'Cần quy hoạch và thiết kế một đô thị Hoàng Mai đi sau nhưng vượt trước về các chuẩn mực phát triển hiện đại ngay từ đầu''

4/12/2020

LTS: Một trong những nhiệm vụ được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An được xem là vùng kinh tế trọng điểm mang nhiều kỳ vọng của tỉnh. Theo đó, trong tương lai không xa, Thị xã Hoàng Mai sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ nhờ các nội lực cũng như ngoại lực tác động, trở thành cực tăng trưởng của tỉnh. Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Tổ phó Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về những nhận định, đánh giá, góp ý cho định hướng phát triển của Thị xã Hoàng Mai, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế hàng đầu.

 

LTS:  Một trong những nhiệm vụ được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An được xem là vùng kinh tế trọng điểm mang nhiều kỳ vọng của tỉnh. Theo đó, trong tương lai không xa, Thị xã Hoàng Mai sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ nhờ các nội lực cũng như ngoại lực tác động, trở thành cực tăng trưởng của tỉnh.

Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Tổ phó Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về những nhận định, đánh giá, góp ý cho định hướng phát triển của Thị xã Hoàng Mai, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế hàng đầu.

*    *

*

Upload

 PV: Thưa PGS.TS. Trần Đình Thiên, là một người con của quê hương Hoàng Mai, luôn theo sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, ông có đánh giá như thế nào về tình hình phát triển của Hoàng Mai trong những năm gần đây?

 PGS.TS. Trần Đình Thiên:

Hoàng Mai thật sự khởi sắc, đúng theo nghĩa “đổi đời” kể từ khi tách ra khỏi huyện Quỳnh Lưu để thành lập Thị xã năm 2013. Từ một điểm xuất phát rất thấp - “thuần nông” nghèo và khó ở “địa đầu xứ Nghệ”, chỉ sau 7 năm, diện mạo vùng đất này đã thay đổi sâu sắc. Trong 7 năm, nhờ động lực đô thị hóa mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thị xã, đạt bình quân hơn 14%/năm, cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh. Giá trị tăng thêm của Hoàng Mai cũng có sự nhảy vọt, hiện đạt hơn 61 triệu đồng/người, gần gấp rưỡi mức bình quân cả tỉnh. Đây thực sự là một kết quả “ngoạn mục”, mang tính “đột phá”.

Gắn liền với những thành tích đó là những thay đổi sâu sắc về cơ cấu - hình hài đô thị lộ diện, các cơ sở công nghiệp - du lịch ít nhiều bề thế được xây dựng, khẳng định một tầm và thế phát triển mới. Nhà máy Tôn Hoa sen, Bánh kẹo Hải Châu, Khách sạn Mường Thanh - Hoàng Mai Luxury, Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Quang Khởi, v.v. là những mốc đánh dấu sự chuyển mình sang đẳng cấp phát triển cao hơn của Thị xã. Nền nông nghiệp “truyền thống” trình độ thấp, thống trị trước đây bắt đầu có động thái “nhường sân” cho một nền nông nghiệp mới: với Quỳnh Liên dẫn đầu, Hoàng Mai đang bắt nhịp vào quỹ đạo “nông nghiệp sạch - công nghệ cao”, vươn ra thị trường ngoại tỉnh với các sản phẩm chất lượng, có khả năng giúp người nông dân thoát nghèo và làm giàu.

Mảnh đất địa đầu xứ Nghệ đang chuyển mình và vươn mình. Những gì đạt được trong 7 năm qua là rất ấn tượng, đáng được ghi nhận và cần được đúc kết để rút ra những bài học tích cực. Đà và thế phát triển của Hoàng Mai, “cực tăng trưởng phía Bắc của Nghệ An”, đã được xác lập. Với đà và thế đó, có đủ tự tin để nói với Hoàng Mai, “phía trước là bầu trời”.

Tuy nhiên, ở mặt khác của quá trình phát triển, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng đó chỉ mới là bước đầu, những thành tích đạt được tuy rất ấn tượng, song vẫn còn khiêm tốn, còn xa và còn gian truân lắm để Hoàng Mai khẳng định chân dung đô thị đúng tầm và xứng tầm. Cần hiểu rằng việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao “đột biến” của Thị xã 7 năm qua một phần quan trọng là do xuất phát điểm thấp. Vẫn chưa lộ diện bóng dáng những nhà đầu tư chiến lược, những con đại bàng đích thực có khả năng tạo đột biến, đưa Hoàng Mai vượt lên đẳng cấp phát triển mới.

