Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới hiện nay

3/12/2019

Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (2011-2020) đang bước vào giai đoạn cuối với nhiều thành tựu đạt được nhưng biểu lộ nhiều vấn đề bất cập cần phải giải quyết. Trong xây dựng nông thôn mới, vấn đề văn hóa giữ một vai trò quan trọng. Để xây dựng các giá trị văn hóa mới thì việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vốn có ở nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng, cũng là một thách thức lớn hiện nay. Trong hơn nửa thế kỷ qua, di sản văn hóa ở nông thôn trải qua nhiều thăng trầm, nhưng nó luôn có sức sống mạnh, và luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông thôn. Di sản văn hóa ở nông thôn cũng luôn được bồi đắp qua những giai đoạn và những biến động lịch sử, tạo thành những lớp tầng chồng lên nhau và làm nền móng cho sự phát triển nông thôn. Vậy nên, làm sao để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay và giai đoạn tiếp theo (2021-2030) là một vấn đề quan trọng được nhiều người quan tâm. Để góp phần thảo luận thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Tô Duy Hợp, một chuyên gia hàng đầu về Xã hội học Nông thôn, nguyên Trưởng phòng Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (2011-2020) đang bước vào giai đoạn cuối với nhiều thành tựu đạt được nhưng biểu lộ nhiều vấn đề bất cập cần phải giải quyết. Trong xây dựng nông thôn mới, vấn đề văn hóa giữ một vai trò quan trọng. Để xây dựng các giá trị văn hóa mới thì việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vốn có ở nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng, cũng là một thách thức lớn hiện nay. Trong hơn nửa thế kỷ qua, di sản văn hóa ở nông thôn trải qua nhiều thăng trầm, nhưng nó luôn có sức sống mạnh, và luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông thôn. Di sản văn hóa ở nông thôn cũng luôn được bồi đắp qua những giai đoạn và những biến động lịch sử, tạo thành những lớp tầng chồng lên nhau và làm nền móng cho sự phát triển nông thôn. Vậy nên, làm sao để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay và giai đoạn tiếp theo (2021-2030) là một vấn đề quan trọng được nhiều người quan tâm. Để góp phần thảo luận thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Tô Duy Hợp, một chuyên gia hàng đầu về Xã hội học Nông thôn, nguyên Trưởng phòng Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

*   *

*

GS.Ts Tô Duy Hợp   Upload

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, là một nhà khoa học dành nhiều tâm huyết trong mấy chục năm để nghiên cứu về nông thôn Việt Nam, ông quan niệm thế nào về di sản văn hóa nông thôn? Làm sao để nhận diện được những di sản văn hóa nông thôn hiện nay?

GS.TS Tô Duy Hợp: Di sản văn hóa (Cultural Heritage) nói chung và ở nông thôn nói riêng là những thành quả hoạt động văn hóa của các thế hệ trước còn lưu giữ lại cho thế hệ sau. Di sản văn hóa vật thể dễ nhận diện trực tiếp, như các công trình kiến trúc, các tác phẩm điêu khắc. Di sản văn hóa phi vật thể có thể tìm hiểu qua ý nghĩa của các biểu tượng đặc trưng, như qua ngôn ngữ văn học, nghệ thuật, hay qua biểu tượng tín ngưỡng và tôn giáo, hay qua các phạm trù, nguyên lý triết học,... Kết cấu hạ tầng ở các làng - xã bao gồm hệ thống điện, đường sá, trường học, trạm xá, kiến trúc khu nhà ở, kiến trúc khu sản xuất - kinh doanh, kiến trúc đình, chùa, nhà văn hóa thôn/bản chính là di sản văn hóa vật thể ở nông thôn. Còn kho tàng văn nghệ dân gian và bác học, triết lý dân gian và khoa học, tín ngưỡng dân gian và tôn giáo,... đều là di sản văn hóa phi vật thể ở nông thôn xưa và nay.

