LỆ CƠ
Người ta vẫn quen với suy nghĩ im lặng là đồng ý. Và sự im lặng dần tạo thành một sức ì kinh khủng và nặng nề đè lên sự phát triển. Im lặng không thể hiện cho sự ổn định, mà chỉ thể hiện những nguy cơ ngầm ẩn ở bên trong rất nguy hiểm, chờ thời cơ để bùng phát. Vậy nên, trong xã hội hiện đại, sự im lặng trở thành một báo động nguy hiểm.
Những phiên họp một người
Gần đây, có nhiều người đã lên tiếng phản ánh và phản đối việc ở các cơ quan nhà nước đang mất quá nhiều thời gian và tiền bạc cho những cuộc họp liên tục, dày đặc và vô thưởng vô phạt. Điều đó có thể đúng, họp là để giải quyết các vấn đề vướng mắc của cơ quan, tổ chức. Họp mà không hiệu quả, tức không giải quyết được việc gì nhiều thì không nên họp, và càng không nên họp quá nhiều. Tuy nhiên, đặt ngược lại, nếu nói không họp để trao đổi mà công việc vẫn được giải quyết thì liệu có ai dám chắc? Vấn đề là hiệu quả của cuộc họp và nên họp thế nào cho hợp lý.
Ở nhiều cơ quan, một thực trạng khá phổ biến là thường xuyên có những cuộc-họp-một-người. Đó là những cuộc họp mà chỉ có một người trình bày và phân tích từ đầu đến cuối, những người khác chỉ gần như tham dự chứ không tham gia vào cuộc họp. Bắt đầu, người chủ trì phát biểu đặt vấn đề khai mạc cuộc họp. Rồi cũng người này trình bày toàn thể các nội dung của cuộc họp. Giữa các nội dung, có hỏi ý kiến trao đổi của những người khác nhưng chỉ nhận được những cái gật đầu hoặc im lặng, hoặc cúi đầu. Cứ như vậy, người chủ trì kết luận và kết thúc cuộc họp. Có nhiều cuộc họp kéo dài vài tiếng đồng hồ nhưng hầu như không có một ý kiến nào được đưa ra. Tất cả những người khác đều cúi đầu im lặng. Phải chăng họ đồng ý với toàn bộ những ý kiến do người chủ trì cuộc họp đưa ra? Phải chăng tất cả những phân tích của người chủ trì cuộc họp và cả ý kiến riêng của người này nữa, đều hoàn toàn chính xác đến mức người ta không còn gì để nói? Vì người ta vẫn bảo “im lặng là đồng ý”. Có lẽ không đúng. Những người tham gia các cuộc họp không hẳn đồng ý hoàn toàn với ý kiến của người chủ trì. Chỉ là họ chưa thể hiện sự quan tâm đúng mức của mình đến những vấn đề đó!
Văn hóa tranh luận
Thứ thiếu lớn nhất trong những cuộc họp một người chính là sự tranh luận, thảo luận. Rộng hơn nữa, chúng ta đang thiếu một nền văn hóa tranh luận lành mạnh và nghiêm túc. Trên bình diện lớn là những tranh luận của giới trí thức, của nhiều người liên quan về các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trao đổi, tranh luận là để tìm kiếm những đồng thuận, tìm kiếm những quan điểm hợp lý hơn để nhận thức và hoạch định về sự phát triển. Văn hóa tranh luận là sự giao thoa, gặp gỡ của nhiều quan điểm khác nhau về một vấn đề đang được quan tâm. Và văn hóa tranh luận cũng dựa trên tinh thần khách quan, nghiêm túc và tôn trọng quan điểm của nhau. Nhưng trong một thời gian dài, chúng ta không xây dựng được một nền văn hóa tranh luận lành mạnh và nghiêm túc, các tranh luận thường dễ bị kéo theo các hướng chính trị hóa và quy chụp về quan điểm hay về hành vi cá nhân, đời sống riêng tư. Trong khi đó, tranh luận để đi đến tận cùng các quan điểm trái chiều lại ít được tôn trọng và phát triển thêm nhằm góp phần vào việc nhận thức vấn đề một cách khách quan hơn, sâu sắc hơn.
Chỉ bàn đến việc tranh luận trong các cuộc họp thôi cũng đã là một vấn đề lớn. Kinh nghiệm từ một số cơ quan, doanh nghiệp cho thấy việc xây dựng văn hóa thảo luận, tranh luận là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công. Trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhiều cơ quan đã coi trọng đến văn hóa tranh luận. Tuy nhiên, để giữ được tinh thần tranh luận của nhiều người tham gia không phải là dễ dàng. Có nhiều cơ quan, khi mới thành lập thường rất cởi mở, các cuộc họp diễn ra sôi nổi, gần như mọi người đều tham gia thể hiện ý kiến và tranh luận quan điểm của mình với người khác, từ đó giúp cho người quản lý tìm ra được những định hướng phát triển hợp lý nhất dựa vào trí tuệ đám đông.
Nhiều năm qua, các chương trình khởi nghiệp hay các chiến lược phát triển đều coi trọng khả năng làm việc nhóm và phát huy các nhóm làm việc một cách có hiệu quả như là một chìa khóa để phát triển. Nhiều người nghĩ rằng làm việc nhóm là tập hợp một nhóm người tương đồng về quan điểm hay cách thức thực hiện công việc để đạt mục tiêu. Đó là suy nghĩ sai lầm. Làm việc nhóm là làm việc tập thể dựa vào sự khác biệt của các thành viên cùng với những kỹ năng riêng biệt, tuy nhiên họ lại có chung một ý tưởng hay một mục đích. Các thành viên trong nhóm vận dụng những tri thức, kỹ năng riêng của mình để hoàn thành công việc, và khi các thành viên hoàn thành công việc của mình thì sẽ đạt được ý tưởng và mục tiêu của nhóm. Vì trong xã hội hiện đại, các công việc mang tính phức hợp đòi hỏi nhiều kỹ năng, tri thức khác nhau nên làm việc nhóm sẽ hiệu quả hơn so với làm việc một mình. Và làm việc nhóm, cũng là cách thức làm việc dựa trên sự tranh luận, thảo luận mà tìm kiếm được phương pháp hợp lý để phát huy sở trường của nhau. Không có một nhóm đồng nhất về các phương diện.
Duy trì được văn hóa tranh luận trong các cơ quan cũng là một chuyện không dễ. Như đã nói, nhiều cơ quan, lúc đầu văn hóa tranh luận rất sôi nổi tạo nên sự phát triển năng động và nhanh chóng hơn, phát huy được sức lực, trí tuệ của nhiều người trong cơ quan. Tuy nhiên, càng về sau, khi bộ máy bắt đầu ổn định và sức nặng của các thiết chế bắt đầu được áp đặt thì sự tranh luận, thảo luận từ các thành viên cũng bắt đầu hạn chế dần. Có thể là do nhiều lần đưa ra ý kiến cũng không được chấp nhận nên người ta nản dần, cũng có thể do mọi việc không thật sự dân chủ nên người ta cũng không muốn thảo luận, và có cả việc trách nhiệm với công việc bị suy giảm và bào mòn do họ đã có được vị trí mong muốn hoặc là chấp nhận an phận với vị trí hiện tại, không còn mục tiêu phấn đấu mà dần họ bỏ mất sự thể hiện ý kiến của mình. Cứ vậy rồi đến một lúc, các cuộc họp lại trở thành những cuộc họp một người. Người ta đến với các cuộc họp với tư cách tham dự chứ không tham gia, và họp càng nhiều thì càng mệt mỏi, chán nản, ảnh hưởng thêm đến chất lượng công việc. Mà không họp thì trở thành một sự bỏ mặc công việc.
Bàn thêm về sự tôn trọng
Để các cuộc họp có hiệu quả, giải quyết được những vướng mắc trong công việc thì phải làm cách hạn chế các cuộc họp một người, xóa bỏ sự im lặng trong các cuộc họp và xây dựng văn hóa tranh luận, thảo luận từ mọi thành viên. Muốn vậy cần phải bắt đầu từ sự tôn trọng.
