thực sự hạnh phúc vượt khỏi khả năng giải của thầy cô.

Nhưng nếu chỉ nhìn thấy thế, thầy cô thực sự bất hạnh? Và chỉ có bất hạnh? Không phải vậy!

Tôi đã đọc được ở đâu đó, điều này, và rất tâm đắc: “Người ta không có tự do để khước từ bất hạnh hay chạy trốn khỏi bi kịch, nhưng có tự do chọn lựa thái độ của mình trước những gì xảy ra”. 

Trước những gì đang xảy ra của thực trạng giáo dục, tôi tìm hạnh phúc trong những đôi mắt trẻ thơ đang hướng về tôi, tin cậy.

Trước chương trình sách giáo khoa ôm đồm nặng nề và giáo điều, tôi chọn cái đơn giản gần gũi dễ hiểu dễ áp dụng để dạy trẻ. Tôi nỗ lực mỗi ngày để không biến mình thành “thợ dạy”, “công nhân dạy học” như cách nói chua chát về sự mòn cũ nhàm chán của công việc. Và cho dù nhiều điều phi lí nhiễu nhương đang bủa vây, tôi vẫn luôn thấy cái lõi của nghề mình, là đang hướng trẻ tới những điều cao đẹp, sống đẹp, học làm người TỬ TẾ. Tôi vẫn nói với trẻ, và còn mãi nói điều này, như một phương châm sống và hành động, như là sự tự răn mình, rằng, sự học là muôn đời, biển học là mênh mông; việc học ở trường là điều quan trọng, nhưng học làm người tử tế quan trọng nhất, học suốt đời, không có kì thi nào kết thúc nó. Vì vậy, vượt lên mọi chương trình, chúng ta có bài học làm người, vượt lên mọi kiến thức, chúng ta dạy và học lẽ sống phải đạo. Vừa dạy vừa học. Tôi tìm thấy niềm hạnh phúc trong sự nỗ lực sống có ích như thế của mình. Và tôi tâm niệm, HỌC TRÒ LÀ NGƯỜI THẦY ĐẶC BIỆT CỦA TÔI.

Và tôi hạnh phúc, trong cái giản dị của đời mình, nghề giáo.

 

Thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai:

Mô hình nhà trường truyền thống đang dần bị thay thế bằng mô hình nhà trường hiện đại. Ở đó giáo viên không còn quyền uy tuyệt đối của người thầy, học sinh được tự do hơn, điều đó khiến cho một số giáo viên không bắt nhịp kịp và cảm thấy bị áp lực, không được tôn trọng

Upload

Theo tôi nếu nhìn nhận công bằng thì so với các giai đoạn trước, ngày nay người giáo viên đến trường tự tin, an toàn và được tôn trọng hơn rất nhiều. Trong thời kỳ chiến tranh, người giáo viên đến trường cũng như đi ra trận, lớp học bị bom đạn bủa vây. Đến thời bao cấp, đời sống của người giáo viên thiếu thốn đủ bề, trình độ đào tạo có hạn. Có người 7+3, có người trung cấp… Ngày nay giáo viên hoàn toàn tự tin về trình độ đào tạo, kỹ năng sử dụng công nghệ, được pháp luật bảo vệ, đời sống cũng không còn khó khăn như trước. Đa số giáo viên đã yên tâm với nghề, nỗ lực công tác. Nhiều người rất thành công, thậm chí được thế giới tôn vinh như cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ, đã lọt vào top 10 giáo viên toàn cầu.

Vậy tại sao vẫn có nhiều người kêu ca, phàn nàn, áp lực?

Thực ra nghề nào cũng có áp lực, nghề nào cũng có người kêu ca. Chỉ có điều đội ngũ giáo viên rất đông so với nghề khác và dễ tạo nên hiệu ứng xã hội khi có mạng xã hội hỗ trợ. Số người kêu ca, phàn nàn đó so với hàng triệu thầy cô đang miệt mài với nghề là rất ít.

Rồi chúng ta cũng cần nhìn nhận một thực tế là trong những năm gần đây, một số chính sách tác động đến đội ngũ giáo viên theo chiều hướng nhìn nhận nhà giáo cũng là một viên chức bình thường như viên chức các nghề khác, điều đó ít nhiều làm cho những ai còn ảo tưởng “Nghề cao quý” có chút thất vọng. Cũng có những chính sách còn bất cập khiến cho đội ngũ nhà giáo băn khoăn. Cũng có những nhà quản lý (Hiệu trưởng) gia trưởng, thiếu dân chủ khiến cho giáo viên bất bình. Nhưng đó chỉ là hiện tượng, khi những hiện tượng đó được đưa lên mạng xã hội thì rất tiếc nó lại dẫn dắt dư luận đi theo hướng đó càng tạo ra áp lực cho giáo viên.

Mô hình nhà trường truyền thống đang dần bị thay thế bằng mô hình nhà trường hiện đại. Ở đó giáo viên không còn quyền uy tuyệt đối của người thầy, học sinh được tự do hơn, học sinh được tham gia vào hoạt động của nhà trường nhiều hơn… Điều đó khiến cho một số giáo viên không bắt nhịp kịp và cảm thấy bị áp lực, không được tôn trọng, thậm chí có giáo viên phạm sai lầm xúc phạm học sinh, vi phạm đạo đức nhà giáo. Cộng thêm vào đó là cách hành xử thô bạo của một số rất ít học sinh đối với giáo viên khiến cho một bộ phận nhà giáo cảm giác bất an.

Xã hội càng phát triển, đương nhiên đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của công chức, viên chức nói chung, trong đó có đội ngũ nhà giáo ngày càng cao. Nếu như chúng ta coi những đòi hỏi đó của xã hội là áp lực không thể vượt qua thì đương nhiên sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế thay vì kêu ca, phàn nàn thì mỗi giáo viên cần nỗ lực hơn để bắt nhịp kịp với sự phát triển của xã hội.

Dù nghề dạy học có vất vả khó khăn đến mấy, thì từ xưa tới nay luôn có nhiều người sẵn sàng dấn thân. Có người dấn thân vì đam mê, có người lúc đầu dấn thân vì miếng cơm, manh áo rồi đam mê lúc nào không biết, chỉ cần bạn biết tìm thấy niềm vui, sự đam mê với nghề thì sẽ có hạnh phúc khi hành nghề.

 

Cô Lê Thị Mai Hồng - Trường THPT Qùy Hợp 2, huyện Quỳ Hợp:

Thực tế, chúng ta sẽ không thể làm cho ai hạnh phúc khi chính chúng ta không không hạnh phúc. Sẽ rất khó để có được hiệu quả giáo dục tốt nếu thầy cô đi dạy với một trái tim tổn thương, một bộ óc đầy những âu lo

Upload

Từ xưa đến nay, người giáo viên thường được gọi là Thầy như một sự trân trọng, tôn vinh. Bởi lẽ, đó không chỉ là người truyền dạy kiến thức, kỹ năng mà còn là tấm gương về tâm hồn, nhân cách. Và khi, thực sự được coi trọng là Thầy - với ý nghĩa đầy đủ trọn vẹn, khi đó họ sẽ hạnh phúc.

Chúng ta cũng có thể hiểu đơn giản hạnh phúc của thầy cô chính là khi họ được thỏa mãn, tìm được niềm vui với nghề, với cuộc sống. Theo tôi, điều đó được tạo nên bởi những yếu tố cơ bản sau:

Thứ nhất là, những kiến thức, năng lực của

CÙNG CHUYÊN MỤC