PV: Có thể nói nông thôn Việt Nam được chia thành hai phần rõ rệt là nông thôn miền núi và nông thôn miền xuôi (đồng bằng và trung du) với những điều kiện văn hóa xã hội đặc thù. Là một nhà nghiên cứu về nông thôn nhiều năm, ông có thể chỉ ra những điểm khác nhau cơ bản giữa di sản văn hóa vùng nông thôn miền núi với di sản văn hóa ở nông thôn miền xuôi?

GS.TS Tô Duy Hợp: Nông thôn miền xuôi và nông thôn miền núi ở nước ta có nhiều khác biệt rõ nét. Một là, khác biệt môi trường địa chất và địa lý: đó là sự khác biệt địa hình thấp - cao so với mặt nước biển, khác biệt về nguồn tài nguyên, khoáng sản; hai là, khác biệt môi trường sinh thái, đa dạng sinh học: nông thôn miền xuôi thì chủ về cây, con nông nghiệp, thủy và hải sản; trái lại, nông thôn miền núi thì chủ về cây, con lâm nghiệp; Ba là, khác biệt dân số, tộc người: Ở nông thôn miền xuôi chủ yếu là tộc người Kinh, với mật độ dân số cao, nhất là vùng nông thôn ven đô thị; trái lại, ở nông thôn miền núi chủ yếu là các tộc người thiểu số, với mật độ dân số rất thấp, tuy có sự đan xen với tộc người Kinh, song ở nông thôn miền núi, tộc người thiểu số (mặc dù là đa số trên quy mô quốc gia); Bốn là, khác biệt trình độ phát triển kinh tế - xã hội: Mức sống (bao gồm thu nhập, chi tiêu, nhà ở, tiện nghi sinh hoạt,...) của nông thôn miền xuôi nói chung cao hơn so với nông thôn miền núi; Năm là, khác biệt về trình độ phát triển văn hóa, văn minh: mức độ thị trường hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quốc tế hóa ở nông thôn miền xuôi nói chung cao hơn so với ở nông thôn miền núi; Sáu là, khác biệt về bản sắc, đa dạng văn hóa, văn minh: thí dụ ở nông thôn miền xuôi có văn minh nông nghiệp lúa nước, định canh định cư, trong khi ở nông thôn miền núi có văn minh nông nghiệp nương rẫy, du canh du cư; ở nông thôn miền xuôi có tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, thờ thủy thần hay hải thần, trong khi ở nông thôn miền núi có phong tục thờ thần núi, cúng ma rừng...

PV: Chính sách nhà nước luôn là một yếu tố quan trọng tác động đến đời sống kinh tế xã hội và văn hóa ở nông thôn. Nó cũng ảnh hưởng đến sự tồn vong của các di sản văn hóa nông thôn. Trên cương vị một nhà nghiên cứu, ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của các chính sách của Đảng và Nhà nước về di sản văn hóa nông thôn trong hơn nửa thế kỷ qua?

GS.TS Tô Duy Hợp: Chính sách quản lý, phát triển của Nhà nước luôn giữ một vai trò quan trọng trong sự biến đổi xã hội. Chính sách luôn tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến thực tiễn cuộc sống. Nếu những chính sách được ban hành là chính sách đúng đắn, phù hợp và được tổ chức thực hiện có hiệu quả thì sẽ tác động tích cực đến thực tiễn. Và ngược lại, nếu chính sách ban hành một cách chủ quan, duy ý chí, không phù hợp với thực tiễn thì sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, đến sự phát triển của đất nước.

Liên quan đến vấn đề phát triển nông thôn, nhà nước Việt Nam hiện đại, do Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền lãnh đạo, quản lý đã trải qua một số giai đoạn lớn. Trong mỗi giai đoạn này, thì sự tác động đến đời sống văn hóa nông thôn nói chung và các di sản văn hóa nông thôn nói riêng cũng khác nhau. Cụ thể:

1)- Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng 8/1945 đến kết thúc kháng chiến chống thực dân Pháp (giữa năm 1954): Nông thôn Việt Nam chủ yếu tham gia kháng chiến, theo chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Đối với các làng - xã kháng chiến thì di sản văn hóa làng - xã mất mát nhiều do thiên tai, địch họa; tuy nhiên nhân dân nông thôn tin tưởng nhất định sẽ được khôi phục và phát triển khi kháng chiến thắng lợi.

