Làng trong tâm thức của người cao tuổi
Đọc nhiều nghiên cứu về làng xã và thỉnh thoảng hay bị ám ảnh bởi cấu trúc cảnh quan cây đa - bến nước - mái đình cũng như những yếu tố được các nhà nghiên cứu đề cập đến đàng sau những cấu trúc đó. Nó làm cho người ta cứ hay nhìn xung quanh mình để tìm về những yếu tố cảnh quan đã được định hình trong nhận thức khi tìm về một làng xã truyền thống nào đó. Bản thân từ “truyền thống”, vốn cũng mù mờ và vô cùng trừu tượng, chẳng có gì rõ ràng cả. Nhất là khi đặt “truyền thống” trong một diễn tiến thời gian thì thật khó để thấy cái gì là truyền thống, bởi cuộc sống luôn luôn thay đổi, con người luôn thích ứng không chỉ để sinh sống mà còn để phát triển, để sống tốt hơn. Ấy vậy mà đến nay, truyền thống vẫn như một con “ngáo ộp” (theo cách nói của TS Nguyễn Công Thảo) ám ảnh đến nhiều người.
Minh Tuệ
Đọc nhiều nghiên cứu về làng xã và thỉnh thoảng hay bị ám ảnh bởi cấu trúc cảnh quan cây đa - bến nước - mái đình cũng như những yếu tố được các nhà nghiên cứu đề cập đến đàng sau những cấu trúc đó. Nó làm cho người ta cứ hay nhìn xung quanh mình để tìm về những yếu tố cảnh quan đã được định hình trong nhận thức khi tìm về một làng xã truyền thống nào đó. Bản thân từ “truyền thống”, vốn cũng mù mờ và vô cùng trừu tượng, chẳng có gì rõ ràng cả. Nhất là khi đặt “truyền thống” trong một diễn tiến thời gian thì thật khó để thấy cái gì là truyền thống, bởi cuộc sống luôn luôn thay đổi, con người luôn thích ứng không chỉ để sinh sống mà còn để phát triển, để sống tốt hơn. Ấy vậy mà đến nay, truyền thống vẫn như một con “ngáo ộp” (theo cách nói của TS Nguyễn Công Thảo) ám ảnh đến nhiều người. Thật lạ hơn là có những người dù không thấy, không hiểu vẫn cố gắng đi tìm những cấu trúc truyền thống của một làng quê nào đó để chứng minh làng đó là “truyền thống”. Nhắc đến làng, không có cây đa, bến nước, mái đình, hoặc chỉ có một vài yếu tố thì có làm cho cái làng đó mất đi “truyền thống” không? Và xét cho cùng, “truyền thống” là cho tất cả mọi người hay cho một số người, một cộng đồng trong một giai đoạn nhất định? Nghe vậy nhưng không dễ để trả lời cho những câu hỏi này. Bởi cảnh quan của làng xã luôn gắn với tính cụ thể và cả tính vùng miền nữa. Làng xã Việt Nam đa dạng vô cùng và cấu trúc làng xã truyền thống được nói nhiều kia là đề cập đến làng xã ở vùng đồng bằng Bắc bộ trước đây. Nếu cứ mang cấu trúc đó xem xét ra các vùng miền khác, có thể sẽ đưa nhà nghiên cứu đi theo hướng khác. Vậy nên, khi nói đến làng thì cần xem xét cụ thể và trong bối cảnh, đối tượng của thể. Để thảo luận thêm về vấn đề này, bài viết này đề cập đến cảnh quan của một làng cụ thể ở Nghệ An và sự thay đổi cảnh quan đó qua tâm thức của những người già, vốn là chủ thể của làng đó trong hơn một nửa thế kỷ qua.
