Công nghiệp văn hóa Nghệ An - Tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển

Phương Chi
29/1/2024

Đặt vấn đề Phát triển công nghiệp văn hóa được Đảng và Nhà nước ta quan tâm trong khoảng hai thập niên gần đây và xem là một lĩnh vực quan trọng để gắn kết phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đường lối, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa được hình thành từ Trung ương cho đến địa phương và tạo ra nhiều sự thay đổi trong quá trình phát triển. Giờ đây, công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành một vấn đề quan trọng ở các địa phương khác nhau. Ở Nghệ An, vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa được quan tâm trong gần một thập kỷ nay. Từ các chính sách chung của cả nước, Nghệ An đã ban hành các chính sách riêng dựa trên đặc thù của địa phương để đưa ra những định hướng phát triển công nghiệp văn hóa phù hợp với tỉnh nhà.

1. Tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh Nghệ An
Nghệ An là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa. Điều này được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau. Trong đó, có hai phương diện thể hiện rõ ràng nhất vấn đề này:
Thứ nhất, cần phải nhấn mạnh rằng, Nghệ An là một địa phương có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có bề dày lịch sử truyền thống, có sự hội nhập quốc tế sớm. Văn hóa Nghệ An đa dạng. Đó là điều không phải bàn cãi. Xét về hệ sinh thái văn hóa, Nghệ An có văn hóa biển và ven biển, có văn hóa vùng trung du, có văn hóa vùng thung lũng và cả văn hóa vùng núi cao. Xét về chủ thể, Nghệ An có văn hóa người Kinh ở miền xuôi, văn hóa của người Thái, người Khơ Mú, người Thổ, người Mông, người Ơ Đu ở miền núi. Xét về loại hình thì văn hóa Nghệ An lại càng đa dạng khi có gần như đầy đủ các thành tố văn hóa quan trọng. Không những vậy, Nghệ An còn là điểm tiếp giáp của nhiều vùng văn hóa khác nhau, là nơi có nhiều nền văn hóa hội tụ. Sự đa dạng văn hóa là một nguồn vốn quan trọng để Nghệ An có thể xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Thứ hai, Nghệ An có nhiều yếu tố văn hóa tiềm năng to lớn để phát triển công nghiệp văn hóa. Những yếu tố văn hóa này đều tiêu biểu cho văn hóa Nghệ An và cũng là những nguồn lực quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa. Nhưng hiện đều đang ở dạng tiềm năng mới bước đầu khai thác hoặc còn chưa được khai thác. 
Thứ nhất, nghệ thuật biểu diễn, Nghệ An có ví giặm là di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh. Không chỉ là một di sản văn hóa mang giá trị tinh thần to lớn, gắn với đời sống sinh hoạt và sản xuất của con người xứ Nghệ, ví giặm còn mang theo nhiều giá trị kinh tế quan trọng mà nếu biết cách khai thác phù hợp sẽ đưa lại nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển kinh tế. Sức ảnh hưởng của ví giặm rất lớn đến nhiều cộng đồng khác nhau. Ví giặm cũng có sức thu hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh ví giặm nổi tiếng được nhiều người biết đến thì Nghệ An còn có một hệ thống các nghệ thuật biểu diễn của các cộng đồng khác nhau, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn truyền thống của các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An vốn có sức hút đối với du lịch văn hóa cũng như là nguồn lực hấp dẫn để sản xuất các sản phẩm văn hóa nhằm cung cấp cho thị trường. 
Thứ hai, có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, phân bố đồng đều khắp nơi. Nghệ An có hàng trăm lễ hội truyền thống hàng năm, trong đó có hàng chục lễ hội nổi tiếng trước đã bị mai một, nay được phục hồi như các lễ hội đền Cuông (Diễn Châu), đền Cờn (Quỳnh Lưu), đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Vua Mai (Nam Đàn), đền Bạch Mã (Thanh Chương), đền Hồng Sơn, chùa Sư Nữ (thành phố Vinh)… Miền núi phía Tây có các lễ hội Xăng Khan, Hang Bua (Quỳ Châu), đền Chín Gian (Quế Phong), đền Vạn (Tương Dương)… Gần đây tỉnh còn xây dựng nên một số lễ hội mới mang sắc thái hiện đại như lễ hội làng Sen (19-5), lễ hội sông nước Cửa Lò (30/4 - 1/5), lễ hội uống nước nhớ nguồn (27-7),… Cùng với đó có hơn 2.500 di tích - danh thắng, với hàng trăm di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh. Đây cũng là nguồn lực quan trọng để phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh nhà. 
