Vấn đề thụ đắc lãnh thổ trong luật pháp quốc tế: Nhìn từ sự kiện Hoàng Sa 1974
Hồ thủy (thực hiện)
22/3/2024
19-1-2024 vừa qua tròn 50 năm chính quyền Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trên các trang mạng xã hội chia sẻ một quan điểm: “Theo luật quốc tế, nếu có tranh chấp lãnh thổ mà giữa các kháng nghị có một khoảng gián đoạn 50 năm hoặc nhiều hơn thì những đòi hỏi lãnh thổ trở nên vô hiệu. Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm 50 năm nhưng Việt Nam chưa gửi bất kỳ kháng nghị, đơn kiện nào lên tòa án công lý quốc tế hoặc tòa án quốc tế về luật biển. Nếu không có bất kỳ kháng nghị hay đơn kiện nào thì theo luật biển quốc tế coi như Việt Nam chấp nhận mất Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa vĩnh viễn về tay Trung Quốc...”. Liệu đây có phải là sự thực? Cùng Đặc san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An trao đổi với Th.S Trần Mạnh Cường, người đã có nhiều năm nghiên cứu và đã xuất bản sách về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa để thấu rõ vấn đề.
PV: Xin chào ông, gần đây, có nhiều dư luận trong nước và ở nước ngoài đưa ra quan điểm rằng: “Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm 50 năm rồi. Từ đó đến nay Việt Nam chưa gửi bất kỳ kháng nghị, đơn kiện nào lên tòa án công lý quốc tế hoặc tòa án quốc tế. Nếu Việt Nam không có bất kỳ kháng nghị hay đơn kiện nào thì theo luật quốc tế coi như Việt Nam chấp nhận mất Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa vĩnh viễn về tay Trung Quốc...”. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?
Ông Trần Mạnh Cường:
Trong quan điểm này có nhắc tới Luật Quốc tế. Trước hết, Luật Quốc tế hay còn gọi là Công pháp quốc tế, là tập hợp các quy phạm, quy tắc và tập quán nhằm chỉ quan hệ, sự tương tác giữa các chủ thể tham gia quan hệ quốc tế. Đây là sự kết hợp giữa các quốc gia trong các lĩnh vực khác nhau như xung đột vũ trang, nhân quyền, biển đảo, không gian, thương mại, biên giới lãnh thổ và quan hệ ngoại giao. Các chuẩn mực Công pháp quốc tế tạo ra một khuôn khổ chung, trong đó các chủ thể của Luật Quốc tế hoạt động và góp phần vào sự tồn tại của các mối quan hệ quốc tế nói chung ổn định, có tổ chức và nhất quán.
Công pháp quốc tế cũng cung cấp các hướng dẫn mang tính quy chuẩn cũng như các phương pháp, cơ chế và ngôn ngữ khái niệm chung cho các chủ thể quốc tế, tức chủ yếu là các quốc gia có chủ quyền, nhưng cũng có các tổ chức khác mang tính quốc tế.
Điều ước là một trong những nguồn chính của Công pháp quốc tế, nếu các quốc gia không có ảnh hưởng như nhau trong các tổ chức quốc tế dựa trên hiệp ước, thì điều này có nghĩa là ý chí của 1 quốc gia hùng mạnh sẽ chiếm ưu thế trước 1 quốc gia nhỏ yếu hơn. Do đó, sự bình đẳng về mặt pháp lý sẽ là vô nghĩa nếu không thể chuyển thành sự bình đẳng thực sự, ít nhất là ở cấp độ xây dựng luật pháp trong các tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, Hiến chương Liên hợp quốc đặt ra các nguyên tắc cơ bản của Công pháp quốc tế hiện đại, trong đó đáng chú ý là: “Hạn chế nghiêm ngặt quyền sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia khác” và “Nghiêm cấm việc chiếm đoạt lãnh thổ bằng vũ lực”.
Như vậy, Công pháp quốc tế được đặt ra nhằm để củng cố nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa tất cả các quốc gia. Chính vì vậy nó cũng sẽ hạn chế một số hành vi của các chủ thể của luật pháp quốc tế, chẳng hạn như ngăn cản các quốc gia tham gia vào một đường lối ứng xử không phù hợp với nghĩa vụ quốc tế.
Công pháp quốc tế hiện đại đã phê phán và không chấp nhận nguyên tắc thụ đắc chủ quyền theo thời hiệu, bởi nó đã nhiều lần bị lợi dụng để biện minh cho những hành động xâm lược. Việc sử dụng vũ lực chiếm đóng lãnh thổ của nước khác không bao giờ mang lại danh nghĩa chủ quyền hợp pháp cho quốc gia sử dụng vũ lực.
Chính vì vậy, việc chính quyền Trung Quốc chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng vũ lực, nên việc chiếm đóng này kéo dài thời gian bao lâu chăng nữa vẫn là bất hợp pháp.
PV: Ông khẳng định rằng việc chính quyền Trung Quốc chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dù kéo dài thời gian bao lâu cũng là bất hợp pháp, vậy ông có thể đưa ra những bằng chứng lịch sử cụ thể có thể giúp Việt Nam chứng minh chủ quyền của mình tại Hoàng Sa, Trường Sa? Và dựa vào đâu chúng ta có thể khẳng định là những bằng chứng ấy rõ ràng không thể tranh cãi?
Ông Trần Mạnh Cường:
Việc xác lập chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định của luật pháp quốc tế. Cụ thể, việc thụ đắc lãnh thổ là việc thiết lập ranh giới địa lý chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ mới. Vì vậy, việc này cũng phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Một trong những nguyên tắc cơ bản là “Cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
Phần vẽ và chú thích "Bãi Cát Vàng" trong "Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư" - thư tịch đầu tiên khẳng định quyền làm chủ của nhà nước phong kiến Việt Nam đối với Bãi Cát Vàng, tức là hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa ngày nay
Bản thân nguyên tắc này được hình thành trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và đã được khẳng định trong Hiến chương Liên hợp quốc. Thời gian đầu nguyên tắc này thể hiện mong muốn của các dân tộc trong việc thiết lập một trật tự quốc tế công bằng sau chiến tranh. Nghị quyết số 26/25 (1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đã quy định rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của việc thụ đắc bởi một quốc gia khác bằng việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Việc thụ đặc lãnh thổ bằng việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực không được thừa nhận là hợp pháp”.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ khoa học lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của Luật pháp quốc tế. Theo dòng chảy lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVII cho tới cuối triều Nguyễn, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được ghi chép, mô tả một cách đầy đủ và chi tiết trong nhiều bộ thư tịch của nước ta. Đây đều là những tư liệu gốc (original texts) có giá trị lớn về mặt khoa học, lịch sử và pháp lý góp phần rất lớn vào việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ lãnh hải của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thông tin cụ thể, tôi đã có nhiều bài viết đăng trên Đặc san KHXH&NV Nghệ An ở các số trước.
Điều đặc biệt ở chỗ, những căn cứ khoa học lịch sử từ hệ thống thư tịch cổ của Việt Nam lại tương đồng với thư tịch của nhiều quốc gia khác, trong đó có thư tịch cổ của Trung Quốc về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Cụ thể, bộ Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Nho sinh Đỗ Bá Công Đạo soạn năm 1686 với những mô tả kĩ càng về Bãi Cát Vàng cùng nhiều chi tiết liên quan, 10 năm sau đó tức vào năm 1696 thì có bộ sách Hải Ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán (1633 - 1704).
Trong Hải ngoại kỷ sự là những ghi chép khách quan, trung thực những điều tai nghe, mắt thấy trong thời gian tác giả có mặt tại xứ Đàng Trong nước Đại Việt. Đặc biệt nhất là khi đi qua vùng biển nước ta, Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán đã ghi chép về Hoàng Sa - Trường Sa, cụ thể như sau: “... những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ đông bắc qua tây nam; động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là Vạn Lý Trường Sa, thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền “điến xá” đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tất vào”.
Bức tranh cổ động mang tên: Phấn đấu sớm hoàn thành toàn diện và hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm do họa sĩ Trương Bích Ngô vẽ năm 1956, do Nhà xuất bản Hình ảnh Thượng Hải ấn hành, kích cỡ 77,5x53,5cm. Điểm đặc biệt của bộ bản đồ này là ở chỗ nó được chính phủ CHND Trung Hoa ấn hành, có hình ảnh lãnh tụ và lãnh thổ quốc gia, tức nó được thực hiện bởi ý chí của nhà nước, mang tầm vóc quốc gia và có tính chất chính thống. Chính vì vậy mà bản đồ mang trong mình tính chất chính trị-pháp lý thể hiện và đại diện cho nước CHND Trung Hoa dưới 1 chính quyền và vẹn toàn lãnh thổ. Trong bức tranh này, chủ tịch Mao Trạch Đông cầm tấm bản đồ của nước CHND Trung Hoa, thể hiện rất rõ cực Nam của nước Trung Hoa chỉ tới đảo Hải Nam, hoàn toàn không có Hoàng Sa-Trường Sa. Đơn giản là vì Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam, không bao giờ thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Không chỉ Hòa thượng Thích Đại Sán, mà còn rất nhiều nhân vật nổi tiếng của Trung Hoa cũng đã có những ghi chép tương tự. Như trong bộ Hải Quốc Đồ ký, cuốn Hải Lục của Tạ Thanh Cao có chép: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Rất nhiều những trước tác của Trung Hoa đã trực tiếp khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa thuộc sự quản lý và khai thác của người Việt. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi trong thời gian bấy giờ chưa hề có sự tranh chấp lãnh hải nên các tác giả Trung Hoa đều có thái độ khách quan ghi nhận chủ quyền của Đại Việt đối với lãnh hải và hệ thống các đảo của mình.