Đô thị Hoàng Mai hiện vẫn còn ngổn ngang mặt bằng. Khung khổ quy hoạch và chân dung phát triển chưa định hình rõ. Dân cư Hoàng Mai cơ bản vẫn chưa thoát khỏi “gốc gác” nông dân để thành “thị dân” đúng nghĩa. Lực lượng doanh nghiệp “bản địa” hãy còn rất yếu, v.v. Chưa kể sự thiếu thốn về nguồn lực phát triển, trong khi vẫn dư thừa rào cản và trở ngại thể chế.

Nghĩa là với Hoàng Mai, phía trước vẫn còn đầy khó khăn, thách thức.

 

PV: Như ông đánh giá thì mặc dù trong 7 năm qua, Hoàng Mai đã có những khởi sắc, “đổi đời” nhưng rõ ràng vẫn chưa đạt được kỳ vọng trở thành một trong những cực tăng trưởng, vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, vậy nguyên nhân do đâu, thưa PGS?

 PGS.TS. Trần Đình Thiên:

Đâu có dễ và nhanh đạt được một kỳ vọng phát triển lớn lao như vậy! Hoàng Mai cũng “không vội được đâu”. Vả lại, Hoàng Mai mới được “chọn” để xây dựng thành “cực tăng trưởng” của Tỉnh chỉ cách đây 7 năm, khi lãnh đạo Tỉnh tạo cơ hội để Hoàng Mai tiến “vượt cấp” lên Thị xã.

Đưa Hoàng Mai lên Thị xã, xây dựng thành cực tăng trưởng của Nghệ An không phải là một mục tiêu “tùy hứng” mà nằm trong ý đồ chiến lược quốc gia - phát triển khu vực “Nam Thanh - Bắc Nghệ” thành địa bàn phát triển trọng điểm, “cực tăng trưởng” của cả vùng Bắc Trung bộ.

Tại địa bàn “Nam Thanh - Bắc Nghệ”, cho đến nay, Khu Kinh tế Nghi Sơn (Nam Thanh Hóa) đã khẳng định vai trò quan trọng và vị thế chiến lược của mình bằng hàng loạt dự án đầu tư lớn. Hàng chục tỷ đô la đã được đầu tư vào đây. Khu Kinh tế Nghi Sơn chưa “bung hết sức”, song đã tạo bùng nổ phát triển, bắt đầu định hình chân dung phát triển và đóng vai trò là động lực tăng trưởng mạnh của Thanh Hóa.

Còn Hoàng Mai, “đi sau”, tuy đã đạt được thành tích phát triển “ấn tượng” như đã nêu, song so với “nửa” Nam Thanh của cụm phát triển Nam Thanh - Bắc Nghệ, hãy còn “tụt hậu” xa. Tôi nói tụt hậu theo đúng nghĩa đen của từ.

Nhận định như vậy không phải để chê bai mà là để nhận diện chính xác một thực trạng đáng suy nghĩ, đáng suy xét nghiêm túc cả về phía Nghệ An lẫn Trung ương.

Nguyên nhân của thực trạng đó có nhiều. Khách quan có, chủ quan có.

Nghi Sơn có những lợi thế hiển nhiên. Cảng tốt, mặt bằng đẹp. Nhưng quan trọng nhất là lãnh đạo và dân Thanh Hóa quyết tâm cao độ, đã “quyết chiến” bằng sức mạnh tổng hợp. Trung ương nhận thấy điều đó và thêm sự hỗ trợ. Và Nghi Sơn thực sự bùng dậy, tạo bứt phá trước Hoàng Mai khá lâu, nhờ đó, chiếm được “tiên cơ”.

Hoàng Mai đi sau, có những lý do “ngoài tầm với”. Ví dụ việc Hoàng Mai được giao “chức trách” cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Xi măng Nghi Sơn. Hoàng Mai lại “gánh” Mỏ đá như một trọng trách quốc gia. Mà đó là hai nguồn cung cấp ô nhiễm môi trường cho Hoàng Mai. Tôi cho điều đó giải thích tại sao Nghệ An nỗ lực cao độ để thu hút đầu tư lớn vào Hoàng Mai hàng mấy chục năm mà kết quả cho đến nay vẫn cứ èo uột như chưa bắt đầu.