Thứ ba, Nghệ An có một hệ thống các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống của các cộng đồng trải dài từ vùng biển đến vùng núi cao. Các ngành thủ công nghiệp ở Nghệ An vô cùng đa dạng, từ các làng nghề sản xuất chế biến đồ biển của cư dân vùng biển, các làng nghề truyền thống của cư dân vùng đồng bằng và trung du đến các làng nghề như dệt may thổ cẩm, đan lát mây tre… của cư dân vùng miền núi. Mỗi làng nghề đều mang những bản sắc khác nhau và tạo ra một sự đa dạng trong các loại hình sản phẩm. Nếu phát triển các làng nghề một cách phù hợp để khai thác hiệu quả cả sản phẩm hàng hóa thủ công mỹ nghệ lẫn các sản phẩm du lịch văn hóa thì hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương. 
Thứ tư, Nghệ An có một đội ngũ văn nghệ sĩ, vận động viên đông đảo, tâm huyết, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học, thể thao… Đây là nguồn nhân lực quan trọng đóng góp cho các lĩnh vực văn hóa chủ chốt của tỉnh nhà, và cũng là nhân tố quan trọng để có thể xây dựng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa liên quan đến các lĩnh vực này. 
Thứ năm, Nghệ An có một hệ thống tri thức dân gian hay tri thức văn hóa cộng đồng hay tri thức địa phương đa dạng và phong phú, gắn với các cộng đồng riêng biệt. Những hệ thống tri thức này đang ngày càng được vận dụng vào việc sản xuất các sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ để cung cấp ra thị trường và thu lại những nguồn lực lớn. 
2. Thực trạng các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Nghệ An
Dựa vào tình hình cụ thể cũng như tiềm năng văn hóa địa phương mà Nghệ An đã xác định tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa quan trọng như du lịch văn hoá; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật nhiếp ảnh; quảng cáo; điện ảnh; thủ công mỹ nghệ, phát thanh và truyền hình… 
2.1. Phát triển du lịch văn hóa
Trong những năm qua, sản phẩm du lịch có bước chuyển biến tích cực, ngày càng đa dạng hơn, chất lượng được đổi mới đáng kể, trong đó du lịch văn hóa - lịch sử gắn với tâm linh tiếp tục khẳng định vị thế. Thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh xây dựng các chương trình tham quan du lịch trong đó kết nối các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh nổi bật như: Khu Di tích Kim Liên, đền ông Hoàng Mười, đền thờ Hoàng đế Quang Trung, Khu Di tích lịch sử Truông Bồn, Chùa Đại Tuệ, đền Quả Sơn, đền Cờn, đền Chung Sơn... 
Tích cực khai thác, phát huy văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số gắn với du lịch thông qua việc xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại một số bản ở các huyện miền Tây Nghệ An như: Bản Nưa (Con Cuông), bản Hoa Tiến (Quỳ Châu), bản Cọ Muồng (Quế Phong), bản Yên Hòa, Mường Lống (Kỳ Sơn)... Đến nay, các mô hình du lịch cộng đồng đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên; tạo ra sinh kế mới góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
Việc phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể gắn với phát triển du lịch có chuyển biến tiến bộ: Một số địa phương như Nam Đàn, Cửa Lò đã hình thành các điểm trình diễn dân ca ví, giặm gắn với các điểm tham quan; các bản làng du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong... cũng hình thành đội văn nghệ để phục vụ khách du lịch. Nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội mới được tổ chức gắn với các giá trị nguyên gốc và hoạt động của cộng đồng đã tạo thêm sức hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Các làng nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, mây tre đan, chế biến hải sản...) đã đóng góp tích cực trong việc cung cấp các sản phẩm hàng hóa quà tặng khách du lịch. Văn hóa ẩm thực đã thực sự trở thành sản phẩm hấp dẫn đối với du khách khi đến Nghệ An. 