Làng tôi hiện tại
Làng ở Nghệ An khá đa dạng. Theo điều kiện tự nhiên thì có làng vùng ven biển, làng vùng đồng bằng, làng vùng trung du và làng ở miền núi. Theo nghề nghiệp cũng có làng nghề thủ công là chính, làng nghề nông nghiệp là chính, làng nghề thương nghiệp là chính. Sự phân chia như vậy đương nhiên là tương đối, vì xét cho cùng thì không có một làng nào chỉ sinh sống bằng một nghề, mà chủ yếu là làng hỗn hợp với nhiều nghề khác nhau, trong đó có những nghề quan trọng. Mỗi vùng miền như vậy lại có những mô hình làng xóm khác nhau. Vậy nên, nói để tìm kiếm một làng tiêu biểu, điển hình cho truyền thống xứ Nghệ làm đối tượng nghiên cứu là rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Với lại, làng nào cũng có truyền thống, chỉ là cách hiểu truyền thống như thế nào mà thôi. Trong bối cảnh đa dạng về mô hình, cơ cấu làng thì khó để lựa chọn cái gọi là điển hình. Vậy nên, để tìm hiểu về biến đổi cảnh quan làng trong mấy thập kỷ qua, chúng tôi lựa chọn một làng quê ngẫu nhiên ở nông thôn làm đối tượng khảo sát. Dù có thể hơi chủ quan, nhưng lựa chọn vùng quê mình sinh ra để tiến hành khảo sát vẫn được nhiều nhà nghiên cứu từng tiếp cận. Bởi ở đó có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc khảo cứu. Bên cạnh có được quá trình trải nghiệm, hiểu biết trong một thời gian nhất định khi sinh sống ở quê nhà thì còn nhiều mối quan hệ và mạng lưới xã hội sẵn có để giúp cho nhà nghiên cứu có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn. Vì nếu đến một địa bàn mới, người ta phải bắt đầu xây dựng mạng lưới xã hội và tìm hiểu tổng quan từ đầu trước khi đi sâu vào vấn đề chính mà mình quan tâm.
Quê tôi ở một xã thuộc vùng trung du của huyện Thanh Chương, thuộc khu vực phía Đông, gần giáp giới với huyện Nam Đàn. Nếu khu vực thượng lưu và phía Tây, Tây Nam huyện Thanh Chương là vùng núi thì vùng quê tôi lại tương đối bằng phẳng hơn. Phía Nam vùng này là dòng sông Lam, mà người quê tôi hay gọi là “rào Cấy” hay sông Cả, nghĩa là con sông lớn. Phía Bắc có một con sông nhỏ, là một nhánh của sông Lam, được gọi là Rào Gang. Một số tên gọi như Cầu Gang (hay Cầu Rào Gang), gạch ngói Rào Gang,… là vì nó gắn với con sông nhỏ này. Trong xã có một số ngọn núi nhỏ mà người địa phương gọi là rú. Lớn nhất là rú Ó, rồi rú Đờng, rú Giếng…. Đây là những ngọn núi trọc, gần như không có cây xanh. Bao quanh xã là hệ thống đất ruộng và đất bãi, đất đồng để người dân canh tác nông nghiệp. Đất bãi trồng hoa màu chủ yếu như lạc, ngô, đậu ở khu vực ngoài đê, dọc sông Lam. Một phần đất trong đê gọi là đất đồng trồng hoa màu nhưng diện tích ít hơn so với đất bãi. Tuy nhiên, đất đồng trồng trọt ổn định hơn do ít bị ảnh hưởng của mưa lũ từ nước sông dâng lên vì được hệ thống đê bảo vệ. Xóm nào cũng có cả ba loại đất này để chia cho người dân canh tác. Trước 1945, vùng này thuộc tổng Xuân Lâm. Về cơ bản, toàn bộ xã hiện nay thuộc vào hai làng khác nhau là làng Xuân Bảng và làng Phúc Yên. Sau này được chia tách ra thành xã với 10 xóm, gần đây lại tiếp tục sáp nhập các xóm và có thể sắp tới lại nhập xã. Nhưng sự thay đổi của các đơn vị hành chính hiện nay không làm ảnh hưởng quá nhiều đến cảnh quan của làng xóm. Nhưng trước đây thì đó lại là nhân tố tác động mạnh. Các sinh hoạt văn hoá cộng đồng trong xã hiện nay chủ yếu tổ chức ở sân vận động và hội trường ủy ban xã. Về văn hoá tâm linh thì hiện nay trong xã có đền Hữu là di tích lịch sử cấp quốc gia, được cộng đồng dân cư ở đây xây dựng, tu bổ và hương khói từ hàng thế kỷ nay. Không chỉ trong xã mà người dân ở các xã lân cận hàng tháng cũng đến thắp hương dâng lễ tại đền. Lễ hội của xã hiện nay cũng gắn với việc rước kiệu từ đền và tổ chức các sinh hoạt khác tại trung tâm xã. Các dòng họ trong xã đều có nhà thờ tổ tiên và hầu hết các lễ lớn liên quan đến dòng họ đều được tổ chức tại đây. Trong xã còn có một xóm có nhiều đồng bào Công giáo sinh sống và có một nhà thờ Đức Chúa đồ sộ được người dân xây dựng để thực hành đời sống tôn giáo.