2)- Giai đoạn khôi phục kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật xã hội chủ nghĩa, từ giữa năm 1954 đến 30/4/1975, được quen gọi là thời kỳ bao cấp xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam. Cuộc cải cách ruộng đất ở nông thôn miền Bắc đã đưa đến hậu quả lợi bất cập hại! Đảng cầm quyền đã thừa nhận sai lầm to lớn của cải cách ruộng đất, trong đó có sự phá hoại di sản văn hóa dân tộc, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lỗi trước nông dân ở nông thôn miền Bắc. Phong trào hợp tác hóa, mà thực chất là tập thể hóa nông nghiệp, nông thôn rập khuôn mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết cũng đã dẫn tới hậu quả lợi bất cấp hại!

3)- Khủng hoảng kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước nói chung, và khủng hoảng mô hình hợp tác xã ở nông thôn nói riêng từ sau 30/4/1975 đến cuối thập kỷ 80 chứng tỏ sự thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ rập khuôn mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết. Di sản văn hóa truyền thống vật thể và cả phi vật thể ở nông thôn đã bị hư hại, mất mát rất nhiều do cách mạng xã hội chủ nghĩa quá khích, lệch lạc.

4)- Giai đoạn từ 1986 đến nay, được quen gọi là Thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế trong bối cảnh gia tăng toàn cầu hóa toàn diện kinh tế - xã hội. Đây là thời kỳ nông thôn Việt Nam được khai phóng, tức là được khai sáng và được giải phóng. Di sản văn hóa nông thôn được phục hồi và phát huy, theo các phương thức khác nhau, như: kế thừa có đổi mới, phục hồi có cách tân, đổi ngôi khinh trọng,... Xu thế chung là tăng trưởng kinh tế, đổi mới chính trị, hòa nhập xã hội, đa dạng hóa văn hóa và văn minh. Tuy nhiên, không tránh khỏi bất cập, lệch lạc, và cả suy thoái, đặc biệt là suy thoái môi trường sống và suy đồi đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và của cư dân ở nông thôn, nhất là ở các làng - xã tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh bất chấp luật pháp, và cả luân thường, đạo lý làm người văn minh, hiện đại.

PV: Nói đến văn hóa thì trước hết, dễ dàng nhận diện nhất là văn hóa vật thể. Hệ thống văn hóa vật thể ở nông thôn, mà cụ thể hơn là các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với đời sống nông dân như đền, chùa, đình, miếu, nhà thờ,… đã có nhiều biến động. Có thời kỳ chúng ta hủy hoại không thương tiếc. Rồi gần đây lại thành phong trào xây dựng lại rầm rộ nhưng vẫn đầy sự bất cập. Không biết Giáo sư nghĩ thế nào về vấn đề này?