Từ năm 2017 đến nay, đã thực hiện việc thẩm định trình UBND tỉnh công nhận 24 điểm du lịch, trong đó chủ yếu là các di tích lịch sử, di tích quốc gia đặc biệt, bảo tàng: Đền thờ Nguyễn Xí (Nghi Lộc), đền Cuông (Diễn Châu), khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (Đô Lương), bảo tàng Nghệ An, bảo tàng Quân khu IV (TP. Vinh)... góp phần bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường, đẩy mạnh, trong đó: Tổ chức thành công Hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch Nghệ An tại TP Hồ Chí Minh gắn với công bố tour du lịch “Hành trình về nguồn và khám phá vẻ đẹp xứ Nghệ” nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với tham gia Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh 2019; tham gia Hội nghị quảng bá giới thiệu du lịch Nghệ An tại Lào, Thái Lan, 4 nước châu Âu, Trung Quốc, Nga;... 
2.2. Phát triển công nghiệp văn hóa liên quan lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn
Tỉnh Nghệ An, sau khi xắp xếp, hợp nhất các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thì còn 01 đơn vị là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh, với chức năng chính là bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh và nghệ thuật truyền thống các dân tộc thiểu số của tỉnh Nghệ An; quảng bá các di sản nghệ thuật truyền thống trong nước và quốc tế, xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ của tỉnh, phục vụ nhân dân. 
Ngoài ra trong hoạt động nghệ thuật quần chúng, tỉnh Nghệ An còn có 01 đội nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh (thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh), 21/21 đội nghệ thuật quần chúng cấp huyện (thuộc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông) và hơn 110 câu lạc bộ bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống ở các địa phương đã góp phần bảo tồn, phát huy di sản nghệ thuật truyền thống tại các địa phương gắn với phát triển du lịch.
Gần đây, gắn với phát triển các tuyến phố đi bộ ở TP Vinh, nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn đã được tổ chức trình diễn nhằm thu hút khách du lịch. Kết quả bước đầu cũng tạo ra được những điểm nhấn cần thiết và gợi mở thêm nhiều con đường để đưa nghệ thuật biểu diễn vào phát triển kinh tế. 
2.3. Phát triển công nghiệp văn hóa liên quan đến lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh
Hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, các tác phẩm tập trung đi sâu khai thác, sáng tạo những đề tài lớn về lịch sử, công cuộc đổi mới. Trong giai đoạn 2018 - 2022 đã cấp phép 06 triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; tổ chức thành công gần 40 cuộc triển lãm chuyên đề tuyên truyền phục vụ các ngày lễ, sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh; tham gia các cuộc triển lãm nhằm quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Nghệ An tới bạn bè trong khu vực và toàn quốc. 
2.4. Phát triển các ngành quảng cáo
Việc tổ chức thực hiện quy hoạch trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo, đã phát huy được hiệu quả, phục vụ cho công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị. Tuyên truyền, quảng cáo đã thể hiện được vai trò là kênh thông tin quan trọng, truyền tải một cách kịp thời, sinh động, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước cũng như các sản phẩm tiêu dùng của doanh nghiệp, tổ chức xã hội đến với tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
2.5. Phát triển ngành điện ảnh
Ngày 15/8/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định chuyển đổi Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Nghệ An thành Công ty Cổ phần Điện ảnh 12/9 thực hiện theo Luật doanh nghiệp và được đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Điện ảnh đa chức năng với 05 phòng chiếu phim, 780 ghế được trang bị các công nghệ hiện đại. Hàng năm, đặt hàng chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hơn 300 buổi/năm. 
Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có nhiều hệ thống rạp chiếu phim có thương hiệu như: CGV Vinh Center (05 phòng chiếu phim, 700 ghế), Galaxy Vinh (05 phòng chiếu phim, 750 ghế), Lotte Cinema Vinh (06 phòng chiếu phim, 927 ghế) được đầu tư đồng bộ, hiện đại gắn liền với các trung tâm mua sắm, vui chơi, giải trí do đó chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn để cạnh tranh thu hút khán giả đến với bộ môn nghệ thuật thứ 7, đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của nhân dân.
2.6. Một số ngành khác
Thủ công mỹ nghệ; truyền hình và phát thanh; xuất bản; thiết kế; thời trang; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí ngày càng phát triển.
