Hiệp định EVFTA đối với nông nghiệp Nghệ An - Cơ hội song hành cùng thách thức

11/6/2020

LTS: Với tỷ lệ 63,33% số phiếu tán thành, Nghị viện châu Âu đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Hiệp định này sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng. Đặc biệt là khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ giảm dần về 0% sau một lộ trình ngắn. Tuy nhiên, cùng với cơ hội thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức đối với nền nông nghiệp phát triển còn thấp như Việt Nam, trong đó có Nghệ An. Nhằm cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp và người nông dân hiểu rõ, hiểu đúng những cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của Hiệp định EVFTA, Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn có cuộc trò chuyện với ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

LTS: Với tỷ lệ 63,33% số phiếu tán thành, Nghị viện châu Âu đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Hiệp định này sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng. Đặc biệt là khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ giảm dần về 0% sau một lộ trình ngắn.

Tuy nhiên, cùng với cơ hội thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức đối với nền nông nghiệp phát triển còn thấp như Việt Nam, trong đó có Nghệ An. Nhằm cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp và người nông dân hiểu rõ, hiểu đúng những cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của Hiệp định EVFTA, Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn có cuộc trò chuyện với ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

*   *

*

 Upload

PV: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) ký kết đã mở ra không ít cơ hội đan xen thách thức cho nông sản Việt, trong đó có cả Nghệ An trong hành trình chinh phục thị trường EU đầy tiềm năng. Cụ thể những cơ hội đó là gì, thưa ông?

Ông Hồ Xuân Hùng: Việt Nam đã tham gia tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do, cả song phương và đa phương, có tác động trực tiếp, sâu rộng tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị, thương mại… Đặc biệt với Hiệp định tự do hóa thương mại EVFTA được đánh giá sẽ đem lại cơ hội rất lớn đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ nhất, cơ hội tiếp cận thị trường lớn. Theo các chuyên gia, tham gia vào EVFTA giúp ngành nông nghiệp nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan. Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nông sản Việt Nam sẽ được tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với hơn 500 triệu dân. Những mặt hàng lợi thế của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU gồm: Hàng điện tử, thủy sản và dệt may. Trong đó, thế mạnh lớn nhất của Nghệ An chính là xuất khẩu thủy sản. Do đó, Nghệ An cần tận dụng thế mạnh này ngay từ đầu để xây dựng ngành thủy sản đáp ứng được xu thế hội nhập.

Thứ hai, cơ hội được tiếp cận nguồn vốn đầu tư lớn và công nghệ hiện đại. Việc tham gia hiệp định mở ra cơ hội đa dạng hóa nhiều thị trường đầu tư tiềm năng ở nước ngoài cho cộng đồng doanh nghiệp Việt và thu hút đầu tư từ nước ngoài ở chiều ngược lại. Mặt khác, dưới áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện tối đa năng lực quản lý và khả năng tự đổi mới của mình. Với đặc điểm chi phí lao động thấp, chất lượng lao động tốt cũng như các lợi thể của Việt Nam khá đa dạng đã ngày càng thu hút các công ty của EU lựa chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư. Ngược lại, việc hợp tác với các nước EU cũng giúp các công ty Việt Nam ngoài tiếp cận được nguồn vốn, còn tiếp cận được tri thức, công nghệ tiên tiến.

Thứ ba, cơ hội tự hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các quy định của EU. Không riêng gì nông nghiệp, các mặt hàng khác khi tham gia Hiệp định, để vượt qua rào cản kỹ thuật, khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất... Trong đó, các doanh nghiệp cần bảo đảm sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động, thực vật của EU.

Nằm chung trong xu thế của cả nước, ngành nông nghiệp Nghệ An cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực để khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định mang lại.

PV: Như ông phân tích thì cơ hội rõ ràng là rất lớn, song Việt Nam cũng gặp không ít thách thức khi xuất khẩu nông sản sang thị trường EU. Ông có thể nói rõ hơn về những thách thức đối với nông nghiệp Việt, đặc biệt là nông nghiệp ở Nghệ An khi tham gia Hiệp định EVFTA?