GS.TS Tô Duy Hợp: Ứng xử với di sản văn hóa tùy thuộc vào nhận thức. Trong văn hóa vật thể mà nhiều người quan tâm thì cơ sở vật chất của các tôn giáo, tín ngưỡng có vai trò quan trọng. Đó là đền, chùa, đình, miếu, nhà thờ,… Đập phá hay tu bổ, xây mới đều do nhận thức con người mà ra. Đó cũng là một biểu hiện về mối quan hệ giữa Đời và Đạo. Mà mối quan hệ giữa Đạo và Đời ở nông thôn Việt Nam hiện nay đang có sự chuyển đổi to lớn so với thời kỳ bao cấp xã hội chủ nghĩa nói chung, tập thể hóa nông nghiệp xã hội chủ nghĩa nói riêng. Trước đây, triết lý vô đạo, chủ nghĩa vô thần được truyền bá và được lưu hành rộng khắp cả nước nói chung, và ở nông thôn nói riêng thì người ta xem các tôn giáo, tín ngưỡng như là kẻ thù, là sự lạc hậu, mê tín, từ đó dẫn đến việc đập phá các cơ sở vật chất của các tín ngưỡng, tôn giáo, làm hư hại nhiều di sản văn hóa vật thể (và cả phi vật thể). Thì ngày nay, triết lý sùng đạo, chủ nghĩa hữu thần đang lên ngôi! Người ta ồ ạt xây lại đền, chùa, đình, nhà thờ, thậm chí xây mới nhiều cái mà trước đó ở khu vực đó không có. Những ngôi chùa trăm tỷ thậm chí ngàn tỷ mọc lên. Điều này chưa hẳn là họ tôn trọng các di sản văn hóa vật thể, nhưng nó cho thấy đời sống tâm linh đang thay đổi. Xu hướng đạo hóa, thần thánh hóa này có tính 2 mặt đan xen nhau rất phức tạp, khó phân biệt lợi/hại, thực/giả, đúng/sai, thiện/ác, đẹp/xấu, linh thiêng/phàm tục. Nếu ai cũng sống tốt đời đẹp đạo thì sẽ có sự hài hòa giữa thực dụng và tâm linh. Nhưng nếu có sự lợi dụng, lạm dụng di tích tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh để lừa đảo, để làm giàu bất chính, để giết người thì như thế là vi phạm pháp luật, là phản đạo đức, là bất nhân.

PV: Bên cạnh văn hóa vật thể thì văn hóa phi vật thể ở nông thôn cũng thay đổi nhanh chóng. Là nhà nghiên cứu lâu năm, Giáo sư nhận xét thế nào về sự thay đổi của văn hóa phi vật thể ở nông thôn hiện nay?

GS.TS Tô Duy Hợp: Theo quy luật chậm trễ văn hóa (Cultural Lag) thì nói chung văn hóa phi vật thể thay đổi chậm hơn so với văn hóa vật thể; cũng tương tự như vây, văn minh tinh thần thay đổi chậm hơn so với văn minh vật chất. Sau hơn 30 năm đổi mới, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay, các yếu tố văn hóa vật thể nhanh chóng được trùng tu, xây lại hoặc xây mới. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa phi vật thể thì vẫn còn bị chậm trễ trong thay cũ đổi mới, chẳng hạn như hoạt động sản xuất - kinh doanh đã chủ động chuyển sang cơ chế thị trường hiện đại, tích cực hội nhập thị trường quốc gia và quốc tế; tuy nhiên tư duy kinh tế thì vẫn lẩn quẩn trong cơ chế xin - cho thời kỳ hợp tác xã, bao cấp xã hội chủ nghĩa kiểu cũ...

Trong đổi mới tư duy thì đổi mới tư duy kinh tế đã vượt trước quá nhanh, mạnh; tư duy tôn giáo gần như đột biến; trong khi tư duy chính trị, tư duy pháp luật, tư duy giáo dục, tư duy y tế vẫn bị chậm trễ, tạo nên tình trạng bất cập, không đồng bộ giữa các loại hình văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, cũng có trường hợp văn hóa tư tưởng vượt trước văn hóa kinh tế. Nhưng trong văn hóa phi vật thể, ở nông thôn cũng chuyển mình mạnh mẽ, và đa dạng hơn. Nó không chỉ đơn thuần theo thuyết tiến hóa, mà là theo các vòng xoắn trôn ốc phức tạp hơn. Các yếu tố văn hóa cũ xen lẫn, tích hợp vào các yếu tố văn hóa mới. Nó cũng thể hiện sự đa dạng trong cuộc sống nông thôn hiện nay. Đa dạng cả về cá nhân lẫn cộng đồng, cả dân tộc lẫn vùng miền. Người dân tộc Kinh thì Tây hóa, Người dân tộc thiểu số thì Kinh hóa, đó là xu thế chung của quá trình hiện đại hóa ở Việt Nam trong bối cảnh gia tăng toàn cầu hóa toàn diện kinh tế - xã hội. Tuy nhiên đây không phải là xu thế duy nhất được lựa chọn. Ở nông thôn miền xuôi người ta có thể lựa chọn phương thức hiện đại hóa phi phương Tây hóa; và ở nông thôn miền núi người dân có thể lựa chọn hiện đại hóa phi Kinh hóa. Đó là cách lựa chọn hiện đại hóa theo nghĩa kế thừa, phát huy, và phát triển tinh hoa truyền thống văn hóa dân tộc.

PV: Thưa Giáo sư, chính sách liên quan đến phát triển nông thôn hiện nay có phải là một tác nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến di sản văn hóa ở nông thôn? Những cái được và cái chưa được của những chính sách này là gì?

GS.TS Tô Duy Hợp: Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 đang là một tác nhân quan trọng nếu không muốn nói là có tính quyết định làm ảnh hưởng đến chiến lược phát triển nông thôn toàn diện kinh tế - xã hội nói chung, đến bảo tồn, và phát huy di sản văn hóa ở nông thôn nói riêng. Phong trào xây dựng nông thôn mới này về cơ bản phù hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc tính đến 2030 và xa hơn nữa. Các chính sách cũng đã tạo cơ sở vật chất cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nông thôn với nhiều khái niệm mới như công nghiệp hóa văn hóa, kinh tế di sản… Đó là thuận lợi lớn cho nông thôn Việt Nam hội nhập quốc tế và tham gia toàn cầu hóa. Tuy nhiên cần cảnh báo một số bất cập, và lệch lạc của khung 19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới: đó là cuộc chạy đua theo thành tích số lượng hơn là chất lượng, khuôn mẫu áp đặt từ trên xuống hơn là dân chủ tham gia từ dưới lên, không kiểm soát được tệ nạn tham nhũng qua các dự án phát triển nông thôn, không ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên do tăng trưởng kinh tế với mọi giá,... Những cuộc chạy đua thành tích này có thể hủy hoại di sản văn hóa theo cách này hay cách khác mà nếu không cẩn thận thì hệ quả là to lớn. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay cần có tư duy cởi mở, sự trân trọng thật sự các giá trị văn hóa để tránh những cái nhìn hẹp hòi, khô cứng và lệch lạc.

PV: Mỗi di sản đều mang trên mình những chứng tích và có những giá trị văn hóa riêng của nó. Nhưng nhiều năm trở lại đây ở nông thôn rộ lên việc làm hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử văn hóa các cấp quốc gia và cấp tỉnh. Việc xếp hạng di tích như vậy đã tác động không nhỏ đến bảo tồn di sản văn hóa ở nông thôn. Giáo sư đánh giá thế nào về vấn đề này?

GS.TS Tô Duy Hợp: Chúng ta cần nhận thức tính hai mặt của vấn đề này. Trước hết, việc tiến hành xếp hạng di sản văn hóa như vậy có giá trị tích cực là đã tổ chức đánh giá, phân loại lại các di tích và tăng cường việc quản lý chặt chẽ các di sản văn hóa. Dù cũng có lúc chất lượng khoa học của các bộ hồ sơ di sản văn hóa còn hạn chế, nhưng ít ra nó vẫn phải thể hiện được các đặc điểm cơ bản của di sản đó, từ mô tả di sản đến giá trị lịch sử văn hóa của di sản. Nó giúp cho người ta tiếp cận dễ dàng hơn. Tuy nhiên, mặt trái của nó là làm cho những di tích khác chưa được xếp hạng lại bị bỏ rơi. Di tích, di sản văn hóa luôn gắn với các giá trị văn hóa riêng của nó và rất khó để đánh giá rằng giá trị di tích này lớn hơn giá trị di tích kia vì nó mang những thông tin lịch sử văn hóa khác nhau gắn với các cộng đồng nhiều khi khác nhau. Đó là chưa kể đến việc chạy chọt trong quá trình làm hồ sơ và công nhận xếp hạng di tích, di sản văn hóa. Để phát huy những mặt tích cực và hạn chế các tiêu cực thì ngoài việc ban hành các chính sách hợp lý, cần những nhà quản lý có tâm, có tầm và biết trân quý di sản văn hóa, di tích lịch sử. Sau đó là tập hợp được các nhà nghiên cứu tâm huyết cùng tham gia vào vấn đề này. Trên tất cả là phải tôn trọng quyền làm chủ của chủ thể di sản, di tích lịch sử.