3. Định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Nghệ An
3.1. Những hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Nghệ An
Dù đã rất nỗ lực để xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn vừa qua, và thực tế cũng đã đạt được những kết quả nhất định, mang lại những nguồn thu nhập khá hơn cũng như tạo điều kiện để nhiều yếu tố văn hóa tham gia vào quá trình phát triển kinh tế. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, trong mấy năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế khi thực hiện chính sách phát triển công nghiệp văn hóa. 
Thứ nhất, chưa xác định được đầy đủ về tiềm năng và lợi thế của các yếu tố văn hóa để tạo nền tảng phát triển cho các ngành công nghiệp văn hóa. Cũng như nhiều địa phương khác, Nghệ An tiếp nhận các quan điểm từ Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ một cách khá máy móc. Từ quan điểm đến việc phân loại. Nghệ An cố gắng xây dựng nhiều ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có cả những ngành chưa thể khai thác các tiềm năng được. Và cũng vì dàn trải ra nhiều ngành nên chưa có sự đầu tư thích đáng cho một số ngành có thế mạnh để tạo bệ phóng cho sự đột phá, phát triển.
Thứ hai, nhận thức về công nghiệp văn hóa và sự phát triển công nghiệp văn hóa chưa thật sự đầy đủ và phù hợp. Công nghiệp văn hóa là một khái niệm trừu tượng, nghe thì hấp dẫn nhưng để vận dụng lại vô cùng khó khăn. Không những vậy, quá trình xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa lại tách bạch các ngành ra riêng lẻ nên làm hạn chế các nguồn lực và không đạt được hiệu quả trên thực tế vì chưa thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa các ngành với nhau. 
Thứ ba, hạn chế về nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Dù có nguồn nhân lực trong các hoạt động văn hóa đông đảo về số lượng và đồng đều về chất lượng nhưng Nghệ An lại thiếu đội ngũ nhân lực để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nhân lực cần được hiểu ở hai phương diện: nguồn nhân lực mang tính chủ thể, thực hành các sinh hoạt văn hóa hay nắm giữ các tri thức văn hóa; và nguồn nhân lực thực hiện các hoạt động kinh tế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nghệ An đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực ở bộ phận thứ hai. 
Thứ tư, hạn chế về khung chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tỉnh đã không ngừng tìm hiểu, xây dựng chính sách sát với chính sách chung của nhà nước cũng như sát với điều kiện thực tế của địa phương. Nhưng do lĩnh vực văn hóa vô cùng rộng lớn, văn hóa xứ Nghệ lại đa dạng và phong phú, nên khó để xây dựng các chính sách dành cho các ngành công nghiệp văn hóa cụ thể. 
Ngoài các hạn chế trên thì còn nhiều vấn đề bất cập khác mang tính chủ quan lẫn khách quan. Để đưa ra những định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh nhà trong giai đoạn tới thì cần thiết phải khắc phục được các hạn chế nêu trên.
3.2. Hoàn thiện các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa ở Nghệ An
Từ các chính sách chung của nhà nước, cần đánh giá lại tiềm năng của tỉnh nhà để xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Nghệ An đến năm 2030. Một chiến lược đúng đắn, phù hợp sẽ là kim chỉ nam cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển một cách hiệu quả. Chiến lược này một mặt đi theo những kinh nghiệm của các địa phương đi trước, mặt khác phải tìm được ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn để phát triển. Có như vậy mới có thể đưa các ngành công nghiệp văn hóa đi đúng hướng được. Phát triển công nghiệp văn hóa thường cần vốn đầu tư nhiều, thu hồi vốn chậm và đối diện với nhiều rủi ro, nên cần phải có những chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển thì mới thu hút được các nhà đầu tư.
Xây dựng chính sách ưu tiên khởi nghiệp trong các ngành công nghiệp văn hóa. Gần đây, khởi nghiệp được lãnh đạo tỉnh cũng như nhiều doanh nghiệp, người dân quan tâm. Nhưng các mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Nhưng để khởi nghiệp hiệu quả trong công nghiệp văn hóa còn nhiều khó khăn bởi cần nguồn vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn lại chậm. Vậy nên tỉnh phải xây dựng các chính sách liên quan để khuyến khích và hỗ trợ cho con em khởi nghiệp trong các ngành công nghiệp văn hóa.