Ông Hồ Xuân Hùng: Theo đánh giá chung hiện nay, bên cạnh nhiều cơ hội thì Hiệp định EVFTA cũng sẽ khiến cho nền nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn:

Thứ nhất, gia tăng sức ép cạnh tranh cho các mặt hàng nông nghiệp nội địa. Khi rào cản thuế quan được gỡ bỏ hàng châu Âu sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam, với chất lượng sẵn có, sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho các sản phẩm nội địa, nhất là trong xu thế ưa dùng hàng ngoại nhập của khách hàng hiện nay. Việc cắt giảm hàng rào thuế quan cũng sẽ khiến cho Việt Nam khó sử dụng hàng rào phi thuế như một biện pháp bảo hộ do năng lực về pháp lý, bằng chứng khoa học hạn chế cho các doanh nghiệp nội địa.

Thứ hai, khó đáp ứng những đòi hỏi khắt khe liên quan quy tắc xuất xứ trong Hiệp định. Để được hưởng các ưu đãi thuế quan, Việt Nam phải đảm bảo được các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, đây là mặt hạn chế lớn nhất của các mặt hàng nông nghiệp nước ta do sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN, chưa xây dựng được các chuỗi giá trị ngành hàng bền vững, chưa có thói quen về lưu trữ bằng chứng chứng minh về nguồn gốc xuất xứ trong toàn chuỗi… Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.

Thứ ba, việc tuân thủ những quy định liên quan vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ của ngành nông nghiệp nước ta còn nhiều hạn chế do quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm không chặt chẽ, lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu trong chăn nuôi, trồng trọt và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi cung ứng,... cũng sẽ tạo ra những khó khăn, cản trở nhất định đối với hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU.

Cuối cùng, doanh nghiệp và người dân Việt Nam còn hạn chế trong nắm bắt thông tin về Hiệp định EVFTA. Hiện có tới 77% DN không biết, hoặc lần đầu nghe nói tới Hiệp định này, trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không phải là ngoại lệ. Nhiều doanh nghiệp thực tế chưa tận dụng đầy đủ được các lợi ích thuế quan do không biết các FTA, thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ còn phức tạp, đặc biệt là phần lớn các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất xứ.

Như vậy, cơ hội rõ ràng là rất lớn, song Việt Nam cũng gặp không ít thách thức khi xuất khẩu nông sản sang thị trường EU. Nông nghiệp Nghệ An cũng không tránh khỏi những khó khăn chung đó. Tuy nhiên, những thách thức đó chính là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành nông nghiệp Nghệ An nói riêng tự khắc phục những hạn chế, hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu của thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng rất khó tính như EU.

PV: Thưa ông, Hiệp định EVFTA là một Hiệp định toàn diện, điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ, vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp ở Nghệ An hiện nay?

Ông Hồ Xuân Hùng: Ngoài các quy định mở cửa thị trường về thuế quan, các cam kết về hàng rào phi thuế quan cũng như về hoạt động thương mại dịch vụ và đầu tư, hợp tác và phát triển bền vững... thì vấn đề sở hữu trí tuệ là một trong số các vấn đề thể chế được nhấn mạnh trong EVFTA.

Theo EVFTA, cam kết sở hữu trí tuệ được quy định ở chương 12 của Hiệp định với 63 điều và hai phụ lục với mục tiêu bảo hộ đầy đủ và hiệu quả quyền SHTT. Việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT phải đóng góp vào việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển giao và phổ biến công nghệ, vì lợi ích chung của các nhà sản xuất và người sử dụng kiến thức công nghệ, theo cách thức có lợi cho phúc lợi xã hội và kinh tế, vì sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ.

Như các cam kết đã đưa ra, thì nông nghiệp Nghệ An muốn cùng với nền nông nghiệp cả nước gia nhập vào thị trường EU cần đảm bảo các quy định trên. Tuy nhiên, vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Nghệ An nói riêng, và trong cả nước nói chung hiện nay còn nhiều bất cập.