Có một nguyên nhân mang tính chiến lược: Hoàng Mai chưa định hình được lợi thế chiến lược của mình gắn với tầm nhìn phát triển hiện đại. Thiếu cái này thì chưa biết rõ mình và khó thuyết phục nhà đầu tư, khó thuyết phục các cấp lãnh đạo cao hơn mà định hướng quy hoạch và các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp.

Tất nhiên, còn phải mổ xẻ kỹ hơn hơn nữa, nhất là các lợi thế “tĩnh” và “động”. Tôi là người Hoàng Mai, cảm nhận sâu sắc rằng Hoàng Mai có những tiềm năng lớn và lợi thế đặc sắc lắm. Nhìn ra cho trúng những cái này sẽ có cơ sở để “dựng” chân dung phát triển đúng và đề xuất cơ chế, chính sách phát triển phù hợp.  

 

PV: Vậy theo PGS.TS, Hoàng Mai cần “dựng chân dung phát triển” như thế nào cho đúng và cho trúng để đạt được kỳ vọng?

PGS.TS. Trần Đình Thiên:

Đầu tiên phải là xử lý các mỏ đá gây ô nhiễm. Muốn Hoàng Mai trở thành cực tăng trưởng đúng nghĩa thì phải dọn dẹp được những thứ này. Nếu không, sẽ khó mà thu hút được nhà đầu tư lớn tử tế nào vào Hoàng Mai.

Thứ hai phải xác định cho đúng quan hệ chức năng giữa Hoàng Mai và Nghi Sơn. Bắc Nghệ mà lặp lại cách phát triển của Nam Thanh thì Bắc Nghệ tiếp tục “đi sau”, còn Nam Thanh cũng bị thiệt hại - do không có sự phối hợp, liên kết để tạo sức cộng hưởng. Tôi nghĩ Hoàng Mai, với những lợi thế và điều kiện phát triển của mình, nên hướng mạnh vào mảng dịch vụ, du lịch. Xây dựng Hoàng Mai thành đô thị biển hiện đại, lấy dịch vụ đẳng cấp cao làm trục chủ đạo, vì thế, cần là định hướng chính, chi phối cách tiếp cận phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là công nghiệp.

Cần quy hoạch và thiết kế một đô thị Hoàng Mai đi sau nhưng vượt trước về các chuẩn mực phát triển hiện đại ngay từ đầu.

Thứ ba, Hoàng Mai cần thiết kế lại hệ thống du lịch - nghỉ dưỡng, gắn với việc đẩy mạnh xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao - sạch và thế mạnh hải sản. Lợi ích phát triển của đa số người dân Hoàng Mai là ở hướng phát triển này.

 

PV: Vậy để Hoàng Mai trở thành đô thị “đi sau vượt trước về các chuẩn mực hiện đại” như ông đã nói thì vai trò của các cơ quan cấp tỉnh như thế nào, thưa PGS.TS?

 PGS.TS. Trần Đình Thiên:

Tôi nghĩ đối với Hoàng Mai, cấp Tỉnh đóng vai trò định hình, định hướng, tạo điều kiện và cung cấp sự hỗ trợ phát triển ở cấp độ ưu tiên cao bậc nhất trong toàn bộ chương trình phát triển của Nghệ An trong giai đoạn tới. Nếu bỏ qua cách nói triết học về “vai trò quyết định của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng”, trong trường hợp Hoàng Mai, rõ ràng các cơ quan cấp tỉnh đóng vai trò quyết định. Cấp Thị xã chủ yếu là “thừa hành”, ít quyền, ít nguồn lực và tầm nhìn phát triển bị hạn chế.

Theo nghĩa đó, mấy cái gọi là đột phá nêu ở trên phải là đột phá từ tỉnh. Đồng thời, theo logic hành động, cần thêm một đột phá nữa thì may ra mới đủ: cải thiện mối quan hệ Tỉnh - Thị xã theo hướng tạo cơ hội và điều kiện cho Thị xã chủ động nhiều hơn, tức là có quyền chủ động mạnh hơn, có thêm nguồn lực, nhờ đó, sẽ sáng tạo hơn và chịu trách nhiệm cao hơn.

Khi đó thì có thể hy vọng Hoàng Mai sẽ bay lên như tất cả chúng ta mong đợi.

 Xin cảm ơn PGS.Ts về cuộc trò chuyện!

Hồ Thủy (Thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC