Người đỗ thủ khoa kỳ thi năm 1928 tại Quốc học Huế

Nguyễn Tâm Cẩn
31/1/2024

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908 -1996) quê ở làng Yên Hồ, huyện La Sơn nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh được coi là một nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục Việt Nam. Ông cũng là một kỹ sư và là nhà toán học.

Thuở nhỏ ông học chữ Hán và chữ Quốc ngữ tại nhà và nổi tiếng là người học giỏi. Năm 1928 ông đỗ thủ khoa kỳ thi Tú tài toàn phần và được nhận học bổng của Toàn quyền Đông Dương sang Pháp học dự bị để thi vào các trường đại học. Từ năm 1928 đến năm 1936 ông đã thi và học qua nhiều trường ở Pháp trong đó có trường Bách khoa París, trường Cầu Đường París và lấy bằng Thạc sĩ Toán tại trường Đại học Sorbonne nổi tiếng.  Sau khi có bằng Thạc sĩ Toán, ông về  nước và dạy học ở trường Bưởi (tiền thân của trường THPT Chu Văn An sau này) rồi năm 1943 chuyển lên dạy ở trường Đại học Khoa học mới được thành lập tại Hà Nội.
    Tháng 4 năm 1945 Hoàng Xuân Hãn tham gia chính phủ Trần Trọng Kim với chức vụ bộ trưởng bộ Giáo dục - Mỹ thuật. Trong thời gian làm bộ trưởng ông đã xây dựng và ban hành chương trình Giáo dục phổ thông bằng chữ Quốc ngữ. Đây là cơ sở quan trọng để sau năm 1945 bộ Giáo dục nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa lấy làm chương trình cho các trường phổ thông. Sau khi chính phủ Trần Trọng Kim giải thể, ông trở về dạy ở trường Đại học Khoa học và viết sách Toán bằng tiếng Việt.
     Năm 1946 ông tham gia phái đoàn Việt Nam dự hội nghị Đà Lạt và tháng 12 năm 1946 sau Toàn quốc kháng chiến ông bị kẹt lại ở Hà Nội . Đến năm 1951 ông sang Paris rồi ở luôn bên Pháp. Từ năm 1951 – 1954 theo lời mời, ông đã giúp thư viên Quốc gia Pháp cùng các thư viện ở Ý và Tòa thánh Vatican làm thư mục về sách Việt. Công việc này đã giúp ông phát hiện nhiều tư liệu quý về lịch sử, về văn hóa và văn học Việt Nam.
     Tháng 7 năm 1992 ông thành lập tại Pháp hội Văn hóa Giáo dục Cam Tuyền  với Tôn chỉ, mục đích là bảo vệ và phát huy văn hóa giáo dục cổ Việt Nam tại Pháp và các quốc gia Tây phương. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn mất tại Paris ngày 10 tháng 3 năm 1996. 
       Trong quá trình hoạt động, giảng dạy và nghiên cứu khoa học ông đã cho xuất bản hơn chục công trình nghiên cứu về lịch sử, về văn học, về danh từ khoa học, về toán học, về biên tập và chú thích các tác phẩm văn học cổ…. Năm 2000 giáo sư Hoàng Xuân Hãn được nhà nước Việt Nam truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh . Năm 2011 trường Đại học Cầu Đường Paris (một trường đại học có uy tín hàng đầu của Pháp) đã chọn giáo sư Hoàng Xuân Hãn đặt tên cho Giảng đường đại học của trường.
         Chuyện về giáo sư Hoàng Xuân Hãn có liên quan đến quá trình ông học và thi cử tại trường Quốc học Vinh (là tiền thân của trường THPT Huỳnh Thúc Kháng sau này). Trường Quốc học Vinh thành lập năm 1920, sau trường Quốc học Huế 20 năm nhưng hàng năm đến kỳ thi Tú tài toàn phần, học sinh trường Quốc học Vinh vẫn nêu quyết tâm tranh giành chức Thủ khoa với học sinh trường Quốc học Huế.
       Tại kỳ thi năm 1928, át chủ bài của trường Quốc học Huế là Tạ Quang Bửu (1910 -  1986). Ông quê ở thôn Hoành xã Nam Hoành (nay thuộc xã Khánh Sơn) huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Là người nổi tiếng thông minh từ nhỏ và có ý chí nghị lực trong học tập ông đã theo người nhà làm quan vào học ở Tam kỳ, Quảng Nam và năm 1922 thi đỗ vào trường Quốc học Huế.  Năm 1929 Tạ Quang Bửu cũng nhận được học bổng và sang Pháp học.  Năm 1930 thi đỗ vào trường Centrale Paris và từ đó cho đến năm 1934, ông theo học chương trình cử nhân khoa học ở Đại học Sorbonne, học toán ở các trường Đại học Paris, Đại học Bordeaux (Pháp) và được trường Bordeaux gửi sang Đại học Oxford (Anh) học một thời gian.
     Năm 1934 trở về nước ông dạy toán và tiếng Anh tại các trường học ở Huế. Từ 1942  chuyển ra đi làm công cho hãng Điện - Nước SIPEA và sau đó giữ chức Vụ trưởng Vụ nghiên cứu Điện – nước Trung kỳ.
    Tháng 8/1945, ông cùng luật sư Phan Anh ra Hà Nội tham gia cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Tham nghị trưởng bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời, phụ trách giao thiệp với các nước Mỹ và Anh. Vừa tham gia  công việc của Chính phủ, ông vừa giảng dạy Vật lý tại trường Đại học Hà Nội và đến 3/1946 được Quốc hội cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
    Tháng 6/1946, ông tham gia đoàn đàm phán ở Fontainebleau sau đó được đồng chí Phạm Văn Đồng cử sang Thụy Sĩ dự kỉ niệm 200 năm Hội Khoa học Thụy Sĩ . Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, ông được giao phụ trách việc vận chuyển cơ sở vật chất, kĩ thuật quân sự lên chiến khu Việt Bắc.
    Từ năm 1947 đến 1961, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao,thời gian sau là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và kiêm nhiệm nhiều cương vị khác. Năm 1954, ông tham gia đoàn đàm phán của chính phủ về ký kết hiệp định Genève, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
     Năm 1956 ông làm Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và từ 1959 đến 1976, được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông cũng là đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I đến khoá VI và kiêm nhiễm các chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô.  
     Giáo sư Tạ Quang Bửu qua đời ngày 21 tháng 8 năm 1986 tại Hà Nội, thọ 76 tuổi. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt đầu tiên . Ông được coi là nhà khoa học, người đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ  quân sự Việt Nam.
      Trở lại kỳ thi Tú tài toàn phần năm 1928, buổi sáng hôm đó Tạ Quang Bửu vào dự thi vấn đáp môn Toán. Giám khảo là giáo sư Đuy Boa (Dubois) người Pháp, một thầy giáo nổi tiếng là giỏi Toán và hay hỏi vặn vẹo những câu hóc búa đã làm nhiều học sinh ở Quốc học Huế toát mồ hôi hột.
     Giám khảo đã đọc cho anh chép một bài toán rất khó bằng tiếng Pháp. Ra xong  ông lôi một cuốn sách ra đọc vì tin rằng phải mất một thời gian dài anh mới giải xong. Không ngờ Tạ Quang Bửu đã làm một mạch từ đầu chí cuối mà không gặp khó khăn gì. Chấm xong, đến phần vấn đáp anh đã trả lời một cách trôi chảy tất cả các câu hỏi kể cả những câu hóc búa mà vị giám khảo đã nêu ra.  Cuối cùng vị giáo sư người Pháp đã rất vui  đến cầm tay anh  giơ lên cao và  nói:
 -  Mấy kỳ thi những năm qua tôi đi làm giám khảo đã ra bài toán này nhiều lần nhưng chưa ai giải được. Anh đã giải một cách nhanh chóng và trả lời vấn đáp rất hay xứng đáng đạt điểm tối đa 20/20. Chúc mừng anh.
     Rất nhiều học sinh Quốc học Huế đến dự đã vỗ tay hoan nghênh và tin chắc rằng thủ khoa sẽ thuộc về trường mình.
      Buổi chiều hôm đó, đại diện của trường Quốc học Vinh là Hoàng Xuân Hãn mới vào dự thi. Biết tin đó học sinh của Quốc học Huế cũng đến xem rất đông. Giám khảo vấn đáp môn Toán vẫn là giáo sư người Pháp  đã từng hỏi thi buổi sáng. Ông đã chọn một đề toán trong một cuốn sách toán dày cộp có đánh dấu trước. Thầy đọc cho anh chép một bài toán rất hóc búa bằng tiếng Pháp lên bảng rồi nói với anh: 
- Anh xem bài toán này có thể giải được bằng mấy cách ?
Không cần suy nghĩ lâu, Hoàng Xuân Hãn bình tĩnh trả lời:
- Thưa giáo sư bài toán này tôi có thể giải theo ba cách ạ, hai cách theo chương trình đã học và cách thứ ba ngoài chương trình.
Vị giáo sư ngồi thẳng người:
- A! Hoàng Xuân Hãn của Quốc học Vinh. Khá lắm! 
   Thế rồi trên chiếc bảng đen, Hoàng Xuân Hãn miệng nói tay viết lần lượt giải bài toán theo ba cách. Chữ anh viết chân phương rõ ràng, trình bày mạch lạc. Cả ba cách đều dẫn đến một kết quả như nhau.
      Viết xong anh quay về phía giáo sư nói:
-  Thưa giáo sư , tôi đã làm xong.
  Rồi anh nhìn thẳng vào vị giám khảo chờ những câu hỏi hóc búa mà ông sẽ đặt ra. Nhưng không, ông chỉ cười và nói với anh:
- Ba cách giải của anh đếu rất tốt, nhất là cách thứ ba rất độc đáo sáng tạo. Anh xứng đáng là học trò xuất sắc của Quốc học Vinh. Tôi cho anh điểm tối đa và thưởng thêm hai điểm về cách giải ngoài chương trình. 
     Tất cả thí sinh dự thính ngồi dưới ồ lên một tiếng khoái trá rồi cùng kéo ra ngoài theo Hoàng Xuân Hãn . Tạ Quang Bửu (ít hơn Hoàng Xuân Hãn 2 tuổi) chạy đến bắt tay Hoàng Xuân Hãn và hỏi:
- Anh ở huyện nào ?
- Mình ở Đức Thọ, còn cậu ?
- Tôi ở Nam Đàn. Hóa ra anh em mình đều ở tả hữu ngạn sông Lam. Có người nói: chúng mình vào đây gà nhà đá nhau.
- Chuyện đó không đáng quan tâm. Vấn đề là anh em mình phải chứng minh cho thiên hạ thấy rằng dầu có thay đổi thể thức thi cử, thì Nghệ Tĩnh vẫn là đất học, là đất khoa bảng.
  Kỳ thi đó Hoàng Xuân Hãn đỗ thủ khoa, Tạ Quang Bửu đứng thứ hai. Cả hai ông về sau đều là nhà khoa học , là học giả nổi tiếng như đã nói ở trên.
Tài liệu tham khảo:
1. Ninh Viết Giao: Từ điển nhân vật Xứ Nghệ. NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh – 2008.
2. Nguyễn Nghĩa Nguyên:   Đắp núi tháp bút.  NXB Nghệ An 1996.
                        



CÙNG CHUYÊN MỤC

Non nước xứ Nghệ

Con người xứ Nghệ

Thương hiệu xứ Nghệ