Âm vang khúc hát sắc bùa trong đêm giao thừa

Nguyễn Khắc Thuần
29/1/2024

Hát sắc bùa là một phương cách chúc Tết độc đáo, hàm chứa tín ngưỡng, tâm linh trong văn hóa dân gian của người Việt. Những lời chúc mừng năm mới an lành, hạnh phúc được thể hiện bằng lời ca, tiếng hát của các đội sắc bùa trong đêm giao thừa đã mang đến cho từng gia đình dạt dào bao cảm xúc, truyền bao cảm hứng tốt đẹp về một mùa xuân mới.

Từ ngày xửa ngày xưa, mỗi khi Tết đến, xuân về trong phút giây thiêng đón giao thừa ở nhiều miền quê xứ Nghệ nói riêng, cả nước nói chung lại được hòa mình vào không gian nghệ thuật hát sắc bùa. Những lời ca, điệu ví thấm đượm nghi lễ chúc tụng dân gian mộc mạc, gần gũi, thân thương vang vọng đến với từng gia đình là một di sản văn hóa độc đáo, đặc sắc bồi trúc thêm nét đẹp nhân văn thấm đẫm tình làng, nghĩa xóm, mang về bao niềm vui và hy vọng ấm lòng người xứ Nghệ trong phút giây thiêng đón chào mùa xuân mới.
Khác với nhiều loại hình văn nghệ dân gian khác, hát sắc bùa mỗi năm chỉ diễn ra một lần trong thời khắc đón giao thừa của tết cổ truyền. Đây là loại hình văn nghệ dân gian tổng hợp ca, múa, nhạc mang yếu tố tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, người người an yên hạnh phúc cùng nhau vui đón Tết cổ truyền.
Theo Nghệ nhân nhân dân Trần Khánh Cẩm - người đã dành trọn cuộc đời nghiên cứu, phát huy, phát triển hát sắc bùa ở Hà Tĩnh thì thật khó xác định được nguồn gốc, thời gian xuất hiện của hát sắc bùa trong dòng chảy văn nghệ dân gian Việt Nam. Văn bản cổ nhất, duy nhất nói về hát sắc bùa là trường ca “Đẻ đất, đẻ Mường” của dân tộc Mường. Theo tiếng Mường “sắc bùa” là “xéc pùa” nghĩa là “xách bùa”, trong cổ tích ghi lại: ngày xửa ngày xưa trước thời khắc đón giao thừa, các đội sắc bùa đều lên chùa bái lạy Phật tổ xin những lá bùa chúc phúc, chúc bình an, trừ tà ma, diệt quỷ dữ rồi xách (sắc) những lá bùa ấy đến dán cho từng gia đình trong bản làng để trấn yểm tà ma, quỷ dữ và hát những bài ca chúc mừng xuân mới an khang, thịnh vượng.
Từ cội nguồn văn hóa Việt - Mường, hát sắc bùa thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, niềm tin vào tương lai tươi sáng trong mùa xuân mới nên hát sắc bùa được bảo lưu, trao truyền, phát triển trong văn hóa Việt với sức sống mãnh liệt, sức lan tỏa vượt thời gian, không gian, đủ sức đi qua những thăng trầm của lịch sử mà trường tồn cùng năm tháng.
Sau mấy năm ngưng nghỉ vì dịch covid-19, phong trào hát sắc bùa ở nhiều địa phương trong xứ Nghệ lại hồi sinh mạnh mẽ. Nhiều làng, xã ở các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Hương Khê, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh… đã tổ chức thành lập các “Câu lạc bộ sắc bùa”, tổ chức các hội thi hát sắc bùa cấp huyện, cấp tỉnh để phát hiện bồi dưỡng nghệ nhân, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Nhiều trường học ở huyện Kỳ Anh đã tổ chức các chương trình ngoại khóa về hát sắc bùa, tổ chức các đội sắc bùa, các lớp học, tạo sân chơi khơi nguồn dòng chảy tiếp nối trong thanh thiếu niên.
Được sự cổ vũ của chính quyền địa phương, đầu tháng chạp (tháng 12 âm lịch), các đội sắc bùa các làng quê đã tổ chức biên soạn các bài chúc, thục luyện các bài chúc để tổ chức diễn xướng lúc giao thừa.
Trong đội hát sắc bùa có từ 6-15 người, người hát chính gọi là “cái kể” (có nơi gọi là ông Cai), những người còn lại hát phụ họa gọi là “con xô”. Cái kể là người hát trước cầm trịch, các con xô hát phụ họa, mỗi người một câu so le. Câu kết cả đội cùng ca vang. Cái kể phải là người có chất giọng tốt, tác phong nhanh nhẹn, thành thục các điệu hát, bài hát sắc bùa chúc mừng năm mới và là người có thể tùy cơ ứng biến ứng tác lời bài hát phù hợp với gia cảnh người được chúc mừng. Nhạc cụ của đội hát sắc bùa là cồng, chiêng, thanh la, thanh tiền, trống tầm vinh (trống cơm) và trống con. Người hát cũng là nhạc công. Phục trang của đội hát thường là quần trắng, áo dài màu đỏ, xanh, vàng, đầu quấn khăn đỏ hoặc khăn đen, thắt lưng giải điều hay hoa lý.