Chính vì vậy, Hải ngoại kỷ sự hay Hải lục và rất nhiều những bộ phương chí của Trung Hoa như Thái Bình hoàn vũ ký, Dư địa quảng ký, phương dư thắng lãm,… đều là những trước tác gốc đáng tin cậy. Một mặt thừa nhận Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, mặt khác lại chỉ rõ, định rõ, ghi rõ cực Nam của Trung Hoa chỉ tới đảo Quỳnh Châu (Hải Nam). Hai yếu tố nói trên đã khẳng định chắc nịch rằng chưa bao giờ người Trung Hoa là chủ thể của Hoàng Sa - Trường Sa.
Bên cạnh những trước tác của người Trung Hoa, thì hệ thống bản đồ và thư tịch của người châu Âu cũng là một khung tư liệu rất quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trong những bản đồ cổ nhất về vùng biển Đông có bộ bản đồ của Van Langren người Hà Lan vẽ năm 1595. Bộ bản đồ này phong phú với rất nhiều chi tiết rõ ràng khi tác giả vẽ các địa danh nước ta. Ngoài phần đất liền là bờ biển Costa da Paracel, ở đối diện Pulocanton (Cù Lao Ré) thuộc địa phận Quảng Ngãi, còn phía ngoài đó là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ như hình cờ đuôi nheo. Hay như bản đồ châu Á thế kỷ XVII do Công ty Đông Ấn Hà Lan ấn hành có vẽ khu vực Hoàng Sa nằm trên các tuyến đường giao thông hàng hải quốc tế chiến lược trọng yếu thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đặc biệt nhất là 2 bộ bản đồ: Partie de la Cochinchine in trong bộ Atlas Universel (1827) do nhà địa lý học Philippe Vandermaelen biên soạn và xuất bản tại Bỉ năm 1827. Trên bản đồ này vẽ quần đảo Hoàng Sa với tên gọi quốc tế là Paracels và phần giới thiệu về vương quốc An Nam; và bản đồ Tabula Gesographica imperii Anammitici - An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Jean Louis Taberd xuất bản năm 1838, có vẽ quần đảo Hoàng Sa với tên gọi quốc tế là Paracels nằm trong vùng biển Việt Nam kèm theo dòng chú thích là “Paracels seu Cát Vàng”.
Năm 1701, các giáo sĩ Đạo Thiên Chúa đi trên tàu L’Amphitrite đã cho rằng quần đảo Hoàng Sa làm một trạm liên lạc trên hải đạo này, và quần đảo này do chính quyền xứ Đàng Trong quản lý:
“On appareilla avec un très bon vent et en peu de temps on s’éleva à la hauteur du Paracel. Le Paracel est un archipel qui dépend de L’Empire d’Annam. C’est un effroyable rocher de plus de cent lieues décrie par les naufrages qu’on y a fait de tous temps, il s’étend le long des côtes de la Cochinchine. L’Amphitrite à son premier voyage de la Chine pansa ypérir”.
Dịch nghĩa: Chúng tôi dong buồm đi với gió thuận và chẳng bao lâu đến ngang tầm Hoàng Sa. Hoàng Sa là một quần đảo thuộc đế quốc An Nam. Đó là một khối đá dễ sợ dài hơn trăm dặm, mang tiếng xấu vì những vụ đắm tàu ở đó từ trước đến nay. Nó trải dài dọc theo bờ biển Nam kỳ. Tàu L’Amphitrite trong chuyến đi lần đầu sang nước Trung Hoa tưởng đã mất mạng ở đó.
Hay như lá thư Giám mục Charles Marin Lablé gửi cho những giám mục chủng viện vào ngày 31-5-1714 có ghi rõ:
“Vào tháng 10 năm 1714, có ba chiếc tàu buồm của người Hà Lan khác nhau, khởi hành từ Nhật, chứa chất nhiều hàng hóa quý giá. Lúc tiến ngang Hoàng Sa (Paracels), những chiếc tàu buồn bị cơn bão đánh lâm nạn. Trận bão này xuất hiện đột ngột, đến nỗi các thủy thủ không kịp cuốn buồm, ba tàu bị gãy bởi những cơn gió thổi dữ dội. Họ đã không điều khiển nổi, sóng và gió đã cuốn chiếc tàu này xô dạt vào bãi cát, húc vào tảng đá và đã vỡ tan tại đó. 17 người tử nạn, 87 người thoát nạn bơi vào bờ, phần thì bám vào những tấm ván, áp vào Hoàng Sa leo lên những cồn cao cũng chỉ bao phủ bằng cát khô.
Bọn họ đã sống nơi đó trong một tháng trời bằng thịt của một loài chim cư trú trên đảo Hoàng Sa này. Vì loài chim đó chưa bao giờ thấy người nên chúng bị thủy thủ bắt bằng tay không và những người Hà Lan đã bắt khá nhiều để nuôi sống họ trong một tháng trên cồn cát này. Trong thời gian đó, họ bắt gặp được vài tấm ván đóng bè nhỏ, nhờ phương tiện này họ đã đáp vào Nam Hà và tiến tới cửa biển Nha Trang”.
Ngoài ra, sách Univers, histoire et descrip tion de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes xuất bản năm 1833 cũng có chép về Hoàng Sa như sau:
“… Chúng tôi không đi vào việc kê khai những hòn đảo chính yếu của xứ Cochichine. Chúng tôi chỉ lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracel mà người Việt gọi là Cát Vàng (Hoàng Sa) gồm rất nhiều hoang đảo chằng chịt, làm cho những kẻ đi biển rất e ngại. Những hoang đảo này đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong…”.
Đặc biệt nhất phải kể đến cuốn hồi ký Mémoire sur la Cochinchine (Hồi ký về Nam kỳ) của Chaigneau. Chaigneau tên đầy đủ là Jean Paptiste Chaigneau (1769 - 1825) còn có tên Việt là Nguyễn Văn Thắng, là nhà quân sự kiêm nhà thám hiểm người Pháp. Ông là một trong những đại công thần giúp chúa Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn, giúp Nguyễn Vương thống nhất đất nước và lập nên triều nhà Nguyễn. Cuốn hồi ký nói trên được ông viết khi ở Huế, trong đó có viết về Hoàng Sa như sau:
Nguyên văn: “… Topographie: Division Physique. La Cochinchine dont le souverain porte aujourd’hui le titre d’Empereur, comprend la Cochinchine proprement dite, le Tonquin..., quelques-les habitées peu éloignées de la côte et l’archipel de Paracels, composé d’Ilots d’écueils et de rochers inhabités. C’est seulement en 1816, que l’Empereur actuel a pris possession de cet archipel…”.
Dịch nghĩa: “… Xứ Cochinchine mà Quốc vương ngày nay đã xưng đế hiệu gồm có xứ Đàng Trong thật sự, xứ Bắc Hà (Tonquin), một phần xứ Cao Miên, vài đảo gần bờ biển có dân cư và quần đảo Hoàng Sa (Paracel), gồm có nhiều đảo nhỏ và mỏm đá thiếu dân cư ngụ. Vào năm 1816, vị hoàng đế bấy giờ đã tiếp nhận chủ quyền trên quần đảo này...”.
Giáo sư Rostislav Berezkinh (Liên bang Nga), PGS Hsu yiling (Đài Loan), PGS Vương Gia (Trung Quốc), TS Nguyễn Thô Lan (Viện Hán Nôm-Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) xem tư liệu cổ tại Hoan Diễn tàng thư của ông Trần Mạnh Cường
Như vậy, rõ ràng, người phương Tây đã đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, và ghi nhận chủ quyền của nhà nước phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo này. Những bộ sách nổi tiếng như: Nhật ký Batavia (xuất bản năm 1631 và tái bản vào các năm 1634, 1636) của Công ty Đông Ấn Hà Lan, tường thuật quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh hải Việt Nam do chúa Nguyễn hành xử để kiểm soát các tàu biển qua lại khu vực này; hay Nhật ký về xứ Đàng Trong (Mémoire sur la Cochinchine) năm 1744 của Pierre Poivre, ghi nhận việc quản lý của Việt Nam đối với Hoàng Sa dưới thời chúa Nguyễn; Hồi ức về xứ Đàng Trong (Le mémoire sur la Cochinchine) năm 1820 của Jean Baptiste Chaigneau và bài viết Ghi chép về địa lý xứ Đàng Trong (Note on the geography of Cochinchina) năm 1837 của Jean-Louis Taberd đều khẳng định sự kiện vua Gia Long tuyên bố chủ quyền bằng việc sai người đến cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816... Thứ nữa là các công trình địa lý, lịch sử được xuất bản ở các nước Âu-Mỹ miêu tả Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, tiêu biểu có Địa lý Vương quốc Đàng Trong (Geography of Cochin-China Empire) năm 1849 của Gutzlaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels (Hoàng Sa); Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Xây Lan năm 1850 của M.A.Dubois de Jancigny chép việc triều Nguyễn đã chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa được 34 năm (tức từ năm 1816); Địa lý tóm tắt (Compendio di Geografia) năm 1850 do Adriano Balbi biên soạn, trong phần mô tả địa lý Vương quốc An Nam viết Paracels thuộc vương quốc này. Cuối cùng là các bản đồ phương Tây thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam và điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam mà thôi, tiêu biểu có bản đồ Atlas Thế giới năm 1827 của Philippe Vandermaelen, An Nam đại quốc họa đồ năm 1838 của Jean-Louis Taberd.
Quay trở lại với vấn đề chính, chúng ta thấy rằng với chính quyền Trung Quốc, mặc dù họ tuyên bố chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa (cách gọi của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) nhưng họ lại không hề có bất kỳ một tư liệu gốc thành văn đương đại đồng đại nào để chứng minh điều đó. Và đặc biệt hơn là những ghi chép của danh nhân Trung Quốc lại đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thông qua những sử liệu chúng ta thấy nhà nước phong kiến Việt Nam xác lập chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa từ rất sớm và liên tục.
PV: Như các tư liệu ông đã đưa ra thì rõ ràng, việc Trung Quốc dùng vũ lực để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vì phạm Luật pháp quốc tế. Ông có thể phân tích cụ thể hơn vấn đề này?
Ông Trần Mạnh Cường:
Việc Trung Quốc dùng vũ lực để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vi phạm Luật pháp quốc tế hiện đại ở điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, việc sử dụng vũ lực chiếm đóng lãnh thổ của nước khác không bao giờ mang lại danh nghĩa chủ quyền hợp pháp cho quốc gia sử dụng vũ lực. Và như vậy, rõ ràng hành động dùng vũ lực để cưỡng chiếm không có bất cứ một giá trị nào để quốc tế thừa nhận.
Từ những điều tôi đã nêu trên có thể khẳng định một cách chắc nịch rằng Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và quần đảo Trường Sa năm 1988 đã vi phạm cùng một lúc ba nguyên tắc đã được Luật pháp quốc tế hiện đại thừa nhận, là: nguyên tắc cấm đe dọa bằng vũ lực và sử dụng vũ lực, nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết. Những hành động đó rõ ràng bị Luật pháp quốc tế và dư luận tiến bộ trên thế giới lên án. Chính vì vậy những hành động phi pháp đó không bao giờ là căn cứ hợp pháp cho yêu sách chủ quyền của chính quyền Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thông qua hệ thống sử liệu của Việt Nam, Trung Quốc và các nước phương Tây, đều thể hiện rõ ràng nhà nước phong kiến Việt Nam xác lập chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa từ rất sớm và liên tục. Do đó, với trường hợp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hiện nay bị các nước láng giềng như Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei chiếm đóng toàn bộ hay một phần chính là phương tức chiếm hữu theo thời hiệu. Có nghĩa là phương cách thụ đắc này được hình thành từ việc chiếm hữu hữu hiệu đối với các lãnh thổ không phải lãnh thổ vô chủ, hoặc lãnh thổ có được một cách bất hợp pháp, hoặc lãnh thổ mà hoàn cảnh lúc thụ đắc không rõ tính hợp pháp của hành vi thụ đắc. Chính vì vậy, việc nhà nước CHXHCN Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa cũng như liên tiếp lên tiếng phản đối với cùng một nội dung lặp đi lặp lại nhiều lần, đã tạo nên một hệ quả pháp lý là các nước này không thể thụ đắc một cách hợp pháp hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!