Làng tôi hiện tại, nói đúng hơn là xóm tôi, cũng như nhiều xóm khác, được bao quanh bởi các con đường bê tông sạch sẽ chạy xuyên vào các ngõ ngách trong làng. Có một con đường nhựa lớn, là đường liên huyện, bắt nguồn từ đường quốc lộ chạy xuyên từ đầu đến cuối làng rồi ra đến uỷ ban và nối với các đường khác để đi qua các xã khác. Là một làng xóm thuộc khu vực trung du nên cũng có nhiều nét riêng biệt. Quanh làng có một số ngọn núi nhỏ, là khu vực đất mộ táng, nơi tập trung hầu hết nghĩa địa của các dòng họ trong cả xã. Dọc các đường lớn có nhiều ki ốt hàng quán bán tạp hoá và các loại hàng hoá thiết yếu cho đời sống người dân trong vùng. Các con đường ra giữa các cánh đồng, các thửa ruộng cũng được mở rộng và chắc chắn hơn. Hiện tại xóm nào cũng đã có nhà văn hoá và sân bóng chuyền bóng đá, là kết quả của quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hoá mới. Nhưng nhà văn hoá thỉnh thoảng mới mở cửa khi có công việc họp hành của xóm, bình thường thì ít khi có người lui tới. Còn sân bóng nhưng chủ yếu là dành cho lớp trẻ chơi thể thao như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông. Gần đây, có khá nhiều người phụ nữ, cả trẻ lẫn luống tuổi có tham gia chơi bóng chuyền hơi ở sân nhà văn hoá và sân bóng. Hầu hết trong làng xã không còn nhà tranh vách đất nữa, chủ yếu là nhà xây kiên cố, số lượng nhà tầng ngày càng tăng lên. Hầu hết các hộ gia đình hiện nay đều xây tường bê tông bao quanh nhà mình và dựng cửa cổng kiên cố. Nhà nào cũng lắp mái tôn để chống nắng ở sân nhà. Cổng vào và phần lớn diện tích trong khuôn viên nhà cửa đều lát gạch hoặc đổ bê tông. Đường lớn rải nhựa, đường làng, ngõ xóm đổ bê tông, sân nhà thì dựng mái tôn để che trong khi cây cối từ ngoài đường đến trong vườn đều ít dần. Nếu có thể nhìn từ trên cao xuống thì các làng xóm giờ nhìn như một lò giữ nhiệt khổng lồ vậy.