Xây dựng chính sách phát triển khoa học công nghệ làm động lực, hỗ trợ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Lâu nay, các chính sách phát triển khoa học công nghệ gắn với các ngành sản xuất từ nông nghiệp, công nghiệp và cả thương mại. Nhưng các công nghệ hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, cần phải phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là đối với vùng nông thôn, miền núi để tạo điều kiện phát huy các giá trị văn hóa vào phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Cùng với đó là các chính sách về sở hữu trí tuệ, cung cấp bản quyền hay các hoạt động liên quan đến việc sử dụng các giá trị văn hóa có quyền sở hữu cụ thể. 
Cuối cùng, cần có chính sách đặc thù hỗ trợ cho người lao động trong các ngành công nghiệp văn hóa. Cần đào tạo đội ngũ chuyên môn để phát triển các hoạt động kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa. Cùng với đó cần có chính sách thu hút, đãi ngộ tốt cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên, các chủ thể văn hóa… để thu hút họ tham gia nhiều hơn vào phát triển công nghiệp văn hóa. 
3.3. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh
Điều quan trọng nhất có thể coi là nguyên tắc là không được tách rời các ngành công nghiệp văn hóa ra riêng biệt. Bởi hầu hết các ngành công nghiệp văn hóa đều có những mối liện hệ với nhau ở các mức độ khác nhau, nên nhận thức về mối quan hệ này là vấn đề quan trọng để hoạch định chính sách phát triển công nghiệp văn hóa một cách phù hợp. 
Thứ nhất, cần đẩy mạnh phát triển nghệ thuật biểu diễn và đưa nghệ thuật biểu diễn thành hoạt động kinh tế để tạo ra nguồn thu qua các hoạt động khác nhau. Nghệ thuật biểu diễn là một thế mạnh của Nghệ An, là nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa. Hiện tại đã có một số mô hình khai thác nghệ thuật biểu diễn để phát triển kinh tế, chủ yếu là gắn với phát triển du lịch văn hóa. Để khai thác hiệu quả hơn, cần có những mô hình mới, đặc biệt cần quan tâm đến các mô hình phát triển nghệ thuật biểu diễn qua mạng xã hội công nghệ. 
Thứ hai, nhìn nhận khách quan thì du lịch văn hóa vẫn chưa xứng tầm với những tiềm năng to lớn của tỉnh. Để đạt hiệu quả cao hơn, cần phát triển hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn và tổ chức hoạt động du lịch văn hóa hiệu quả. Cần phải gắn phát triển du lịch văn hóa với nghệ thuật biểu diễn, với thủ công nghiệp, với các di tích, di sản, với các lễ hội. Những nhân tố này nếu tách rời ra thì sẽ không mang lại hiệu quả, mà phải xem đây là những nhân tố hỗ trợ, bổ trợ lẫn nhau. Nghệ thuật biểu diễn thu hút du khách đến địa phương và thúc đẩy phát triển du lịch, còn du lịch cũng giúp cho nghệ thuật biểu diễn có thêm nguồn thu. Tương tự thì du lịch giúp cho làng nghề thủ công bán được nhiều đồ thủ công mỹ nghệ hơn nhưng thủ công nghiệp cũng tạo ra sản phẩm để thu hút du khách đến… Vậy nên cần phải quy hoạch phát triển du lịch gắn với nhiều ngành nghề khác nhau và đặc biệt cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để bảo vệ môi trường văn hóa, môi trường xã hội và cả môi trường tự nhiên. 
Thứ ba, phát triển lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, một lĩnh vực kén chọn khách hàng nhưng cũng hứa hẹn nhiều điều mới mẻ và hiệu quả bất ngờ. Để phát triển được ngành thủ công mỹ nghệ thì cần có những nghiên cứu cụ thể để lựa chọn sản phẩm chủ chốt có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Nó cũng phải là sản phẩm tiêu biểu cho đặc trưng văn hóa địa phương. Điều quan trọng là cần phải xây dựng mạng lưới thương mại cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tạo nên chuỗi hàng hóa đa dạng và gắn kết rộng rãi với các đối tác trong lĩnh vực đó ở các nơi khác cả trong và ngoài nước. 