PV: Trong mấy năm gần đây, nhiều địa phương lựa chọn con đường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào kinh tế di sản, góp phần để xã hội hóa, bảo tồn di sản văn hóa ở nông thôn. Nhưng việc làm này cũng để lại nhiều vấn đề bất cập. Nhiều khi những người quản lý không đủ bản lĩnh thì dễ làm thay đổi cảnh quan, méo mó các giá trị văn hóa của di tích. Theo Giáo sư, liệu cách làm như vậy có ổn không?

GS.TS Tô Duy Hợp: Kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế di sản để bảo tồn di sản văn hóa là một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tiền bạc cho việc bảo tồn di sản văn hóa, góp phần phát huy giá trị văn hóa, đưa văn hóa tham gia vào các hoạt động kinh tế để tạo ra lợi nhuận. Qua đó cũng quảng bá nhiều giá trị văn hóa ra các đối tượng khác một cách rộng lớn hơn. Nhưng mặt khác, khi các doanh nghiệp lợi dụng việc này để kinh doanh văn hóa thì lại vô cùng nguy hiểm. Khu Bãi Đính là một ví dụ đã được nhiều nhà nghiên cứu và dư luận xã hội quan tâm. Gần đây là việc bê bối liên quan đến các nhà chùa, đến việc buôn thần bán thánh hay lợi dụng xây chùa mà chiếm đoạt đất đai, phá hủy các tài nguyên khác như vụ việc chùa Ba Vàng, vụ việc xây chùa của Sun Group đang được dư luận xã hội quan tâm… Nói vậy không có nghĩa là cấm các doanh nghiệp đầu tư vào kinh tế di sản, mà là phải có những chính sách, cơ chế quản lý phù hợp và hiệu quả. Phải tránh tình trạnh doanh nghiệp móc ngoặc với cán bộ quản lý lợi dụng việc bảo tồn di sản văn hóa để trục lợi, làm tàn hại di sản văn hóa và làm mất niềm tin của người dân.

PV: Nông thôn luôn giữ một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước ta. Vậy nên bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nông thôn sao cho hợp lý và hiệu quả là vấn đề quan trọng. Là người quan tâm đến sự phát triển của nông thôn, xin Giáo sư gợi mở thêm vài điều cần thiết để làm được điều đó trong bối cảnh hiện nay?

GS.TS Tô Duy Hợp: Có nhiều cách tiếp cận khác nhau và mỗi cách tiếp cận cho chúng ta những nhận thức cũng như hành động khác nhau. Không có cách tiếp cận vấn đề nào là chính xác và duy nhất cả. Theo hướng tiếp cận lý thuyết Khinh Trọng mà tôi đã nhiều lần đề xuất và đã có những nghiên cứu cụ thể, về vĩ mô, chúng ta nên chọn đường lối phát triển lành mạnh, tức là phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững; thực hiện chiến lược tam hóa, bao gồm: 1)- Hiện đại hóa di sản văn hóa tam nông Việt, tức là nông dân Việt, nông nghiệp Việt, nông thôn Việt; 2)- Việt Nam hóa di sản văn hóa tam nông du nhập; 3)- Lành mạnh hóa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong xây dựng nông thôn mới gắn xây dựng đô thị thông minh phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Xin chân thành cảm ơn Giáo sư vì những chia sẻ thú vị này! Hẹn gặp lại ông trong một cuộc trao đổi về nông thôn vào dịp khác!

Phóng viên

CÙNG CHUYÊN MỤC