Trước hết, đó là sự tôn trọng công việc, tôn trọng nghề nghiệp. Có những người, công việc gắn liền với nghề nghiệp nên cần tôn trọng. Nhưng có những người làm công việc không gắn với nghề nghiệp của mình, họ nghĩ chỉ là làm việc này tạm thời nên nhiều khi có ý coi thường, thiếu tôn trọng đến công việc của mình. Đã làm công việc gì cũng phải tôn trọng nghề đó. Dù làm tạm thời, làm một ngày hay làm cả đời thì cũng phải tôn trọng, và phải làm thật nghiêm túc thì sẽ được sự tôn trọng. Tôn trọng công việc được thể hiện ở thái độ làm việc nghiêm túc, có chính kiến và có phương pháp làm việc hợp lý và hài hòa.
Tiếp đến là tôn trọng sự khác biệt. Trong một cuộc họp, ý kiến trái chiều vô cùng quan trọng để tạo ra những tranh luận, thảo luận nghiêm túc. Mọi người đều có ý kiến của riêng mình, và đều có quyền thể hiện ý kiến của mình một cách rõ ràng. Mọi người đều phải tôn trọng ý kiến, quan điểm của những người khác. Đó chính là tôn trọng sự khác biệt. Khi ý kiến cá nhân được tôn trọng thì người ta sẽ góp phần trao đổi, thảo luận nhiều hơn. Có những ý kiến tưởng chừng ngây thơ, nhưng đừng vội lên án hay coi thường, hãy cứ để họ phát biểu, rồi đến lúc sẽ có những ý kiến có giá trị. Tôn trọng sự khác biệt là một thứ năng lực quan trọng đối với con người trong cuộc sống hiện đại, nhất là những người làm quản lý. Không tôn trọng, chưa chấp nhận được sự khác biệt từ người khác thì không thể quản lý và cũng khó để làm việc theo nhóm được. Nói chung, sự khác biệt được tôn trọng là một chía khóa để mở cách cửa của trí tuệ đám đông, của làm việc nhóm và cao hơn là cả liên kết tri thức trong xã hội hiện đại.
Cuối cùng là sự tôn trọng bản thân. Dù tham gia vào một việc gì thì sự tôn trọng bản thân hay sự tự trọng vô cùng quan trọng đối với một con người. Làm việc phải có trách nhiệm, đó là sự tôn trọng chính mình. Trong công việc, thể hiện quan điểm, ý kiến của mình một cách nghiêm túc để đóng góp vào giải quyết công việc, vào phát triển của cơ quan là một sự tôn trọng bản thân. Nếu ai đó tự bỏ qua những trách nhiệm và quyền lợi được thể hiện chính mình trong công việc là tự coi thường bản thân cũng như thiếu tôn trọng đến công việc, thiếu tôn trọng người khác.
Với những người biết tôn trọng bản thân, tôn trọng công việc, nghề nghiệp và tôn trọng sự khác biệt thì họ tiếp cận các cuộc họp với một tâm thế khác. Lúc đó, cuộc họp không còn là của một người, mà là nơi để giải quyết công việc và thể hiện bản thân một cách có hiệu quả nhất thông qua sự tranh luận nghiêm túc.
Im lặng là … cực kỳ nguy hiểm
Trong một cuộc họp, sự im lặng của nhiều người thể hiện sự kém phát triển, cao hơn nữa là sự tụt hậu, thoái hóa. Sự im lặng của những người tham gia chính là sự vô trách nhiệm với công việc. Sự im lặng cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng công việc, thiếu tôn trọng người khác và cả thiếu tôn trọng bản thân. Nó cũng thể hiện những phương thức quản lý hiện tại của cơ quan đó đang có vấn đề và các hoạch định phát triển đang không được phần đa những người trong cuộc đón nhận tích cực. Một cơ quan mà liên tục có những cuộc họp một người thì vấn đề quan trọng là phải xem lại cả hệ thống điều hành của cơ quan đó. Sự im lặng, lúc đó không còn là đồng ý, mà đó là sự báo động nguy hiểm cao độ cho sự phát triển của một cơ quan./.