Thứ tư, cần quan tâm phát triển lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, quảng cáo, in ấn, xuất bản để phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực trong các hoạt động này. Hiện nay, các hoạt động triển lãm, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật vẫn chủ yếu do các cơ quan thực hiện. Trong khi đó, đối tượng quan trọng là các doanh nghiệp lại chưa quan tâm nhiều đến các lĩnh vực này. Việc mua bán các sản phẩm hay tổ chức các hoạt động liên quan để thu hút du khách đến đây vẫn còn hạn chế. 
Thứ năm, cần quan tâm đến lĩnh vực kinh tế dược liệu, mà cụ thể là công nghiệp hóa các sản phẩm từ tri thức y học cổ truyền của các cộng đồng. Đây là lĩnh vực mới, chưa được xếp vào các ngành công nghiệp văn hóa. Nhưng trong khái niệm công nghiệp văn hóa của UNESCO hay của Việt Nam thì cũng đều nhấn mạnh đến việc thương mại hóa các sản phẩm có nguồn gốc từ tri thức văn hóa bằng cách sản xuất công nghiệp để cung cấp thị trường. Thực tế hiện nay cho thấy các bài thuốc y học cổ truyền đang được sản xuất hàng loạt thành các sản phẩm hàng hóa để đưa ra thị trường và thu được nhiều giá trị kinh tế to lớn. Nghệ An có tiềm năng về dược liệu, lại có một hệ thống tri thức y dược học cổ truyền của nhiều cộng đồng, là nguồn lực quan trọng để phát triển công nghiệp dược liệu từ tri thức văn hóa. 
Với các lĩnh vực khác, cần phải đánh giá lại tiềm năng, nguồn lực thực tế để xem xét khả năng đầu tư hay tạm dừng để tập trung nguồn lực cho các ngành có tiềm năng và hiệu quả hơn. Những cái này phải xem xét cụ thể rồi mới đưa ra quyết định. 
Kết luận
Nghệ An là một địa phương có tiềm năng to lớn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Những tiềm năng này xuất phát từ nền văn hóa truyền thống của Nghệ An đa dạng và phong phú. Trong đó có nhiều yếu tố văn hóa có giá trị kinh tế cao. Những nhân tố này nếu được khai thác một cách phù hợp và có hiệu quả thì sẽ là cơ sở nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa quan trọng cho tỉnh nhà. 
Dựa vào tiềm năng công nghiệp văn hóa của tỉnh, theo quan điểm chỉ đạo và định hướng phát triển của nhà nước, Nghệ An đã xây dựng chính sách và bước đầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, tập trung vào một số ngành như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, quảng cáo, mỹ thuật, nhiếp ảnh, thủ công mỹ nghệ, in ấn xuất bản… Qua một thời gian thực hiện, công nghiệp văn hóa đã bắt đầu định hình và đưa lại một số kết quả khả quan với những nguồn thu đáng kể. Nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Điều này là hiển nhiên đối với một lĩnh vực mới mẻ, phức tạp mà phải vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm.
Nghệ An đang thảo luận về các định hướng phát triển cho các ngành công nghiệp văn hóa để lĩnh vực này có điều kiện đóng góp cho địa phương nhiều hơn nữa. Trong đó, quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp văn hóa. Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng như nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ… hay đề xuất thêm lĩnh vực mới như công nghiệp dược liệu từ các tri thức y học cổ truyền. Với những định hướng mới này, hi vọng rằng các ngành công nghiệp văn hóa ở Nghệ An sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân quê nhà.
Tài liệu tham khảo
1. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2016), Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Ban hành theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Từ Thị Loan (chủ biên) (2017), Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội. 
4. Hà Hữu Nga (2017), Công nghiệp văn hóa trong thời đại tư bản hậu kỳ, Bản online trên http://kattigara-echo.blogspot.com/2017/10/cong-nghiep-van-hoa-trong-thoi-ai-tu.html.
5. UNESCO (2000), Culture, trade and globalization - Questions and answers. UNESCO Publishing.
6. UNESCO (2007), Statistics on Culture Industries; Framework for the Elaboration of National Data Capacity Building Project. UNESCO Asia and Pacific regional bureau for Education, Bangkok.

CÙNG CHUYÊN MỤC

Nghiên cứu Kinh tế

Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội

Thông tin tư liệu