Nguyễn Tâm Cẩn - Phan Bá Hàm
(Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An)
Theo nhà Folklorehọc Ninh Viết Giao thì vè dân gian có hai loại: vè thế sự và vè trữ tình. Vè trữ tình mà chủ yếu là tình yêu trai gái là một bộ phận quan trọng, phong phú trong kho tàng vè xứ Nghệ . Cùng với ca dao tục ngữ nói về tình yêu trai gái, các bài vè sẽ giúp chúng ta hiểu thêm thế giới nội tâm của trai gái Nghệ Tĩnh, những suy nghĩ cảm xúc, những phản ứng trước các thế lực xã hội để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi. Đó là tiếng nói trái tim của nam nữ thanh niên nông thôn thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tình yêu ban đầu là sự tỏ tình của hai người khác giới. Việc tỏ tình cũng có nhiều cách .Chẳng hạn: chàng trai ở làng Phú Ninh tỏ tình bằng cách khoe quê hương mình với bạn đời tương lai:
Tổng Vân có bốn cái đình
Nhìn xem phong cảnh Phú Ninh ai bằng
Đồng ruộng dăng dăng
Có lèn Trắng, lèn Xanh
Sông Vũ Giang uốn quanh
Nước bốn mùa trong vắt.
Đất tốt đã nên đất
Làng đẹp thật quý quyền
Có hòn Bút, hòn Nghiên
Sinh con gái như tiên,
Sinh con trai tài trí.
Có quan văn, quan võ
Anh giảng cho em tỏ
Thật đáng nơi lấy chồng
Từ xóm Nam đến xóm Đông
Tứ mùa đều bát tiết
Vui thậm lắm là vui
Đất Phú Ninh rày đẹp lắm ai ơi !
Văn nhân tài tử là nơi sinh thành.
(Phan Bá Hàm - Nguyễn Tâm Cẩn: Hồn quê làng Phú Ninh - NXB Khoa học xã hội - 2015 trang 62)
Quả thật ở làng Phú Ninh, tổng Vân Tụ xưa có quan văn là Thám hoa Phan Thúc Trực (1808 -1852), có quan võ là Tả đô đốc Đào Trung Lao, Tán trị công thần Phan Hàm Mậu thời Hậu Lê.
Cũng có người lấy nghề nghiệp của mình, nhất là học trò để khoe với bạn tinh.
Ca dao có câu: Thiên vàn chớ lấy học trò
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm
Nhưng bài vè không hoàn toàn tán thành quan điểm đó. Tác giả chứng minh rằng bốn lớp người trong xã hội cũ (sĩ nông công thương) thì sĩ đứng đầu hạng nhất, nếu thi đỗ cao thì rất vinh quang.
….Ngồi nghe dăm ba chuyện
Ai khôn bằng học trò
Nói rõ để em nghe,
Than với nường nường biết.
Chàng ôn kinh án tuyết
Đêm buông sáo thả mành
Đèn dầu thắp năm canh
Ngồi sôi kinh nấu sử
Một mai ra thi cử
Đậu ông Cử, ông Nghè
Thập đạo xướng tên nghe
Cổ có cao mới xứng
Lưng có dài mới xứng.
Giờ gươm mang, mũ đội
Về bái tổ vinh quy
Mở cờ thẻ ra đi
Gặp hương công phải tránh,
Lính bộ hành phải tránh.
Một mai lên Bố chánh
Ngồi kinh lược trong thành,
Đi tỉnh Nghệ, tỉnh Thanh
Ngồi tứ thư lục bộ
Mai lên chầu Thánh chúa
Đội mũ gấm thêu rồng,
Lưng thắt dải kim tòng
Mão đầu cân đỏ chói
Bây giờ ta mới hỏi:
Ai khôn bằng học trò ?
Xin các nường nhớ cho
Không ăn no nằm mãi
Học trò không nằm mãi.
(Sách làng Phú Ninh đã dẫn ở trên trang 65)
Một chàng trai khác đang “tán tỉnh" với cô gái mà anh yêu tha thiết. Tác giả vẽ ra một tương lai đầy hạnh phúc, nhàn hạ nếu đôi ta thành vợ chồng:
… Thôi thời em lấy anh thôi
Trang sức anh sắm đủ rồi còn chi
Guốc anh sắm em đi
Quai thao điều em dệt.
Mẹ cha ta có biết
Những lời nói của anh
Anh mà nói không rành
Có quỷ thần chứng giám.
…
Cam anh trồng trước cửa
Quýt anh đúc sau nhà
Bát nước chè múc ra
Cắm đũa vào không đổ
Một trăm giống gỗ
Không bằng gỗ lim,
Ván thì vàng tâm
Cửa nhà đỏ chói,
Khi trong nhà hết muối
Dân dưới bể đưa lên,
Khi hết gạo, hết tiền
Đưa mâm đồng ra thế.
Trên rừng đến dưới bể
Ta nỏ thiếu cái chi.
Lạy đức Phật từ bi
Đôi ta rành nhàn hạ
Đời ta không vất vả,
Con cái lại càng đông
Cả nội ngoại vui lòng
Vun trồng cho con cháu,
Anh ngồi anh trù tính
Khi anh lấy được em
Mơ ước sẽ đến nhanh
Có cuộc đời nhàn hạ
Suốt đời người nhàn hạ.
(Phan Bá Hàm - Nguyễn Tâm Cẩn: Nguồn sáng dân gian làng Yên Nhân – NXB Đại học Vinh - 2020 trang 143).
Tục ngữ có câu: Miếng trầu là đầu câu chuyện. Một cô gái ở làng Quỳnh Khôi đã gửi gắm tình yêu của mình qua miếng trầu em têm: “Miếng trầu này là vợ / Miếng trầu này là chồng”. Thật là một cách tỏ tình kín đáo, tế nhị.
Miếng trầu em rọc em têm
Miếng cau em bửa vừa mềm vừa xinh’
Lá trầu hình quả tim
Quả cau tròn láng bóng
Trầu em têm cánh phượng
Gửi tới người em thương .
Em đề giữa đôi dòng
Đề chữ ân, chữ ái
Đề chữ nghĩa chữ tình
Đề chữ thọ, chữ ninh
Đề hai chữ thậm xinh:
Đề chữ tình, chữ tính.
Chữ thiên duyên đã định
Mà trông đợi đêm ngày
Chàng ăn trầu không say
Nhớ vì tình vì nghĩa,
Say vì tình vì nghĩa.
Lúc tái bồi trường thịnh
Công tưới đắp vun trồng
Cau tốt trầu rậm xanh
Cau cao đã trưởng thành
Trầu kia mơn mởn lá
Cau vàng, trầu quế lạ
Em đưa ra chào mừng
Chàng đưa hai tay bưng
Thật ả Hằng, cung Quế (1)
Thật con người lan huệ
Thật là sắc là tài
Con người ngọc sánh hai
Trao nhau ăn một miếng
Đến trăm năm cũng nhớ:
Miếng trầu này là vợ,
Miếng trầu nọ là chồng
Trứng rồng nở ra rồng.
Anh con nhà làng sõi
Em con nhà dòng dõi.
Thầy đừng lo sự đói
Mẹ mơ tưởng sự giàu
Bấc đã hợp với dầu
Rồi trở nên tương hợp.
Buổi chiều trời sấm chớp
Đêm chuyển động vang trời
Đã quen tiếng mến hơi
Kết tri âm được nỏ
Kết vợ chồng được nỏ.
Trầu em têm còn đó,
Cau em bửa còn đây
Câu thơ đề bấy chầy
Mà anh chưa nói tới
Để ngày đêm em nhớ
Em mong anh nói có
Anh đừng có nói không
Kẻo em đợi em trông
Kẻo em đợi em mong
Em mong chờ, em đợi,
Bao tháng ngày mong đợi.
(Nguyễn Tâm Cẩn - Phan Bá Hàm: Từ Văn hóa dân gian làng Quỳnh Khôi mở rộng ra Văn hóa dân gian vùng đồng chiêm trũng - NXB Hội Nhà Văn – 2019 trang 156)
Chú thích: (1) Ả Hằng cung Quế: ả Hằng hay chị Hằng là nói người đàn bà đẹp, chỉ mặt trăng.Cung Quế cũng là mặt trăng theo tích cây Quế mọc ở cung trăng.
Khi hai bên đã yêu nhau tha thiết, sau cuộc tình tự, cô gái xin chàng trai “Để áo lại đây” và hy vọng khi nên vợ nên chồng sẽ có một gia đình hạnh phúc. Cái áo của chàng đối với cô còn quý hơn cả nhẫn vàng, nhẫn bạc vì mang hơi ấm của tình yêu lứa đôi.
Ra về để áo lại đây
Để đêm em đáp, để ngày em trông
Cái áo xông hương
Em treo bản mắc
Cái áo anh mặc
Em đắp lấy hơi
Đường ngái xa xôi
Em đi về không được.
Anh bắc cầu trước,
Anh bắc cầu sau
Bắc qua sông sâu
Đưa em về cho được.
Nghĩa tình giao ước
Cầu hóa ra sông
Em kêu bằng chồng
Gọi người bằng mẹ.
Tháng ngày chung chạ
Vợ chồng làm ăn
Cày bừa anh làm
Em lo cấy hái.
Đường đi xa ngái
Chồng vợ đi về
Nội ngoại hai bề
Đều mong mạnh khỏe.
Đến ngày sinh đẻ
Mẹ lo cho ta
Ăn ở một nhà
Đi ra một ngõ.
Đến mùa có ló (lúa)
Gặt về ăn chung
Đến tiết thu đông
Đắp chung chăn chiếu
Đến ngày có cháu
Bà nội lo bồng
Bà ngoại cũng sang
O dì về cả.
Nuôi con cho khỏe
Cả nhà vui mừng
Em bón em chăm
Anh lo đồng ruộng.
Cuộc đời hạnh phúc
Em ước bao ngày
Để áo lại đây
Cho em cất giữ.
(Sách làng Quỳnh Khôi đã dẫn ở trên trang 167)

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp không phải bao giờ tình yêu cũng “Xuôi chèo mát mái”. Cũng ở làng Quỳnh Khôi một cô gái yêu một chàng trai nhưng gặp nhiều trắc trở. Tuy vậy cô vẫn tin tưởng vào tình yêu: mối tình đôi ta sẽ rất đẹp nếu: “Dặn bạn về kín múi như tơ” và nhất là ”Không thay lòng đổi dạ” bởi vì sự thủy chung là điều quan trọng nhất để mối tình đi đến thành công.
Dặn bạn về kín múi (mối) như tằm
Chín tháng cũng đợi, một năm cũng chờ
Dặn bạn về kín múi như tơ
Lòng thương không ai biết, dạ đợi chờ không ai hay.
Lòng bấm chí thương ai
Đừng phỉnh phờ em ngọi (mong đợi)
Gặp anh đây em hỏi:
Sự cơn cớ vì ai ?
Đêm than vắn thở dài
Ngày âu sầu phiền muộn.
Đi ra thì không muốn
Không đi dạ chẳng yên
Bụng thêm rối, thêm phiền
Ruột tằm đau chín khúc,
Đau ruột tằm chín khúc.
Bởi vì ai xúi dục
Cho nên nỗi nước ni (này)
Tưởng bắc cầu mà đi
Ai bắc cầu mà lội.
Thấy mẹ cha bực bội
Đang ép uổng duyên em
Không có lý anh gièm
Cho duyên rời phận rẽ,
Anh say mê có kẻ
Anh đằm thắm có nơi
Như cây phướn giữa trời
Trăm dây xe không đến.
Nào ai ngồi khấn nguyện:
“Ta thương mãi nhớ liều
Em giòn đẹp bao nhiêu
Anh say mê chừng ấy”
Hai tay ta bưng lấy
Chén thông trúc đầy vơi
Xin dặn bạn một lời:
“Đừng say mê nơi khác
Đừng tìm chi nơi khác” ….
….Cách quan sơn mấy dặm
Khắp cả phủ Diễn Châu
Trở lại chốn âu sầu
Không một ai vừa ý.
Ba suy rồi bảy nghĩ
Năm đợi đến mười chờ
Dặn bạn tình kín múi như tơ
Không thay lòng đổi dạ
Chẳng thay lòng đổi dạ.
(Sách làng Quỳnh Khôi đã dẫn ở trên trang 160)

Một trường hợp khác người con gái giãi bày với người con trai . Nguyên do là chàng yêu nàng nhưng nàng đang còn ít tuổi, không cùng lứa với nhau nên không thể lấy nhau được, vì vậy chàng giận hờn . Nàng hứa khi chàng lấy vợ sẽ có quà mừng và trong tương lai hai người có thể gả con cho nhau.
Hờn giận anh ơi !
Xin anh đừng hờn giận
Đạo vợ chồng là số phận
Số trên trời định xe
Em xin nói anh nghe
Hết nguồn cơn sau trước .
Cá ăn nhờ với nước,
Bến nhờ cảnh với thuyền
Tại cái số cái duyên
Lòng em đây không tại,
Lòng mẹ thầy nỏ tại.
Hay chi điều nói mãi
Nói thế nọ thế này
Bất đắc dĩ em đây
Phải kiếm lời thưa với.
Mắt em buồn rười rượi
Cơm em nỏ muốn ăn
Ngồi giận số trách thân
Trách nguyệt lão cầm cân
Xe duyên em cay đắng.
Khi lên giường xuống võng
Cũng ba ngại bảy ngần
Dầu thầy mẹ cầm cân
Cũng xin thầy với mẹ .
Tuổi em đang còn bé,
Tuổi anh đã là nhiều
Không kết được duyên yêu
Mắc hai người hai lứa.
Tiếc con người như rứa
Không kết được tri âm
Cứ thương trộm nhớ thầm
Lòng băn khoăn tiếc mãi.
Phận em là con gái
Nhờ bến nước mười hai (2)
Chữ: Bất khả luận tài (3)
Anh về hỏi được ai
Em xin mừng khăn yếm.
Mai kiếm quan tiền quý
Em đưa lên tới nhà
Trước mừng cho ông bà
Sau mừng cho anh xã .
Em mừng cho chị cả
Được trong ấm ngoài êm
Được tai thánh mắt hiền,
Được lắm bạc nhiều tiền
Mừng bao nhiêu chừng ấy.
Mai sau con ta nậy (lớn)
Ta gả bán cho nhau
Giữ tình trước nghĩa sau
Rứa mới yên trong dạ ,
Rứa mới đành trong dạ .
Anh đừng nghe lời thiên hạ
Mà nói ngược nói xuôi
Lòng đừng có bồi hồi
Xin anh đừng hờn giận.
Mong anh đừng hờn giận.
(Phan Bá Hàm – Nguyễn Tâm Cẩn: Tràng Sơn, một làng Văn hóa dân gian phong phú - NXB Văn hóa Thông tin - 2014 trang 125)
Chú thích: (2) Bến nước mười hai: Chỉ duyên phận tình yêu
- Bất khả luận tài: không thể hiểu hết được cái tài của con người . Ở đây người con gái muốn nói: anh có thể lấy người khác tài giỏi hơn tôi.
Cũng có trường hợp người con gái phải lấy chồng xa quê hương nên xa cha ngái mẹ không “đi viếng về thăm được”, có lúc ngồi khóc một mình. Tâm lý của người thời xưa là muốn lấy chồng gần để nhờ cậy cha mẹ, anh chị em. Cuối cùng, nàng oán trách Ông tơ hồng trên trời cao đã xe duyên cho mình như thế .
Em về xóm Bắc cách sông
Xa nhà mới tỏ tri âm đôi đường
Ngồi nghĩ lại mà thương
Lúc cha già mẹ yếu
Năm ba nhành đào liễu
Chữ xuất giá lấy chồng
Chữ phu xướng, phụ tòng
Ai đành lòng phận nấy
Lời người xưa nói vậy .
Không kén chọn làm chi
Em bước chân ra đi
Đi khắp nơi mọi chỗ (chốn)
Ngày thì đi củi cỏ,
Tối lại nhớ lại trông
Gánh ló (lúa) đi gửi nhà ông
Bởi tại trời ách nước.
Lời thành tâm ao ước
Ước cha mẹ sinh thành
Gả bán em một mình
Gần Tràng Sơn, Vân Hội.
Giờ lấy chồng xa ngái
Không đi viếng về thăm
Giọt nước mắt lâm thâm
Chỉ một niềm thương nhớ.
Cửa nhà em giàu có
Không bởi tại buôn tru (trâu)
Chưa chắc chắn chi mô
Đâm đầu vô mà chịu,
Cúi đầu vào mà chịu.
Em con nhà phú hữu
Khi sinh năm đẻ mười
Các chị có chồng rồi
Chỉ mình em là út.
Như ván cờ lỡ nước
Như con cá lỡ xuôi
Ngồi nghĩ lại mà coi
Cho tỏ tường ong bướm
Nhiều khi ngồi nghĩ đến
Ai ép bỏ duyên ta ?
Lấy chồng xa cho khổ
Ai đem duyên đi đổ
Đổ sông nước đại giang,
Đổ đất nước nhà làng
Bỏ quê hương Rú Bạc,
Nằm em nghĩ càng bực
Nghĩ không biết ra răng (ra sao)
Ngồi dựa cội bóng trăng
Có lúc mờ lúc tỏ…
Cuộc đời người cũng rứa
Chỉ tại Ông tơ hồng
Thôi duyên kiếp đã đành
Hỏi biết làm sao được.
(Sách làng Tràng Sơn đã dẫn ở trên trang 122)
Ngày xưa đàn ông hơn 50 tuổi lấy con gái cũng là một chuyện lạ hiếm có trong thôn xóm cho nên mọi người bàn tán xôn xao. Tác giả tỏ ra băn khoăn chưa chắc đã hạnh phúc vì: “Con gái mà lấy ông tra / Ông mà đang được phúc nhà ông to”.
Xóm Tây có ông Nhiêu Thường
Hơn năm mươi tuổi lo lường giỏi kinh.
Bây giờ hỏi vợ thật xinh
Xem trong nội trợ hơn con mình đẻ ra.
Con gái mà lấy ông tra (già)
Ông mà đang được, phúc nhà ông to.
Muốn cưới ông phải bán bò
Bán đi sáu chục mà lo bà dì.
Anh em ai chẳng biết chi
Đến bữa ông cưới mới biết mụ dì ông Nhiêu.
(Phan Bá Hàm - Nguyễn Tâm Cẩn: Văn hóa dân gian làng Liên Trì - NXB Lao Động – 2011 trang 142)
Ngược lại có chàng trai cũng ở làng Liên Trì lấy vợ quá già nên đã đưa đến những nỗi đau khổ khôn lường. Chàng trai trong bài ca thật đáng buồn vì lấy vợ thừa người ta mà vợ lại già hơn cả mẹ ! Vừa vất vả lo gia đình lại vừa xấu hổ với bạn bè. Theo tác giả là ”tại cái số sinh ra” - một cách giải thích né tránh trong xã hội cũ, nhằm an ủi chàng trai bất hạnh.
Công anh dạm vợ ba mùa
Dạm được người vợ lại vợ thừa người ta.
Khi đem vợ về nhà
Thấy vợ già hơn mẹ.
Anh nhìn lên mặt mẹ
Thấy mẹ trẻ vợ già
Lòng anh thật xót xa
Biết than cùng ai được.
Tháng ngày đi vùn vụt
Vì phải tội vợ già
Khi sinh chút con ra
Cực lòng anh nhai mớm,
Anh không nhai thì gớm,
Anh không bợm thì thương.
Khi việc họ việc đương
Trao miếng xương cho mẹ,
Gạt miếng mềm cho vợ.
Hay khi anh dang dở
Có bạn đến chơi nhà
Hỏi mẹ nó đi mô ?
Để bà già ấp cháu ?
Tay anh bưng mủng quạu,
Tay anh hái rau thơm,
Ngồi thổi lửa bắc cơm
Đã buồn chiều với bạn.
Tru (trâu) tơ thì anh bán,
Anh mua lấy bò già
Trăm đường tại cái số sinh ra
Biết mần răng cho được,
Làm thế nào cho được !
(Sách làng Liên Trì đã dẫn ở trên trang 162)
Con người xứ Nghệ có tính cách yêu ghét phân minh rạch ròi. Điều đó được phản ảnh rất rõ trong các bài vè về tình yêu trai gái. Qua sự phân tích các bài vè ở đây ta thấy tình yêu trai gái thật là chất phác, đôn hậu. Nó trải qua những cung bậc thăng trầm : vui sướng dạt dào khi thông cảm và buồn bã giận hờn khi chưa hiểu lòng nhau. Họ đã phấn đấu hết sức để đạt được mục đích. Nhưng nếu không lấy được nhau thì họ lại đổ lỗi cho cha mẹ hoặc Ông tơ bà nguyệt, tai số phận và để lại những lời hứa hẹn làm người yêu vừa lòng không thể trách cứ được.
Tài liệu tham khảo:
- Phan Bá Hàm - Nguyễn Tâm Cẩn: Văn hóa dân gian làng Liên Trì - NXB Lao Động – 2011
- Phan Bá Hàm – Nguyễn Tâm Cẩn: Tràng Sơn, một làng Văn hóa dân gian phong phú - NXB Văn hóa Thông tin - 2014
- Phan Bá Hàm - Nguyễn Tâm Cẩn: Hồn quê làng Phú Ninh - NXB Khoa học xã hội - 2015
- Nguyễn Tâm Cẩn - Phan Bá Hàm: Từ Văn hóa dân gian làng Quỳnh Khôi mở rộng ra Văn hóa dân gian vùng đồng chiêm trũng - NXB Hội Nhà Văn – 2019
- Phan Bá Hàm - Nguyễn Tâm Cẩn: Nguồn sáng dân gian làng Yên Nhân – NXB Đại học Vinh - 2020.