Khâu yếu nhất trong thực thi sở hữu trí tuệ của Nghệ An chính là xây dựng thương hiệu. Các sản vật và sản phẩm nông nghiệp ở Nghệ An rất đa dạng, phong phú và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, các sản phẩm đó chưa được quan tâm đúng mức về xây dựng, phát triển thương hiệu theo hướng hiện đại. Một số sản vật của Nghệ An có danh tiếng, có thương hiệu trong dân gian, nhưng vẫn chỉ là những đặc sản, với sự khan hiếm và đắt đỏ, chưa trở thành hàng hóa. Qua thống kê của Nghệ An, số nhãn hiệu đã xây dựng, đăng kí và bảo hộ quá ít, chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số hàng hóa. Đại đa số hàng hóa tiêu thụ tự nhiên, không có nhãn hiệu.

Những năm gần đây Nghệ An đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng, xác lập, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu cho một số sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng đang ít, hiểu biết và kinh nghiệm về xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp và người dân hầu như mới bắt đầu sơ khai.

Việc nhận diện những tồn tại trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ là hết sức cần thiết nhằm điều chỉnh phù hợp, tận dụng được những cơ hội do EVFTA mang lại, đồng thời tránh được những rủi ro dài hạn.

Hiện tại, Pháp luật Việt Nam khá tương thích với đa số cam kết trong EVFTA về SHTT, từ nguyên tắc chung về bảo hộ quyền SHTT tới các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT cũng như những yêu cầu về biện pháp thực thi tại biên giới. Do đó Nghệ An cần phải nắm rõ các thông tin, nguyên tắc, cam kết cũng như các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT để thực thi đúng, thực thi hiệu quả.

PV: Vậy theo ông, đối với vấn đề quyền sở hữu trí tuệ khi tham gia Hiệp định EVFTA chính quyền cũng như doanh nghiệp và người nông dân cần chuẩn bị những bước gì để triển khai hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực?

Ông Hồ Xuân Hùng: Cơ hội mở cửa vào các thị trường lớn cho hàng nông sản Việt với EVFTA là rất lớn. Nhưng để tận dụng được cơ hội này sản xuất nông nghiệp Nghệ An cần chuẩn bị:

Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa nông, lâm, thủy sản và Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thông qua phát triển sản phẩm theo chuỗi, tập trung vào chế biến sâu cũng như tăng cường nhân lực, nâng cao năng suất lao động và phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ cho ngành. Nếu muốn tham gia Hiệp định, bên cạnh việc không ngừng ổn định về số lượng, thì nông nghiệp Nghệ An cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hoàn thiện thể chế, chuyển đổi phương thức, hệ thống kinh tế, liên kết chất lượng sản phẩm. Chủ động tìm hiểu thông tin về EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là thông tin về các ưu đãi thuế quan, yêu cầu về chất lượng và quy tắc xuất xứ hàng hóa. Nghệ An cũng cần phải xây dựng được một đội ngũ doanh nghiệp nông nghiệp lớn với quy mô sản xuất lớn. Chính quyền cũng phải lấy doanh nghiệp làm đầu tàu, hỗ trợ để các doanh nghiệp cùng bắt tay nhau, giúp đỡ lẫn nhau cùng tham gia Hiệp định.

Chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch làm việc với từng hiệp hội, ngành hàng, các địa phương để phát triển 3 nhóm kinh tế nông nghiệp gồm: Chăn nuôi và trồng trọt; lâm sản; thuỷ sản. Xây dựng chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên tinh thần của Hiệp định EVFTA, trong đó một trong những yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực để ứng phó với các hàng rào kỹ thuật.

Tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường, khai thác cơ chế ưu đãi thuế quan và khắc phục các hàng rào kỹ thuật. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có quy mô và tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của thị trường xuất khẩu.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực đảm bảo chủ động tham gia quá trình kiện tụng, xử lý tranh chấp và đảm bảo tính minh bạch, bênh vực quyền lợi chính đáng cho người nông dân, sản phẩm của nông dân, cũng như lường trước để cảnh báo.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

HỒ THỦY (Thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC