Phan Hồng Hải - Hồ Thủy
Hiện nay, trên mảnh đất Nghệ An còn lưu giữ khá nhiều kiến trúc cổ qua từng thời kỳ, nơi hội tụ các giá trị văn hoá, các yếu tố tâm linh, giúp nhân dân, thế hệ trẻ tìm hiểu và tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Mặc dù đã trải qua nhiều biến cố lịch sử song vẫn còn có một số di tích giữ nguyên hiện trạng không gian thiêng như:
Các công trình có kiến trúc thời nhà Lý: Có đền Quả Sơn khởi dựng từ thời Lý. Đền được tu bổ, tôn tạo nhiều lần dưới các triều đại phong kiến Trần, Lê, Nguyễn. Đây có thể xem là một trong những ngôi đền cổ, qua mỗi lần trùng tu, sửa chữa, đền lại càng thêm uy nghi và hoành tráng. Tuy nhiên, trải qua 2 cuộc chiến tranh, đền đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn. Năm 1990 - 1995, dưới sự chỉ đạo của ngành VHTT, đền đã từng bước được phục hồi, tôn tạo trên nền đất cũ. Đây là ngôi đền đẹp, quý, linh thiêng nổi tiếng ở Nghệ An “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.

Đền Quả
Các công trình có kiến trúc từ thời nhà Trần:

Đền Cờn
- Đền Cờn: Trước đây chỉ là miếu thờ, được vua Trần Anh Tông và vua Lê Thánh Tông trên đường đi đánh giặc phương Nam đến thắp hương. Do Tứ vị thánh Nương hiển linh phù trợ đánh thắng giặc nên nhà vua đã ban cấp tiền bạc xây dựng đền bề thế, uy nghiêm, trở thành trung tâm tín ngưỡng của cư dân vùng biển cho đến ngày nay.

Đền Đức Hoàng
- Đền Đức Hoàng: Được xây dựng từ thế kỷ thứ XIII, thờ Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn - người có công trong việc đánh đuổi giặc Nguyên Mông, mặc dù không gian của đền không lớn nhưng hết sức cổ kính.
- Đền Pu Nhạ Thầu hay còn gọi là đền nhà Trần được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XIII trên nền Miếu thờ Mẫu Thượng Ngàn. Đền thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, người đã có công chống Ai Lao xâm lấn vùng đất này. Khi ông mất, triều đình nhà Trần giao cho nhân dân vùng ấp Nam Nhung lập đền thờ và tổ chức cúng tế vào dịp cuối năm.
Các công trình có kiến trúc từ thời hậu Lê:

Đền Bạch Mã
- Đền Bạch Mã (xây dựng năm 1428): Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao to lớn của Phan Đà đã sắc phong cho ông làm “Đô thiên đại đế Bạch Mã Thưởng đẳng phúc thần”, đồng thời cấp tiền, giao cho quan sở tại xây dựng ngôi đền bề thế, tổ chức cúng tế hàng năm để tưởng nhớ ông.

Đền Nguyễn Xí
- Đền Nguyễn Xí: Đền được khởi công theo lệnh của vua Lê Thái Tông vào năm 1467. Nhưng trải qua binh hỏa trong thời kỳ chiến tranh phong kiến Lê - Mạc, rồi Trịnh - Nguyễn, chống Pháp, chống Mỹ đền thờ đã bị thiêu hủy, có lúc chỉ trơ lại một số cây cột ở nhà thượng điện. Nhưng rồi sau đó được trùng tu lại vào các năm 1900 - 1902; 1926 – 1928; 1933.

Đền Hoàng Mười
- Đền Hoàng Mười được xây dựng năm 1634 (thời hậu Lê), đến thờ các vị phúc thần như Song đồng Ngọc Nữ, thờ ông Nguyễn Duy Lạc (một võ tướng thời Lê, quê ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh), thờ hệ thống đạo Mẫu tứ phủ Liễu Hạnh.
Các công trình có kiến trúc từ thời nhà Nguyễn:

Đền Hồng Sơn
- Đền Hồng Sơn: Khởi công năm 1831. Trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964 - 1972), hạ điện bị phá hỏng nhiều, đến năm 1984 đền được phục dựng trở lại. Hiện nay, di tích văn hóa đền Hồng Sơn còn lưu giữ được nguyên gốc các công trình thượng điện, trung điện, gác chuông, tháp miếu, các bia đá, hồ bán nguyệt … được tôn tạo từ thời Nguyễn.

Đền Cuông
- Đền Cuông: Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu lịch sử nào xác định chính xác thời điểm khởi dựng đền Cuông. Tuy nhiên, dưới thời nhà Nguyễn, đền đã được trùng tu nhiều lần, đặc biệt vào năm Giáp Tý (1864), vua Tự Đức ban sắc chỉ xây dựng lại đền với quy mô như ngày nay.
Nghệ An, cái nôi văn hóa truyền thống lâu đời với rất nhiều di tích danh thắng, theo thống kê năm 1964 toàn tỉnh có 1948 di tích nhưng đến năm 1996 thống kê lại chỉ còn 872 di tích, trong đó, đã có 132 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 94 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Mỗi di tích thường gắn với mỗi một nhân vật được thờ cúng, đó có thể là Thành hoàng làng, là anh hùng cách mạng, là doanh nhân văn hóa... Qua đó, chúng ta có thêm cơ sở để khẳng định, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, dưới nhiều triều đại, Nghệ Tĩnh luôn là đất "phên dậu", chỗ dựa vững chắc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Thế nên, tại đây vẫn lưu giữ hàng nghìn di tích - đánh dấu các chặng đường phát triển của đất nước. Đây cũng là chứng tích còn sót lại, là cơ sở khoa học thực tiễn có giá trị để tiếp tục khẳng định Nghệ An là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống yêu nước, hiếu học.