Không gian biểu diễn của hát sắc bùa là đường làng, ngõ xóm, sân nhà rộng rãi, khoáng đạt chắp cánh cho lời ca, tiếng nhạc lan tỏa khắp xóm thôn, truyền một cảm hứng tưng bừng, hân hoan, rộn ràng vui mừng khi đón giao thừa đến, mùa xuân về cho xóm thôn. Vũ đạo trong hát sắc bùa gọi là “lộn” (nhào lộn) là những động tác chuyển động hình thể theo điệu hát vui mắt mà dễ tập, người hát tự sáng tạo trong quá trình biểu diễn theo nhịp điệu và lời bài chúc.
Đội hát sắc bùa khi xuất quân chỉ 6-15 người nhưng tiếng hát tiếng cồng, chiêng, thanh la thúc dục mời gọi nên càng đi càng đông, thu hút thêm người tham gia càng làm cho không gian đường thôn ngõ xóm thêm đông vui, nhộn nhịp tạo nên một cuộc diễu hành ca - múa - nhạc tưng bừng trong đêm xuân.
Trong quan niệm của người xưa, hát sắc bùa là một hình thức diễn xướng tổng hợp, có chức năng chúc tụng “người an vật thịnh”, “mưa thuận gió hòa” trong dịp Tết cổ truyền. Đội hát sắc bùa tượng trưng cho đội quân hùng mạnh, tôn nghiêm xua đuổi tà ma, quỷ dữ xui xẻo. Dân ta định nghĩa về sắc bùa thật mộc mạc và không kém phần hóm hỉnh trào lộng: “Sắc bùa là sắc bùa âu/ Mong cho năm mới ăn xôi với chè/ Sắc bùa là sắc bùa hoe/ Mong cho năm mới ăn chè/với xôi”.
Trong đêm 30 tết, sau khi tập trung làm nghi lễ ở nhà văn hóa thôn, đội hát sắc bùa thôn Thuận Sơn (xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh) do Cai sắc Trần Nghinh chỉ huy xuất quân, trong hương trầm ngào ngạt của thi vị tết đến, xuân về, tiếng hát sắc bùa trở nên kỳ ảo. Tiếng trống, chiêng âm vang trên đường đi luôn thu hút mọi người tham gia, cổ vũ. Theo chỉ đạo của cai sắc, đoàn vừa đi vừa hát. Đến tận cổng gia chủ cả đội ca vang bài ca có tiết tấu rộn ràng: “Mở ngõ”: “Đầu xuân năm mới bước vào/ Anh em đội Sắc kính chào toàn gia/ Mừng xuân, mừng Đảng, mừng ta/ Mừng nông thôn mới trên đà vinh quang”. Biết có khách quý đến xông nhà đầu năm mới, gia chủ ra mở cửa, nghênh đón. Người Cai sắc đánh 3 hồi trống cùng gia chủ đi vào nhà, khi cả đoàn đến trước bàn thờ gia tiên, ông Cai sắc làm thủ tục vái lạy gia tiên các thành viên trong đội xếp hàng ngang. Cai sắc kính cẩn bái tổ tiên.
- Đầu xuân năm mới, chúng tôi đến mừng tuổi gia đình. Trên kính lạy tiên tổ, tiên tổ anh linh phù hộ độ trì cho con cháu an khang thịnh vượng. Sang xuân năm mới kính chúc gia đình gặp nhiều may mắn.
Cả đội hòa theo:
- Đón xuân năm mới, xóm làng nô nức, gia đình bình an. 
Và tiếp theo là những bài ca chúc mừng xuân mới của đội. Lời bài ca giản dị, gần gũi phù hợp với những điều chờ mong của từng gia đình. Với một cặp ông bà vinh thọ 80 xuân, đội ca:
Xuân sang hoa thắm đất trời/ Ông bà song thọ, tuổi nhiều càng vinh/ Ngày xuân cung chúc gia đình/ Ông bà, con, cháu gặp nhiều niềm vui.
Với một gia đình làm ăn phát đạt trong năm qua nhờ kinh tế trang trại, lời chúc của Đội:
Xuân sang phát lộc phát tài/ Lúa bông trĩu hạt, quả sai kín vườn/ Gia đình giàu mạnh khang trang/ Lợi nhà, ích nước, xóm làng tin yêu.
Mỗi gia đình đội chỉ dừng lại 5-7 phút nhưng tạo nên một không gian vui vẻ thắm đượm tình làng nghĩa xóm ấm áp, chan hòa, yêu thương gần gũi, chia sẻ cùng nhau khi tết đến, xuân về.
Hành trình của đội hát sắc bùa kéo từ đầu thôn đến cuối xóm. Điểm đến cuối cùng là nhà Cai sắc và ở đây sau lời chúc mừng gia đình người đội trưởng đã dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết xây dựng đội sắc bùa của xóm thôn là lời chúc nhau sức khỏe, hanh thông trong công việc, lời hẹn năm sau lại cùng nhau mang lời “Cung chúc tân xuân” đến với mọi gia đình trong thôn xóm.

CÙNG CHUYÊN MỤC