Nguyễn Tấn Tuấn
(Sở Văn hóa, Thể thao Bình Định)
Các nhà nghiên cứu đã từng nhiều lần đề cập đến nhiều vấn đề về chữ Nôm dưới góc độ ngôn ngữ học, dưới góc độ văn hóa, nghiên cứu ứng dụng khoa học thông tin vào việc đọc giải mã và in ấn các tác phẩm chữ Nôm, mối quan hệ giữa chữ Nôm Việt Nam đối với chữ Hán Trung Hoa, chữ Nhật Bản, chữ Triều tiên và các vấn đề văn hóa Nôm - một trong những khát vọng độc lập, tự chủ của cha ông ta nghìn năm trước.
Sáng tạo chữ nôm
Nền văn hóa Việt Nam trong lịch sử hằng ngàn năm đã được tạo nên bởi yếu tố nội sinh lại vừa có yếu tố ngoại nhập trên cơ sở tiếp thu một cách có sáng tạo văn hóa nước ngoài. Người Việt Nam đã dựa trên các ký tự chữ Hán sáng tạo nên chữ Nôm để ghi âm tiếng Việt, tiếng Tày Nùng, Nôm Dao. Cứ liệu sớm nhất về chữ Nôm Việt xuất hiện trên bài văn khắc trên quả chuông Văn Bản năm 1076 - thời Lý Nhân Tông đến thế kỷ XI. Ban đầu chữ Nôm chỉ dùng để ghi tên người và tên đất, nhưng càng về sau, chữ Nôm càng trở nên phổ biến trong đời sống văn hóa của đất nước.
Đối với lịch sử văn học, chữ Nôm có một vai trò đặc biệt quan trọng, tạo ra nền tảng văn học chữ Nôm với nhiều thành tựu rực rỡ trong nhiều thế kỷ. Từ chữ nôm, nền văn học cổ nước ta sinh ra ba thể loại độc đáo của riêng Việt Nam. Đó là Truyện thơ Nôm (lục bát), Ngâm khúc (song thất lục bát) và Hát nói (trong ca trù). Có thể kể ra các tác phẩm chữ Nôm của Việt Nam như: Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Truyện kiều (Nguyễn Du), Chinh Phụ Ngâm (Đoàn Thị Điểm), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)... Hiện viên nghiên cứu Hán Nôm đang lưu trữ 1559 đơn vị tài liệu chữ Nôm Việt và khoảng vài ngàn bản sách chữ Hán Nôm của các dân tộc miền núi phía Bắc, bao gồm nhiều mảng nội dung liên quan đến: Tư tưởng, Triết học, Văn học, Ngôn ngữ, Luật pháp, Đạo đức, Y học... Những tài liệu này có một giá trị đặc biệt trong việc nghiên cứu về mọi mặt đời sống của các dân tộc ở Việt Nam trong quá khứ.
Trong di sản chữ Nôm còn lại đến ngày nay còn có các bản rập ngự bút của chúa Trịnh Sâm tại động Hương Tích, ngự bút của Lê hy Tông tại chùa Đậu (Hà Tây) và bốn bản ngự bút của vua Lê Dụ Tông. 4 bài thơ thất ngôn bát cú được viết bằng bút pháp vô cùng khoáng đạt do đích thân vua Lê Dụ Tông ngự đề ở các chùa nơi ông từng thăm qua. Ngoài ra, chữ Nôm được dùng trong tranh dân gian Đông Hồ, các dòng chữ Nôm đề ở góc bức tranh còn khá bí ẩn, nó như một phần trang trí thêm và đôi khi tưởng như một cách lấp bớt những khiếm khuyết trong bố cục tranh. Đặc biệt, ngày nay chúng ta còn lưu giữ nguyên bản cuốn từ điển Hán nôm cổ nhất Việt Nam, được soạn trong thế kỷ XVII giải thích 3394 mục từ ngữ Hán sáng Nôm theo lối có vần, chủ yếu là thơ lục bát.
Theo một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm - người đã có hàng chục năm nghiên cứu một phương cách để vi tính hóa thứ chữ rất khó nhớ, khó học này thì chữ Nôm có lịch sử khoảng 1000 năm nay. Thế kỷ XI, nó mới chỉ có dấu hiệu ra đời, thì đến thế kỷ XIII, XIV đã đóng vai trò thực sự là một văn tự. Chữ Nôm viết trên giấy bản, viết tay hoặc khắc in trên bia, bi ký, chuông... rải rác trong dân gian, ở các tư gia và chủ yếu là các di tích.
Chữ nôm và tiếng Việt
Có lịch sử cả ngàn năm và đóng vai trò quan trọng trong nhiều giai đoạn quan trọng của lịch sử nền văn hóa của dân tộc, nhưng chữ Nôm, loại hình chữ viết đầu tiên phát âm bằng tiếng Việt ngày càng trở nên xa lạ với người Việt Nam ngày nay. Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà xã hội học, số người Việt Nam biết chữ Nôm ở nước ta hiện còn ít hơn biết chữ Hán – chữ Tàu. Theo các chuyên gia về ngôn ngữ học, để tìm lại một vị trí nào đó của chữ Nôm trong đời sống văn hóa thời hội nhập, trước hết về quan điểm, chúng ta không được phép coi chữ Nôm chỉ đơn thuần là di sản cần khai thác để biết cha ông ta gửi gắm cho thế hệ sau những gì, mà cần phải phổ biến cho người dân càng nhiều càng tốt, nhất là lớp người trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x, 10x. Vì bảo tồn chữ Nôm không phải lưu giữ trong các kho lưu trữ, trong các thư viện lớn, mà là đưa nó đến với người đời sau để tiếp tục sử dụng, nghiên cứu, học tập...
Người Nhật Bản, người Trung Quốc đến nay vẫn không từ bỏ chữ tượng hình để chuyển sang dùng chữ Latinh thông dụng quốc tế hơn. Đâu phải vì họ không đủ trí tuệ để làm việc đó. Mà lý do chính là bởi họ thấy chữ biểu ý, tượng hình, tượng thanh rất thích hợp cho việc phân biệt nghĩa bằng mắt. Ở nước ta, để chữ Nôm được bảo tồn, nên chăng trong các di tích hoặc thắng cảnh có những hạng mục xây mới hoặc tu sửa, trùng tu, thì ngoài chữ Hán cổ duy trì ở các văn bia, câu đối, rất nên sử dụng thêm chữ Nôm thay vì chỉ sử dụng chữ Quốc ngữ như hiện nay.
Tóm lại, để duy trì, bảo tồn vốn chữ Nôm của cha ông, chúng ta cần phải chứng tỏ vai trò của chữ Nôm trong nhiều lĩnh vực học tập, nghiên cứu và đời sống xã hội. Mặt khác chúng ta có thể lưu trữ chữ Nôm bằng con đường qua mạng, qua ổ cứng máy vi tính. Cần thu gom vốn chữ nôm của cha ông sau đó mã hóa chữ nôm theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là kinh nghiệm, mối quan tâm chung của các dân tộc sử dụng chữ ô vuông. Người Trung Quốc đã nghĩ ra cách tin học hóa chữ viết của họ, để có thể dùng đánh chữ bằng bàn phím máy vi tính. Ở Việt Nam mới đây nhà nghiên cứu Pham Anh Dũng ở Huế đã nghĩ ra cách mã hóa chữ Nôm, nhưng hình thức này chỉ có thể sử dụng hạn chế trong nước, còn ra quốc tế thì họ không sử dụng được. Góp vào kho chữ biểu ý ấy, hiện chúng ta đã có hơn 10.000 chữ Nôm là một di sản Văn hóa Cổ rất quý giá ...NTT
Chú thích: Bài viết có tham khảo các tài liệu sau:
- TL Hội thảo quốc tế về “Thư tịch chữ Hán ở Đông Á và từ Thư Cổ Hán Nôm Việt Nam
- Hội thảo Quốc gia về “Vai trò của Hán Nôm trong Văn hóa đương đại”
- Hội thảo khoa học Quốc tế về “Văn tự với Văn hóa Đông Á - 2015