Nhìn chung, cảnh quan làng xã tôi hiện nay, cũng không khác gì các làng xã xung quanh thuộc khu vực trung du tỉnh Nghệ An này, đều có dáng dấp của làng xóm hiện đại với điện, đường, trường, trạm kiên cố. Đường lớn rải nhựa, đường bé đổ bê tông. Các sinh hoạt văn hoá tập thể tuỳ theo cấp độ xóm xã mà tổ chức ở nhà văn hoá, sân bóng của xóm, xã. Không chỉ cảnh quan làng xóm mà điều kiện vật chất, tinh thần của người dân cũng hiện đại hơn nhiều. Trong làng ngày càng nhiều người có xe ô tô. Nhà nào cũng có một hai, thậm chí là ba bốn chiếc xe máy từ loại ít tiền đến loại cả trăm triệu đồng. Rồi điều hoà, máy giặt, tivi, tủ lạnh,… hàng loạt các trang thiết bị sinh hoạt hiện đại ngày càng phổ biến. Hầu hết người dân đều sử dụng điện thoại di động với nhiều thể loại khác nhau. Có lẽ, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đây như là một mô hình phổ biến với các thiết chế văn hoá, từ cơ sở vật chất đến sinh hoạt tinh thần đều được đồng nhất, quy định theo các tiêu chí do nhà nước ban hành. Nó khiến cho các làng xóm, nhìn na ná giống nhau nhưng lại không giống nhau bởi trong đó là những con người khác nhau.
Còn làng tôi ngày trước ra sao?
Để hiểu thêm về việc biến đổi cảnh quan làng thì không có cách nào khác ngoài việc chúng ta phải tiếp cận theo chiều lịch sử. Bởi biến đổi là một quá trình trải qua các thời đoạn khác nhau. Một làng quê cũng vậy, trải qua những giai đoạn khác nhau thì cảnh quan, con người và văn hóa cũng có những thay đổi khác nhau. Vậy nên câu hỏi chính được đặt ra để xem xét là làng tôi ngày trước như thế nào?
Khi tiến hành tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi chia thành các câu hỏi khác nhau để tiếp cận theo các giai đoạn: Làng tôi trước Cách mạng tháng Tám 1945 như thế nào? Làng trong thời bao cấp ra làm sao? Và làng tôi từ đổi mới 1986 đến nay như thế nào? Đối tượng chúng tôi tiếp cận chủ yếu là những người lớn tuổi, những người già đang sinh sống trong làng hiện nay. Kết hợp với những gì chúng tôi quan sát, trải nghiệm trong những năm qua và so sánh với những mô tả, những ký ức của những người già kể lại để thấy được sự biến đổi cảnh quan làng như thế nào? Câu chuyện không phải chỉ tập trung vào biến đổi cảnh quan, mà muốn đi sâu vào phân tích các chiều tâm tư, suy nghĩ của những người lớn tuổi về quá trình biến đổi đó. Do tiếp cận nhân học, chủ yếu qua phỏng vấn những người lớn tuổi chứ không phải dựa vào phân tích tư liệu thành văn nên những thông tin về lịch sử làng chủ yếu được tái hiện qua ký ức, nghĩa là khó đạt được độ chính xác cao. Nhưng ngược lại, cái nhìn từ tâm lý, nhận thức của người dân về chính vùng đất nơi mình sinh sống lại cho người đọc những cảm nhận mới mẻ hơn.
Trong một điều kiện có nhiều hạn chế về các nguồn lực để thực hiện khảo sát nên chúng tôi chỉ tiến hành phỏng vấn một số lượng những người già vừa phải và một vài cuộc thảo luận nhóm. Có 21 người già tham gia chia sẻ thông tin về làng. Trong đó, người lớn tuổi nhất sinh năm 1928 và người trẻ nhất sinh năm 1950. Có hai cuộc thảo luận nhóm, cuộc đầu tiên có 6 người tham gia và cuộc thứ hai có 5 người. Qua những thông tin thu thập được từ quá trình nghiên cứu định tính này, chúng tôi phần nào hiểu được một chút sự biến đổi về cảnh quan làng xã qua tâm thức người cao tuổi
Cảnh quan làng trước 1945
Có 8 người sinh ra trong giai đoạn những năm 1920 và 1930 chia sẻ thông tin về làng mình trước cách mạng. Nhưng như họ nói, lúc đó còn nhỏ nên có nhiều cái không nhớ rõ. Mặt khác, họ cũng cho rằng làng quê mình trước cách mạng và sau cách mạng có biến đổi nhưng không nhiều. Phải đến những năm 1960 mới bắt đầu thay đổi nhanh chóng và càng ngày sự thay đổi đó càng lớn hơn.
“Trước Cách mạng tháng Tám (1945), khu vực làng hiện nay dân cư còn thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn. Dân chủ yếu tập trung phía gần Bàu Ó và một phần phía dưới giờ là trung tâm xã Thanh Khai. Ngoài đền Hữu có từ lâu đời thì còn có đình Phúc Yên và đình Xuân Bảng, là nơi tập trung các sinh hoạt lớn của cả làng. Đình Xuân Bảng gồm đình thượng và đình hạ. Cột đình to một người ôm không xuể, có kiến trúc chạm trổ độc đáo. Đình làng Phúc Yên cũng tương tự, nhưng bé hơn. Nếu đình thượng quanh năm đóng cửa chỉ mở vào dịp lễ cúng Thành hoàng thì đình hạ lại mở cửa thường xuyên để bàn việc làng. Sân đình cũng là nơi người dân tập trung vui chơi, thực hành các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Xung quanh làng ngày trước là các hồ nước, vùng nước sâu, khó san lấp để cấy lúa được. Người dân cứ lấn dần để cấy lúa. Hệ thống mương máng chưa đầy đủ nên diện tích ruộng rất ít, chủ yếu là đất trồng ngô, trồng khoai thôi. Đê điều còn nhỏ, kém nên năm nào cũng bị lũ lụt. Quanh xã còn có nhiều bãi cây, lùm cây um tùm. Nhiều vùng hiện nay tập trung đông dân cư nhưng là sau này mới được thành lập, còn trước đó thì chỉ là vùng ven núi hoặc đất bỏ hoang, hoặc canh tác một vụ hoặc có khi hai ba năm mới làm được do thiếu nước. Khi có việc lớn thì thường tập trung đến đình làng để xử lý. Trong làng có một số giếng làng, là nơi lấy nước chung của cả làng, được đào lớn và lát đá đẹp, bảo vệ sạch sẽ. Xung quanh Bàu Ó có một số bến do người dân làm nên để giặt giũ. Đền Hữu được quản lý nghiêm ngặt, chỉ những người có chức trách mới được ra vào trong chính điện, còn người dân chủ yếu đến dâng hương. Thường chỉ đàn ông mới được vào đền, phụ nữ không được phép vào trong. Khi có việc đến tìm chồng hay tìm người thì cũng chỉ được đứng ngoài nhờ người vào báo”.
Đây là một đoạn ký ức của một người đàn ông năm nay đã ngoài 90 tuổi, và đã được nhiều người khác thảo luận thêm khi nói về vấn đề này. Qua những thông tin này cũng cho chúng ta thấy được cảnh quan làng trước Cách mạng tháng Tám 1945 một cách tổng quan. Đó là cảnh quan làng khá cổ điển, có đền thờ Đức Thánh, có đình thờ Thành Hoàng làng, sân đình là nơi người dân tập trung sinh hoạt cộng đồng cũng như bàn việc làng xã. Cảnh quan xung quanh làng còn hoang sơ, đường sá đi lại còn chật hẹp và khó khăn. Dân cư thưa thớt hơn, tập trung chủ yếu quanh khu vực trung tâm làng. Diện tích ruộng sản xuất hẹp nhưng mặt nước lại lớn do có nhiều ao hồ, vùng nước sâu. Có những giếng làng và các bến nước quanh bàu để sinh hoạt.
Cảnh quan làng thời bao cấp
Sau khi Cách mạng thành công, tổng Xuân Lâm bắt đầu chia thành các xã. Một phần làng Xuân Bảng và một phần làng Phúc Yên được nhập lại thành xã. Qua nhiều lần thay đổi, tách rồi nhập và đến hiện nay là xã Thanh Yên. Tính ra, từ sau 1945 cho đến khi Đổi mới 1986, cảnh quan làng có nhiều biến đổi. Sau 1954, miền Bắc bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, các hợp tác xã cũng bắt đầu được hình thành, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân bắt đầu thay đổi. Sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Khai khẩn các vùng đất quanh xã để sản xuất được quan tâm. Hệ thống thủy lợi cũng được xây dựng và cải tạo. Đê điều được tu bổ hàng năm. Do vậy, diện tích sản xuất được mở rộng hơn. Nhưng khi vào cải cách văn hóa, chính quyền bắt đầu dỡ bỏ các thiết chế cũ. Đình làng một phần bị hư hại do chiến tranh, sau này lại bị hạ xuống để lấy gỗ làm các công trình khác. Đình dần biến mất khi không còn là nơi tập trung sinh hoạt văn hóa của người dân cũng như bàn việc tập thể. Đền Hữu dù không được quan tâm nhiều nhưng vẫn được giữ lại để làm nơi sinh hoạt tâm linh. Phần đất quanh đền được đưa vào để canh tác hoa màu. Các giếng nước của làng và các bến nước quanh Bàu Ó vẫn được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, nhiều cảnh quan mới được xây dựng. Khi đó cả xã chia thành nhiều đội. Hai đến ba đội thì xây dựng một nhà kho. Ngoài việc chứa lương thực thì sân kho cũng là một nơi để sinh hoạt cộng đồng như chiếu bóng, tổ chức biểu diễn văn nghệ quần chúng, chia lương thực sau khi thu hoạch…. Cửa hàng mậu dịch với việc xếp hàng dài chờ mua lương thực phẩm. Sân vận động để diễn tập, thao tập các lực lượng dân quân, tự vệ còn là nơi tổ chức thể thao, chiếu phim, biểu diễn văn công và nhiều sinh hoạt khác. Các ao hồ xung quanh cũng được san lấp dần làm ruộng nước hoặc ao thả cá. Việc sản xuất lương thực không có năng suất cao do đất đai không được tốt. Nhưng bù lại do có nhiều ao hồ, đầm vũng nên có nhiều thủy sản. Người dân vùng này nổi tiếng về nghề đan lưới và đánh cá. Bắt cua bắt ốc, đánh cá trở thành một phần quan trọng trong sinh kế người dân khi mà sản xuất hợp tác xã và chăn nuôi còn hạn chế.
Sau này, khi nhìn nhận lại nhiều vấn đề của thời kỳ bao cấp khiến cho nhiều người nghĩ rằng nó lạc hậu, kém phát triển. Nhưng trong ký ức của nhiều người lớn tuổi đã kinh qua các giai đoạn từ làm cách mạng, tham gia kháng chiến, sống qua thời bao cấp cho đến nay thì họ vẫn có nhiều điều rất tự hào. Lối làm ăn tập thể, sản xuất theo hợp tác xã có thể sau này có vô vàn hạn chế, nhưng trong thời đoạn chiến tranh, nó đã tập trung được hầu hết nguồn lực của nông dân vào kháng chiến, kiến quốc. Vậy nên, với nhiều người, nhiều không gian văn hóa thời đó có nhiều giá trị không thể chối bỏ được.
“Có nhiều đêm, chúng tôi đốt đèn ra sân nhà kho để tổ chức biểu diễn văn nghệ. Mọi thứ đều thô sơ, từ trang bị cho đến con người. Ấy vậy mà ai cũng hăm hở tham gia. Sân kho lúc đó gắn với hầu hết mọi hoạt động. Có nhiều đám cưới được tổ chức ngay tại sân nhà kho. Rồi khi lễ tết, có con lợn để làm thịt cũng mang ra nhà kho. Lúc đó, con người ta đối xử với nhau tình cảm lắm. Đời sống vật chất khó khăn nhưng tinh thần thì không thiếu. Sẵn sàng chia nhau những thứ mình có. Có thể nói cả một thời trai trẻ chúng tôi gắn với sân kho” (Đàn ông, 81 tuổi).
“Trong cái đói nghèo chung, chúng tôi vẫn xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh để chờ mua thực phẩm. Từ sáng sớm đã ra xếp hàng, có lúc quá trưa còn chưa đến lượt. Ấy vậy nhưng người ta không tranh cướp, ít khi có xô xát hay tranh chấp lẫn nhau vì mọi người đều chờ nhau xếp hàng và theo lượt chứ không có phân biệt. Sau này thì thấy khổ quá. Nhưng khi đó con người ta chấp nhận. Và giờ thấy cũng thú vị. Nó là một phần trong cuộc đời chúng tôi” (Phụ nữ, 78 tuổi).
Chúng ta sau này vẫn phê phán nhiều về hệ quả của công cuộc cải cách văn hóa, trong đó có việc phá bỏ đi nhiều di sản văn hóa, nhất là với các đình, chùa, đền, miếu,…. Nhưng với nhiều người thì việc làm đó cũng có giá trị riêng. Việc phá bỏ đình lấy gỗ xây dựng trường học, hợp tác xã để sản xuất lúc đó lại được nhiều người ủng hộ.
“Các đình làng lần lượt bị mất đi là một điều đáng tiếc. Không phải bây giờ chúng tôi mới thấy tiếc mà lúc đó đã buồn rồi. Nhưng trước đó, chiến tranh rồi lũ lụt đã hủy hoại đi nhiều. Trong bối cảnh còn nghèo đói, lại đang chiến tranh nên không có điều kiện để tu bổ. Khi có chính sách dỡ bỏ thì người ta làm thôi. Dù thấy tiếc nhưng vì điều kiện lúc đó cần gấp nên phải chấp nhận. Nó đổi lại có nhiều con em có trường để học, có trạm xá để chữa bệnh” (Đàn ông, 84 tuổi).
Như vậy, cảnh quan làng trong thời bao cấp đã có những biến đổi cả về tự nhiên lẫn xã hội và văn hóa. Đình làng hư hại và bị dỡ bỏ. Đền Hữu cũng hoang sơ hơn, hư hại đi nhiều và không được tu bổ thêm nhưng cũng may mắn không bị phá hủy. Một số cảnh quan giếng làng, bến nước vẫn còn. Bên cạnh đó, một số không gian, cảnh quan mới được xây dựng như nhà kho, sân vận động, hợp tác xã, cửa hàng mậu dịch,… Một điều đáng chú ý khác là lúc đó, để có diện tích đất sản xuất chính quyền có chính sách yêu cầu người dân di dời toàn bộ mộ táng từ dưới đồng ruộng lên trên rú. Và từ đó về sau không còn chôn cất ở dưới đồng nữa, tập trung lên các rú trong làng.
Cảnh quan làng sau Đổi mới
Từ sau khi thực hiện đường lối Đổi mới đất nước, bộ mặt của hầu hết các làng xã ở Việt Nam đều có những thay đổi mạnh mẽ. Làng tôi cũng không ngoại lệ. Nếu những năm 1990 là giai đoạn chuyển đổi, các cảnh quan cũ vẫn còn ít nhiều. Thì từ đầu thế kỷ XXI đến nay là cả một công cuộc thay đổi nhanh chóng đến mức khó nhận ra. Kết quả của quá trình thay đổi đó là cái làng tôi hiện tại đã được trình bày ở phía trên. Nếu nhìn vào cái làng trong ký ức của người già đã trình bày qua hai giai đoạn trên với cái làng hiện tại thì có một quá trình biến đổi mạnh mẽ: Những cảnh quan thời bao cấp gần như không còn dấu vết. Hệ thống nhà kho, cửa hàng mậu dịch bị biến mất. Sân vận động thì được hiện đại hóa và tách ra chủ yếu dành cho các hoạt động lớn. Những sinh hoạt như biểu diễn văn công, xem văn nghệ quần chúng cũng theo đó mà lụi tàn. Đình không còn dấu vết nhưng đền lại được tu bổ to đẹp hơn và hoạt động náo nhiệt hơn. Tuy nhiên, cảnh quan đền cũng có những thay đổi. Cả một dãy mấy chục cây cổ thụ đã bị chặt hết. Một phần đất trong đền cũng được đem bán hoặc cho người khác thuê. Toàn bộ hệ thống ao,